Độc giả hào hứng tham dự Talkshow 'Hậu Halloween nói về chuyện viết và đọc kinh dị tại Việt Nam'
Độc giả hào hứng tham dự Talkshow 'Hậu Halloween nói về chuyện viết và đọc kinh dị tại Việt Nam'
Hơn 50 độc giả đã hào hứng tham dự Talkshow ''Hậu Halloween nói về chuyện viết và đọc kinh dị tại Việt Nam' tại Read Station-book-coffee-library (đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Tp Hà Nội) do Read Station kết hợp cùng Linh Lan Books tổ chức. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện "Đọc và viết cùng Read Station".

Tại đây, các tác giả trẻ đã đưa ra những nhận định lý giải về một trong những đề tài thú vị nhất của văn học trẻ thời gian gần đây: văn học kinh dị. Chủ đề thảo luận gói gọn trong các câu hỏi: Tại sao thời nay độc giả quan tâm đến các yếu tố truyền kỳ, linh dị dân gian? Có đúng là các sản phẩm văn hoá (phim ảnh, truyện) kinh dị được đón nhận rất rõ rệt? Việc đọc và viết kinh dị mang lại những giá trị gì?

Trong vài năm qua, rất nhiều tác phẩm văn học kinh dị của các tác giả thế hệ mới đã ra đời như Đại Nam Dị truyện (Phan Cuồng), Tứ Trấn Huyền Linh, Khế Ước Bán Dâu (Thục Linh), Những đồ vật có linh hồn (Tống Ngọc), Ma quỷ dân gian ký (Duy Văn), Tết ở Làng Địa Ngục (Thảo Trang), 17 âm 1 (Doo Vandenis)...

Thậm chí các tác phẩm dã sử cũng có pha trộn yếu tố huyền bí, linh dị như Săn mộ (Hoàng Yến), Tước Gấm Giấu Đay (nhiều tác giả)... cùng với các bộ phim điện ảnh, truyền hình ăn khách. Điều này tạo nên một làn sóng dư luận cho rằng văn học truyền kì, kinh dị của Việt nam đã trở lại, có thể so sánh với thời kỳ hoàng kim đầu thế kỷ XX - thời kỳ đã cho ra đời những tác phẩm kinh dị nổi tiếng của những nhà văn hàng đầu như Tchya Đái Đức Tuấn, Lan Khai hay Thế Lữ.

 

Độc giả lắng nghe chia sẻ của tác giả Thục Linh

Lý giải về việc tác phẩm văn học kinh dị được đón nhận, tác giả Đức Anh cho biết: “Một phần vì đã chững một thời gian rất lâu, truyện tâm linh, kinh dị mới được xuất bản một cách cởi mở hơn. Phần nữa, quan trọng hơn, thực ra các yếu tố huyền bí ấy rất phù hợp với tư duy người phương Đông, mà chỉ có văn học kinh dị mới thực sự thoả mãn họ. Văn học kinh dị Việt Nam đương đại có nét giống thế kỷ XX ở chỗ các tác phẩm đều là sự hòa trộn giữa lối viết ma mị, truyền kỳ truyền thống kết hợp với những gì học được từ phim ảnh, truyện kinh dị phương Tây. Điều này đã từng được nhiều học giả lý giải”.

Thục Linh - một trong những nhà văn 9x thành công với lượng tác phẩm đồ sộ - cho biết cô sáng tác từ rất lâu, nhưng mãi đến gần đây các truyện mới được in. Thục Linh cho rằng: “Văn học kinh dị từng bị nghi kị là dễ dãi, chỉ có tính giải trí, thậm chí còn xui con người ta tin vào mê tín dị đoan. Nhưng thực tế, đó là một thể loại văn học không dễ viết và mang nhiều giá trị về văn hoá, thông điệp nhân văn. Các tác phẩm thành công đều cần những điều đó, truyện kinh dị cũng không ngoại lệ

Các yếu tố kinh dị của Việt Nam và Phương tây có rất nhiều nét khác biệt. Là người từng trải nghiệm sâu sắc, Thục Linh lý giải: “Ở Việt Nam, tín ngưỡng rất đa dạng, với nhiều vùng miền, làng quê khác nhau. Nếu như phương Tây, kinh dị, ma quỷ thuần tuý là các yếu tố về đức tin tôn giáo, thì ở Việt Nam những niềm tin dân gian về ma quỷ gần gũi hơn rất nhiều. Và các câu chuyện truyền kỳ ở Việt Nam - cũng như những thần thoại và cổ tích - đều có tính khuyên can, răn dạy con người tin vào lẽ phải, tin vào nhân quả để sống một cách đúng đắn hơn

Độc giả tham dự chương trình 'Hậu Halloween nói về chuyện viết và đọc kinh dị tại Việt Nam' 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, anh Nam Đỗ - người sáng lập Hội Thích Truyện Trinh thám với hơn hai mươi ngàn thành viên cho biết: “Trong những năm qua lần lượt các tác giả trẻ giới thiệu mình trong các dòng truyện có yếu tố bí ẩn, li kì và đã thu hút rất đông đảo độc giả thế hệ mới. Trong tương lai có lẽ xu hướng sẽ là tích hợp giữa trinh thám và kinh dị. Chưa biết yếu tố nào sẽ là chủ đạo, nhưng đây cũng là thử thách lớn về tài năng của các tác giả”.

Nhận câu hỏi của độc giả về những mặt phải và trái của văn học kinh dị, nhà văn trẻ Thục Linh trả lời ấn tượng: “Nỗi sợ hãi là một trong những phương cách tốt nhất để giáo dục, uốn nắn con người, nếu như ta biết sử dụng nỗi sợ vào đúng chỗ. Mặt trái lớn nhất đó là những tác phẩm kinh dị không tới tầm sẽ khiến người ta sợ một cách vô lý. Sợ vô lý và niềm tin vô lý vào những điều không có thật đã mang lại cái nhìn vô cùng lệch lạc về văn học kinh dị - một dòng văn học lẽ ra phải được đặt đúng vị trí của nó, là một sứ giả truyền tải văn hoá, những nét đẹp độc đáo, đa dạng của nền văn minh chúng ta đang sống”.

Một số tác phẩm kinh dị tiêu biểu được giới thiệu tại sự kiện

Cô cũng nói rõ hơn về lao động nghệ thuật của nghề viết truyện kinh dị: “Không phải cứ bịa ra một câu chuyện có ma nữ tóc dài dọa nạt người đọc là sẽ thành văn học kinh dị.  Không phải như vậy. Lằn ranh giữa văn học kinh dị và truyện ma mê tín tuy mỏng manh nhưng xác thực. Trên hết truyện kinh dị phải là văn học. Và sau cùng, nó phải để lại cho người ta những giá trị đích thực, để thêm yêu cuộc sống, trân trọng và khiêm tốn hơn trước thiên nhiên, trước tôn giáo tín ngưỡng và những giá trị văn hoá lớn. Muốn vậy thì các tác giả vẫn phải bước ra ngoài cuộc sống, đầu tư đọc, tìm tòi, nghiên cứu như để viết một công trình nghiêm túc”.

Sự kiện cũng giới thiệu một số dự án xuất bản do sự hợp tác giữa Linh Lan Books và các tác giả trẻ. Nhà văn Thục Linh tiết lộ cô đang nghiên cứu một câu chuyện về dòng họ những người làm nghề trục vớt thi thể ở những con sông. Trong khi đó, tác giả Đức Anh giới thiệu dự án Ác Duyên, một cuốn tiểu thuyết hoà trộn triết lý phật Giáo và yếu tố truyền kì, giả tưởng.

 

Tags: