‘Nghỉ ngơi hiệu quả’: Làm việc chậm lại có thể giúp bạn làm được nhiều việc hơn như thế nào?
‘Nghỉ ngơi hiệu quả’: Làm việc chậm lại có thể giúp bạn làm được nhiều việc hơn như thế nào?
Thế giới nói với ta rằng làm việc liên tục là không thể tránh khỏi. Gắng sức làm việc là một vinh dự, nghỉ ngơi là yếu đuối. Người thành công vẫn luôn nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ. Chúng ta đều biết điều này không lành mạnh và chẳng bền bỉ. Vậy có cách nào chăng?
Tuần làm việc 4 giờ
(352 lượt)
Deep Work
(3 lượt)
Nghỉ ngơi chưa từng được đánh giá cao trong thế giới hoạt động 24/7 này, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Thực tế là các xã hội ngày xưa đều tin rằng sống lành mạnh là cân bằng công việc với nghỉ ngơi. Các nghiên cứu về tâm lý học và thần kinh học cho thấy nghỉ ngơi giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường khả năng học hỏi và thúc đẩy sáng tạo. 

Các nhà khoa học, nhà văn và nhà lãnh đạo quân sự giỏi nhất lịch sử đều làm việc ít hơn chúng ta và hình thành thói quen nghỉ ngơi. Nhà tự nhiên học Charles Darwin và nhà di truyền học Barbara McClintock đều đi bộ hàng ngày, họ biết làm việc và nghỉ ngơi không hề đối lập mà có liên hệ mật thiết. Bạn sẽ không thể thành công nếu thiếu một trong hai.

Và đây là cách chúng ta nên làm:

 

Đầu tiên, hãy định nghĩa lại “nghỉ ngơi”.

 

 

Ngủ đủ giấc vào ban đêm và chợp mắt 20 phút buổi trưa sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng. Thế nhưng khi nói tới thời gian nghỉ ngơi, cách hồi phục tốt nhất không phải là nằm dài trên ghế hay dán mắt vào màn hình TV, mà là hoạt động. Tập thể dục, hoạt động yêu thích, đi bộ, chúng đều giúp tái tạo năng lượng thể chất và tinh thần hiệu quả hơn,  và rèn luyện sức chịu đựng, tính bền bỉ hơn là ngồi lì một chỗ.

Nghỉ ngơi vừa là bản năng, vừa là một kỹ năng. Nó là thứ ta có thể luyện tập và cải thiện theo thời gian. Giống như các vận động viên, ca sĩ hay các nhà sư luyện hít thở để chạy nhanh hơn, bảo vệ giọng hát và thư giãn tâm trí. Chúng ta nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng và thúc đẩy sáng tạo. 

 

Tiếp theo, hãy kết hợp nghỉ ngơi vào công việc hàng ngày.

 

Các vận động viên có kết quả tốt nhất khi phối hợp rèn luyện cường độ cao và nghỉ ngơi hợp lý. Tương tự, những người sáng tạo nên kết hợp các khoảng thời gian làm việc tập trung với các khoảng nghỉ hợp lý. Vì vậy hãy tạo thời biểu giúp bạn tập trung từ bốn đến năm tiếng mỗi ngày. 

Hãy tập trung hơn vào những giai đoạn đó, không phải kéo dài chúng. Cho phép bản thân ngừng kiểm tra tin nhắn và email và tập trung vào những gì quan trọng. Và nếu bạn có thể, hãy nghỉ ngơi một cách năng động. Điều này sẽ giúp tiềm thức bạn có thể giải quyết các vấn đề hiện có trong khi bạn thư giãn, để tạo ra những khoảnh khắc “aha!”, biến ý tưởng thành hiện thực đột phá. 

Nhưng nếu bạn không thể làm vậy, hãy đảm bảo rằng khi bạn rời công việc vẫn có thể áp dụng những nguyên tắc nghỉ ngơi trên.

 

Thứ ba, hãy làm hết sức chơi hết mình.

 

Những người đam mê, thích  sáng tạo cũng cần nghỉ ngơi nhưng việc thư giãn đó cũng phải hấp dẫn. Nhiều nhà khoa học và CEO đồng thời còn là họa sĩ nghiệp dư, nhạc sĩ hay đầu bếp nữa. Đây là những sở thích đem lại cảm giác thỏa mãn, sự kiểm soát và tính trôi chảy mà họ có giống như khi làm việc, chỉ khác nhau ở môi trường và “phần thưởng” đến nhanh hơn, hữu hình hơn. 

Thông thường, các thú vui của họ bắt nguồn từ thời thơ ấu, khiến việc họ làm có ý nghĩa hơn. Vậy hãy tham gia các hoạt động khiến bạn vui vẻ và cảm thấy thuộc về thế giới. Nó hoàn toàn không gây xao nhãng. Nó đem lại niềm vui sướng và những trải nghiệm mới mẻ, tuyệt vời như khi thành công trong công việc, mà không mơ hồ hay đòi hỏi gì. 

 

Thứ tư, lan tỏa sự nghỉ ngơi.

 

Thế giới sẽ không dừng lại. Chúng ta sẽ làm việc đó. Và cách tốt nhất để mọi người đều dành thời gian nghỉ ngơi là những người khác cũng làm vậy.Hãy thử đi làm sớm hơn, sau đó hẹn đồng nghiệp đi dạo vào buổi chiều, hay rủ bạn bè tập trung thưởng trà, hoặc nhận trông con cái của bạn bè và họ cũng làm ngược lại để cả hai bên đều có thể nghỉ ngơi.

Nên nhớ, những người bận rộn sẽ không dễ gì chịu ngơi nghỉ. Cần có sự luyện tập và thời gian để hình thành thói quen. Dục tốc bất đạt. Cũng như cần thời gian để thích nghi với công việc hay nơi ở mới, trí não bạn cần thời gian để khai thác sức mạnh của sự nghỉ ngơi. Và đừng khắt khe với bản thân nếu bạn chưa làm được. Thời gian tốt nhất để bắt đầu là bây giờ.

Theo Alex Soojung-Kim Pang | TED Talk (Dịch Nguyễn Hà Nhật Anh)

Tags: