Đọc “Tật xấu người Việt” để soi chiếu vào chính mình
Đọc “Tật xấu người Việt” để soi chiếu vào chính mình
“Tật xấu người Việt” đúng như tên của cuốn sách, có thể làm nhiều người thấy “nhột”, thậm chí “chột dạ” khi đọc nội dung sách.
Tật Xấu Người Việt
(3 lượt)

Là bạn của tác giả Di Li, tôi được biết thông tin về cuốn sách “Tật xấu người Việt” từ khi cuốn sách còn đang trong quá trình hoàn thiện. Tôi cũng được mời tham dự lễ ra mắt cuốn sách, nhưng rủi thay hôm ấy tôi bị ốm, nên đành lỡ hẹn với chị. Cuối cùng, chị lại nhờ người thân chuyển sách tặng đến tận nơi tôi làm việc.

Không cả nể, “dĩ hòa vi quý”, tác giả Di Li đề cập một cách thẳng thắn rất nhiều thói xấu của người Việt mà lâu nay luôn được nhiều người cũng như nhiều phương tiện truyền thông né tránh như: Ưa thành tích, sĩ diện, khoe khoang, đố kị, tham lam, không bao giờ biết đủ, thích phạm luật khi có cơ hội…

Di Li đề cập đến những thói xấu này bằng cách kể chuyện lôi cuốn mang thương hiệu của riêng chị, mà những ai biết và theo dõi chị trên mạng xã hội thường không thể nào bỏ qua khi nhìn thấy bài viết của chị.

Không phải là những nghiên cứu khô khan hay kể lể dông dài, mỗi tật xấu đều được tác giả Di Li khắc họa qua những mẩu chuyện, tình huống hấp dẫn mà người nhiều trải nghiệm như chị đã trải qua.

Tác giả Di Li trong buổi ra mắt sách "Tật xấu người Việt" (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Ví dụ với tật “bệnh thành tích” - một trong ba tật xấu chị cho rằng nó gây ảnh hưởng nhất đến đời sống xã hội - chị kể lại câu chuyện chị cho con vào học trường tư với mong muốn giảm tải cho con, nhưng đành bất lực vì số đông phụ huynh lại yêu cầu nhà trường cứ giao thật nhiều bài tập cho các con, để các con được ôn luyện cho có điểm cao.

Thậm chí cô giáo dạy lớp 3 của con chị còn vô cùng … khổ sở khi bài kiểm tra chính tả con chị làm khi bị ốm chỉ đạt được 7 điểm, và cô đề nghị chị mang bài về nhà cho con làm lại để cô chấm lại. Bởi điểm số như vậy không chỉ ảnh hưởng đến kết quả cuối kỳ của con, mà còn ảnh hưởng đến cả thành tích của lớp.

Lâu nay, ngành giáo dục nước nhà thường xuyên bị lôi ra … chửi vì bệnh thành tích. Nhưng từ câu chuyện của chính mình, tác giả Di Li đã phân tích và khiến độc giả phải chột dạ, gật gù rằng: căn nguyên của căn bệnh ấy bắt nguồn chính từ các phụ huynh.

Chính mong muốn và hành động của rất nhiều phụ huynh: chạy cho con vào được trường điểm, lớp chọn, theo học các lò luyện ngay từ khi còn nhỏ, khoe khoang trên mạng xã hội các thành tích học tập của con… khiến nhiều thầy cô, trường học, thậm chí cả nền giáo dục đã chạy theo để đáp ứng nhu cầu đó.

Tật xấu này không chỉ khiến nhiều đứa trẻ bị áp lực phải chạy “việt dã” ngay từ lúc còn thơ bé, mà cả đến khi trưởng thành, bởi cha mẹ của trẻ có nhu cầu bất tận là khoe khoang thành tích của con cái.

Một trong nhiều từ ngữ được gắn trên miệng người Việt, đặc biệt các nhà lãnh đạo cho sang mồm là “hội nhập quốc tế”. Một tật xấu của người Việt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình này theo tác giả Di Li chính là thói quen thích phạm luật khi có cơ hội của dân Việt.

Với tật xấu này, tác giả liệt kê một loạt chuyện thích phạm luật của người Việt từ trong nước đến khi ở nước ngoài. Trong nước là: vi phạm luật giao thông, gian lận thuế, lấn chiếm vỉa hè/ đất công, làm hàng giả, buôn hàng lậu, mua bán giấy tờ giả, thuê viết luận văn, xả thải độc hại ra môi trường, dùng hóa chất cấm trong sản xuất thực phẩm, đấu thầu giả để ăn hoa hồng…

Ở nước ngoài là: nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu, trồng cần sa, chuyển tiền, buôn bán động vật/ sản phẩm từ động vật… bất hợp pháp… Và cái giá của việc phạm pháp này là rất nhiều người Việt đã phải trả bằng thời gian tù tội, thậm chí tính mạng… chưa kể ảnh hưởng lâu dài đến chỉ số uy tín của người Việt/ nước Việt trên trường quốc tế. Không phải ngẫu nhiên, visa của người Việt có quyền hạn thấp nhất trong các nước Đông Nam Á trong bảng xếp hạng quốc tế mới được công bố gần đây.

Đọc “Tật xấu người Việt” – một cuốn sách “dũng cảm” của tác giả Di Li, cũng như nền xuất bản Việt Nam (cá nhân/ đơn vị đã cấp phép xuất bản cho cuốn sách này thật đáng hoan nghênh) – độc giả sẽ có cơ hội soi chiếu lại chính bản thân, gia đình mình, để dần trở nên hiểu biết hơn, tốt hơn, hạnh phúc hơn trong cuộc sống; xa hơn (biết đâu) là có thể góp phần đào tạo nên một thế hệ người Việt mới (con cái của mỗi người) nền nếp, tiến bộ và hạnh phúc hơn.

Việt Hà

Tags: