Lược sử của sự lãng mạn! (Và tại sao nó lại quan trọng?)
Lược sử của sự lãng mạn! (Và tại sao nó lại quan trọng?)

Sự thật thứ nhất: Tại một thời điểm nào đó trong quá trình tiến hóa giữa sinh vật phù du và Bon Jovi, loài vượn đã phát triển khả năng gắn kết tình cảm với nhau. Sự gắn bó tình cảm này cuối cùng được gọi là “tình yêu”, và sự tiến hóa một ngày nào đó sẽ tạo ra một nhóm ca sĩ đến từ New Jersey, những người sẽ kiếm được hàng triệu USD khi viết những bài hát sến sẩm về nó.

Sự thật thứ hai: Con người đã phát triển khả năng gắn bó với nhau - tức là khả năng yêu nhau - bởi vì nó giúp chúng ta tồn tại. Điều này không hẳn là lãng mạn hay gợi cảm, nhưng đó là sự thật.

Chúng ta không tiến hóa những chiếc răng nanh lớn, những móng vuốt khổng lồ hay sức mạnh điên cuồng của khỉ đột. Thay vào đó, chúng ta phát triển khả năng gắn kết tình cảm trong các cộng đồng và gia đình, nơi chúng ta có xu hướng hợp tác với nhau.

Những cộng đồng và gia đình này hóa ra lại hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ móng vuốt hay răng nanh nào trong việc giúp nhân loại là loài thống trị hành tinh.

Nếu không phát triển tình cảm gắn bó với nhau, có lẽ tất cả chúng ta đều đã bị hổ ăn thịt vào một lúc nào đó.

Sự thật thứ ba: Là con người, theo bản năng, chúng ta phát triển lòng trung thành và tình cảm với những người thể hiện sự trung thành và tình cảm với chúng ta nhiều nhất. Bản chất thực sự của tình yêu là như thế này: một mức độ trung thành và tình cảm phi lý dành cho người khác - đến mức chúng ta sẵn sàng làm hại hoặc thậm chí chết vì người đó. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng chính những sợi lông tơ ấm áp cộng sinh này đã giúp các loài dựa vào nhau đủ lâu để tồn tại trên thảo nguyên và sinh sống trên hành tinh cũng như phát minh ra Netflix.

Sự thật thứ tư: Tất cả chúng ta hãy dành một chút thời gian và cảm ơn sự tiến hóa của Netflix.

Sự thật thứ năm: Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato cho rằng hình thức tình yêu cao nhất thực ra là tình yêu phi tình dục, hình thức gắn bó không lãng mạn với người khác, cái gọi là “tình anh em”. Plato đã lý luận (chính xác) rằng vì đam mê, sự lãng mạn và tình dục thường khiến chúng ta làm những điều lố bịch mà sau đó khiến chúng ta hối hận, loại tình yêu không lãng mạn này giữa hai thành viên trong gia đình hoặc giữa hai người bạn thân là đỉnh cao của trải nghiệm đạo đức của con người. 

Trên thực tế, Plato, giống như hầu hết mọi người trong thế giới cổ đại, nhìn tình yêu lãng mạn với thái độ hoài nghi, nếu không muốn nói là cực kỳ kinh hãi.

Sự thật thứ sáu: Như với hầu hết mọi thứ, Plato đã hiểu đúng trước bất kỳ ai khác. Và đây là lý do tại sao tình yêu phi tình dục thường được gọi là “tình yêu thuần khiết”. 

Sự thật thứ bảy: Trong phần lớn lịch sử loài người, tình yêu lãng mạn bị coi như một loại bệnh tật. Và nếu bạn nghĩ về điều đó, không khó để hiểu tại sao: tình yêu lãng mạn khiến con người (đặc biệt là giới trẻ) làm những điều ngu ngốc. Hãy tin tôi đi! Một lần, khi tôi 21 tuổi, tôi trốn học, mua vé xe buýt và đi khắp ba bang để gây bất ngờ cho một cô gái mà tôi yêu. Cô ấy hoảng sợ và tôi nhanh chóng lên xe buýt về nhà, vẫn độc thân như trước chuyến đi. Sao tôi lại ngốc vậy chứ!

Chuyến xe buýt đó dường như là một ý tưởng tuyệt vời vào thời điểm ấy vì nó có vẻ lãng mạn. Cảm xúc của tôi trở nên điên cuồng trong suốt thời gian đó. Tôi lạc vào thế giới tự mình tưởng tượng và yêu thích nó. Nhưng giờ đây, đó chỉ là một điều đáng xấu hổ mà tôi đã làm khi còn là “tấm chiếu mới”, không gì hơn ngoài sự ngu ngốc.

Chính kiểu đưa ra quyết định sai lầm này đã khiến người xưa hoài nghi về lợi ích của tình yêu lãng mạn. Nhiều nền văn hóa coi nó như một loại bệnh mà chúng ta không may mắc phải, và mỗi người đều phải trải qua và vượt qua trong đời, giống kiểu thủy đậu ấy. 

Trên thực tế, những câu chuyện kinh điển như Iliad hay Romeo và Juliet không hề tôn vinh tình yêu. Chúng là những lời cảnh báo chống lại những hậu quả tiêu cực tiềm tàng của tình yêu, về việc tình yêu lãng mạn có thể hủy hoại mọi thứ như thế nào.

Vậy đấy, trong phần lớn lịch sử loài người, con người không kết hôn vì tình cảm dành cho nhau. Cảm xúc không quan trọng trong thế giới cổ đại.

Tại sao?

Bởi vì: Dẹp cái cảm xúc ấy đi! Nhà bao việc, có những cánh đồng để cày xới, những con bò để nuôi và Attila the Hun vừa tàn sát toàn bộ đại gia đình của bạn ở ngôi làng bên cạnh.

Không có thời gian cho sự lãng mạn. Và chắc chắn không có sự khoan dung đối với những nguy cơ mà tình yêu lãng mạn có thể gây ra. Có nhiều công việc sống còn hơn cần phải hoàn thành. Hôn nhân nhằm mục đích sinh con và tài chính vững chắc. Tình yêu lãng mạn, nếu được phép tồn tại, là dành riêng cho thế giới cuồng nhiệt của các tình nhân và trai bao.

Trong phần lớn lịch sử loài người, đối với phần lớn nhân loại, nguồn sống và sự sống còn như thể luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Con người khi ấy có tuổi thọ còn ngắn hơn con mèo của mẹ tôi bây giờ. Mọi thứ bạn làm đều phải vì mục đích là sinh tồn. Các cuộc hôn nhân được các gia đình dàn xếp không phải vì đôi bên thích nhau, và tất nhiên không phải vì yêu nhau, mà vì trang trại của họ rất hợp nhau, các gia đình có thể san sẻ với nhau một ít lúa mì, lúa mạch khi trận lũ hoặc hạn hán ập đến.

Hôn nhân là một sự sắp xếp thuần túy về mặt kinh tế nhằm thúc đẩy sự tồn tại và thịnh vượng của cả hai đại gia đình. Vì vậy, nếu Junior muốn bỏ trốn cùng cô hầu thì đây không chỉ là sự phiền phức, mà là mối đe dọa đối với sự sống còn của cộng đồng. 

Trên thực tế, kiểu hành vi này ở nam giới trẻ nguy hiểm tới mức hầu hết các xã hội cổ đại đều cắt bỏ “bi” của rất nhiều cậu bé để họ không thể làm ra những hành động như vậy. Điều này còn có một lợi ích phụ là tạo ra những dàn đồng ca nam có âm thanh xuất sắc. 

Mãi đến thời đại công nghiệp, mọi thứ mới bắt đầu thay đổi. Mọi người bắt đầu làm việc ở trung tâm thành phố và các nhà máy. Kinh tế không còn bị ràng buộc bởi đất đai nữa và người ta có thể kiếm tiền độc lập với gia đình mình. Chúng ta không phải dựa vào tài sản thừa kế hoặc mối quan hệ gia đình như trong thế giới cổ đại, và vì vậy các yếu tố kinh tế và chính trị của hôn nhân không còn có nhiều ý nghĩa nữa.

Ngày xưa, hôn nhân được coi là một nghĩa vụ chứ không phải là việc bạn làm vì mục đích cá nhân hay niềm vui tình cảm.

Thực tế của nền kinh tế hiện đại thế kỷ 19 sau đó đã giao thoa với những ý tưởng xuất hiện từ Thời kỳ Khai sáng về quyền cá nhân và mưu cầu hạnh phúc, kết quả là Thời đại Chủ nghĩa Lãng mạn phát triển mạnh mẽ. Từ những năm 1800, cảm xúc của con người đột nhiên trở nên quan trọng hơn. Hôn nhân lý tưởng lúc này không chỉ là vì tình yêu, mà còn phải sống trong hạnh phúc mãi mãi. Vì vậy, phải đến khoảng 150 năm gần đây, lý tưởng “hạnh phúc mãi mãi về sau” mới ra đời.

Rồi thế kỷ 20 đến với Hitler và một số cuộc diệt chủng, Hollywood và các công ty quảng cáo đã nắm lấy giấc mơ “hạnh phúc mãi mãi về sau” cho tới tận trong 100 năm tiếp theo.

Vấn đề ở đây là sự lãng mạn và tất cả niềm tin mà chúng ta đặt lên nó là một phát minh hiện đại, chủ yếu được quảng bá và tiếp thị bởi một nhóm doanh nhân, những người nhận ra rằng nó sẽ khiến bạn phải trả tiền mua vé xem phim và/hoặc một món đồ trang sức mới. Như Don Draper đã từng nói: “Cái mà bạn gọi là tình yêu được tạo ra bởi những kẻ như tôi và nó chỉ nhằm để bán nylon”.

Phải đến khi con người trở nên độc lập về kinh tế thì tình yêu (hay cảm xúc nói chung) mới trở nên có giá trị trong xã hội.

Sự lãng mạn là một thứ rất dễ bán. Tất cả chúng ta đều thích thú khi thấy anh hùng có được cô gái. Chúng ta thích nhìn thấy kết thúc có hậu. Chúng ta thích tin vào “hạnh phúc mãi mãi về sau”. Nó khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn. Và vì vậy các lực lượng thương mại nổi lên trong thế kỷ 20 đã nắm lấy nó và chạy theo nó.

Nhưng tình yêu lãng mạn và tình yêu nói chung phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta tin tưởng qua các bộ phim Hollywood hoặc quảng cáo trên cửa hàng trang sức. Chẳng ai nói cho chúng ta rằng tình yêu có thể là một công việc cực nhọc vô nghĩa. Hoặc tình yêu đó đôi khi có thể khó chịu, đau đớn, thậm chí có thể là thứ mà đôi khi chúng ta không muốn cảm nhận. Hoặc tình yêu đó đòi hỏi sự tự giác và nỗ lực bền bỉ nhất định trong suốt nhiều năm, nhiều thập kỷ hay cả đời.

Những sự thật này chẳng thú vị tẹo nào. Vì vậy, chúng cũng không được bán chạy như sự lãng mạn. 

Sự thật đau đớn về tình yêu là khi một mối quan hệ bắt đầu, là sau khi bức màn khép lại. Giống như hầu hết mọi thứ trên các phương tiện truyền thông, chân dung của tình yêu trong văn hóa đại chúng chỉ giới hạn ở những đoạn phim nổi bật. Tất cả các sắc thái và sự phức tạp khi thực sự trải qua một mối quan hệ đều bị gạt đi để nhường chỗ cho dòng tiêu đề thú vị, sự chia ly bất công, tình tiết điên rồ và tất nhiên là một kết thúc có hậu mà mọi người yêu thích.

Hầu hết chúng ta đều bị ngập trong những thông điệp này trong suốt cuộc đời mình đến mức chúng ta nhầm lẫn toàn bộ mối quan hệ của mình là một chuyện tình lãng mạn, tràn ngập sự phấn khích và kịch tính. Khi bị cuốn theo sự lãng mạn, chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì đó có thể xảy ra giữa chúng ta và nửa kia. Chúng ta không thể nhìn thấy lỗi lầm hay thất bại của họ, tất cả những gì chúng ta thấy là tiềm năng và khả năng vô hạn của họ.

Đây không phải là tình yêu. Đây là ảo tưởng. Và giống như hầu hết các ảo tưởng, mọi thứ thường không kết thúc tốt đẹp.

Điều này đưa tôi đến Sự thật thứ tám: Chỉ vì bạn yêu ai đó không có nghĩa là bạn nên ở bên họ. Bạn có thể yêu một người không đối xử tốt với mình, người khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân, người không tôn trọng bạn như bạn tôn trọng họ, hoặc người có cuộc sống rối loạn đến mức họ đe dọa sẽ kéo theo bạn, nhấn chìm bạn trong vòng tay yêu thương của họ. 

