Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1980, khi cuốn “Vũ trụ” của ra mắt và đúng nửa thế kỷ sau cuộc đối thoại nổi tiếng của Einstein với triết gia Ấn Độ Tagore, nhà vật lý tiên phong David Bohm và nhà triết học tâm linh Ấn Độ Jiddu Krishnamurti đã cùng ngồi xuống bàn luận về một số mối quan tâm thường trực nhất của con người: thời gian, sự siêu việt, lòng trắc ẩn, cái chết, bản chất của thực tế và ý nghĩa của sự tồn tại.
Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ vật lý tại Berkeley dưới sự hướng dẫn của Robert Oppenheimer, Bohm tiếp tục giảng dạy tại Princeton, nơi ông cộng tác chặt chẽ với Einstein; ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để vật lộn với bản chất của thực tế và những ý tưởng không chính thống của ông đã cách mạng hóa lý thuyết lượng tử.
Ở tuổi 13, Krishnamurti được Hội Thông Thiên Học gọi là một vị ‘Thầy Thế giới’. Nhưng khi 34 tuổi, ông kiên quyết từ bỏ vai trò này và trở thành một trong những nhà tư tưởng phương Đông có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX, thực hành và giảng dạy thiền như một lối sống từ góc độ triết học sâu sắc và tâm lý sắc sảo nhằm nâng cao hiểu biết của chúng ta về bản chất của tâm trí.
Vào thời điểm hai người gặp nhau, Krishnamurti đã 85 tuổi và Bohm 63 tuổi. Các cuộc đối thoại của họ sau đó được xuất bản thành cuốn sách có tựa đề “The Ending of Time: Where Philosophy and Physics Meet” (tạm dịch: Khi thời gian ngừng lại: Nơi triết học và vật lý gặp nhau).
Ở một trong những phần thú vị nhất của cuộc trò chuyện, họ thăm dò sự tương tác giữa tự do và bản ngã con người - một vấn đề trung tâm của triết học phương Đông. Nhắc lại quan điểm của Simone Weil về hình thức suy nghĩ thuần túy nhất, họ suy ngẫm vấn đề trí thông minh vượt xa hơn suy nghĩ:
“Jiddu Krishnamurti (JK): Suy nghĩ là một hoạt động giữa cái riêng và cái chung, và suy nghĩ cũng được sinh ra từ hình ảnh của những thứ đã được tích lũy. Tất cả điều đó là nội tại của mỗi người. Điều đó đã ăn sâu vào trong tôi. Tôi nhận ra về mặt thể chất, nó cũng có phần quan trọng. Nhưng làm thế nào tôi bắt đầu nhận ra rằng về mặt tâm lý thì không như vậy? Làm thế nào tôi, người đã có thói quen tích lũy hàng thiên niên kỷ, nói chung và riêng, không chỉ nhận ra thói quen đó, mà khi tôi nhận ra thói quen đó, làm sao hoạt động đó kết thúc? Đó là câu hỏi thực sự.
Trí thông minh đóng vai trò ở đâu trong tất cả điều này?
David Bohm (DB): Phải có trí thông minh mới thấy được điều này.
JK: Là trí thông minh sao? Là trí thông minh thông thường hay một loại trí thông minh nào khác, cái gì đó hoàn toàn khác?”
Khi Krishnamurti chỉ ra rằng trí thông minh là một điều gì đó hoàn toàn khác với những gì chúng ta biết về trí thông minh thông thường, Bohm đã gợi ý đó là “khả năng suy nghĩ”. Tuy nhiên, có một yếu tố cốt yếu đã khiến nó vượt xa hơn những suy nghĩ:
“JK: Trí thông minh có liên quan đến tình yêu không?
DB: Tôi muốn nói rằng chúng gắn liền với nhau.
[…]
JK: Tôi muốn hỏi thêm rằng liệu trí thông minh có liên kết, liên quan hay có phải là một phần của tình yêu hay không. Người ta không thể tích lũy tình yêu.
DB: Không, mọi người có thể thử. Mọi người thường cố gắng để đảm bảo tình yêu.
JK: Nghe hơi ngớ ngẩn nhỉ! Đó là tất cả những điều lãng mạn vô nghĩa, chỉ có trong phim. Bạn không thể tích lũy tình yêu. Bạn không thể liên kết nó với sự ghét bỏ. Tình yêu là một cái gì đó khác hẳn. Và có không một tình yêu sáng suốt giúp người ta phá bỏ bức tường?”
Bức tường đề cập đến những hạn chế của tâm trí con người - rào cản, được dựng lên bởi ý thức của chúng ta, giữa những gì chúng ta nhận thức là đúng và Sự thật lớn hơn của thực tế. Krishnamurti xem xét tại sao lại cần có tình yêu, không phải chỉ suy nghĩ, để phá bỏ bức tường đó:
“JK: Tôi không biết tình yêu là gì. Tôi biết tất cả các chi tiết vật lý. Tôi nhận ra vui thú, ham muốn, tích lũy, hồi tưởng, những hình ảnh, không phải là tình yêu. Tôi đã nhận ra tất cả điều đó từ lâu rồi. Nhưng bức tường đã quá cao đến nỗi tôi không thể nhảy qua nó. Vì vậy bây giờ tôi đang đi loanh quanh để xem liệu có một hoạt động khác mà không phải là hoạt động do con người tạo ra hay không. Và hoạt động đó có lẽ là tình yêu. Và chuyển động đó có lẽ là tình yêu. Tôi rất tiếc phải sử dụng từ đó vì nó đã bị hư hỏng và sử dụng sai mục đích, nhưng hiện tại chúng tôi sẽ sử dụng nó.
Vậy thì tình yêu đó, cùng trí thông minh của nó, là yếu tố sẽ phá vỡ hay làm tan biến bức tường này? Không phải “Anh yêu em” hay “Em yêu anh”. Nó không mang tính cá nhân hay cụ thể. Nó không chung chung hay cụ thể. Nó là một cái gì đó hơn thế. Tôi nghĩ khi người ta yêu bằng trí thông minh đó, nó bao trùm toàn bộ; nó không phải là cái cụ thể hay chung chung. Chính là nó. Đó là ánh sáng, nhưng không phải ánh sáng cụ thể.
[...]
DB: Bản thân bức tường là sản phẩm của quá trình ảo tưởng.
JK: Chính xác. Tôi nhận ra rằng bức tường là hành động này. Vì vậy khi hoạt động này kết thúc, trí thông minh và tinh yêu, cùng nhiều thứ khác nữa, bắt đầu có chất lượng. Đó là toàn bộ vấn đề.
[…]
Nhận thức là một phần của tình yêu, phải không? Vì vậy chính sự nhận biết, không có bất kỳ động cơ nào, không có bất kỳ phương hướng nào về bức tường (đã được tạo thành bởi hoạt động của sự tích lũy) là trí thông minh và tình yêu.”
Trong cuộc trò chuyện thứ mười ba, họ xem lại chủ đề từ một góc độ khác, khám phá những khuôn mẫu tinh thần khiến chúng ta không thể nhận thức và phá vỡ bức tường:
“ Điều gì khiến tâm trí luôn tuân theo một khuôn mẫu nhất định? Luôn luôn tìm kiếm? Nếu nó bỏ đi một khuôn mẫu, nó sẽ chọn một khuôn mẫu khác; nó cứ tiếp tục hoạt động như vậy. Người ta có thể đưa ra những giải thích tại sao nó làm như vậy: để bảo vệ, để an toàn, khỏi sự lười biếng, thờ ơ, một mức độ nhẫn tâm nào đó, hoàn toàn coi thường sự tốt đẹp của chính mình, v.v.
Việt phải tìm ra tại sao tâm trí của chúng ta luôn luôn vận hành theo một phương hướng nào đó rất quan trọng.
Chúng ta đã nói rằng sau khi trải qua khó khăn, tìm hiểu và thấu hiểu, một người nào đó sẽ tới một bức tường trống. Và bức tường trống đó chỉ có thể tàn lụi hoặc bị phá bỏ khi có tình yêu và trí thông minh. Nhưng trước khi chúng ta đi sâu vào vấn đề đó, tôi muốn hỏi tại sao con người, dù thông minh đến đâu, dù có học thức đến đâu, dù triết lý và tôn giáo đến đâu, luôn luôn theo thói quen ấy.
DB: Ồ, tôi nghĩ thói quen ấy vốn có trong bản chất của hiểu biết được tích lũy.
[…]
Đối với tôi, thói quen ấy hay kiến thức được tích lũy, có một ý nghĩa vượt xa ý nghĩa của nó. Nếu chúng ta nói rằng chúng ta có hiểu biết về vật nào đó, như cái micro, điều đó có ý nghĩa hạn chế nào đó. Nhưng kiến thức về quốc gia mà bạn thuộc về dường như có ý nghĩa to lớn…Bởi vì kiến thức này dường như có một giá trị to lớn vượt trên tất cả những giá trị khác, nó khiến tâm trí dính chặt vào điều đó. Có vẻ đó là điều quan trọng nhất trên thế giới.
[…]
Kiến thức sẽ làm cho bộ não choáng váng.
JK: Choáng váng. Nhưng bộ não dường như không thể tự giải thoát được.
DB: Nó đã quá choáng váng đến nỗi nó không thể thấy được nó đang làm gì.
JK: Vậy nó sẽ làm gì? Tôi đã quan sát trong nhiều năm và thấy mọi người đang cố gắng để được tự do khỏi những thứ nào đó. Đó chính là gốc rễ. Ông hiểu chứ? Sự tích lũy tâm lý này trở thành hiểu biết dạng tâm lý. Và thế là nó phân cực, và đủ thứ chuyện xảy ra xung quanh nó và bên trong nó. Thế nhưng tâm trí vẫn không chịu buông bỏ.”
Hơn một thế kỷ trước, Thoreau đã đề cập đến chính xu hướng này trong khái niệm “sự thiếu hiểu biết hữu ích” của ông. Nhưng Bohm lập luận rằng chúng ta không thể tránh khỏi sự tích lũy kiến thức đang bị tê liệt này - nó là một phần tất yếu trong cơ chế sinh tồn của chúng ta:
“DB: Hiểu biết đánh lừa tâm trí, đến mức bình thường con người không nhận biết được rằng nó có tính hủy diệt. Một khi quá trình này bắt đầu, tâm trí không ở trong trạng thái có thể nhìn vào sự việc vì nó đang lảng tránh câu hỏi. Có một cơ chế phòng thủ khiến ta né tránh việc nhìn vào toàn bộ vấn đề… Bởi vì có vẻ như cái gì đó cực kỳ quý giá có thể đang bị đe dọa… Một khi những hiểu biết trở nên quan trọng hơn, sẽ có một quy trình máy móc chống lại trí thông minh.”
Cốt lõi của tất cả những điều này là sự ảo tưởng dai dẳng về bản thân của chúng ta:
“DB: Hiểu biết này tạo ra cái “tôi,” và cái “tôi” được coi như một thực thể, không phải là một sự hiểu biết, mà là một thực thể thực sự nào đó.
JK: Ông đang nói rằng “cái tôi” này khác với sự hiểu biết đúng không?
DB: Có thể nói là như vậy.
JK: Nhưng có phải vậy không?
DB: Không phải vậy, nhưng ảo tưởng có sức mạnh vô cùng.
[…]
Câu hỏi là làm thế nào chúng ta có thể vượt qua điều đó để phá vỡ thói quen, bởi vì nó tạo ra sự bắt chước, hay sự giả vờ, về một trạng thái của cái tôi?”
- Trạm Đọc
- Theo The Margianlian