Hãy cùng theo lời kể của Kevin Mitnick để biết làm thế nào mà từ một hacker bị truy nã gắt gao bởi FBI ông trở thành một chuyên gia bảo mật được săn đón nhất thế giới. Cũng từ đó, bạn có thể tự mình đưa ra đáp án cho câu hỏi rằng trong thời đại của dữ liệu lớn nơi mà thông tin là tiền bạc thì thông tin của chúng ta có thực sự được an toàn và bảo mật.
Từ những cuộc "ghé thăm" đến tội lỗi đầu tiên
Từ những cuộc “ghé thăm” ban đầu vào hệ thống máy tính của các tổ chức và cá nhân, từ những cú hack để thực hiện các cuộc điện thoại miễn phí và “tàng hình”, Kevin trở thành gã nghiện hacking từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay từ ban đầu, mục đích đột nhập của ông chỉ tương tự như lý do một đứa trẻ tò mò đột nhập vào ngôi nhà bỏ hoang cuối phố: Chỉ để xem thế nào. Kevin tự đặt ra cho mình một khái niệm: Hacking có đạo đức.
Ông quan niệm mình không cần “chôm” tài sản của người khác để chiến thắng hacking trở nên có giá trị. Trong khi hoàn toàn có thể trả vô số hóa đơn bằng thẻ tín dụng của các “nạn nhân”, ông không mảy may có ý định đó mà vẫn tìm mọi cách tạo cho mình một thân phận mới và có một công việc mới dù biết sẽ có nguy cơ để lại những dấu vết. Chính điều này khiến những người đi ngang cuộc đời ông không thể hiểu và luôn quy kết cho ông những động cơ kinh tế hay chính trị nào đó nhất định phải có. Sự thỏa mãn xuất phát từ một trò chơi kỹ năng đòi hỏi trí tuệ sắc sảo mà Kevin có được là điều mà không phải ai cũng hiểu hay có thể hiểu và bằng cách nào đó, người ta đã thêu dệt nên huyền thoại mang tên ông.
Kevin Mitnick không thích điều gì hơn việc đặt ra thử thách cho bản thân, làm những việc mà chính ông cũng cho là không thể và chờ xem mình có thể làm được hay không. Những cám dỗ khám phá quá lớn khiến ông không thể chống lại. Cảm giác được nếm mùi kích thích song song với hồi hộp mà ông chỉ nhận ra khi biết mình đã nghiện hết lần này đến lần khác đẩy ông vào sự khốn đốn của một kẻ lẩn trốn. Ngay cả khi ở trong trại biệt giam, chỉ được gọi cho mẹ, bà, và vợ, ông vẫn không thoát khỏi cơn nghiện hacking khi quay số gọi cho vợ vào khung giờ lẽ ra là không được phép. Khi bị phát hiện, ông chỉ còn được nghe điện thoại ngay tại phòng giam của mình qua một dây nối với ống nghe dài tới 6m cách xa chiếc điện thoại.
Một hacker yêu nghề hay nghệ sĩ trốn chạy?
Kevin thừa nhận ông đã trở thành nô lệ của nỗi ám ảnh quyền lực. Đừng vội nhầm lẫn ở đây bởi quyền lực điều khiển ông không đến từ sức mạnh chính trị hay tiền bạc, mà đó là thứ quyền lực thống trị mọi hệ thống bất chấp những bức tường bảo vệ nghiêm ngặt và nắm giữ bí mật của bất kỳ ai mà ông muốn. Người ta tin rằng đặt điện thoại vào tay ông giống như đặt súng vào tay sát thủ. Một số cảnh sát tư pháp tại tòa án - những người hiểu biết và có trình độ - còn cho rằng ông có “phép thuật” có thể phá hoại đời sống cá nhân của một người thông qua kiến thức về máy tính và điện thoại.
Tờ báo danh tiếng nhất nước Mỹ – New York Times đã từng cho đăng bài về ông với tiêu đề: Kẻ bị truy nã gắt gao nhất không gian mạng: Hacker lẩn tránh cuộc rượt đuổi của FBI. Họ thậm chí còn trao cho ông danh hiệu Pháp sư kỹ thuật. Khi được hỏi tại sao lại trốn chạy thay vì đối mặt với những cáo buộc chống lại mình, Mitnick đã trải lòng rằng khi không thể chắc chắn mình sẽ được đối xử công bằng thì cách phản ứng thông minh nhất chính là trốn chạy. Bên cạnh đó, ông tin rằng chính phủ thì luôn luôn sẵn sàng kết án dựa trên những tin đồn thất thiệt.
Huyền thoại Kevin Mitnick
Trong cuốn tự truyện này, Mitnick khẳng định với độc giả rằng rất nhiều luận điệu về ông đã được đưa ra và đều không đúng. Phần lớn trong số chúng có mục đích khẳng định ông là một mối nguy hại đối với an ninh quốc gia nhằm tác động dư luận. Nhưng trái lại, ông nhận được sự hâm mộ và yêu mến của mọi người. Khi ông bị giam giữ, người ta còn tổ chức những cuộc biểu tình đòi thả tự do cho ông.
Bên cạnh đó, ông bị buộc tội đã tấn công vào máy tính của cảnh sát và xóa đi dữ liệu phạm tội của mình trong khi trên thực tế, đó là lỗi của cảnh sát vì đã tắc trách khi không làm công việc mà lẽ ra họ phải làm. Trong khi một cáo buộc rất hài hước quy kết rằng ông có thể sẽ khởi xướng một cuộc tàn sát hạt nhân chỉ bằng “những lời thì thầm qua điện thoại” thì một luận điệu khác chụp mũ ông đã đột nhập vào máy tính của Bộ Chỉ huy Phòng không Không quân Bắc Mỹ – một việc là bất khả thi với bất cứ ai, bởi các máy tính trọng yếu của cơ quan này không kết nối với thế giới bên ngoài, nên một điều rõ ràng là chúng miễn nhiễm với các hacker như ông.
Khi hacker bí ẩn này bị bắt giữ, vụ việc đã xuất hiện trên khắp các bản tin trong suốt ba ngày liên tiếp. Vào đầu năm 2000, ông được thả và trở thành nhân vật nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông, xuất hiện trong một số chương trình thời sự và chương trình nói chuyện trên truyền hình. Ông nhận lời phỏng vấn của các trang báo hàng đầu thế giới bao gồm Washington Post, Forbes, Time, Wall Street Journal, Guardian, và Newsweek. Cuốn sách The Art of Deception của ông được xuất bản và nhanh chóng trở thành cuốn sách bán rất chạy trên thế giới, được dịch sang 18 ngôn ngữ khác nhau và là cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ, vượt cả cuốn sách mới xuất bản của Giáo hoàng John Paul II lúc bấy giờ.
Bất chấp những việc làm phạm pháp của ông trong quá khứ, nhiều tổ chức uy tín và quyền lực tìm đến ông nhờ hỗ trợ trong đó có Cục Hàng không Liên bang Mỹ, FBI và InfaGard. Ông đã trở thành một chuyên gia bảo mật được săn đón nhất thế giới, trong đó có những cơ quan trước kia đã từng đau đầu vì truy bắt ông.
Về phía bạn - một độc giả, không cần phải là một chuyên gia máy tính hay bảo mật thì qua Bóng ma trên mạng, tôi tin chắc rằng bạn luôn có thể khám phá ra điều gì đó hữu ích trong việc sử dụng và bảo vệ những tài khoản số của mình.
Mỹ Hạnh Đàm