Đọc gì để hiểu Trung Đông: 5 cuốn sách lịch sử Trung Đông và 5 cuốn văn học viết về Trung Đông mà bạn không nên bỏ lỡ
Đọc gì để hiểu Trung Đông: 5 cuốn sách lịch sử Trung Đông và 5 cuốn văn học viết về Trung Đông mà bạn không nên bỏ lỡ
Hồi Giáo, Trung Đông, Ả Rập - là những cụm từ vẫn luôn được thế giới quan tâm vì những nét đẹp trong văn hóa, con người, nhưng cũng là bởi những xung đột triền miên qua nhiều thế hệ. Dưới đây, Trạm đã tổng hợp 5 cuốn sách  lịch sử Trung Đông và 5 cuốn sách văn học Trung Đông mà bạn không nên bỏ lỡ để có được nhiều góc nhìn về vùng đất này. 
Người đua diều
(33 lượt)
Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ
(17 lượt)
Miền đất hứa của tôi: Khải hoàn và bi kịch của Israel
(27 lượt)
LỊCH SỬ ISRAEL – Câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc – Bìa cứng
(38 lượt)
Và Rồi Núi Vọng
(14 lượt)
Lịch Sử Do Thái
(8 lượt)
Lawrence Xứ Ả-Rập
(10 lượt)

 

5 cuốn lịch sử Trung Đông

 

1/ “Lịch sử Do Thái” của Paul Johnson

Lịch sử Do Thái của Paul Johnson bắt đầu bằng những sự kiện được viết trong Kinh Thánh và kết thúc khi thành lập Nhà nước Israel. Cuốn sách không chỉ giới thiệu về lịch sử 4.000 năm tồn tại của người Do Thái mà còn đề cập đến những tác động, ảnh hưởng cũng như những đóng góp của họ cho nhân loại.   

Người Do Thái tạo nên một bản sắc riêng biệt và cụ thể sớm hơn bất cứ dân tộc nào còn tồn tại tới ngày nay. Họ đã duy trì được nó giữa những nghịch cảnh khủng khiếp cho tới hôm nay. Sức chịu đựng phi thường này từ đâu ra? Sức mạnh ý chí đặc biệt cháy bỏng nào đã khiến người Do Thái khác biệt và giữ cho họ thuần nhất? Sức sống bền bỉ của họ nằm trong bản chất bất biến, hay khả năng thích ứng, hay cả hai?… Liệu lịch sử của họ có cho thấy những nỗ lực như vậy là đáng giá? Hay nó cho thấy họ đã hoài công?

Những gì Paul Johnson đã tìm hiểu, nghiên cứu và thuật lại trên từng trang sách, sẽ phần nào giúp độc giả tự trả lời những câu hỏi này.

“Lịch sử người Do Thái có thể được mô tả như một chuỗi những đỉnh điểm và thảm họa nối tiếp nhau. Nó cũng có thể được coi là một miền liên tục không dứt của việc học hành kiên nhẫn, sự cần cù năng suất và thói quen tập thể mà phần lớn trong đó không được ghi lại. Nỗi buồn tìm thấy tiếng nói khi niềm vui câm lặng. Nhà sử học phải ghi nhớ điều này. Trải qua hơn 4.000 năm, người Do Thái chứng tỏ mình không chỉ là những người sống sót vĩ đại, mà còn đặc biệt khéo léo trong việc thích ứng với các xã hội nơi số phận xô đẩy họ, và trong việc tích lũy bất cứ tiện nghi nhân văn nào mà những xã hội này mang đến.”

 

2/ “Lịch Sử Israel” của Daniel Gordis

Trong các sắc dân trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào chịu số phận bị đày ải, miệt thị và áp bức như dân tộc Do Thái với hai lần thiên di, lần thứ nhất bắt đầu vào năm 722 và lần thứ hai bắt đầu vào năm 135 trước công nguyên (TCN). 

Trải qua 21 thế kỷ lưu vong, tứ tán khắp nơi và đến năm 1948 người Do Thái mới thực hiện được ước mơ “Phục quốc” (Zionism), vốn được một nhà báo Do Thái gốc Áo – Hung khởi xướng tại châu Âu từ năm 1896. Trong cùng cảnh ngộ tương tự, nhiều sắc tộc, dân tộc khác trong cùng khu vực Lưỡng Hà đã bị tiêu vong hoặc đồng hóa từ lâu. Nhưng ngược lại, mặc dù chịu những đau khổ, mất mát (như nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã rồi nạn lưu đày, trại tập trung) nhưng người Do Thái không chỉ duy trì được tôn giáo, văn hóa, nòi giống, bản sắc của mình, mà có những ảnh hưởng vượt trội trong cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đóng góp vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Cuốn sách này sẽ là tập tài liệu về lịch sử hình thành dân tộc Do Thái và nhà nước Israel hấp dẫn nhất. Dù ưu tiên các thông tin lịch sử, nhưng Daniel Gordis đã khéo léo kết hợp nguồn tri thức bách khoa khô khan đó bằng văn phong của một tiểu thuyết gia. Điều đó khiến cho việc tiếp nhận nguồn thông tin dày đặc từ cuốn sách trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

“TRONG CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO, nỗi tuyệt vọng về sự chia cắt của Jerusalem đặc biệt sâu sắc. Người Do Thái đang bị cấm đi đến Bức tường phía Tây – phần còn lại duy nhất của đền thờ cổ đại tại Jerusalem. Trong hai nghìn năm, người Do Thái đã cầu nguyện ở đó, mặc dù với số lượng ít. Bây giờ, bởi Israel đã mất Thành cổ Jerusalem trong Chiến tranh giành độc lập, và bởi Hebron và các địa điểm truyền thống thiêng liêng khác của người Do Thái cũng nằm trong tay kẻ thù, nên thật trớ trêu khi nhà nước Do Thái không có chủ quyền đối với những địa điểm thiêng liêng truyền thống của dân tộc mình.”

 

3/ “Miền Đất Hứa Của Tôi” của Ari Shavit

Miền đất hứa của tôi là cuộc phiêu lưu cá nhân của một người Israel, băn khoăn trước ngập tràn biến cố lịch sử trên quê hương mình. Đây là một hành trình vượt không gian và thời gian của một người sinh ra tại Israel, nhằm khám phá câu chuyện đại sự của dân tộc mình. Thông qua lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân và các bài phỏng vấn sâu, Shavit đã cố gắng tiếp cận câu chuyện sâu xa hơn và những câu hỏi sâu sắc hơn về Israel, về sự định hình tương lai của người Do Thái.

Đây là một trong những cuốn sách quan trọng và có tác động mạnh mà Ari Shavit viết nhằm phục hồi cảm giác về thực tính của Israel và say sưa với nó, để khôi phục lại sự hùng vĩ của một thực tế đơn giản trong cái nhìn đầy đủ về các sự kiện phức tạp. Miền đất hứa của tôi gây ngạc nhiên về nhiều mặt, nhất là việc nó tương đối ít chú trọng tới việc cung cấp cho người đọc các thông tin về chính trị. Shavit, nhà bình luận trong ban biên tập của Haaretz, có một tư duy độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ học thuyết nào. Ông viết không để ca ngợi hay đổ lỗi, dù trong quá trình ấy ông đã làm cả hai điều này, thay vào đó, với sự uyên bác và tài hùng biện; ông viết để quan sát và phản ánh.

Đây là cuốn sách ít thiên vị nhất về Israel. Một cuốn sách Phục quốc Do Thái nhưng không bị kích động bởi chủ nghĩa phục quốc. Nó nói về toàn thể trải nghiệm Israel. Shavit đắm mình trong toàn bộ lịch sử của đất nước mình. Dù một số  sự kiện trong đó làm ông tổn thương, song không gì là xa lạ đối với ông. Ông đã viết một chương xuất sắc về chính trị gia tham nhũng nhưng đầy sức hút, Aryeh Deri, và sự trỗi dậy trên chính trường của tôn giáo dòng Sephardi tại Israel, qua đó minh họa rõ nét tầm hiểu biết của mình.

“Một trong những cuốn sách nhiều sắc thái và mang tính thách thức nhất viết về Israel trong những năm qua… Sức mạnh thực sự của cuốn sách: về một vấn đề rất dễ gây bút chiến, nhưng được ông Shavit dẫn dắt trên lập trường vô tư không thiên kiến” – The Wall Street Journal. 

 

4/ “Từ Beirut đến Jerusalem” của Thomas Friedman

Từ Beirut đến Jerusalem đã chạm sâu hơn vào lịch sử đau thương và vô cùng phức tạp của cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Cuốn sách khiến độc giả trải nghiệm hết những cung bậc cảm xúc, từ những đau đớn tột cùng đến những nụ cười sảng khoái. Một cuốn sách không thể bỏ qua đối với bất cứ ai đang tìm kiếm cái nhìn sâu hơn về những nguyên nhân chính trị và những ảnh hưởng tâm lý của cuộc xung đột đa sắc tộc đã bủa vây khu vực chưa bao giờ chấm dứt tiếng súng này.

