Trung tâm quảng bá sách ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe (CERLALC) vừa thu thập số liệu từ 16 trên tổng số 21 quốc gia thành viên. Kết quả cho thấy 88% nhà sách và nhà xuất bản khu vực này có doanh thu giảm trung bình 26% trong năm 2020.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp là đòn giáng cho giới làm sách các nước khu vực Mỹ Latinh. Cụ thể, tại Mexico, doanh thu giảm tới 30%. Giới xuất bản nhận định quốc gia này sẽ mất một thập kỷ để phục hồi tổn thất do đại dịch gây ra, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Xuất bản quốc gia Mexico.
Dữ liệu từ Nilsen Bookscan chỉ ra rằng doanh số bán sách hàng tháng của Mexico không giảm nhiều vào thời điểm đầu mùa dịch. Tuy nhiên, quá trình phục hồi diễn ra rất chậm, không có sự khởi sắc trong nhiều tháng liên tiếp sau đó.
Khi “làn sóng” Covid-19 ập đến, ở Cuba, nơi sách được bao cấp như một tài sản văn hóa mà nhà nhà đều được tiếp cận, cuộc khủng hoảng ngành sách đi đôi với tình hình phức tạp của nền kinh tế.
Casa de las Américas, cơ quan quảng bá văn hóa, văn học ở Cuba và châu Mỹ, cũng quyết định hủy bỏ việc xét và trao Giải thưởng Văn học năm 2020 vì tình hình đại dịch. Đây là giải thưởng danh giá, được trao từ năm 1960, với sự góp mặt những đại diện lớn của nền văn học Mỹ Latinh.
Việc hủy bỏ Hội chợ sách Quốc tế La Habana năm nay cũng làm mất đi cơ hội hợp tác của giới xuất bản, đồng thời ảnh hưởng tới việc quảng bá sách Cuba nói riêng và sách tiếng Tây Ban Nha nói chung ra thế giới.
Nhà văn, nhà báo Leonardo Padura - cây đại thụ của nền văn học quốc đảo, Trưởng ban Biên tập tờ La Gaceta de Cuba - thông tin trên trang DW rằng ngành công nghiệp xuất bản của Cuba đang trong tình trạng khó khăn.
Việc xuất bản và tái bản bị ảnh hưởng do các biện pháp giãn cách xã hội. Báo cáo của Viện Sách Argentina cho thấy doanh thu bán sách năm 2020 giảm 19%. Năm 2020, thống kê vào cuối tháng tư cho biết 6.942 đầu sách mới được phát hành, trong khi năm 2019 là 8.567.
Ông Martín Gremmelspacher - Chủ tịch Viện Sách Argentina - thông tin trên trang EFE rằng sẽ "rất khó để phục hồi doanh thu của ngành xuất bản sau đại dịch".
Trong khi đó, ông José Diego González - Giám đốc CERLALC - nhận định tình hình xuất bản ở các quốc gia Mỹ Latinh là chủ đề phải được bàn đến từ trước đại dịch.
“Ở các nước như Mexico, Argentina, Colombia, Chile hay Peru, chúng tôi nhận thấy giới xuất bản còn ‘rụt rè’ trong việc đưa chuyển đổi kỹ thuật số vào ngành. Đại dịch đã buộc lĩnh vực xuất bản phải trải nghiệm hình thức này”, ông José Diego González nói.
Báo cáo từ CERLALC cũng đề ra hướng khắc phục cho giới làm sách của khu vực Mỹ Latinh. Trước sự sụt giảm doanh số vì ảnh hưởng của đại dịch, Chile tập trung việc gây quỹ ủng hộ giới làm sách.
Bên cạnh đó, ở Peru, các nhà tài trợ tiến hành mua sách số lượng lớn cho các hiệu sách. Không chỉ sách giấy được mua mà còn cả sách ở định dạng kỹ thuật số.
Ở Argentina, chương trình Libro% (tạm dịch: Sách%) được áp dụng. Đây là chương trình của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ các Thư viện, nhằm hỗ trợ việc trả lương cho giới làm sách trong điều kiện khó khăn. Điều này phần nào giảm bớt thiệt hại do đại dịch.
Song, điểm quan trọng nhất để khôi phục doanh thu ngành xuất bản nằm ở việc tận dụng công nghệ mạng. Tuy nhiên, nhiều hiệu sách ở Mỹ Latinh không có sàn thương mại điện tử.
Mặt khác, có những nhà xuất bản chỉ tiếp tục làm sách ở định dạng sách giấy. Hiện, họ phải đối mặt tình huống phân tích, lựa chọn xem những tựa sách nào có thể chuyển sang dạng kỹ thuật số cho phù hợp.
"Chúng ta đang sống trong một môi trường mà văn hóa tiêu dùng có tính cạnh tranh cao, trong đó có sách. Tôi tin rằng ở thời điểm cách ly, mọi người sẽ tìm đến sách nhiều hơn và sẽ không quá quan tâm đến việc tìm thấy chúng ở đâu. Điều quan trọng ở phía nhà xuất bản và nhà sách là phải có ưu đãi cho người mua”, ông José Diego González nói.
Giám đốc CERLALC cho rằng để khôi phục phần nào thiệt hại của ngành, cần kết hợp in ấn sách giấy với sách ở định dạng kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cần nâng cao ứng dụng công nghệ trong việc quản lý các kênh bán hàng trực tuyến, học cách tương tác trực tiếp nhiều hơn với độc giả.
Theo Zing News