Những điều mà chúng ta thường hiểu sai về Leonardo da Vinci
Những điều mà chúng ta thường hiểu sai về Leonardo da Vinci
Mặc dù Leonardo da Vinci nổi tiếng khắp thế giới nhưng chúng ta lại biết rất ít về ông. Ngoài một vài hồ sơ của tòa án Florence về một cáo buộc đã được hủy bỏ và tất nhiên là cả những cuốn sổ tay của ông, tên tuổi của ông chủ yếu được biết đến thông qua các tác phẩm, bản vẽ, tranh vẽ và thiết kế độc đáo của mình.

Da Vinci rất đặc biệt, ông từng học nghề với các bậc thầy như nhà điêu khắc và họa sĩ Andrea del Verrocchio, và như nhiều người trong thời kỳ Phục Hưng, ông cũng quen thuộc với các tác phẩm của các triết gia Hy Lạp và La Mã nhưng hầu hết những khám phá nghệ thuật và khoa học của ông lại đến từ việc quan sát trực tiếp thế giới tự nhiên thay vì từ những kỹ năng chế tác hay kiến thức học thuật.

Điều này, một cách tình cờ, là thông điệp chính mà bộ phim tài liệu mới “Leonardo da Vinci” của Ken Burns, muốn nhấn mạnh. Bộ phim nhằm làm sáng tỏ một số hiểu lầm phổ biến về cuộc đời và di sản của Da Vinci, vốn đã bị làm lãng mạn hóa qua nhiều thế kỷ, từ những điều không chính xác về mặt học thuật trong một số tiểu sử, cho đến tiểu thuyết “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown.

Theo lập luận của bộ phim tài liệu của Burns, Da Vinci thực ra không phát minh ra xe tăng hay máy bay trực thăng hiện đại. Ông cũng không phải là một nhà truyền giáo thần bí với các mối liên hệ đến nguồn gốc bí mật của Kitô giáo. Ngược lại, ông là một người vô cùng duy lý, với sự tò mò vô tận, ông đã đưa ra những kết luận mà người khác bỏ qua. Da Vinci cũng không phải là người đa tài, mà là một người có kiến thức đa ngành, người nhìn nhận các lĩnh vực nghệ thuật, toán học, địa chất, vật lý và hóa học không phải riêng rẽ mà bổ trợ cho nhau, mỗi lĩnh vực đều đóng góp vào sự hiểu biết đầy đủ hơn về thực tại.

Trong buổi phỏng vấn dưới đây, Burns thảo luận không chỉ về những gì mà mọi người thường hiểu sai về da Vinci mà còn về cách mà công việc của ông được thúc đẩy. 

 

Leonardo thực sự

 

Khi được hỏi điều gì đã thu hút ông đến chủ đề này, Burns đã trả lời: “Leonardo cực kỳ hiện đại mặc dù sống cách đây hơn 500 năm. Không phải vì ông phát minh ra máy bay trực thăng — ông không làm vậy — mà vì ông có tính tò mò. Ông vẫn còn ý nghĩa ngày nay nhờ khả năng đặt câu hỏi và khám phá.”

Có lẽ hiểu lầm lớn nhất về da Vinci là ông chỉ là người của thời đại mình, sản phẩm của thời Phục Hưng và sự quan tâm tới nghệ thuật và khoa học từ thời cổ điển, trước thời kỳ Kitô giáo. Thực tế, một số khám phá lớn nhất của ông xuất phát từ việc ông bỏ qua các niềm tin như những người đương thời mà đến với thiên nhiên.

 Burns cho biết: “Hoàn cảnh của ông, bao gồm việc sinh ra ngoài giá thú nên không thể học đại học, khiến cho giáo viên lớn nhất của ông là thiên nhiên. Ông luôn luôn tạo ra các liên kết, chẳng hạn như nhìn thấy gân lá tương tự như tĩnh mạch của con người. Ông không dễ dàng chấp nhận kiến thức sẵn có, ông đặt câu hỏi, phân tích nó — theo nghĩa đen.”

Da Vinci không chỉ giải phẫu cơ thể người và động vật, mà còn tạo ra các mô hình bằng sáp của các cơ quan nội tạng để tái tạo lại tính chất thủy lực của dòng máu bằng nước và hạt.  “Phải mất hàng thế kỷ để công nghệ hình ảnh hiện đại chứng minh rằng ông đã đúng,” Burns nhận xét. “Và ông không có kính hiển vi hay kính viễn vọng.”

Nghiên cứu khoa học của ông cũng ảnh hưởng đến nghệ thuật của ông, mà ông coi là sự tái hiện chính xác và có tổ chức của vẻ ngoài của tự nhiên: ánh sáng chiếu vào các vật thể, đổ bóng của vật thể, cơ và xương dưới lớp da, và cách mà tất cả những gì ta nhìn thấy bị méo đi bởi góc nhìn.

Một trong những bức tranh đầu tiên được hoàn thành của ông, “The Annunciation” (1472-1476), trong đó Thiên sứ Gabriel báo tin cho Mary rằng bà đang mang thai con trai của Chúa, kết hợp các mối quan tâm khác nhau của ông, bao gồm giải phẫu, chất liệu vải vóc, thực vật và kiến trúc, vào một hình ảnh phức tạp chưa từng có. Nhiều bức chân dung được yêu thích của ông, bao gồm Mona Lisa, được vẽ bằng kỹ thuật sfumato, trong đó các sự chuyển sắc độ, tông màu và giá trị màu sắc được giữ tinh tế đến mức khó nhận biết. Da Vinci đã phát triển kỹ thuật này hơn so với các đồng nghiệp của mình, với việc sử dụng đến 40 lớp sơn dầu mỏng và gần như trong suốt để làm cho làn da của các chủ thể trong suốt và sống động như thật. 

Ông hiếm khi hoàn thành tranh và đã từng xin làm kỹ sư quân sự cho Công tước Sforza để thoát khỏi những đơn đặt hàng, điều này cho thấy ông không bị thúc đẩy bởi tiền bạc hay danh vọng mà bởi khao khát thực sự muốn hiểu cách thế giới vận hành. Để đạt được mục đích này, bộ phim tài liệu sắp ra mắt chỉ ra rằng, mặc dù da Vinci không theo Công giáo thông thường, ông vẫn cảm nhận môi trường xung quanh mình là một phần của một hệ thống bao trùm — một hệ thống mà, giống như Chúa, ông coi là hoàn hảo và không thể cải thiện thêm được.

 

Vượt ra khỏi một bộ phim tài liệu 

 

Ken Burns trước đó được biết đến qua “The Civil War”, loạt phim tài liệu nổi tiếng từ năm 1990 của ông về cuộc nội chiến Mỹ. Bộ phim đã biến cuộc xung đột nổi tiếng từ một chủ đề chỉ dành cho các học giả và những người đam mê lịch sử thành một chủ đề được nhiều người biết đến và bàn luận rộng rãi. Ngày nay, hầu hết các bộ phim tài liệu chỉ là những bài viết Wikipedia có hình ảnh và phỏng vấn, chỉ thú vị hơn đôi chút so với những cuốn sách mà chúng dựa vào. Nhưng ở mức tốt nhất, chúng nắm bắt được tinh thần văn hóa đương thời bằng cách làm cho học thuật trở nên gần gũi và hấp dẫn với đại chúng.

Một cách mà Burns nâng tầm các bộ phim tài liệu của mình, vượt khỏi dạng bài viết Wikipedia có hình ảnh đó là cho phép chủ đề của ông định hình cách kể câu chuyện, nhờ đó mỗi bộ phim đều mang một nét độc đáo riêng. “Leonardo vẫn là một bí ẩn theo nhiều cách, đặc biệt là về những khía cạnh cá nhân của cuộc sống ông,” ông nói. “Dù để lại hàng ngàn trang ghi chú và bản vẽ, chúng ta biết rất ít về những chi tiết trong đời sống hằng ngày của ông. Điều đó thực sự mang lại cho chúng tôi không gian tự do sáng tạo. Chúng tôi không cảm thấy bị ràng buộc phải phỏng đoán nhiều về cuộc sống cá nhân của ông, điều này cho phép chúng tôi tập trung vào công việc và tư tưởng của ông.”

Được truyền cảm hứng từ phương pháp tiếp cận đa ngành của Leonardo da Vinci, bộ phim “Leonardo da Vinci” bao gồm nhiều bản thiết kế cho các thiết bị của ông bên cạnh hình ảnh các loài thực vật và động vật truyền cảm hứng cho chúng, hoặc hình ảnh các loại máy móc hiện đại có sự tương đồng lớn với thiết kế ban đầu của ông. Bộ phim cũng có sự góp mặt của nhiều nhân vật đa dạng, không chỉ thể hiện sự đa dạng trong sở thích của da Vinci mà còn thể hiện sự ảnh hưởng của ông đối với các lĩnh vực và nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh các nhà văn và sử gia quen thuộc, bạn cũng sẽ nghe thấy tiếng nói của một số nghệ sĩ đương đại, cùng với nhà làm phim Guillermo Del Toro.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng một bộ phim tài liệu hay nên gói gọn lịch sử – làm cho nó trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn, giống như nhiều bảo tàng đẳng cấp thế giới hiện nay có các triển lãm tương tác – hay nên để lịch sử tự kể câu chuyện của nó mà không bị ảnh hưởng bởi trình độ kiến thức hay sở thích của khán giả, Burns nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm sau”.

Có lẽ ‘giúp lịch sử tự lên tiếng’ sẽ là cách diễn đạt tốt hơn, vì rốt cuộc quá khứ đã qua rồi và cần được người sống ở hiện tại phục dựng để truyền lại cho thế hệ sau. Dù ông làm phim tài liệu về da Vinci hay Abraham Lincoln, công việc chính của Burns là tìm cách làm cho lịch sử trở nên sống động mà không bóp méo nó:

“Từ lâu, việc làm phim tài liệu đã được tôn vinh trong việc  vận động cho những mục đích xã hội hoặc chính trị. Một số phim tài liệu tôi yêu thích nhất cũng thuộc thể loại này. Nhưng khi quyết định tập trung vào lịch sử, tôi cảm thấy quan trọng là phải nhường chỗ cho sự thật và giữ sự khách quan nhất có thể. Quá khứ đã vô cùng kịch tính, và nếu để nó tự nhiên, nó còn kịch tính hơn nữa.”

Giống như da Vinci, lòng ngưỡng mộ của Burns đối với lịch sử gần như mang tính tôn giáo. ‘Chúa là nhà biên kịch vĩ đại nhất’, Shelby Foote, một nhà văn và nhà sử học từng xuất hiện trong bộ phim “Civil War”, từng nói với ông ấy. Nói cách khác, không có câu chuyện nào hấp dẫn, bất ngờ và xúc động hơn câu chuyện tập thể, hoàn chỉnh của loài người chúng ta, với tất cả những mâu thuẫn và phức tạp vẫn nguyên vẹn.

“Điều quan trọng là kể câu chuyện như nó đã xảy ra,” Burns nhấn mạnh. “Không cần phải thêm thắt. Mọi người vẫn có thể tự rút ra kết luận từ những phức tạp và mâu thuẫn tự nhiên xuất hiện. Ngay cả những anh hùng vĩ đại nhất cũng có khuyết điểm của họ, và ngay cả những kẻ phản diện tồi tệ nhất cũng có phần nhân tính. Nếu bạn trung thực với những phức tạp đó, câu chuyện sẽ tự lên tiếng. Tất nhiên, việc lựa chọn sự kiện nào để đưa vào đã có chút chủ quan – không có gì hoàn toàn khách quan – nhưng bạn vẫn có thể tôn vinh những phức tạp đó.”

Ông kết luận: “Cuối cùng, mọi việc đều nằm ở chỗ tạo dựng một câu chuyện tôn vinh những mâu thuẫn của cuộc sống thực, nơi một người có thể vừa là một điều, vừa là điều ngược lại. Đó không phải là bí mật – đó chỉ là chìa khóa để kể chuyện hay.’ Trùng hợp thay, đó cũng là chìa khóa để hiểu Leonardo da Vinci.”

- Theo Big Think

Tags: