Chiều 15/12, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam nhậm chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) nhiệm kỳ 2022-2023.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đánh giá đây là vinh dự rất lớn của giới xuất bản trong nước. Song, khi nắm giữ chức vụ này, Hội Xuất bản Việt Nam cần có những sáng kiến, hoạt động cụ thể giúp người làm sách trong nước tận dụng cơ hội để tạo ra điểm sáng; đồng thời kết nối các thành viên ABPA cùng nhau phát triển.
Thái Lan là quốc gia nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á trong nhiệm kỳ trước. Theo bà Trasvin Jittidecharak - Cố vấn danh dự Hội Xuất bản Thái Lan (PUBAT), Tổng thư ký ABPA (nhiệm kỳ 2020-2021) - khi đảm nhận chức vụ này, Hội Xuất bản Thái Lan đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình cho các thành viên ở hai lĩnh vực: Thích ứng công nghệ và mua bán bản quyền sách.
Tiếp nối thành tựu đó, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Hội Xuất bản Việt Nam), cho hay được sự thống nhất cao của các thành viên trong nước, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ xây dựng chương trình hoạt động cụ thể để phát huy vai trò của giới xuất bản Việt Nam trong ABPA, cũng như vai trò của ABPA đối với các nền xuất bản khác trên thế giới.
Ông Nguyễn Nguyên cũng nêu ba nhiệm vụ trọng tâm mà giới xuất bản Việt Nam sẽ triển khai khi nắm giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á trong nhiệm kỳ 2022-2023.
Thứ nhất, đó là bảo vệ bản quyền, một trong những hoạt động chính để vừa bảo vệ, vừa phát triển hoạt động xuất bản. Đây cũng là vấn đề lớn còn nhiều nhức nhối cần thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số toàn ngành.
Thứ hai là tăng cường các hoạt động để phát triển văn hóa đọc. “Mỗi quốc gia sẽ có những kế hoạch, chương trình cụ thể. Thủ đô sách thế giới cũng là một trong những mong muốn chúng tôi hướng tới khi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên này”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Thứ ba là cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để các nước thành viên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19, đưa ngành xuất bản trong khu vực phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới đây.
Ông Phạm Trần Long - Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam; Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới - cho biết từ khi đồng sáng lập và tham gia Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, giới xuất bản trong nước luôn tích cực phối hợp các nước thành viên để thúc đẩy ngành sách trong khu vực phát triển.
“Dự kiến trong năm 2022, đại dịch Covid-19 còn tác động tới nền kinh tế nói chung và ngành xuất bản nói riêng. Các quốc gia thành viên của ABPA cũng có thể mang lại bài học kinh nghiệm hay để giới xuất bản trong nước tham khảo”, ông Long bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Hội Xuất bản Việt Nam đã trải qua thời gian đủ dài để rà soát và có công tác chuẩn bị khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á.
Theo đó, ông đề ra những sáng kiến mà giới xuất bản trong nước sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ 2022-2023 tới đây.
Đầu tiên là tăng cường kết nối các đơn vị thành viên thông qua tổ chức thường xuyên hội thảo, hoạt động hội chợ sách trực tuyến (có thể kết hợp thực địa nếu điều kiện cho phép) để các đơn vị cùng nhau lan tỏa và phát triển văn hóa đọc.
Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ lên kế hoạch triển khai một số hội thảo chuyên đề, từ đó chia sẻ kinh nghiệm xuất bản của các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Thứ ba, một số nội dung mới hơn giới xuất bản Việt Nam cần triển khai khi nắm giữ chức vụ chủ tịch luân phiên như: Làm thế nào để kết nối các hiệp hội xuất bản trên thế giới, phát triển website thông tin về xuất bản và tận dụng cơ hội chuyển đổi số để thực hiện nhanh hơn nữa các bước tiến trong xuất bản.
“Đó là những nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện trong thời gian tới đây. Chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông, báo chí thông qua việc kết nối với bạn đọc và đơn vị xuất bản sẽ đóng góp thêm sáng kiến để Hội Xuất bản Việt Nam gặt hái được nhiều thành công hơn nữa”, ông Nguyễn Nguyên bày tỏ.
Theo ông Phạm Trần Long, việc tổ chức các hội chợ, triển lãm sách, giao lưu trao đổi bản quyền, chia sẻ kinh nghiệm và cách làm hay của ngành xuất bản các nước trong khu vực sẽ là những nhiệm vụ mà Hội Xuất bản Việt Nam cần chú trọng thực hiện.
“Nếu điều kiện cho phép, Hội Xuất bản Việt Nam mong muốn phối hợp các quốc gia thành viên trong khu vực tổ chức Hội sách ASEAN tại Đường sách TP.HCM. Đây cũng là địa điểm giới xuất bản trong nước có thể giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình đường sách với các nước bạn”, ông Long đề xuất.
Theo Zing News