Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất bản trong năm 2020 đã có sự sụt giảm ở nhiều chỉ tiêu so với năm 2019. Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, tổng số xuất bản phẩm năm 2020 đã giảm 2,4% về số cuốn và 9,1% về số bản in so với năm 2019. Sang năm 2021, sức mua của thị trường tiếp tục giảm sâu, lượng sách bị tồn đọng nhiều và các nhà xuất bản (NXB) bị đóng băng vốn, lúng túng trong việc tìm đầu ra cho xuất bản phẩm. Nhiều đơn vị phát hành phải đóng cửa; doanh thu của các nhà sách bị sụt giảm mạnh
Theo bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ, hoạt động kinh doanh của NXB Trẻ năm nay sụt giảm nghiêm trọng, việc mua bán bản quyền bị ảnh hưởng xấu. Hiện NXB Trẻ chủ yếu thực hiện bản thảo đã được khai thác trước đó, thiếu kinh phí mua mới.
Có những quãng thời gian, hệ thống phát hành gần như phải tạm ngừng hoạt động do giãn cách xã hội; doanh thu của nhiều đơn vị phát hành rất thấp hoặc không có. Hình thức bán sách online không đem lại kết quả khả quan tại một số địa bàn do lực lượng giao hàng không được phép hoạt động do sách không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu.
Phó Tổng Giám đốc Fahasa, bà Phạm Thị Hóa cho biết, tháng 6 - tháng 9 là thời gian cao điểm phục vụ các đơn hàng sách giáo khoa và văn phòng phẩm của Fahasa, nhưng năm nay, do giãn cách, nhiều đơn hàng sách không được ưu tiên vận chuyển, có lúc Fahasa dồn ứ hơn 300.000 đơn hàng đã đóng gói trong kho.
Điều đó cho thấy đã có những lúc, có những địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của sách đối với người dân. Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, sách còn là tài liệu phục vụ việc học tập và nghiên cứu, cung cấp kiến thức bảo vệ sức khỏe trong những ngày dịch bệnh và giãn cách. Khi chưa được coi là mặt hàng thiết yếu, sách không được ưu tiên vận chuyển; người dân phải thắt chặt chi tiêu nên không ngần ngại đưa sách vào danh sách cần cắt giảm. Điều đó phần nào chứng minh rằng, việc đọc của nhiều người chưa thực sự là nhu cầu, là thói quen hằng ngày.
Những khó khăn mà các đơn vị xuất bản, phát hành sách đang gặp phải có lẽ cũng là khó khăn chung của nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Bên cạnh những kiến nghị, đề xuất Nhà nước hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn về tiền thuê nhà, đất; thuế thu nhập doanh nghiệp; lùi thời gian nộp tiền bảo hiểm xã hội; tiếp cận với các gói ưu đãi vay ngân hàng để khắc phục khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... thì về lâu dài, ngành Xuất bản cũng cần “định vị” lại thị trường.
Mặc dù những năm gần đây văn hóa đọc có nhiều khởi sắc nhưng số sách bình quân theo đầu người vẫn còn thấp, tỷ lệ người dân sử dụng thư viện công cộng chưa cao. Khi văn hóa đọc chưa thực sự được lan tỏa sâu rộng, số lượng người có thói quen đọc hằng ngày chưa cao thì thị trường xuất bản khó có đà bứt phá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng sách cũng là vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt là với sách của các tác giả Việt, trong đó, khâu truyền thông sách cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Vượt qua khó khăn của đại dịch, thời gian qua, các đơn vị làm sách đã “xoay” nhiều hướng tiếp cận độc giả với các chương trình ra mắt sách online, các cuộc thi viết và vẽ theo chủ đề, tặng sách tại các khu cách ly... Phát triển kênh bán hàng online là định hướng chung của nhiều đơn vị xuất bản, phát hành trong giai đoạn sắp tới.
Bà Nguyễn Kim Thoa, đại diện công ty Tân Việt cho biết, thời gian qua, Tân Việt đã tăng cường đầu tư về công nghệ, triển khai ứng dụng bán hàng điện tử. Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, sức mua của thị trường bị thu hẹp thì xuất bản điện tử sẽ là lối thoát, là định hướng phát triển lâu dài của các đơn vị xuất bản, phát hành sách. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới trong những năm gần đây.
Theo Báo Hà Nội mới