Hạnh phúc là khi biết sống cho người khác: Bài học đầu tiên mà bố mẹ Nhật nào cũng muốn con hiểu rõ
Hạnh phúc là khi biết sống cho người khác: Bài học đầu tiên mà bố mẹ Nhật nào cũng muốn con hiểu rõ
Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bỏ học, phạm tội, đánh lộn nhau trong trường học ngày càng tăng cao… Một khi vấn đề này xảy ra thì đây không còn là chuyện riêng của những cá nhân cụ thể nào đó mà là vấn đề chung của toàn xã hội.

Việc điều chỉnh những yếu tố đến từ bên ngoài là điều vô cùng khó khăn. Do đó, điều duy nhất cha mẹ có thể làm là bồi dưỡng cho con những kỹ năng sống thích hợp.

Nếu như cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” của Ibuka Masaru giúp các bậc phụ huynh biết cách bồi dưỡng trí tuệ cho trẻ nhỏ ở giai đoạn vàng từ 0 đến 3 tuổi thì “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập” sẽ giúp nhiều ông bố, bà mẹ trẻ nhận ra rằng, họ còn cần phát triển các kỹ năng sống cho đứa con đáng yêu của mình nữa. Lý do là bởi, một người dù có thông minh đến mấy nhưng không có khả năng chăm sóc bản thân, chẳng bao giờ suy nghĩ cho người khác và thiếu cả năng lực ứng phó với các tình huống trong đời sống hàng ngày thì con người ấy cũng khó có thể trở thành một người có ích cho xã hội.

“Cha mẹ Nhật dạy con tự lập” được xếp vào một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản. Bản thân tác giả, cô Sugahara Yuko cũng là một người mẹ và có hơn chục năm kinh nghiệm làm công tác tư vấn cho hàng vạn cha mẹ về cách rèn luyện nhân cách cho trẻ nhỏ. Những điều cô chia sẻ đều xuất phát từ những tình huống thực tế cụ thể, kèm theo cách giải quyết vấn đề khoa học, hợp lý và thi thoảng cũng có những phân tích thú vị, mới lạ về tâm lý của người làm cha mẹ.

 

Sống trong hiện tại nhưng có tầm nhìn tương lai

Các bậc phụ huynh luôn lo lắng liệu con mình có ngoan không, có làm theo đúng những gì cha mẹ dặn hay không… Điều đó có nghĩa là họ chủ yếu quan tâm đến thời điểm hiện tại của con và cố gắng bao bọc trẻ trong cái vỏ của sự an toàn và quy củ. Đó là hiện tượng rất phổ biến, nhưng việc can thiệp quá sâu vô tình biến trẻ trở thành người thiếu tự chủ.

Vì thế, theo tác giả, cách nuôi dạy trẻ đúng đắn là không chỉ tập trung vào hiện tại mà phải hướng tầm nhìn đến tương lai của con. Để trẻ học được “kỹ năng sống” cơ bản đầu tiên, cha mẹ hãy cho trẻ trải nghiệm và tiếp xúc với xã hội. Chẳng hạn, khi trẻ 4-5 tuổi, trẻ cần phải học cách làm thế nào để chơi với các bạn cùng trang lứa, biết tự điều chỉnh hành vi, cảm xúc của mình và hoà đồng với các bạn. Ở thời kỳ này, nếu trẻ luôn bám chặt lấy bố mẹ và bố mẹ lại cứ làm mọi việc thay cho trẻ thì bố mẹ đã tước đi cơ hội tự trải nghiệm của con mình.

Cha mẹ nào cũng mong con mình luôn hạnh phúc, không dựa dẫm vào bất cứ ai, biết tự tìm ra đường đi bằng chính năng lực của mình. Muốn đạt được ước muốn đó, cha mẹ cần rèn luyện kỹ năng sống và tính tự lập cho con ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Có nên dùng lời khen để dạy con?

Nhiều cha mẹ sử dụng lời khen để lái con thực hiện nhiệm vụ nào đó theo ý muốn của mình và xem đây là một cách làm rất tiện lợi. Tuy vậy, họ lại không nhận ra rằng, trẻ sẽ hành động chỉ là để được người lớn khen ngợi. Khi không được khen, chúng không còn hứng thú để làm nữa hoặc trẻ sẽ hậm hực và đánh mất động lực tiến lên.

Lâu dần, việc lạm dụng lời khen khiến trẻ không nuôi dưỡng được cái tôi muốn khẳng định bản thân mà biến trẻ thành một người thiếu tự tin, sống dựa vào những giá trị do ai đó đặt ra. Những trẻ như vậy khi lớn lên dù làm gì cũng luôn để ý xem mình có được ngợi khen hay không. Và nếu như không được mọi người tâng bốc, chúng sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, sợ mình có vấn đề.

Vậy làm thế nào để trẻ tự giác làm những việc mà người lớn mong muốn, chẳng hạn như, ở nơi công cộng, trẻ sẵn sàng nhường ghế cho người già, giúp đỡ người gặp hoạn nạn…? Cha mẹ phải làm sao để trẻ tự giác cư xử một cách lịch thiệp mà không cần đến sự nhắc nhở, thúc giục?

Câu trả lời là các bậc phụ huynh hãy gieo hạt giống “biết sống vì người khác” vào tâm hồn trẻ. Đây là nguyên tắc cốt lõi trong ứng xử giữa con người với con người. Những trẻ hiểu được nguyên tắc này sẽ hành động một cách tự nguyện vì mục tiêu đem lại niềm vui cho người khác mà không cần ai đó phải đáp lại và bản thân cũng thấy vui bởi đã làm được một việc có ích. Khi bố mẹ giúp con hiểu được nguyên tắc quan trọng này thì họ không cần phải tốn công sức nghĩ cách khen hay mắng con và trẻ sẽ luôn hành động đúng.

Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là khi trẻ làm giúp việc gì thì các bậc phụ huynh đừng khen ngợi trẻ. Ví dụ như, khi trẻ lên 2 tuổi, bạn có thể nhờ trẻ bỏ tất bẩn vào túi giặt đồ… Thay vì nói những câu “con mẹ giỏi quá”, “con mẹ quả là người lớn” thì cha mẹ hãy nói “cảm ơn con”; “con đã giúp mẹ rất nhiều”… với niềm vui sướng hiện rõ trên ánh mắt và nụ cười bạn dành cho trẻ.

Có thể nói, trẻ nhỏ yêu thương cha mẹ mình hơn bất cứ ai. Chính vì thế, khi trẻ biết được rằng, bản thân mình có ích với người mà mình yêu thương nhất, đó không chỉ là niềm vui đối với trẻ mà còn khiến các em cảm nhận được ý nghĩa tồn tại của bản thân.

3 bài học cha mẹ nên dạy con là "yêu thương", "trách nhiệm" và "hạnh phúc vì biết sống cho người khác".

Chúng ta hay cho rằng, môi trường giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập nên giới trẻ ngày nay mới thiếu kỹ năng sống và ỷ lại đến vậy. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực chất vấn đề thì đây không hẳn là trách nhiệm của nhà trường, xã hội mà là trách nhiệm của gia đình. Vì thế, nhìn nhận lại tầm quan trọng, không thể thay thế của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách và kỹ năng sống của trẻ là việc cần thiết. Và đây cũng là mục tiêu mà cuốn sách “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập” hướng đến.

Minh Phương

Tags: