Gen Z thế giới đang đọc sách nhiều hơn
Gen Z thế giới đang đọc sách nhiều hơn
Giới trẻ phương Tây quay lại với sách giấy, thúc đẩy doanh số sách in đạt mức cao kỷ lục trong thế kỷ 21 tại Mỹ và Anh. Còn tại Trung Quốc, thế hệ Z là xương sống của của nền công nghiệp sách số.

Trong khi thế hệ Z tại Mỹ, Anh đang bị thu hút với các tác phẩm in, thì sách điện tử và sách nói lại được thế hệ Z Trung Quốc lựa chọn vì sự tiện lợi. Theo trang Fortune, thế hệ Z đang trở thành động lực chính thúc đẩy doanh số sách in tại Mỹ và Vương quốc Anh.

 

Niềm đam mê lớn dần với thế giới ‘cầm nắm được’

 

Một số thanh thiếu niên tại Mỹ và Anh ngày càng dành ít thời gian trực tuyến hơn so với trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Ngoài lý do họ không còn bị hạn chế đi lại hay không thể sinh hoạt cộng đồng, một nguyên nhân lớn nữa là họ bị cuốn hút nhiều hơn với thế giới hiện hữu xung quanh và họ ngày càng hiểu được những mặt trái của truyền thông xã hội.

Một cuộc khảo sát đầu năm nay của trang Survation đối với 2.000 thanh thiếu niên Anh 13-18 tuổi cho kết quả: Hơn 1/3 số người được hỏi đồng ý với việc cấm truyền thông xã hội đối với những người dưới 16 tuổi. 1/4 thì cho rằng nên cấm hoàn toàn điện thoại thông minh đối với nhóm tuổi đó.

Nhiều người trẻ đang chủ động ít sử dụng điện thoại và phương tiện truyền thông xã hội hơn bằng cách đi ra ngoài, tham gia các hoạt động, học tập tại thư viện, đọc tạp chí hoặc sách giấy.

Một báo cáo năm 2023 cho thấy Thế hệ Z và thế hệ Millenial đang chiếm tỷ lệ lớn nhất về số người sử dụng thư viện ở Mỹ. 54% số người dùng thư viện Mỹ năm 2023 nằm từ 13 đến 40 tuổi.

Doanh số bán sách in cũng đạt mức cao kỷ lục trong thế kỷ 21 tại Mỹ và Vương quốc Anh. Riêng 669 triệu cuốn sách in đã được bán tại Vương quốc Anh vào năm 2023, mức cao nhất từng được ghi nhận. Trong số này, một lượng lớn tiểu thuyết đã về tay nhóm độc giả 14-25 tuổi. Theo một cuộc khảo sát của Nielsen, tới 80% nhóm tuổi này thích đọc sách in.

Tại Mỹ, 788,7 triệu cuốn sách in đã được bán ra trong năm 2022. Trong đó, tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên ghi nhận đà tăng trưởng nhanh nhất, với doanh số tăng 47% trong vòng 5 năm.

Có thể thấy, ngoài việc thể hiện bản sắc và sự khác biệt của thế hệ Z tại Mỹ và Anh, đây còn là một hành động thách thức thế giới số vô định hình và là nỗ lực của giới trẻ nhằm thoát khỏi mạng lưới truyền thông xã hội đang bao vây họ 24/7.

 

Sách số, sách nói thống trị thói quen đọc của Gen Z Trung Quốc

 

Trong khi đó, tại quốc gia tỷ dân, thói quen đọc sách của Thế hệ Z hoàn toàn trái ngược với giới trẻ tại Mỹ và Anh.

Theo Báo cáo đọc sách số của Gen Z, được Viện Thời báo Hoàn Cầu và tập đoàn Văn học Trung Quốc công bố hồi tháng 4, thế hệ trẻ nước này đã trở thành xương sống của đà phát triển đọc sách số.

Tập đoàn Văn học Trung Quốc, sở hữu hai nền tảng văn học trực tuyến lớn tại nước này là QQ Reading và Qidian. Và theo số liệu mới, thế hệ Z chiếm 43% người dùng mới của 2 nền tảng này trong năm 2023 và họ đọc trung bình 28 cuốn sách/năm.

Zhang Yiwu, Giáo sư ngôn ngữ và văn học Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Không giống độc giả thế hệ trước, vốn phụ thuộc rất nhiều vào tài liệu đọc bản cứng để tiếp cận thông tin, thế hệ Z hiện nay ‘có năng khiếu’ trong việc sử dụng Internet và các nền tảng đọc trực tuyến, từ đó giúp họ ‘đa dạng’ hơn trong lựa chọn cách đọc”.

Về thể loại sách, văn học dành cho thanh thiếu niên, văn học kinh điển, sách lịch sử, tâm lý học và triết học là 5 thể loại sách phổ biến nhất. Những cuốn sách yêu thích của độc giả trẻ bao gồm: "Binh pháp Tôn Tử", "Tam thể" của Liu Cixin và "Dám bị ghét" của Ichiro Kisimi và Fumitake Koga.

Một hiện tượng đáng chú ý là hiệu ứng “sách - phim chuyển thể” khá đáng kể, đặc biệt là đối với các bộ phim bom tấn và chương trình truyền hình ăn khách. Năm 2023, với sự nổi tiếng của loạt phim "Tam thể" và phim điện ảnh "Lưu lạc địa cầu 2", lượng độc giả theo dõi tác phẩm của Liu Cixin trên các nền tảng của Văn học Trung Quốc đã tăng 63%. Sự nổi tiếng của loạt phim truyền hình "The Knockout" cũng đã đưa cuốn sách "Binh pháp Tôn Tử", được đề cập trong phim, lên đầu danh sách tác phẩm kinh điển Trung Quốc được Thế hệ Z săn lùng.

Ngoài ra, trong quá trình chiếu loạt phim ăn khách "Trường tương tư""Thượng Hải phồn hoa", lượng đọc các tiểu thuyết gốc liên quan đã tăng lần lượt 24 lần và 61 lần so với tháng trước đó.

Su Sang, một độc giả thế hệ Z tại Thành Đô, Tứ Xuyên, đã chia sẻ với tờ Global Times rằng khi còn là sinh viên ngành lịch sử nghệ thuật, Su đã nhận thấy sách điện tử cũng được phân loại theo các chủ đề như triết học Trung Quốc, văn học cổ điển hay khoa học viễn tưởng và điều đó truyền cảm hứng cho Su viết luận văn sau đại học.

"Tôi thấy rằng một số nội dung trực tuyến cũng chuyên nghiệp như sách ở thư viện và điều tuyệt vời nhất là tôi có thể có tất cả chúng trong tầm tay", Su cho biết.

Và dù giới trẻ Mỹ, Anh và Trung Quốc có những lựa chọn đọc sách khác nhau, tất cả họ đều cho thấy sự đam mê với sách và thế giới thông tin trong đó. Với thế hệ Z ở Mỹ và Anh, đọc sách là một cách thể hiện cá tính. Còn với người trẻ Trung Quốc, đọc sách cũng đang giúp họ bắt nhịp nhanh với sự phát triển của thế giới số hiện tại.

- Theo ZNews

Tags: