Sự phát triển nhanh như chớp của công nghệ đồng nghĩa với việc các loại công việc có thể trở thành xu hướng hoặc lỗi thời chỉ trong một vài năm, thậm chí vài tháng. Ai biết được nhà “quản lý cộng đồng” là gì vào 10 năm trước? “Một nhà thiết kế ứng dụng cho iPad” hay một “phù thủy JavaScript” là ai?
Một phần đáng kể người lao động hiện nay kiếm tiền bằng cách làm những công việc chưa từng xuất hiện trong 10 hoặc 20 năm về trước. Ngay cả nếu bản chất công việc của bạn chưa bao giờ thay đổi, thì rất có thể bạn đang dùng những kỹ thuật và kỹ năng mới để thực hiện công việc của mình. Hãy nghĩ về một nhà thiết kế viết blog, các diễn viên hài sử dụng Twitter hoặc một nhà sản xuất phim gọi vốn trên Kichstarter.
10 năm sau, chúng ta có thể thực hiện một loại hình công việc mới mà hiện tại chúng ta không thể tưởng tượng được. Suy nghĩ đó vừa khiến ta hứng khởi vừa tạo ra sự sợ hãi. Chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho một tương lai đầy những sự thiếu chắc chắn?
Phóng tầm mắt ra khỏi chức vụ công việc, và tập trung vào nhiệm vụ của bạn. Thật dễ dàng để bị cuốn vào một cuộc rượt đuổi một chức vụ công việc – kể cả đó là một giám đốc sáng tạo, giám đốc marketing hay quản lý sản phẩm. Nhưng các chức vụ đó là một cạm bẫy. Công việc mà bạn muốn bây giờ có thể sẽ không tồn tại trong tương lai. Do đó, bằng cách tinh chỉnh các mục tiêu và phát triển kỹ năng của mình để đạt được một vị trí cụ thể, bạn cần hạn chế các lựa chọn của bản thân.
Thay vì tập trung vào một vị trí cụ thể, hãy tập trung vào những gì bạn muốn đạt được. Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi đang giải quyết vấn đề gì? Tôi muốn tạo ra điều gì? Tôi muốn thay đổi điều gì?” Nhiệm vụ của bạn sẽ được phát triển từ những câu trả lời. Chúng có thể là: “Tôi muốn đưa ra một mô hình kinh doanh mới về loại hình xuất bản trực tuyến” hoặc “Tôi muốn sử dụng công nghệ để mang giáo dục đến với các cộng đồng còn lạc hậu” hay “Tôi muốn là một phần trong cuộc đàm thoại về năng lượng sạch”.
Bằng việc thực hiện một nhiệm vụ, bạn định hình lại các tham vọng của mình để làm sao khiến mọi người cảm thấy hào hứng và kết nối với bạn (ví dụ, “Tôi cũng có đam mê về năng lượng sạch. Bạn có biết Mosaic, thị trường đầu tư năng lượng sạch không?”). Nó cũng mang lại cho bạn một nền tảng tốt hơn để các giá trị của bạn song hành với những công ty và các đối tác tiềm năng. Hãy chắc chắn rằng, công ty đang phỏng vấn bạn có thể cần một nhà quản lý sản xuất, nhưng liệu họ có chung niềm đam mê đưa giáo dục vào các cộng đồng còn lạc hậu hay không?
Bạn càng làm sáng tỏ nhiệm vụ của mình bao nhiêu, bạn càng được trang bị tốt hơn để có thể thích ứng với một thị trường nhiều biến động và thu hút cũng như đánh giá được những cơ hội mới.
Nhiệt tâm khám phá những kỹ thuật mới. Trong tương lai, bạn sẽ không sử dụng những công cụ của hiện tại. Bạn có thể từng nghe thấy thuật ngữ “thể thao cuộc sống” trước đây. Nó đề cập đến những môn thể thao – như golf, tennis hoặc bơi lội – mà bạn có thể chơi ở mọi lứa tuổi (từ 7 đến 70 tuổi). Kevin Kelly, đồng sáng lập Wired gần đây đã mở rộng khái niệm này ứng dụng công nghệ như là một phần của thể thao cuộc sống, phác thảo một danh sách “những kỹ năng công nghệ cuộc sống” mà chúng ta phải trau dồi.
Như Kelly đã nói: “Nếu bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, thì những công nghệ bạn sẽ sử dụng như một người trưởng thành trong tương lai vẫn chưa được phát minh ra. Do đó, kỹ năng sống mà bạn cần nhất không phải là làm chủ những kỹ thuật cụ thể, mà làm chủ... cách hoạt động nói chung của công nghệ.”
Cho dù đó là một cuộc phỏng vấn ai đó qua Skype, tạo dựng một hình ảnh hòa nhã trên Twitter, học cách xuất bản một cuốn sách điện tử, hay trải nghiệm một ứng dụng quản lý mới, chúng ta cần phải thục luyện khả năng thử nghiệm những kỹ thuật có lợi cho cuộc sống cá nhân cũng như công việc của chúng ta. Đôi khi, chúng ta sẽ chọn không tích hợp một công nghệ mới vào cuộc sống của mình, và điều đó cũng chẳng sao. Đó là một trải nghiệm, và nhận thức mà chúng ta có được thông qua nó mới quan trọng.
Biến việc giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào có thể trở thành thói quen của bạn. Chúng ta đều có thể chắc chắn rằng, tại một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ từ những người khác. Như chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo và nhà dân tộc học, Simon Sinek, nêu ra trong một cuộc nói chuyện sôi nổi tại Hội nghị 99U của chúng tôi, “Chúng ta không thể giỏi trong mọi mặt và chúng ta không tự sinh ra đã làm tốt được.” Sinek tiếp tục mô tả cách thức mà khả năng xây dựng các mối quan hệ là chìa khóa cho sự sinh tồn của chúng ta trong một cuộc đua và phát triển mạnh mẽ như các nhà hoạch định ý tưởng. Cách thức số một để gây dựng các mối quan hệ tất nhiên là bằng cách giúp đỡ người khác.
Nhưng trong thời đại của những kết nối phức tạp và đầy rủi ro, không phải lúc nào cũng tồn tại mối tương quan trực tiếp giữa hai người trong hàng loạt các hành động. (Như “Tôi giúp anh rồi anh sẽ giúp tôi”.) Việc giúp đỡ các đồng nghiệp, cộng sự và các đồng minh nên trở thành một thói quen thường xuyên. Chúng ta thường không thể dự đoán trước được bằng cách nào, nhưng “ở hiền thì gặp lành”.
Hãy chủ động đảm nhận thêm các trách nhiệm và khởi xướng các dự án mới. Cái thời “chuẩn bị” các nhân viên trẻ cho các vị trí cấp cao đã xa rồi. Không ai còn dành nhiều thời gian để lo cho sự nghiệp của bạn ngoài bản thân bạn. (Và, thành thực mà nói, tại sao bạn lại mong chờ điều đó từ họ?) Như người phụ trách một chuyên mục của tạp chí New York Times kiêm tác giả của những cuốn sách bán chạy, Thomas Friedman đã viết, các ông chủ “đều đang tìm kiếm một loại người – những người không chỉ có kỹ năng tư duy phản biện để làm các công việc gia tăng giá trị mà công nghệ không thể, mà còn là những người có thể tạo ra, thích ứng và tái tạo công việc của họ mỗi ngày, trong một thị trường thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.”
Bạn sẽ không bao giờ được khen thưởng nhờ những cơ hội mới đầy hấp dẫn bằng việc cúi đầu và luôn tuân thủ các quy tắc. Nếu bạn muốn một thách thức mới tại nơi làm việc hoặc nhiều trách nhiệm hơn, bạn phải trình bày với sếp và khách hàng của bạn về những gì cần được hoàn thành, tại sao đó lại là một ý tưởng hay, tại sao bạn lại là lựa chọn tối ưu để thực hiện nó và tại sao mọi người đều có lợi. Hãy là người tiên phong với sự sáng tạo và chủ động của riêng bạn, và hỗ trợ nó với sự nhiệt tình và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ.
Nuôi dưỡng “chỉ số may mắn” của bạn bằng cách luôn cởi mở và cảnh giác. Một cơ hội gặp gỡ tại một quán cà phê sẽ dẫn bạn đến với đối tác kinh doanh đầu tiên của bạn, một người bạn của bạn bạn giới thiệu bạn cho một cố vấn có thể làm thay đổi cuộc đời bạn, một lời nhận xét về bài đăng của bạn trên blog sẽ giúp bạn có được một hợp đồng viết lách khá tiền. Đây là những kiểu sự kiện cơ hội chúng ta vạch ra để tìm kiếm sự may mắn dù chúng hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Nhưng hóa ra, may mắn không phải là sự huyền bí nào mà là kết quả của một tập hợp các đặc điểm tính cách. Trở thành một người may mắn thực sự là một cách để thâm nhập vào thế giới – và đó cũng là cách để bạn trau dồi thêm thế mạnh cho bản thân. Đây là những gì mà Tina Seelig, Giám đốc điều hành Stanford Technology Ventures (người mà chúng tôi phỏng vấn trong cuốn sách này), đã viết trong cuốn sách tuyệt vời của cô, What I Wish Knew When I Was 20 (Nếu tôi biết được khi còn 20, Nxb Trẻ, 2011).
Những người may mắn tận dụng lợi thế của các sự cố theo cách của họ. Thay vì trải qua cuộc sống trên hành trình được mặc định, họ chú ý đến những gì xảy ra quanh mình và, do đó, có thể đúc rút ra những giá trị tuyệt vời nhất từ mỗi trường hợp... Những người may mắn cũng thường chào đón những cơ hội mới và sẵn sàng thử sức với những gì họ chưa từng trải nghiệm. Họ thiên về việc chọn một cuốn sách với chủ đề lạ lẫm, chu du đến những nơi không thân thuộc và tương tác với những người có tính cách và suy nghĩ khác biệt so với bản thân họ.
Tóm lại, những người may mắn là những người cởi mở, lạc quan, chủ động và luôn sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ. Dù việc được hướng dẫn rất tốt cho sự nghiệp của bạn, nhưng bạn sẽ muốn luôn cởi mở và sẵn sàng đón nhận với những cơ hội bất ngờ. Và khi chúng xuất hiện, hãy hành động dựa trên chúng. Bạn sẽ không bao giờ biết kết quả có thể trở thành ra sao.
Luôn đặt câu hỏi “Điều gì tiếp theo?” Nếu không đặt câu hỏi, bạn sẽ không tìm được câu trả lời. Chúng ta thường chờ đặt ra những câu hỏi khó về nghề nghiệp cho đến khi chúng ta cần được hồi đáp trong tuyệt vọng. Chúng ta chờ cho đến khi bị sa thải để nghĩ về những điều kế tiếp. Hoặc chúng ta chờ đến khi bản thân hoàn toàn khốn cùng và ngọn lửa đam mê với công việc hiện tại tắt lịm trước cả khi chúng ta bắt đầu suy tính đến những dự định tiếp theo.
Nhưng nếu bạn thay đổi công việc khoảng 4 năm một lần, bạn cần phải luôn tự hỏi bản thân rằng “Điều kế tiếp là gì?”. Tất nhiên, không phải theo cách sẽ tách rời bạn với công việc hiện tại mà theo cách có thể giúp bạn thúc đẩy và trau dồi thêm cho bản thân với niềm đam mê sẵn có của mình. Bạn muốn phát triển những kỹ năng mới nào? Ai sẽ là người mà bạn muốn được nghe cố vấn? Liệu bạn có nên đảm nhiệm một dự án lớn trong công việc, vốn luôn khiến bạn sợ hãi?
Nếu không hỏi, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra câu trả lời.
Trích dẫn từ cuốn sách “Tối đa hóa năng lực bản thân”