Một buổi sáng lạnh giá vào tháng Mười Một, Sid, người chồng đã gắn bó với tôi trong gần ba mươi tám năm, đột ngột qua đời trong giấc ngủ. Trong nỗi đau đớn quặn thắt, tôi có cảm giác như trái tim tan vỡ của mình không thể nào tiếp tục đập khi không có anh.
Vào đêm đầu tiên sau khi anh ra đi, tôi nhớ mình đã nằm một mình trong bóng tối và cầu xin Chúa đưa tôi đi. Nhưng mặt trời vẫn lên cao và tôi vẫn thở. Lúc đó, tôi biết rằng bằng cách nào đó, tôi phải thoát ra khỏi chiếc hố sâu đau khổ mà bản thân đang chìm sâu dưới tận đáy.
Giờ đây khi nhìn lại, tôi nhận ra việc tham gia một nhóm hỗ trợ vượt qua nỗi đau mất mát và tiếp nhận tư vấn tâm lý chính là những bước khởi đầu quan trọng. Tôi nhận được niềm an ủi và sự thấu hiểu, được dạy các kỹ năng cần thiết để vượt qua nỗi buồn và tiến lên phía trước. Chuyên viên tư vấn đã hỏi tôi một câu hỏi quan trọng. Giả sử tôi là người ra đi trước, tôi có muốn chồng mình mãi đau khổ suốt phần đời còn lại hay không? Tất nhiên là không. Tôi nhận ra mình cần phải làm những gì tôi muốn anh ấy làm. Thật khó mà tin rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại, nhưng các buổi tư vấn đã giúp tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để tưởng nhớ chồng chính là tiếp tục sống một cuộc đời thật trọn vẹn và có ích.
Trước giai đoạn chữa lành, tôi lúc nào cũng sống trong tâm trạng tiêu cực và những cảm xúc đau buồn. Nhưng giờ đây, tôi đã học được cách biến chúng thành những suy nghĩ tích cực. Mọi việc không diễn ra ngay lập tức. Vài tháng sau sự ra đi của Sid, tôi đã phải nỗ lực chiến đấu chống lại kẻ thù tàn bạo nhất mà tôi từng biết: nỗi đau buồn.
Tôi phải thay đổi góc nhìn của bản thân, bởi nếu không, nỗi đau buồn sẽ đánh bại tôi. Chuyên viên tư vấn tâm lý của tôi đã khuyên: “Hãy biết ơn những gì bạn đang có. Đừng tập trung vào những gì bạn đã mất”. Đó là một quá trình chậm rãi và hết sức khó khăn, nhưng tôi đã dần học được cách trân trọng những năm tháng hạnh phúc mà tôi từng có bên chồng. Dù thời gian chúng tôi sống bên nhau bị rút ngắn đi một cách đột ngột, chúng tôi cũng đã có với nhau những kỷ niệm đẹp. Tôi bắt đầu ghi nhận những phước lành đó và biết ơn chúng.
Tôi nhớ đã từng đọc về một người mẹ mất đi cậu con trai tuổi vị thành niên vì bệnh bạch cầu. Một người bạn đã hỏi bà rằng nếu biết trước kết cục như thế, liệu bà ấy có chọn mang thai đứa trẻ đó không. Dĩ nhiên câu trả lời là có. Dù bà phải nếm trải nỗi đau khủng khiếp khi mất con trai, cuộc sống của bà cũng từng trở nên phong phú, rực rỡ hơn bởi sự hiện diện quý báu của đứa trẻ. Giống như người mẹ đó, tôi sẽ không thay đổi điều gì cả. Thật ra tôi đã rất may mắn, bởi không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm một mối tình sâu sắc như tôi có được.
Khi thái độ của tôi dần thay đổi và tôi ngày càng trở nên tích cực hơn, tôi bắt đầu nghĩ về những điều mình có thể làm. Hành trình vượt qua nỗi đau buồn đã dẫn tôi rẽ sang một con đường khác, nhưng có lẽ cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp trở lại. Biết đâu niềm vui thật sự còn đang nằm ở phía trước?
Để biết được câu trả lời, tôi cần phải chấp nhận sự thật, dù sự thật đó có bất công thế nào đi nữa – rằng lúc này tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tôi phải rẽ sang một hướng khác với con đường tôi từng đi với chồng. Việc này đương nhiên là rất khó khăn, nhưng thay vì nuối tiếc những dự định không thành, tôi cần học cách hình dung ra những điều tốt đẹp còn đang chờ mình ở phía trước.
Trong quá trình hồi phục, tôi cũng gặp phải vô số trở ngại mà trước giờ tôi chưa từng phải đối mặt, chẳng hạn như các vấn đề tài chính. Ban đầu, tôi cực kỳ sợ hãi những trách nhiệm mới này. Nhưng ngay sau đó, tôi phát hiện ra mình cũng nhận được những lợi ích bất ngờ khi đối mặt với các thách thức mới. Mỗi lần chinh phục được một thử thách mới lạ, tôi lại được tiếp thêm sức mạnh. Tôi có thêm tự tin và khả năng nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan hơn. Tôi không thể thay đổi sự thật rằng tôi đã mất Sid, nhưng tôi có thể đối mặt trực tiếp với những chướng ngại trong đời, vượt qua chúng và trở thành một người phụ nữ tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi học được cách tin tưởng vào trực giác và lắng nghe con tim. Tôi cũng cảm thấy như Sid vẫn luôn ở trong tim mình, đồng hành bên tôi để giúp tôi đối mặt với những gian nan bất ngờ. Anh ấy luôn ở đó, động viên tôi tiến đến một cuộc sống mới.
Nhờ đối mặt với cái chết của Sid mà tôi cũng học được cách đón nhận, trân trọng từng ngày mình có được và tận hưởng những niềm vui giản đơn. Tôi tìm thấy những đam mê mới và nỗ lực bồi đắp những mối quan hệ của mình hơn bao giờ hết. Khi thức dậy mỗi sáng, tôi thấy biết ơn khi lại có thêm một cơ hội để yêu thương mọi thứ và mọi người xung quanh. Tôi không bao giờ chọn rời xa Sid, nhưng tôi đã học được rất nhiều điều khi nhích dần đến cuối con đường hồi phục. Tôi trưởng thành hơn và bắt đầu vui sống, học được cách thiết lập và chinh phục các mục tiêu mới. Khi nỗ lực vượt qua nỗi buồn sâu sắc của mình, tôi có thể xoay chuyển được hoàn cảnh và tìm thấy một cuộc sống mới mãn nguyện hơn.
Hành trình vượt qua đau buồn không bao giờ thật sự kết thúc và cuộc sống sau một cuộc chia ly không bao giờ trở về như cũ được nữa. Nhưng tôi phát hiện ra rằng mình có sức mạnh tự định đoạt đời mình, chứ không để bản thân quay cuồng trong nỗi đau mất mát. Tôi lại một lần nữa tìm thấy mục đích sống cũng như nguồn cảm hứng trong việc trân trọng quá khứ, sống cho hiện tại và hướng đến tương lai. Ngay cả nghịch cảnh kinh khủng nhất cũng có thể trở thành một cơ hội. Với những ký ức tươi đẹp trong tim, chúng ta có thể chiến thắng bi kịch. Tôi nhắc nhở bản thân mỗi ngày rằng Sid vẫn đang đứng ngay kia, mỉm cười thật dịu dàng và cổ vũ tôi tin rằng hầu như mọi việc trên đời này đều nằm trong tầm tay ta.