Bạn có thể yêu một người có tham vọng hoặc mục tiêu sống trái ngược, người có niềm tin triết học hoặc thế giới quan khác với bạn, hoặc đường đời của họ chỉ đi theo hướng ngược lại vào một thời điểm không thích hợp.

Bạn có thể yêu một người không tốt cho bạn và cả hạnh phúc của bạn.

Đó là lý do tại sao trong hầu hết lịch sử loài người, hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt. Bởi vì họ là những người có quan điểm khách quan về việc liệu con họ có kết hôn với một kẻ khốn nạn hay không.

Nhưng trong vài thế kỷ qua, vì những người trẻ tuổi có thể tự mình lựa chọn bạn đời (đây là một điều tốt), nên theo bản năng, họ đã đánh giá quá cao khả năng của tình yêu trong việc vượt qua mọi vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ (điều này thì lại không tốt chút nào).

Đó chính là định nghĩa về một mối quan hệ độc hại hoặc không lành mạnh: hai người không yêu nhau vì con người thật, mà yêu nhau với hy vọng rằng tình cảm dành cho nhau sẽ lấp đầy một khoảng trống khủng khiếp nào đó trong tâm hồn mỗi người.

Sự thật thứ chín: Khi có nhiều tự do cá nhân hơn thì yêu cầu về trách nhiệm và hiểu biết cá nhân cũng cao hơn. Và đã 100 năm sau, chúng ta mới có được khả năng vật lộn với những trách nhiệm mà tình yêu mang lại. 

Những người trong mối quan hệ độc hại không yêu nhau. Họ yêu thích ý tưởng về nhau. Họ yêu thích những ảo tưởng liên tục diễn ra trong đầu mình. Và thay vì từ bỏ ảo tưởng để đến với người trước mặt, họ dành toàn bộ ý chí và sức lực của mình để giải thích và điều chỉnh người trước mặt sao cho phù hợp với ảo tưởng của mình. 

Tại sao vậy?

Bởi vì họ không biết làm gì hơn. Hoặc họ sợ gặp phải sự tổn thương cần thiết khi yêu một ai đó một cách vị tha và lành mạnh. 

Cách đây vài thế kỷ, người ta ghét tình yêu lãng mạn. Họ sợ nó, hoài nghi về sức mạnh của nó và mệt mỏi với khả năng khiến mọi người tiếp xúc với nó đưa ra những lựa chọn tồi tệ. 

Khoảng hai thế kỷ trước, khi thoát khỏi giới hạn của trang trại và bàn tay xếp đặt của cha mẹ, người ta đánh giá quá cao tình yêu. Họ lý ​​tưởng hóa nó và mong muốn nó sẽ rửa sạch mọi vấn đề và nỗi đau của họ mãi mãi.

Nhưng mọi người bây giờ bắt đầu nhận ra rằng mặc dù tình yêu là điều tuyệt vời nhưng chỉ riêng tình yêu thôi thì chưa đủ. 

Tình yêu đó không phải là nguyên nhân của các mối quan hệ của bạn mà là kết quả của chúng. Tình yêu đó không nên định nghĩa cuộc sống của chúng ta mà chỉ là sản phẩm phái sinh. Chỉ vì ai đó khiến bạn cảm thấy sống động hơn không có nghĩa là bạn nhất thiết phải sống vì họ.

Không ai nói về thực tế rằng quyền tự do cá nhân lớn hơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để làm hỏng mọi việc. Và nó tạo ra nhiều cơ hội hơn để làm tổn thương người khác. Sự giải phóng vĩ đại của tình yêu lãng mạn đã mang đến cho thế giới những trải nghiệm sống đáng kinh ngạc. Nhưng điều này cũng dẫn đến sự cần thiết phải có một cách tiếp cận thực tế, trung thực đối với các mối quan hệ có thể dung hòa được sự đau khổ khi sống chung cả đời.

Một số người trong thời đại “bơ đẹp” và quẹt phải ngày nay (ý muốn nói tới các ứng dụng hẹn hò), sự lãng mạn đã chết đi. Sự lãng mạn không chết. Nó chỉ đơn thuần là bị trì hoãn và được chuyển đến một không gian an toàn, nơi cả hai người cần có mức độ thoải mái và tin tưởng nhất định trước khi hết lòng vì nhau.

Phải chăng đây cũng là một điều tốt?

- Theo: Mark Manson

Tags: