Mark Twain đã từng ví Cornelius Vanderbilt là “thần tượng của… một đầm lầy nhung nhúc những linh hồn bé mọn
Mark Twain đã từng ví Cornelius Vanderbilt là “thần tượng của… một đầm lầy nhung nhúc những linh hồn bé mọn"
“Vanderbilt - Tài phiệt đầu tiên của nước Mỹ” là  cuốn sách đầy đủ, toàn diện và công tâm nhất về nhà đại tư bản thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên của nước Mỹ. Đoạn trích dưới đây trong Chương 1 của cuốn sách đã phần nào phác họa nên hình ảnh nhà tài phiệt này trong mắt xã hội Mỹ. 
VANDERBILT - Tài Phiệt Đầu Tiên Của Nước Mỹ
(10 lượt)
Họ đến để khám phá những bí mật của ông. Còn lâu mới tới phiên xử ấn định vào 2 giờ chiều ngày 12 tháng 11 năm 1877, nhưng hàng trăm khán giả đã chen vào phòng xử án ở Hạ Manhattan. Tất nhiên, trong đó có bạn bè cùng họ hàng thân thích của những người tranh biện, cùng những luật sư hàng đầu mong được quan sát tuyệt kỹ pháp lý của các luật sư đại diện tham gia vụ xét xử. Nhưng đa phần đám đông đầy đủ nam phụ lão ấu – nhiều người ăn vận đỏm dáng, chen vai thích cánh cho đến khi nêm sát bức tường cuối phòng - muốn nghe các chi tiết về cuộc đời của người đàn ông giàu nhất từng thấy ở nước Mỹ. Phiên tòa xử tranh chấp di chúc của Cornelius Vanderbilt, vị Phó đề đốc nổi danh, khét tiếng, sắp sửa khai màn.

Ngay trước giờ xử, đám đông rẽ đôi để nhường đường cho William H. Vanderbilt – con trai lớn của Phó đề đốc, bước vào cùng đoàn luật sư của ông này, dẫn đầu là Henry L. Clinton. William “đưa mắt quét khắp phòng một cách lơ đễnh và thờ ơ, cởi áo choàng và an tọa thoải mái trên ghế của mình”, tờ New York Times đưa tin; trong khi đó, các luật sư của ông bắt tay với đoàn luật sư đối thủ, dẫn đầu là Scott Lord, đại diện cho em gái của William, Mary Vanderbilt La Bau. Đúng 2 giờ, quan tòa nhanh nhẹn bước vào từ buồng riêng qua một cánh cửa bên hông, bước lên bục và ngồi xuống ghế. “Thưa các quý ông, quý vị đã sẵn sàng chưa?”, ông hỏi. Lord và Clinton đều tuyên bố đã sẵn sàng, quan tòa ra lệnh: “Xin mời quý vị bắt đầu!”

Khi Lord đứng lên thực hiện tuyên bố mở đầu, tất cả những người có mặt tại đó đều biết rõ những được-mất ở đây lớn đến mức nào. Tờ Times chạy dòng tít cho bài báo sáng hôm sau: “GIA TỘC VANDERBILT. TÀI SẢN CỦA HOÀNG TỬ ĐƯỜNG SẮT, NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ TRANH CHẤP DI CHÚC, CUỘC CHIẾN GIÀNH 100 TRIỆU ĐÔ-LA”.  Chi tiết duy nhất trong dòng tít thất thanh ấy có thể gây sửng sốt cho độc giả là tờ Times đã giáng cấp Vanderbilt xuống thành “hoàng tử”, vì báo giới thường mệnh danh ông là vua đường sắt. Tài sản của ông sừng sững vượt trên nền kinh tế Mỹ đến mức khó mà tưởng tượng, cả ở thời bấy giờ. Nếu Vanderbilt có thể bán toàn bộ tài sản với giá trị thị trường tối đa tính ở thời điểm ông qua đời (tức tháng Giêng cùng năm), thì cứ trong 20 đô-la đang lưu hành (bao gồm cả tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn), ông sẽ nắm giữ 1 đô-la.

Hầu hết những người có mặt trong phòng xử án đó đã sống gần trọn đời dưới cái bóng của Vanderbilt. Tính đến thời điểm bước sang tuổi ngũ tuần, Vanderbilt đã thống trị tuyến vận tải đường sắt và tàu biển nối giữa New York và New England (nhờ đó tạo dựng biệt danh “Phó đề đốc”). Vào thập niên 1850, ông đã khai trương tuyến tàu thủy vượt Đại Tây Dương và khởi phát tuyến trung chuyển tới California qua Nicaragua. Đến thập niên 1860, ông từng bước nắm quyền kiểm soát các tuyến đường sắt liên kết Manhattan với phần còn lại của thế giới, xây dựng hệ thống Đường sắt New York Central bề thế nổi giữa New York và Chicago. Có lẽ mỗi người trong căn phòng đó đều đã đi qua Nhà ga Trung tâm – ga xe lửa tọa lạc trên Phố 42 mà Vanderbilt đã xây dựng; từng nhìn thấy bãi xếp dỡ hàng hóa đồ sộ St. Johns Park mà ông dựng nên, cùng bức tượng chân dung khổng lồ của ông từng băng qua những cây cầu trên những thanh dầm ông đã nhận chìm xuống nước dọc theo Đại lộ Bốn (một bước đi mở đường cho sự khai hoa kết trái thành Đại lộ Park sau này); hoặc từng đi một chuyến phà, tàu thủy chạy bằng hơi nước hoặc tàu hơi nước mà Vanderbilt nắm quyền kiểm soát suốt đời mình. Ông đã ghi dấu ấn lên khắp thành phố - một dấu ấn trường tồn đến tận thế kỷ XXI – và từ đó, ghi dấu ấn lên khắp nước Mỹ. Gần như mọi người Mỹ đều vinh danh khối tài sản của Vanderbilt.

Hấp dẫn hơn cả khối tài sản chính là người đàn ông ở phía sau. Lord bắt đầu đòn tấn công bằng lời thừa nhận “có vẻ độc hại khi nói rằng một người đàn ông tích lũy 100 triệu đô-la và nổi tiếng bởi ý chí sắt đá lại không đủ sức mạnh để từ bỏ tài sản của mình”. Đúng là ý chí sắt đá của ông rất nổi tiếng. Vanderbilt bắt đầu tích lũy của cải ở vị thế một đối thủ cạnh tranh tàu thủy và tàu biển hơi nước, cắt giảm tiền vé để đấu lại các tên tuổi sừng sỏ cho đến khi ông buộc các đối thủ phải xùy tiền mời ông cuốn gói. Cách làm này khiến tờ New York Times, một phần tư thế kỷ trước khi Vanderbilt qua đời, đã phải đưa vào vốn từ bản địa của người Mỹ một ẩn dụ mới: so sánh Vanderbilt với các địa chủ ăn cướp thời Trung Cổ, thu phí mọi thuyền bè qua lại trên sông Rhine. Cuộc phiêu lưu của Vanderbilt ở Nicaragua phần nào đó cũng là tự bày trò hải tặc, vì ông đã khai phá lộ trình băng qua rừng mưa, lái một con tàu vượt những thác ghềnh sông San Juan, quả quyết can thiệp vào cuộc chiến chống lại một tên tội phạm quốc tế đang nắm quyền kiểm soát đất nước. Những năm tháng tuổi trẻ của Vanderbilt tràn ngập đấm đá, những cuộc đấu tàu hơi nước tốc độ cao và những vụ nổ động cơ; còn quãng đời sau của ông lại ghi dấu bởi những ganh đua vũ trang liều lĩnh cùng những cuộc tỉ thí một mất một còn.

Bi kịch cá nhân của Vanderbilt đã lôi kéo đông đảo công chúng đến phòng xử án 11 tháng sau khi ông qua đời, nhưng những người quan sát thấu đáo hơn lại ngẫm nghĩ về vai trò lớn lao của ông. Vanderbilt là kẻ gây dựng đế chế, là nhà tài phiệt tập đoàn lớn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ngay cả trước khi Hoa Kỳ trở thành một quốc gia công nghiệp thực sự, Vanderbilt đã học được cách vận dụng chủ nghĩa tư bản tập đoàn để gom góp của cải và quyền lực với phạm vi vô tiền khoáng hậu, tạo nên những doanh nghiệp với quy mô chưa từng thấy. Charles Francis Adams Jr. viết: “Ông đã đưa chế độ độc tài quân sự vào đời sống tập đoàn, Vanderbilt chính là tiền thân của một lớp người sẽ thao túng chính quyền bằng thứ quyền lực do chính quyền tạo ra nhưng lại vượt quá sự kiểm soát của họ. Ông là người sáng lập một triều đại."

Adams không ám chỉ triều đại với nghĩa “gia đình”, mà là một chuỗi những ông chủ tập đoàn sẽ phủ bóng lên cả chính quyền dân chủ. Nào Rockefeller, Carnegie, Gould, Morgan – tất cả đều mới chân ướt chân ráo bắt đầu sự nghiệp vào thời điểm Vanderbilt đang ở đỉnh cao. Họ kính nể và noi gương Vanderbilt, mặc dù khó mà sánh kịp ông. Chẳng mấy luật lệ kiềm thúc ông; không mấy chính quyền vượt được ảnh hưởng của ông. Vào những năm 1850, vai trò cá nhân của Vanderbilt tại Trung Mỹ còn quan trọng hơn cả Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Năm 1867, ông dừng mọi đoàn tàu chạy từ miền Tây tới thành phố New York để bắt Đường sắt New York Central phải khom lưng uốn gối chịu thua. Năm 1869, ông đã một tay làm dịu cơn hoảng loạn trên Phố Wall vốn đe dọa dấy lên một cuộc suy thoái.

Những kẻ ái mộ coi ông là một cá nhân thực tài tột đỉnh, là ví dụ tinh túy nhất về một người bình dân vươn lên nhờ lao động cần cù và năng lực tự thân. Với họ, ông là biểu tượng cho vận hội của nước Mỹ. Những người chỉ trích nói ông tham lam và tàn độc, một ông hoàng không qua tuyển cử và chưa từng giả vờ cai trị vì muôn dân. Tệ hơn thế, họ coi ông như đỉnh cao của một thứ văn hóa sơ khai thô lậu, đã loại bỏ sự thuần khiết của nền cộng hòa trong cuộc cách mạng để đổi lấy “con bê vàng” là bạc tiền, của cải.

 

“Ông có vẻ là thần  tượng của... một đầm lầy nhung nhúc những linh hồn bé mọn”, Mark Twain viết trong lá thư ngỏ gửi Vanderbilt, “những kẻ... ca tụng những thói quen riêng tư, những lời nói và việc làm vụn vặt của ông, như thể triệu triệu tiền bạc của ông mang lại cho họ phẩm giá”. 

 

Sẽ có những người hiểu rằng tầm quan trọng thực sự của Vanderbilt phức tạp hơn thế, thậm chí đầy mâu thuẫn. Làm sao có thể không như vậy? Cuộc đời ông trải suốt một thời kỳ đầy những biến động kinh hồn, từ thời George Washington vắt sang thời John D. Rockefeller (ông đã làm ăn với nhân vật này). Ông bắt đầu sự nghiệp từ một vùng quê nông nghiệp, về căn bản mang tính thuộc địa mà ở đó, “doanh nhân” vẫn là khái niệm xa lạ; ông kết lại sự nghiệp ở nền kinh tế công nghiệp, tập đoàn. Không một kẻ ái mộ hay chỉ trích nào ở quãng đời sau này từng chứng kiến vai trò của ông trong kỷ nguyên đầy biến động của nền cộng hòa non trẻ cùng giai đoạn tiền Nội Chiến. Họ không thể thấy rằng gần như xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp, Vanderbilt luôn là một tác lực triệt để. Từ xuất phát điểm là một anh thiếu niên lái thuyền trước Nội Chiến 1812, Vanderbilt đã lèo lái sự trỗi dậy của cạnh tranh như một phẩm chất tốt đẹp trong nền văn hóa Hoa Kỳ. Ông đã đập bỏ những tàn dư của dòng dõi quý tộc thế kỷ XVIII, đe dọa giới thương nhân ưu tú bảo thủ và từng bước phá hủy các vị thế độc quyền. Những đối thủ ngùn ngụt căm hờn không hiểu được nhiệt huyết cạnh tranh của ông; thay vào đó, đám người thống trị giàu có trong nền kinh tế trẻ măng và hạn hẹp đó coi những đòn tấn công của ông là phá hoại. Năm 1859, một người đã viết rằng Vanderbilt “luôn chứng tỏ ông ta là kẻ thù của mỗi doanh nghiệp hàng hải nước Mỹ”, còn tờ New York Times kết tội Vanderbilt vì theo đuổi “cạnh tranh chỉ để thỏa mãn máu cạnh tranh”. Những người cực đoan ở phe bên kia lại hân hoan tán thưởng cách Vanderbilt mở mang vận tải, giảm mạnh giá cả, trừng phạt những đối thủ dựa dẫm vào thế độc quyền hoặc bao cấp từ chính phủ. Đối với những đảng viên Dân chủ kiểu Jackson cổ xúy “thị trường tự do” ở vị thế một phái quân bình chủ nghĩa, Vanderbilt là hiện thân cho lý tưởng: doanh nhân là kẻ tranh đấu vì nhân dân, thương nhân chính là nhà cách mạng.

Nhưng sự nghiệp “sớm nở” ấy không “chóng tàn”, còn nhà cách mạng kia đã kết lại kỷ nguyên của mình ở vị thế đế vương. Khi ông mở rộng địa hạt đường sắt từ tuyến New York & Harlem thuở ban đầu - gộp thêm Hudson River, New York Central, Lake Shore & Michigan Southern, cùng Canada Souththern – dường như ông không còn là người cực đoan, mà là một nhà độc quyền. Vai trò của ông trong Cuộc chiến Erie năm 1868 – với tình trạng tham nhũng kinh hoàng của các quan chức – khiến ông giống như kẻ thù của đạo đức công dân thay vì là người đấu tranh cho nó. Ông nắm giữ vị thế tiên phong trong việc kiến tạo một tổ chức mới, một tập đoàn khổng lồ sẽ thống trị nền kinh tế Mỹ suốt nhiều thập niên sau khi ông qua đời. Khung cảnh chính trị cũng đã thay đổi. Với sự xuất hiện của các đường sắt lớn và quyền lực liên bang mở rộng trong giai đoạn Nội Chiến, những người cực đoan bắt đầu nhìn nhận chính phủ như một đối trọng khả dĩ cân bằng với thế lực tập đoàn. Vanderbilt vẫn hết lòng cổ xúy thị trường tự do; như ông từng hơn một lần trả lời báo chí, nguyên tắc dẫn đường của ông là “chỉ lo việc của riêng mình”, và tất cả những gì ông mong đợi ở chính quyền là để ông được yên thân.” Như Charles F. Adams Jr. viết, ông chưa từng thừa nhận một điều: những tập đoàn đồ sộ mà ông thống lĩnh mang lại cho ông thứ quyền lực đối nghịch với quyền lực chính phủ, và rằng ông đã trở thành một thế lực mà phe dân túy chống lại nhờ tự vũ trang bằng pháp luật nhà nước.

Có lẽ không một cá nhân nào khác tạo ra được ảnh hưởng tương đương đối với kinh tế và xã hội nước Mỹ suốt một giai đoạn lâu dài đến thế. Trong sự nghiệp kéo dài 66 năm, Vanderbilt trụ ở tuyến đầu của đổi thay, một nhà cải cách hiện đại từ đầu đến cuối.

Ông đã nâng cấp và mở rộng mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông toàn quốc, góp phần vào sự biến đổi của bản thân địa lý nước Mỹ. Ông nắm bắt những công nghệ và loại hình tổ chức kinh doanh mới, rồi áp dụng để cạnh tranh thành công đến nỗi buộc các đối thủ phải noi gương ông hoặc bỏ cuộc. Vượt trước rất xa những kẻ cùng thời, ông hiểu thấu một trong những biến đổi lớn lao của văn hóa Mỹ: sự trừu tượng của hiện thực kinh tế, khi mối liên hệ giữa thế giới hữu hình và những công cụ kinh doanh mới – chẳng hạn tiền giấy, các tập đoàn và chứng khoán - dần dần mờ nhạt. Với những công cụ ấy, ông đã góp phần tạo ra nền kinh tế tập đoàn định hình nên nước Mỹ thế kỷ XXI. Ngay cả khi thể hiện sức mạnh sáng tạo của một nền kinh tế thị trường, ông cũng đồng thời làm trầm trọng thêm những vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để: chênh lệch ghê gớm về của cải giữa người giàu và người nghèo; tình trạng tập trung quyền lực cực mạnh của những thế lực tư nhân; gian lận và mánh lới tư lợi ăn nên làm ra trong một môi trường vô pháp vô thiên. Một cá nhân đơn độc không thể khuấy đảo cả nền kinh tế quốc dân - nhưng chưa có ai từng đặt tay lên chiếc đòn bẩy thật lâu và ấn mạnh đến thế.  

Thời điểm bấy giờ, công chúng trong phòng xử án có thể khẳng định rằng Vanderbilt thực sự phức tạp, trước cả khi nhân chứng đầu tiên lên tiếng. Thế nhưng, điều thôi thúc họ đến đây có lẽ không hẳn là tầm vóc quốc gia của Vanderbilt, mà là tính cách lạ lùng, dữ dội cùng đời tư bí hiểm của ông. Miệng tiếng thế gian miêu tả một gia đình tan hoang bởi ái tình dan díu, bởi những buổi gọi hồn kiểu duy linh, cùng sự đỡ đầu gây tranh cãi của Vanderbilt với nhà hoạt động nữ quyền Victoria Woodhull cùng người chị em khêu gợi của cô ta là Tennie C. Claflin. Điều công chúng không thấy chính là những phức cảm rối ren ở Vanderbilt: tài giao thiệp kinh doanh bền bỉ, tình yêu dành cho người vợ đầu và người vợ thứ hai (cũng như thói ích kỷ của ông với họ), tình cảm đầy mâu thuẫn đối với những đứa con thường khó chiều, khó dạy - nhất là Cornelius Jeremiah, người khổ sở vì chứng động kinh và thói nghiện cờ bạc. Những người cùng thời và cả hậu thế thường sẽ bỏ qua khía cạnh rất phàm trần, thậm chí đáng cảm thông của vị Phó đề đốc cao ngạo, mà chỉ bị hút vào những bài báo tục tằn, gây sốc và thổi phồng quá đáng.

Chính màn kết của ông đã đưa tất cả mọi người vào phòng xử án, một màn kết đan bện cả đời tư lẫn tập đoàn. Ông đã gây dựng một thứ mà ông mong sẽ trường tồn và nằm trong tay hậu duệ trực hệ của ông - đó là sáng lập một triều đại đúng theo nghĩa đen. Để thực hiện mục đích ấy, ông đã thảo di chúc để lại 95% tài sản cho con trai cả William. Em gái Mary của William muốn phá vỡ triều đại đó bằng cách phá bỏ di chúc, cưỡng chế chia đều khối tài sản cho cả 10 người con còn sống của Vanderbilt. 

Liệu cô ta có thành công? Mỗi bên sẽ chiến đấu để định nghĩa Vanderbilt; mỗi bên sẽ tìm kiếm lời giải đáp cho ma lực của một người đàn ông chỉ để lại ít ỏi thư từ, không một dòng nhật ký. Lord bắt đầu lên tiếng, và đám đông ngả rạp về phía trước lắng nghe, hồi hộp tìm hiểu xem Phó đề đốc thực sự là con người như thế nào. 

- Trích sách "Vanderbilt - Tài phiệt đầu tiên của nước Mỹ"

Tags: