Napoleon: Vĩ nhân hay người bình thường gặp thời?
Napoleon: Vĩ nhân hay người bình thường gặp thời?
Liệu Napoleon có phải là một bậc vĩ nhân xuất chúng trong lịch sử nhân loại hay chỉ là con người bình thường bỗng trở nên phi thường vì thời cuộc biến loạn?
Những năm gần đây, qua nhiều bằng chứng và câu chuyện mới được khám phá, cái nhìn của các học giả hiện đại về Napoleon Bonaparte đã thay đổi.

 

Trong suốt 10 năm tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Châu Âu cận đại, nhà sử học Adam Zamoyski đã tiếp xúc với nhiều luồng ý kiến tranh cãi “đầy mâu thuẫn và xung đột”, về một người đàn ông mà ta có thể mô tả như: một thiên tài bẩm sinh; một hình tượng được lãng mạn hóa; một con quái vật khát máu hay thậm chí là một tên độc tài.

Trong cuốn sách Napoleon - chân dung một con người, Adam muốn đặt ra một câu hỏi, liệu ông có phải là một cá nhân xuất chúng trong lịch sử, hay chỉ là một con người bình thường trở nên phi thường vì thời cuộc.

 

 

Từ viên sĩ quan đến vị Tổng tài của nước Pháp

 

 

Câu chuyện về quá trình trưởng thành của chàng trai trẻ Napoleon, sinh ra năm 1769 tại hòn đảo nghèo Corsica luôn được biết đến rộng rãi.

 

Tuy nhiên, với nhiều tài liệu lần đầu được công bố, Adam Zamoyski giới thiệu cho độc giả một Napoleon hoàn toàn mới. Ông có một tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình tại vùng Ajaccio, nơi mà bản tính táo bạo, sự hung hăng và mạnh mẽ đã khiến ông trở nên khác biệt với các anh em của mình.

Vị trí học viên sĩ quan tại học viện quân sự Corsica của Napoleon phần lớn là nhờ sự giúp sức từ người cha Carlo, một người đàn ông đầy tham vọng chính trị tại hòn đảo Corsica này.

 

Napoleon trong trận chiến với liên quân Áo (1801)

Tuy nhiên, điều khiến Napoleon khác biệt so với các học viên khác, là khả năng xử lý tình huống và tính tò mò học hỏi. Như một nhận định của một học viên: “anh ta có một đam mê đọc sách vô tận và là một nhà toán học xuất chúng”.

Kể cả với những năng lực được thừa nhận ấy, Napoleon có lẽ đã kết thúc sự nghiệp nhà binh của mình với tư cách là một sĩ quan pháo binh hạng trung, nếu không nhờ vào một sự kiện đã làm rúng động toàn châu Âu: cuộc cách mạng Pháp năm 1789.

Bằng cách phá bỏ những rào cản xã hội và kinh tế để phát triển, cuộc cách mạng đã tạo ra cơ hội mới cho những người “ngoại quốc”, luôn bị xem là tầng lớp thấp kém như Napoleon, một triển vọng thăng tiến nhanh trên con đường chính trị.

Nhưng sau khi chứng kiến sự cai trị man rợ của hội đồng cách mạng dưới thời Robespierre. Từ một cá nhân theo đuổi chủ thuyết Cộng hòa, người đã ăn mừng sự chấm dứt của chế độ phong kiến man rợ và đề cao chủ nghĩa dân tộc của người Corse, Napoleon dần thay đổi quan điểm theo hướng độc đoán thân Pháp hơn.

 

Toàn cảnh lễ đăng quang của hoàng đế Napoleon

Điều đáng kinh ngạc nhất trong sự nghiệp của Napoléon là sự thăng tiến quá nhanh của ông, từ người tị nạn chính trị không tiền của với cấp bậc sĩ quan hạng trung năm 1793, để rồi được tôn vinh như một tướng lĩnh quân sự hàng đầu; nhà tổng tài của nước Pháp; một vị vua cai trị tuyệt đối chỉ sáu năm sau đó.

“Ông đã có thể quán xuyến hết mọi vấn đề và thách thức đặt ra, bởi vì ông là một người say mê với công việc, dũng cảm về thể chất và đạo đức, và một nhà chiến thuật tài giỏi, như điều mà người ta mong đợi về một người lãnh đạo thông minh đến từ một thị trấn nhỏ”, Zamoyski miêu tả trong cuốn sách.

Thậm chí, Napoleon còn làm được nhiều hơn thế nữa. Ngay sau khi giành được một loạt chiến thắng trước người Áo ở Italy vào năm 1796-1797, Napoleon tự thổi phồng những tổn thất của quân đội Áo trong khi làm giảm nhẹ thiệt hại quân mình.

Biết cách để khai thác sức mạnh của sự tuyên truyền, ông đã gửi những thông điệp về thành công và năng lực vượt trội của bản thân tới những bậc thầy về chính trị, để từ đó một huyền thoại về Napoleon bất khả chiến bại ra đời. Đây chính là tiền đề cho những thành công về chính trị của ông sau này.

 

 

Những thành tựu của một vị quân chủ

 

 

Trên cương vị là Tổng tài Pháp, và từ năm 1804 là Hoàng đế Pháp, Napoleon đã khởi xướng một loạt cải cách dân sự sâu rộng trong hệ thống xã hội bấy giờ. Bao gồm: việc thống nhất nước Pháp dưới một chính quyền; gộp nhiều bộ luật hợp pháp thành một Bộ luật Napoleon duy nhất (và vẫn là nền tảng cho xã hội Pháp ngày nay).

 

Zamoyski cũng khám phá ra tầm ảnh hưởng của Napoleon trong việc xây dựng nền tảng của xã hội phải bắt đầu từ trong văn hóa gia đình, cũng như trong các điều khoản về quan hệ hôn nhân và quyền của phụ nữ. “Ông không phải là người trực tiếp viết ra bộ luật, hay trực tiếp biên soạn nó, nhưng nếu không có ông, nó sẽ không tồn tại” Zamoyski nói.

Bên cạnh đó, Napoleon được miêu tả như người đàn ông đức độ với binh sĩ, khi đối xử với họ như người thân của mình. Thanh danh của ông trong quân đội một phần nhờ vào tầm ảnh hưởng của những vị tướng tài năng dưới trướng như Desaix, Masséna, Davout và Berthier. Những người đã theo ông qua mọi chiến trường, đặc biệt là chiến dịch hành quân sang Áo và Nga tại Austerlitz năm 1805 và nước Phổ tại Jena một năm sau đó.

Napoleon - Chân dung một cuộc đời

Ban đầu, người dân châu Âu xem ông là người giải phóng và là bạn của tầng lớp bị áp bức. Nhưng khi quyền lực của Napoleon trở nên quá lớn và sự cai trị của ông kéo dài đến tận biên giới Nga, chính ông giờ đây bị xem như một tên độc tài. Yếu tố này đã tiết lộ một mâu thuẫn âm ỉ vốn tồn tại trong trung tâm của đế chế Napoléon: “Nhiệm vụ của ông đáng ra phải là khai sáng, giải phóng và hiện đại hóa nước Pháp, nhưng giờ đây chính những thành công của Napoleon đã tạo ra một hệ thống cấp bậc mới áp đặt lên chính trị, xã hội và kinh tế của chính họ”.

Giá trị thực sự của tiểu sử tuyệt vời này, được viết một cách tao nhã, được nghiên cứu kỹ lưỡng và lập luận đầy thuyết phục, là cái nhìn sâu sắc mà nó mang lại cho chúng ta về chân dung của Napoleon. Zamoyski kết luận, ông không phải là một con quái vật hay một vị thánh. Thay vào đó, động cơ của ông cho đất nước là điều đáng ngợi khen và tham vọng không lớn hơn những người cùng thời với ông ấy.

Theo Zing News

Nguyễn Ngọc Anh Khôi

Tags: