1. Khi tặng cho tôi cuốn sách Haruki Murakami and the music of words (Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ) do Jay Rubin chắp bút, anh Nguyễn Vĩnh Nguyên có nhắn nhủ, khi nào đó em hãy viết một bài về việc vì sao người ta thích Haruki Murakami. Bẵng đi cũng một năm, nhiều lần định viết rồi thôi, chủ yếu bởi đó là một đề tài quá lớn mà thời gian thì eo hẹp, cho đến hôm nay, đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất Murakami, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, tôi nghĩ đã đến lúc mình cần “trả bài”, dù có lẽ, trong phạm vi chỉ một cuốn sách, lại không đời nào là cuốn đỉnh cao của vị tác gia người Nhật, thì thật khó để coi đây là bài làm tương xứng với phần đề được đặt ra.
Trên một nhóm đọc sách trên internet, có một bạn tự nhận không phải người hâm mộ Haruki Murakami, chỉ đọc duy có hai cuốn của ông, cuốn đầu và cuốn cuối (tính đến thời điểm này), và bạn phát hiện ra, một điều mà không phải ai cũng nhận ra, kể cả tôi, rằng văn nghiệp của Murakami đã bắt đầu bằng một câu thế này, câu đầu tiên trong Lắng nghe gió hát: “Thứ gọi là văn chương hoàn hảo không tồn tại. Giống như không tồn tại nỗi tuyệt vọng hoàn hảo vậy”.
Đó có phải một lời nói quá hay không? Có lẽ là có. Moby Dick, Chiến tranh & Hòa bình, Giấc mộng đêm hè, những tiểu thuyết của William Faulkner, chúng có vẻ là những sinh thể văn chương đã đạt đến mức độ hoàn hảo mà một nhà biên tập giờ đây khi đọc chúng hẳn sẽ không nghĩ mình cần tiêm cho chúng một liều đột biến gì thêm nữa. Mặt khác, cũng có lẽ là không, không phải vì sự hoàn hảo chỉ là ảo tưởng, mà bởi vì hẳn không ai dám mưu cầu sự hoàn hảo khi đặt bút viết.
2. Giết chỉ huy đội kỵ sĩ nhất định không phải một áng văn chương hoàn hảo. Trước hết đó là một cuốn tiểu thuyết quá dài và đôi khi dài không cần thiết. Murakami tiếp tục mân mê trong thế giới của những cái giếng (lần này, một cái hố), của việc nấu món spaghetti, của âm nhạc cổ điển, của những khu rừng tâm thức, của những nhân vật quái đản từ trên trời rơi xuống tự nhận mình chỉ là một ẩn dụ. Đôi khi cảm giác ông khá thừa năng lượng, và cuốn tiểu thuyết có thể lược giản đi phần lớn mà vẫn có thể giữ nguyên điều quan trọng nhất ông muốn nói – hay ở đây, tạm gọi điều-quan-trọng-nhất ấy là giai điệu chủ đạo của câu chuyện.
Song, nếu thế, nó đã không phải là jazz!
Haruki Murakami có hai niềm đam mê lớn nhất, không, không phải là viết hay văn chương, mà là chạy bộ và nhạc jazz. Người ta vẫn thường trích dẫn câu chuyện mà ông vẫn kể về nguyên cớ viết văn, cái ngày năm 29 tuổi khi xem một trận đấu bóng chày giữa Yakult Swallows và The Hiroshima Carp, nhưng không kể thêm rằng ngay từ thời điểm đó, Murakami đã biết mình sẽ không bắt chước Dostoevski hay Balzac, ông bắt chước Charlie Parker, ông bắt chước Thelonious Monk, ông bắt chước Miles Davis, những người khổng lồ của jazz. “Tôi sẽ lấy phẩm chất của sự tự làm mới mình liên tục nơi âm nhạc của Miles Davis như một hình mẫu văn chương”, ông viết trong bài tiểu luận có tính giãi bày mang tên “Sứ giả jazz” đăng trên New York Times năm 2007.
Vậy để hiểu sức hấp dẫn của Haruki Murakami, hay là ta hãy bắt đầu từ Miles Davis. Chỉ cần một bản nhạc thôi, Someday my prince will come (Một ngày kia hoàng tử của tôi sẽ tới), ca khúc xuất hiện lần đầu trong bộ phim hoạt hình dài có màu đầu tiên của nền điện ảnh, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, qua tiếng hát cao vút của Adriana Caselotti. Phân cảnh nàng Bạch Tuyết ngồi bên lò sưởi với bảy chú lùn đáng yêu chớp chớp mắt mỉm cười ngồi quây xung quanh, nghe nàng hát toàn bộ ca khúc, chỉ dài có 1 phút 55 giây. Nhưng sau này, khi Miles Davis thực hiện bản diễn tấu trên cây trumpet cùng với ban nhạc, nó đã lên tới hơn 9 phút. Vẫn giai điệu chính ấy, nhưng ngẫu hứng tung hứng với rất nhiều những lần rẽ nhánh, những lần phiêu dạt trong âm nhạc, một cuộc rong chơi “hái hoa bắt bướm” không theo đường thẳng mà liên tục đi vòng, hay tựa một nghệ sĩ đi thăng bằng trên dây nhưng thay vì chỉ đi một lèo thì người đó vừa đi vừa nhào lộn và làm ảo thuật, ở đó đích đến không phải là cứu cánh, mà hành trình mới là cứu cánh.
Người ta bảo John Coltrane “thổi bay những giới hạn của thời gian, không gian và sự chết”. Murakami cũng vậy, ông cũng thổi bay những giới hạn của thời gian, không gian và sự chết.
Giết chỉ huy đội kỵ sĩ là một áng jazz theo cách này. Đáng lý câu chuyện về một chàng họa sĩ vẽ chân dung vừa mới kết thúc một cuộc hôn nhân, lên núi sống trong một căn nhà bỏ lại của một vị họa sĩ lừng danh, rồi bị cuốn vào một vòng xoáy phiêu lưu kỳ ảo, chỉ cần gói gọn trong một tiểu thuyết độ 200 trang là đủ, nhưng sự ứng tác không ngưng nghỉ, sự đa tiết tấu (polyrhythm, một đặc điểm của jazz), những hợp âm phức tạp, khiến cho cuốn tiểu thuyết trải đến hơn ngàn trang. Nhưng cũng như âm nhạc của Miles Davis, dù dài không cần thiết, ta vẫn bị nó thôi miên, những tình tiết chồng lấn lên nhau của nó lôi cuốn ta đi không cho phép một sự ngắt quãng, một sự gián đoạn, một lần bỏ xuống. Cuốn sách chiếm hữu ta trong khoảng thời gian ta cầm nó lên, một thứ tiểu thuyết có tính “ma nhập”, khiến ta không thể làm gì khác hơn là đọc từ đầu chí cuối.
3. Polyrhythm là một phần thiết yếu của jazz hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng xuất hiện trong nhạc cổ điển, như Don Giovanni của Mozart là một ví dụ điển hình, khi một dàn nhạc chơi theo nhịp 2/4 và một dàn khác chơi theo nhịp 3/4 cùng hòa vào nhau, rồi sau đó có thêm một dàn thứ ba chơi theo nhịp 3/8.
Don Giovanni là chủ đề trung tâm trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Và nó, trong tác phẩm này, một cách trùng hợp, cũng có ba cuộc đời. Cuộc đời thứ nhất, cuộc đời của tác phẩm nguyên gốc mà Mozart đã viết ra, kể về cuộc đời của anh chàng Don Juan hoang đàng và ngạo mạn. Cuộc đời thứ hai, cuộc đời trong bức tranh tuyệt tác bị giấu kín trên gác mái của danh họa Amada Tomohiko. Và cuộc đời thứ ba, sự tái hiện trong một hiện thực lồng ẩn dụ của chàng họa sĩ vẽ chân dung, hay boku (nhân vật xưng “tôi” trong tiếng Nhật). Nói ngắn gọn thì ba cuộc đời ấy hòa vào nhau và dội lại những ảnh phản chiếu. Ba cuộc đời ấy không can thiệp vào nhau nhờ logic, bất kể logic ấy là thẳng thớm hay zigzag, chúng là ba cuộc đời độc lập mà bằng cách nào đó đã bắc cầu đến nhau trong một cảm thức siêu hình. Và bằng cách tận dụng polyrhythm, từ một cuốn tiểu thuyết được kể theo ngôi thứ nhất đầy tính chủ quan, cuốn sách liên tục dịch chuyển góc độ và trở nên mê hoặc không kém gì khi ta nghe một đoạn solo của tay trống Art Blakey trong album A night in Tunisia, với tứ chi – tay trái, tay phải, chân trái, chân phải – cùng một lúc, theo đuổi những tiết nhịp khác nhau. Thật khó tin nếu đây chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên, rằng buổi diễn jazz đầu tiên trong đời mà Haruki Murakami được nghe năm 1964 là buổi diễn của Art Blakey and The Jazz Messengers tại Kobe, và cậu bé 15 tuổi khi ấy đã thừa nhận “chưa bao giờ được nghe thứ âm nhạc tuyệt vời đến thế, và tôi đã bị nghiện”.
Cũng như những sáng tác trước của mình, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ được dàn dựng trong những ứng tác khó lường (improvisation, linh hồn của jazz). Một vị chỉ huy đội kỵ sĩ nhảy ra từ bức tranh, một tiếng chuông vang ngân giữa đêm, một con cú đại bàng trên gác mái, một người đàn ông lái chiếc Subaru Forester, ta phải cảnh giác với mọi thứ trong cuốn sách bởi bất cứ lúc nào, cũng có thể có một cái gì đó nhảy vọt ra từ trong góc mà ta không thể lý giải, hoặc bắt ta phải chấp nhận những lý giải bất tường minh về nó. Một lần nữa, phong cách của Murakami lại không thể đem so với lối cầm bút của một nhà văn nào khác, mà nếu có so, phải so với lối thổi saxophone đầy mê say của John Coltrane. Nói về bản ghi âm Giant Steps, người ta bảo John Coltrane “thổi bay những giới hạn của thời gian, không gian và sự chết”. Murakami cũng vậy, ông cũng thổi bay những giới hạn của thời gian, không gian và sự chết, trong tiểu thuyết của ông, thời gian có thể bị đóng băng giữa lòng tăm tối, không gian có thể xuyên thấu qua những đường hầm nối liền tâm thức và thực tại, cái chết có thể là một phép ẩn dụ, những định luật về cái chắc chắn bị vô hiệu hóa để mọi thứ đều được phép trong trí tưởng tượng bất tận của ông.
Một đặc điểm nữa của jazz ta có thể tìm thấy trong văn chương Murakami, như đã nói ở trên, là những hợp âm quái dị. Một cô bé thì nhất định không thể là một cô bé bình thường mà phải là một cô bé thích nói về bộ ngực của mình. Một người tình qua đường thì phải là một phụ nữ đòi bạn tình giả vờ siết cổ. Một ý tưởng thì phải biết nói. Một cuộc phiêu lưu có thể chỉ quẩn quanh trong một căn phòng đựng đồ. Tiếng chuông thì phải từ hố sâu dưới đất vọng lên. Murakami giỏi đặt những “nốt nhạc” không tương hợp kế bên nhau. Không phải lúc nào những hợp âm ấy cũng hay, có khi chúng có vẻ khiên cưỡng, nhưng dù sao đi nữa, chúng khác thường. Sự khác thường ấy tạo nên sự phi thường của Haruki Murakami.
4. Văn chương của Murakami rất đơn giản. Ông từng chia sẻ cách viết của mình là, đầu tiên viết tiếng Anh, vì vốn tiếng Anh khá cơ bản nên cũng chỉ viết những câu không lấy gì làm cầu kỳ, rồi sau đó dịch lại sang tiếng Nhật. Những từ ngữ rất bình thường ấy, chúng có được ma thuật, là bởi nhịp điệu (rhythm), mà rhythm, thì ông học được ở những nghệ sĩ nhạc jazz.
Nhưng không chỉ là jazz đã khiến Murakami là độc nhất vô nhị, mà còn là âm nhạc nói chung.
Ursula Grafe, một dịch giả dịch Murakami sang tiếng Đức, từng viết: “Tôi bị hấp dẫn bởi năng lực của ông trong việc chuyển thể xúc cảm thành những ẩn dụ âm nhạc, trong việc sáng tạo ra những loại tâm trạng và loại nhân vật khác nhau mà một mình từ ngữ không thể diễn tả. […] Murakami cho phép những phần trong câu chuyện của mình có thể được nghe trong bất cứ bản dịch nào theo cùng một cách chúng được nghe trong bản gốc.” Ursula Grafe đang nói về việc, hầu như trong các sáng tác của Murakami, luôn có những bản nhạc chủ đề, như Rừng Nauy của The Beatles, như Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời của Nat King Cole, như Archduke Trio của Beethoven, hay trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, là Don Giovanni của Mozart.
Nếu trái tim bạn từng khựng một nhịp khi ca khúc Happy Together vang lên trong bộ phim Xuân Quang Xạ Tiết của Vương Gia Vệ, thì bạn đã hiểu hơn ai hết, cách những cuốn sách của Murakami hớp hồn ta. Ông đã “phá vỡ bức tường thứ tư”, viết nên những cuốn tiểu thuyết không chỉ để đọc, mà còn để nghe. Ông có lợi thế hơn Vương Gia Vệ. Vương Gia Vệ không có đủ tiền để mua bản quyền bản ghi âm Happy Together nguyên gốc của The Turtles và phải dùng một bản cover của một nghệ sĩ Hoa ngữ. Nhưng những tiểu thuyết gia thì không cần phải mua bản quyền một nhạc phẩm để đưa nó vào văn chương. Thế là, Murakami cứ tự do và tự nhiên “huy động” tất cả những nghệ sĩ mà ta yêu nhất, The Beatles, Bob Dylan, Nat King Cole, Bruce Springsteen, The Beach Boys, tất cả đứng về phía ông ở bên kia thế giới, đẹp đẽ như đốm lửa đã ám ảnh Gatsby vĩ đại, khiến ta muốn nhào qua ngay tắp lự, để được ôm ấp bởi miền đất của ông.
Hẳn nhiên, bạn có thể kể ra 1001 lý do khác khiến ta yêu Murakami. Nhưng để nói điều gì quan trọng nhất, thì phải chăng chính là nằm ở những giây phút mà đột nhiên, phần nhạc kịch tính của Mozart, hay tiếng sitar của George Harrison, và tiếng hát “như một cậu bé đứng bên cửa sổ xem mưa” của Bob Dylan, trở thành nhạc nền vang vọng sau sân khấu cho những nhân vật của Murakami sống và yêu?
Bởi nói cho cùng, còn sự hậu thuẫn nào lớn lao hơn thế?
5. “Nếu bạn đang tìm kiếm nghệ thuật hay văn chương thì nên đọc những tác phẩm do người Hy Lạp viết". Bởi chế độ nô lệ là điều kiện không thể thiếu để nghệ thuật chân chính đâm chồi nảy lộc. Giống như người Hy Lạp cổ đại trước đây, trong khi những nô lệ làm công việc đồng áng, nấu ăn, chèo thuyền, thì các công dân của thị quốc đắm chìm trong thơ ca và trăn trở với những bài toán dưới ánh mặt trời Địa Trung Hải. Nghệ thuật là như vậy.
Một kẻ lục lọi tủ lạnh trong căn bếp im lìm lúc ba giờ sáng thì chỉ có thể viết được thứ văn chương như thế này thôi.
Và, "kẻ đó là tôi”.
Murakami viết trong cuốn tiểu thuyết đầu đời Lắng nghe gió hát. Nhưng ở điểm này thì tôi không đồng tình với Murakami. Chân chính hay không chân chính là một sự phân tầng thừa thãi trong nghệ thuật. Nói theo kiểu của tay jazz trumpet Louis Armstrong thì hợp lý hơn: “Có hai loại nhạc: loại hay và loại tồi. Tôi thì chơi loại hay”. Cũng như vậy, đừng nói văn chương chân chính hay không chân chính, hoàn hảo hay không hoàn hảo, chỉ có hai loại văn chương mà thôi: loại hay và loại tồi.
Murakami có thể tự chối bỏ mình không thuộc về nghệ thuật. Cũng chẳng quan trọng. Gì thì gì, văn chương của Murakami thuộc về loại thứ nhất, bất chấp nó không chân chính, bất chấp nó không hoàn hảo.
Theo Tạp chí Tia Sáng