Làm thế nào để
Làm thế nào để "XEM TRANH" VÀ "HIỂU NGHỆ THUẬT"?
Cho dù yêu thích hội họa và nghệ thuật, chắc nhiều người trong chúng ta cũng từng có trải nghiệm khi bước vào một bảo tàng nghệ thuật và... ngơ ngác trước những tác phẩm được đánh giá là vĩ đại, nhưng đôi khi ta không đủ kiến thức để hiểu chúng vĩ đại ở điểm nào.
Bộ Sách Để Hiểu Về Nghệ Thuật Omega+ : Để Hiểu Nghệ Thuật + Xem Tranh + Những Thời Khắc Then Chốt Của Nghệ Thuật
(11 lượt)
Làm thế nào để hiểu được những tầng ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật? Làm thế nào để "xem tranh" và "đọc tranh"? Làm thế nào để biết được đâu là những bước ngoặt mang tính cột mốc của sáng tạo nghệ thuật từ xưa đến nay? Và điều gì làm nên sự vĩ đại của một danh họa?…


Những câu hỏi vô cùng thiết thực đó đã được chuyển tải một cách sống động, hấp dẫn và thú vị trong bộ ba cuốn sách nghệ thuật vừa được Omega+ dịch và xuất bản ở Việt Nam. Tôi đã dành nguyên hai tuần vừa rồi để đọc và thưởng thức 3 cuốn sách nghệ thuật này và được bồi bổ quá nhiều kiến thức thú vị. Nay xin giới thiệu và review (ngắn gọn) ba cuốn sách tuyệt vời này đến quý vị.

 

XEM TRANH

 

Xem tranh có thể là một trải nghiệm thú vị, hấp dẫn hoặc lay động. Một vài bức tranh có thể dễ dàng được thưởng thức ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng một số khác, và chúng thường là những bức tranh đáng xem nhất – lại đòi hỏi sự nghiên cứu nhất định trước khi có thể được lĩnh hội tường tận.

Chúng ta không chỉ xem tranh, mà còn nói về chúng, bởi vì cho dù có vẻ kỳ lạ, nhưng xem thôi chưa đủ. Tìm kiếm ngôn từ để mô tả và phân tích tranh đôi khi là cách duy nhất giúp chúng ta chuyển từ xem tranh một cách thụ động sang xem một cách chủ động, sâu sắc.” – tác giả Susan Woodford viết trong lời dẫn.


Sau đó, tác giả, nữ tiến sĩ đang dạy về lịch sử nghệ thuật ở Anh đã giúp độc giả phổ thông của bà tiếp cận với cách xem và nói về tranh một cách sinh động, cuốn hút nhưng đồng thời cũng giải mã nhiều chiều kích ở đằng sau mỗi bức tranh qua 12 chương chuyên sâu, như Đất liền và biển cả, Chân dung, Những điều thường nhật, Lịch sử và thần thoại, Phân tích hình thức, Ý nghĩa tàng ẩn…

Ví dụ như trong chương đầu tiên, bà phân tích bức tranh siêu thực “Sự dai dẳng của ký ức” (The Persistence of Memory) của danh họa người Tây Ban Nha Dalí như sau:

Một phong cảnh vách đá, biển và đồng bằng phẳng vô tận bất ngờ bị ngắt quãng bởi những hình dạng phi tự nhiên khác thường. Chẳng hạn, một tấm đá có bề mặt phía trên bóng phẳng sát biển và khối hộp lớn trông giống như quan tài ở tiền cảnh, phía trên nó là một cái cây chết dường như mọc lên một cách khó hiểu. Mỗi chiếc đồng hồ “tan chảy” một cách khó chịu mang một ý nghĩa khác nhau tùy theo bối cảnh của chúng: một chiếc treo như xác khô vắt vẻo trên cành cây, một chiếc khác gợi đến yên của một con ngựa đã chết từ lâu đang phân hủy giữa khoảng trống rộng mênh mông của thời gian và không gian; trong khi chiếc còn lại có vẻ như đang bị đun chảy trong sức nóng nung nấu và dính chặt bất thường vào chiếc hộp hình chữ nhật, một con ruồi đơn độc đậu trên bề mặt chiếc đồng hồ này. Chiếc đồng hồ duy nhất ở thể rắn và nguyên vẹn là chiếc đồng hồ quả trứng màu đỏ và vẫn gập trong vỏ. Thoạt nhìn tưởng như nó đang được trang trí bằng hoa văn màu đen tinh vi, nhưng khi xem xét kỹ hơn, hóa ra chiếc đồng hồ này là điểm thu hút một đàn kiến háu đói và cùng với con ruồi gần đó, là những sinh vật sống duy nhất được khắc họa trong bức tranh”.

Sau khi mô tả và chỉ ra những hình ảnh bất thường trên bức tranh của Dali, tác giả đưa ra cái nhìn của bà mang tính phân tích như sau: “Ở đây, Dali sử dụng một phong cách hiện thực tỉ mỉ mô tả những yếu tố bóp méo kỳ dị nhằm tạo ra hình ảnh bất ổn về một phong cảnh hoang vu không người. Những ám chỉ trường cửu và mục nát, cùng sự miêu tả chân thực một cách tỉ mỉ cái phi lý đến khó tin, bổ sung vào một tổng thể hợp lý nhưng bất an như một cơn ác mộng. Dali, bậc thầy của cái gọi là phong cách “Siêu thực” này, có thể tạo ra những phong cách gây ám ảnh khác xa với những gì ta nghĩ rằng có thể bắt gặp.

Tương tự với cách mô tả bức tranh ở bề mặt rồi phân tích chuyên sâu như vậy, tác giả mang đến cho độc giả những kiến thức hội họa thú vị. Cũng nói về sự “Chạm trán với biển khơi”, nhưng bốn bức tranh về biển cả của 4 danh họa Simon de Vlieger, Claude Monet, W.Turner và Katsushika Hokusa mang những ý nghĩa hoàn toàn khác biệt, phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa và phong cách cá nhân của từng họa sĩ…

Cuối cùng, ở cuối mỗi chương, sau khi hướng dẫn cách “xem tranh” và phân tích kỹ lưỡng yếu tố nghệ thuật của nó, tác giả đặt ra những “Câu hỏi mấu chốt” giúp độc giả một lần nữa tư duy về tác phẩm đã xem.

Ví dụ như trong chương “Ý nghĩa tàng ẩn” nói về các biểu tượng được ngụy trang có thể làm sâu sắc thêm ý nghĩa của một bức tranh, tác giả đặt ra những câu hỏi mấu chốt như sau: “Hiểu biết của bạn về ý nghĩa biểu tượng của các đồ vật trong tranh liệu có nâng cao sự đánh giá của bạn?; Có phải ý nghĩa của một bức tranh phụ thuộc vào các yếu tố biểu tượng nó có? Liệu một bức tranh còn có hiệu quả (biểu đạt) nếu người xem hầu như không biết đến ý nghĩa biểu tượng của nó không?

Những câu hỏi mang tính “chất vấn, phản biện” này quả thực khiến ta phải dừng lại để suy ngẫm và kích thích sự tò mò muốn khám phá thêm mỗi khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật hay đến bảo tàng để xem một bức tranh nào đó.

 

ĐỂ HIỂU NGHỆ THUẬT

 

Cuốn “Để hiểu nghệ thuật” của tác giả Janette Rebold Benton – sử gia nghệ thuật , giáo sư hàng đầu của ngành Lịch sử Nghệ thuật với nhiều năm kinh nghiệm thuyết giảng tại Viện Smithsonian và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và là tác giả của nhiều đầu sách nghệ thuật được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Trong tác phẩm này, tác giả trang bị cho độc giả những công cụ cần thiết nhằm tăng cường khả năng lĩnh hội và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật cũng như nâng tầm trải nghiệm, diễn giải và thưởng thức nghệ thuật.

Phần cuối của cuốn sách đặc biệt thú vị khi tác giả dành phân tích chuyên sâu hơn cho 6 nghệ sĩ lớn có sức ảnh hưởng toàn cầu trong giới hội họa như Leonardo da Vinci, Rembrandt, Vincent van Gogh, Frida Kahlo, Picasso và Andy Warhol với những hành trình nghệ thuật vô cùng khác biệt và sức sáng tạo mang đậm màu sắc cá nhân của từng người.

Đọc xong cuốn sách này, ta ít nhiều đồng cảm với nhận định: “Người làm việc với đôi tay là một người lao động. Người làm việc với đôi tay và trí óc là một Nghệ nhân. Người làm việc với đôi tay, trí óc và trái tim là một Nghệ sĩ”.

Và cuối cùng, cũng là cuốn sách mà tôi thích nhất trong bộ ba, là: NHỮNG THỜI KHẮC THEN CHỐT CỦA NGHỆ THUẬT miêu tả 50 sự kiện bước ngoặt mà không phải ai cũng biết từ thời Phục Hưng đến nay.


Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích và nắm bắt sự phấn khích ở từng thời điểm, tác giả Lee Cheshire – cây bút và biên tập viên cao cấp của chuỗi bảo tàng Tate lần lượt lược thuật 50 sự kiện được xem là nổi bật và có tính bước ngoặt trong lịch sử của nghệ thuật từ xưa tới nay. Từ bức tượng hoàn mĩ David của Michelangelo đến tác phẩm từng bị chối từ Suối nguồn của Marcel Duchamp, từ chuyện Rembrandt tuyên bố phá sản ảnh hưởng đến sáng tạo giai đoạn cuối đời của ông ra sao cho đến chuyện Monet mua nhà tại Giverny (Pháp) mang đến nguồn cảm hứng mãnh liệt sáng tạo những bức tranh theo phong cách Ấn tượng như thế nào. Câu chuyện về bức tranh Mona Lisa bị đánh cắp khỏi bảo tàng Lourve vào ngày 21/8/1911 thì ly kỳ và hấp dẫn như một bộ phim thuộc dòng “heist” là lý giải tại sao bức tranh này lại trở thành một biểu tượng mang tính đại chúng như vậy.

Với dân mê điện ảnh nghệ thuật, tất nhiên không thể không biết đến bộ phim mang tính siêu thực Un Chien Andalou của đạo diễn bậc thầy người Tây Ban Nha Luis Bunuel với sự hợp tác của danh họa Salvador Dali nhưng để hiểu về bối cảnh văn hóa, sự ra đời và sức ảnh hưởng to lớn của nó thì có lẽ là chưa.

Tác giả cho biết Un Chien Andalou là một bộ phim câm đen trắng ra mắt ngày 6/6/1929 tại Paris, Pháp. Nó nổi tiếng nhất với cảnh mở đầu trong đó một người đàn ông dường như đang dùng lưỡi lam rạch con mắt đang mở của một người phụ nữ, nhưng trong suốt bộ phim dài 17 phút toàn là những hình ảnh kì dị và không thể cắt nghĩa tương đương nhau: kiến bò ra từ một cái hố trong tay một người đàn ông, một người đàn ông kéo hai chiếc dương cầm chở xác của những con khỉ vàng và lông nách của người phụ nữ xuất hiện trên miệng người đàn ông. Bất chấp những nỗ lực giải mã bộ phim, Bunuel và Dali kiên quyết rằng hình ảnh của nó không tượng trưng cho cái gì và không kể chuyện gì cả. Chúng chỉ là những hình ảnh ngẫu nhiên của một cơn mê sảng.

Buổi ra mắt diễn ra tại một rạp phim thể nghiệm nghệ thuật ở Paris vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Trong số những người tới xem có những nghệ sĩ avant-garde hàng đầu như danh họa Picasso, kiến trúc sư Le Corbusier và nhà làm phim, nhà thơ người Pháp Jean Cocteau… Sự nghiệp điện ảnh và hội họa của cả Luis Bunuel và Salvador Dali tiếp tục gặt hái được những thành công vang dội và xác lập vị trí hàng đầu của họ không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn trên khắp toàn cầu. Đến nay, ảnh hưởng của Un Chien Andalou vẫn còn rất mạnh mẽ. Bộ phim siêu thực dài 17 phút này được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh độc lập đầu tiên, trong khi nội dung gây sốc của nó đã truyền cảm hứng cho dòng phim và video âm nhạc kinh dị. Nó được xem là tổ tiên của điện ảnh arthouse (phim nghệ thuật) hiện đại mà những cinephiles vẫn thưởng thức hàng năm trong các kỳ LHP quốc tế danh tiếng…

Với cách kể chuyện vừa hấp dẫn vừa sinh động, mỗi thời khắc nghệ thuật then chốt đều mang tới cho độc giả những khám phá bất ngờ về tiến trình phát triển của nghệ thuật thế giới, nhưng đồng thời cũng không ngần ngại đề cập đến những chuyện hậu trường thú vị như tranh cãi, đấu đá, kiện cáo, phá sản, thoái trào, khủng hoảng cá nhân… trong đời sống của từng nghệ sĩ.

Và quan trọng, mỗi thời khắc then chốt đều được chốt lại với một (những) nghệ sĩ then chốt và tác phẩm then chốt của họ.

Đọc ba cuốn sách nghệ thuật kiểu “guidebook” này xong thấy rất sảng khoái và được tiếp nạp thêm nhiều kiến thức cũng như cách tiếp cận, đánh giá, thưởng thức nghệ thuật (đặc biệt là hội họa) hơn hẳn. Để một lần đặt chân vào một bảo tàng nghệ thuật danh tiếng nào đó trên thế giới, bạn có thể tự tin chuyển từ xem tranh một cách thụ động sang xem một cách chủ động, sâu sắc hơn như lời của tác giả Susan Woodford.

Bài chia sẻ của Nhà báo, nhà phê bình Lê Hồng Lâm

 

Tags: