Hãy tự hỏi 4 câu hỏi sau để thoát khỏi “cơ chế phẫn nộ” của bản thân
Hãy tự hỏi 4 câu hỏi sau để thoát khỏi “cơ chế phẫn nộ” của bản thân
Sự phẫn nộ không phải lúc nào cũng là một điều tệ. Những cảm xúc đạo đức chúng ta trải qua khi chứng kiến sự bất công trên thế giới có vai trò quan trọng đối với sự vận hành của xã hội. Chính những cảm xúc đó giúp chúng ta huy động sức mạnh và giải quyết những vấn đề khi thế giới bị tàn phá. Khi được dẫn dắt đúng cách, những cảm xúc phẫn nộ này có thể thay đổi thế giới theo hướng tích cực.

Nhiều phong trào xã hội với tác động lớn trong lịch sử như phong trào dân quyền tại Mỹ, chiến dịch giải phóng Ấn Độ của Gandhi, phong trào giành quyền bỏ phiếu của phụ nữ, phong trào quyền lợi của người đồng tính... đều bắt nguồn từ sự phẫn nộ, nhưng đã được biến thành những hành động có tổ chức và hệ thống.

Tuy nhiên, phẫn nộ trở thành vấn đề khi nó chuyển hóa thành sự phẫn nộ độc hại – khi nó dập tắt các cuộc tranh luận, khiến chúng ta không thể thảo luận về vấn đề một cách xây dựng với những người có quan điểm khác biệt, và dẫn đến bạo lực. Khi hệ thống đối thoại bị đe dọa bởi những cảm xúc phẫn nộ quá mức, chúng ta cần chú ý và chắn lại.

Tương tự, mạng xã hội không phải vốn dĩ là điều tiêu cực. Nó có sức mạnh to lớn để mang lại điều tốt đẹp, chẳng hạn như khi nó phơi bày những tổn hại từng bị che giấu và trao tiếng nói cho những cộng đồng từng không có quyền lực. Mỗi công nghệ truyền thông mới đều mang đến cả tác động tích cực lẫn tiêu cực, và theo thời gian, con người luôn tìm ra cách để cân bằng lại.

Là cá nhân, chúng ta có thể góp phần vào sự thay đổi. Có một số điều có thể giúp mỗi người c thanh lọc mối quan hệ của mình với cơn giận dữ trực tuyến và cách chúng ta phản ứng với nó. Mỗi giải pháp này đều giúp chúng ta lấy lại phần nào quyền kiểm soát cảm xúc mà chúng ta đã dần đánh mất. Hãy nhớ rằng, điều này không chỉ dành cho riêng ta: khi ta giảm bớt sự tham gia vào "hệ thống giận dữ" đầy thao túng và trục lợi, ta đang thực sự góp phần làm giảm mức độ độc hại trong thế giới này - thứ mà bạn bè, gia đình và cả những người xung quanh ta đều đang cảm nhận.

Quan trọng hơn, khi ta chọn lọc và chỉ tham gia vào những vấn đề đánh thức những phần tốt đẹp nhất trong ta, ta sẽ nâng cao hiệu quả hành động của mình bằng cách tập trung vào những điều thực sự có ý nghĩa - tạo ra những cơ hội cho sự phẫn nộ chính đáng và những sự thay đổi tích cực trong tương lai.

Ngày nay, có vô số kênh cung cấp những nội dung kích thích sự phẫn nộ một cách áp đảo. Và nơi khiến chúng ta dễ bị kích động cảm xúc nhất chính là trực tuyến. Nếu bạn cảm thấy bản thân liên tục bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực từ những gì bạn tiêu thụ trên mạng, có một giải pháp đơn giản: Hạn chế thời gian bạn dành cho nó.

Khi lướt mạng, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

  • Những gì tôi đang xem có thực sự giúp tôi cải thiện cuộc sống của mình hoặc cuộc sống của những người xung quanh tôi không?
  • Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến những người tôi quen biết không?
  • Đây có phải là một vấn đề thực sự, hay chỉ là một vấn đề đang bị thổi phồng quá mức?
  • Hãy để ý đến cảm giác hối tiếc. Sau khi sử dụng những nền tảng này, tôi có cảm thấy cuộc sống của mình tốt hơn và cách tôi sử dụng thời gian có ích hơn không?

Nếu câu trả lời sau một thời gian sử dụng đều là “không”, hãy thử một thí nghiệm đơn giản: Xóa ứng dụng đó trong một tuần. Sử dụng trình chặn nội dung trên điện thoại và máy tính để ngăn bản thân vô thức quay lại trang web đó. Rất có thể bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và nhận ra rằng mình có nhiều thời gian rảnh hơn đáng kể. Thế giới vẫn sẽ tiếp tục vận hành.

Nếu bạn không thể giới hạn khoảng thời gian cụ thể đó (vì bạn cần sử dụng mạng xã hội cho công việc, chẳng hạn), hãy cố gắng giảm thiểu sự tiếp xúc với những nội dung gây kích động nhất trong các nguồn tin này. Hãy huấn luyện thuật toán của bạn bằng cách mạnh dạn hủy theo dõi và chặn những tài khoản thường xuyên chia sẻ hoặc khơi gợi những nội dung giật gân khiến bạn cảm thấy hối tiếc vì đã dành thời gian xem chúng. Hầu hết các nền tảng đều có tùy chọn như “Tôi muốn xem ít nội dung này hơn” hoặc “Không quan tâm” ngay bên dưới những bài viết bạn không thích. Bộ não và cơ thể bạn sẽ biết ơn điều đó, giúp bạn tập trung năng lượng vào những điều thực sự quan trọng.

Sau cuộc bầu cử năm 2016, người Mỹ đã trải qua một làn sóng “hủy kết bạn” chưa từng có: Cứ sáu người thì có một người mất đi một người bạn vì những quan điểm được bày tỏ trên mạng xã hội trong thời gian đó. Những mối quan hệ này không chỉ là những tình bạn hời hợt - phần lớn đều là những kết nối thực sự giữa con người với nhau. Đại dịch COVID-19 chỉ khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

Một trong những điều khiến mạng xã hội trở nên nguy hiểm là cách nó xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta là nó khiến những câu chuyện “bề ngoài” về một người nào đó trở nên quan trọng hơn cả trải nghiệm cá nhân của chúng ta về họ. Trải nghiệm cá nhân là mối quan hệ mà bạn đã xây dựng theo thời gian với một ai đó trong cuộc sống. Trong khi đó, câu chuyện “bề ngoài” lại là điều được áp đặt lên mối quan hệ này thông qua những nguồn tin mà cả hai cùng tiếp cận. Dù đôi khi rất khó để phân biệt hai điều này, nhưng không phải là không thể. Nếu một mối quan hệ thực sự quan trọng với bạn và vẫn đang bị phủ bóng bởi những khác biệt tư tưởng, hãy thử hít một hơi thật sâu và hướng cuộc trò chuyện tránh xa chủ đề chính trị. Bạn có thể làm điều này bằng cách thừa nhận mối quan tâm của họ, rồi nhẹ nhàng chuyển sang một chủ đề mà cả hai đều yêu thích.

Hình ảnh bạn thấy về bạn bè trên mạng không hẳn đã phản ánh chính xác con người họ ngoài đời thực. Nếu bạn cảm thấy khoảng cách giữa mình và họ ngày càng lớn, hoặc nhận ra bản thân đang dần rời xa họ, hãy thử gặp mặt trực tiếp hoặc gửi một lời nhắn đầy yêu thương. Việc chủ động kết nối theo cách này có thể khơi dậy một vòng tuần hoàn tích cực, giúp hàn gắn những rạn nứt và vượt qua những tổn thất cá nhân mà cỗ máy giận dữ trên mạng đã gây ra.

- Trạm Đọc

- Theo Big Think

Tags: