Đột quỵ não: Cuốn sách đọc một ngày nhưng cứu được cả đời
Đột quỵ não: Cuốn sách đọc một ngày nhưng cứu được cả đời
Không nhất thiết phải là chuyên gia, với những hiểu biết cơ bản nhưng đúng đắn về đột quỵ não cùng phản xạ bình tĩnh, những người bình thường có mặt cũng có thể trợ giúp nhiều cho người bệnh và các y bác sĩ để việc điều trị hiệu quả hơn.

Đột quỵ não với đa số đại chúng không phải là một tên gọi xa lạ, và luôn gợi cho người ta sự sợ hãi bởi hầu hết chúng ta ai cũng hiểu đây là một tình trạng bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh chóng, dữ dội, nhiều khi không có dấu hiệu hay tiền sử báo trước, và gây ra hậu quả nặng nề. Tử vong chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp đột quỵ não, và ngay cả khi không chết, bệnh nhân cũng thường phải chịu di chứng nặng nề. Vậy bản chất của đột quỵ não là gì, tại sao lại gây ra tác hại ghê gớm như vậy?

Với những nguyên nhân và hình thức đa dạng của nó, đột quỵ não là đối tượng nghiên cứu chuyên sâu của cả một lĩnh vực trong ngành y, và hiểu tường tận về bệnh căn, tiến trình, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này đòi hỏi được đào tạo chuyên ngành và học hỏi tích lũy kinh nghiệm lâm sàng lâu năm. Tuy nhiên, với đại chúng, ý thức được sự nguy hiểm của đột quỵ não và trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản hữu ích trong phòng và xử trí trong, sau đột quỵ não sẽ giúp mỗi người có khả năng tự bảo vệ bản thân tốt hơn trong phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ xảy ra căn bệnh nguy hiểm này, cũng như có khả năng xử trí đúng đắn để giúp người bị đột quỵ có nhiều cơ hội sống và cơ hội bình phục hoàn toàn hơn.

Về cơ bản, đột quỵ não là một tình trạng bệnh lý cấp tính khi chức năng hoạt động của não bị đình trệ một phần, thậm chí hoàn toàn một cách đột ngột, dẫn tới các chức năng sống của cơ thể do các bộ phận não bị ảnh hưởng điều hành cũng bị ngừng trệ đột ngột. Cơ thể sống của chúng ta là một cỗ máy vô cùng tinh vi, phức tạp đòi hỏi được vận hành liên tục trong những điều kiện được kiểm soát chặt chẽ để duy trì sự sống còn của chính nó. Bởi vậy, chỉ một rối loạn, đình trệ nhỏ trong cỗ máy tinh vi này cũng có thể gây ra một “hiệu ứng domino” làm ảnh hưởng tới cân bằng sinh lý bình thường và gây ra các tình trạng bệnh lý. Chỉ một rối loạn nhỏ đã vậy, hãy hình dung khi hàng loạt hoạt động chức năng đồng loạt bị ngưng trệ một cách đột ngột, hậu quả sẽ khủng khiếp đến thế nào. Những gì xảy ra với cơ thể con người lúc đó có thể ví (nếu bỏ qua sự chênh lệch luôn hiện hữu với mọi so sánh) như việc bật một chiếc quạt công nghiệp ở mức mạnh nhất chĩa vào một ngôi nhà xếp bằng các lá bài. Vậy làm gì để cứu vãn tình thế?

Hiếm có ở đâu cách diễn đạt “thời gian là vàng” lại đúng hơn trong cấp cứu đột quỵ não. Do căn bệnh này thường khởi phát đột ngột vào bất cứ thời điểm nào, nên luôn có độ trễ về thời gian từ khi cơn đột quỵ xảy ra cho tới khi người bệnh được trợ giúp y tế chuyên nghiệp. Nghĩa là đáng tiếc thay, quãng thời gian sớm nhất, quý nhất để cứu vãn tình thế cho người đột quỵ não thường trôi qua khi bệnh nhân đang ở bên cạnh những người bình thường không có chuyên môn sâu về y tế (như thế đã là may mắn, trừ khi tình cờ lại có bác sĩ có mặt ở hiện trường). Nhưng như đã nói ở trên, không nhất thiết phải là chuyên gia, với những hiểu biết cơ bản nhưng đúng đắn về đột quỵ não cùng phản xạ bình tĩnh, những người bình thường có mặt cũng có thể trợ giúp nhiều cho người bệnh và các y bác sĩ để việc điều trị hiệu quả hơn.

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của một người công tác tại khoa Cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai, một trong những khoa đầu ngành trong điều trị các trường hợp cấp cứu nặng, trong đó có đột quỵ não, PGS.TS. Mai Duy Tôn và các đồng nghiệp của mình hiểu rõ hơn ai hết ảnh hưởng tích cực từ hiểu biết đúng đắn của cộng đồng tới hiệu quả cấp cứu người bệnh. Chính vì vậy, ông cùng một số đồng nghiệp đã chắt lọc kinh nghiệm chuyên môn của mình thành những nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu hướng tới phổ biến kiến thức cho cộng đồng trong quyển sách nhỏ “Đột quỵ não – Những nguyên tắc vàng trong dự phòng và chăm sóc đột quỵ.”

Trong quyển sách nhỏ, dễ đọc và hữu ích này, trước hết độc giả sẽ được hiểu một cách đúng đắn, toàn diện về một số khái niệm cơ bản liên quan tới đột quỵ não. Một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh này vẫn là nguyên nhân gây tử vong số một tại Việt Nam là hiểu biết chưa đúng đắn, chuẩn xác của một phần không nhỏ đại chúng về nó. Những lời giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu trong quyển sách này sẽ giúp độc giả hiểu đúng, hiểu đủ để có cái nhìn thích đáng và xử trí phù hợp, nhất là những gì nên làm để giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ.

Tiếp theo, một cách tuần tự và có sự gắn kết chặt chẽ giữa các phần, “Đột quỵ não – Những nguyên tắc vàng trong dự phòng và chăm sóc đột quỵ” giới thiệu cho độc giả cách nhận diện những dấu hiệu đặc trưng sớm nhất của tình trạng đột quỵ, những hành động xử trí cần làm trong quãng thời gian chờ người bệnh được đưa vào bệnh viện, cách xử trí đột quỵ trong bệnh viện, cách chăm sóc, tập luyện để phục hồi sau khi bị đột quỵ khi tình trạng đã ổn định (được xuất viện), cũng như danh sách các cơ sở y tế có đơn vị chuyên trách điều trị đột quỵ và thông tin liên lạc.

Với cách trình bày và những nội dung được cung cấp như vậy, quyển sách không chỉ đóng vai trò phổ cập kiến thức y học thường thức cho cộng đồng, mà còn có thể là tài liệu tham khảo cho các nhân viên y tế cộng đồng tại cơ sở để xử trí hiệu quả hơn các trường hợp đột quỵ khi xuất hiện.

Lê Đình Chi - Trạm Đọc

Tags: