Lịch sử Hội sách thiếu nhi châu Á (AFCC)
Theo trang thông tin của sự kiện, ý tưởng tổ chức AFCC xuất phát từ thực trạng hơn một tỷ trẻ em ở châu Á thiếu các nguồn lực tốt, cả về giáo dục và giải trí. Những người có phương tiện và khả năng tiếp cận được những nguồn lợi này thì phần lớn sử dụng các tài liệu giáo dục giải trí có sẵn từ phương Tây. Các tài liệu châu Á, ngay cả những tài liệu có sẵn, cũng hiếm khi được quảng bá và do đó không được nhiều trẻ em biết tới.
Do đó, các nhà tổ chức nhận ra rằng việc đưa các tác phẩm châu Á có chất lượng đến với trẻ em là điều tối quan trọng và điều đó sẽ giúp trẻ em nhận thức được các giá trị văn hóa và môi trường độc đáo của châu Á, thúc đẩy sự hiểu biết và tình yêu đối với văn học và nghệ thuật thị giác. Từ đó sẽ đặt nền móng cho một nền giáo dục khu vực tốt và toàn diện.
Bởi vậy, AFCC dần trở thành sự kiện hàng đầu thường niên ở khu vực hướng tới các sáng tác văn học dành cho thiếu nhi và tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên (YA). Nhắm mục tiêu tôn vinh các nhà văn, họa sĩ minh họa, dịch giả, nhà xuất bản, nhà giáo dục và chuyên gia truyền thông, AFCC có nội dung chương trình phong phú, bao gồm thảo luận nhóm, thuyết trình, hội thảo, bài giảng, phiên kết nối mạng và các chương trình công cộng nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tôn vinh chất lượng văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên tập trung vào các chủ đề Châu Á.
Được Hội đồng sách Singapore đứng ra tổ chức từ năm 2010, AFCC diễn ra thường niên vào tháng 5. Sau 2 năm ban đầu có chủ đề chung, mỗi năm sau đó ban tổ chức sẽ chọn ra một quốc gia tâm điểm, vừa tôn vinh nền văn học, vừa để kỷ niệm quan hệ của Singapore với quốc gia đó.
Quốc gia tâm điểm của AFCC năm nay (diễn ra từ 25-28/5) là Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Singapore và Việt Nam.
AFCC 2023
Bước chân vào không gian hội sách, ngay lập tức, người tham gia thấy banner giới thiệu quốc gia tiêu điểm của Hội sách Thiếu nhi châu Á 2023 - Việt Nam. Nhân vật Dế mèn từ tác phẩm thiếu nhi kinh điển Dế mèn phiêu lưu ký được chọn làm hình ảnh đại diện cho hội sách năm nay.
Khu gian hàng của Việt Nam bày trí chỉn chu, giới thiệu nhiều ấn phẩm thiếu nhi bằng tiếng Anh với nội dung hấp dẫn và minh họa sống động.
Tham gia sự kiện lần này, có sự góp mặt đại diện từ Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, 9 nhà xuất bản và hai công ty sách. Ngoài ra còn có một số tác giả sách sẽ xuất hiện làm diễn giả tại các chương trình trong khuôn khổ hội sách.
Trong cuộc họp trước thềm hội sách, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã nói: “Các nước bạn chưa biết nhiều về xuất bản Việt, nhưng những ai đã biết thì đều đánh giá cao, vì vậy, chúng ta cần cố gắng thể hiện rõ diện mạo, sự phát triển của sách Việt”.
Thể hiện rõ diện mạo, sự phát triển sách thiếu nhi Việt Nam chính là tinh thần của đoàn tham gia hội sách lần này.
Ngay trong sáng khai mạc, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - có bài phát biểu chia sẻ về thị trường sách thiếu nhi nước nhà.
Trong đó, ông nói: "Xuất bản Việt Nam nói chung, thị trường sách thiếu nhi Việt Nam nói riêng đang mở cơ hội lớn cho các nhà xuất bản Việt Nam; đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà xuất bản các nước trong khu vực cộng tác với các nhà xuất bản Việt Nam trên các phương diện, đặc biệt giao dịch bản quyền".
Tham gia cùng ông Lê Hoàng giới thiệu xuất bản Việt Nam ra khu vực, các đại diện từ Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ và Công ty sách Nhã Nam có những chia sẻ sâu về thị trường và xu hướng sách thiếu nhi hiện nay.
Các đại diện Việt Nam tỏ ra rất hào hứng và tự hào trước những gì mình có thể thể hiện về thị trường sách thiếu nhi nước nhà.
Trong thời gian diễn ra lễ hội (25-28/5), gian hàng Việt Nam sẽ mở xuyên suốt, sẵn sàng giới thiệu các ấn phẩm đặc sắc của chúng ta tới khách tham quan, đối tác nước bạn. Bên cạnh việc quảng bá xuất bản, văn hóa Việt Nam ra thế giới, đây được đánh giá là một dịp tốt để các đơn vị làm xuất bản trao đổi về việc mua bán bản quyền.
Theo Zing