Cuốn sách viết về những xung đột gay gắt ở khu vực Trung Đông, được chia làm hai phần: Beirut và Jerusalem.

  • Phần thứ nhất: Beirut, Friedman đã tái hiện một cách sống động về cuộc nội chiến của người dân Liban. Từ lịch sử cuộc nội chiến, những xung đột nội bộ gay gắt đến chi tiết nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến này bằng cách nào và diễn biến ra sao đều được ống kính phóng viên của ông thu trọn.
  • Phần thứ hai: Jerusalem, hai chương đầu là bức tranh thu nhỏ nền văn hóa của người Do Thái và nguồn gốc của người Israel, từ đó tác giả đi sâu phân tích lịch sử và diễn biến của cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel.

“Cuốn sách là sự hòa quyện tuyệt vời giữa những bài báo về tình hình Trung Đông và những diễn giải của Thomas Friedman về những điều ông quan tâm. Nỗi đau xen lẫn sự hài hước tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu… Những phân tích về ‘quan điểm trái chiều’ trong ‘cuộc xung đột đa sắc tộc ở Israel’ là một trong những diễn giải sáng rõ nhất từng được viết về Israel.” – Coror Cruise O’Brien, New York Time

 

5/ “Lawrence Xứ Ả-Rập” của Scott Anderson

Lawrence xứ Ả-Rập là tác phẩm của nhà văn và phóng viên chiến trường người Mỹ Scott Anderson, sẽ góp phần làm sáng tỏ câu chuyện về sự hình thành của Trung Đông hiện đại, và từ cái nhìn sâu vào quá trình đó giúp ta hiểu được những vấn đề hiện tại họ đang đối mặt. 

Thomas Edward Lawrence hay ”Lawrence xứ Ả-rập” là một sĩ quan Quân đội Anh nổi tiếng với vai trò trong Cuộc nổi dậy của Ả-rập chống sự thống trị của Đế quốc Ottoman – Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1916 – 1918. Lawrence vừa là chứng nhân vừa là người tham dự trong một số sự kiện quan trọng nhất dẫn đến việc hình thành Trung Đông hiện đại. 

Cuốn sách “Lawrence xứ Ả-Rập” của Anderson sẽ tập trung vào T.E. Lawrence trong câu chuyện giữa anh và ba nhân vật khác, những người đại diện cho các thế lực ở Trung Đông trong Thế chiến I. 

  • Một nhà khảo cổ được quân đội Anh tuyển mộ;
  • Một quý tộc thất thế, sĩ quan tình báo duy nhất của Mỹ ở Trung Đông trong Thế chiến I;
  • Một học giả trẻ người Đức ngụy trang dưới vỏ bọc Ả-rập đề phát động chiến tranh;
  • Một nhà khoa học Do Thái với mục tiêu thiết lập mạng lưới gián điệp chống Ottoman.

Bốn nhân vật lịch sử trên sẽ lần lượt tham gia vào những trò chơi ngầm phức tạp và các cuộc đối đầu tay đôi, từ đó giúp kiến tạo Trung Đông hiện đại, định hình nên thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Phạm vi rộng hơn này cũng cho phép Anderson truy tìm nguồn gốc của những rạn nứt chính trị ngày nay, bao gồm xung đột Ả-rập – Do Thái, chủ nghĩa Hồi giáo và vai trò của ngành dầu khí ở Trung Đông.

 

 

5 cuốn sách văn học viết về Trung Đông

 

1/ “Người đua diều” của Khaled Hosseini

Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Theo dòng hồi ức của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế. Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Thế nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ.

Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy trong suốt phần đời còn lại. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir. Và cuối cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã chết dưới họng súng Taliban.

Người đua diều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện ly kỳ, xúc động, xung đột gay gắt giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật… Và sự thật, tác phẩm đã nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần. Ngoài những khía cạnh trên, sức hấp dẫn của Người đua diều còn bắt nguồn từ giá trị nhận thức sâu sắc.

 

2/ “Ngàn mặt trời rực rỡ” của Khaled Hosseini

Nếu đã đọc Người đua diều, thì bạn không nên bỏ lỡ Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini. Với Ngàn mặt trời rực rỡ, Khaled Hossini đã chứng minh thành công của Người đua diều không phải điều ngẫu nhiên.

Mariam và Laila, hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trái ngược nhau, những biến cố khốc liệt khiến họ phải gặp nhau. Một là cô bé con rơi mà cha mình không thể công nhận, một là cô gái thượng lưu sống trong nhung lụa, cả hai cùng trở thành vợ một người đàn ông, cố gắng sinh con cho anh ta, cùng bị đánh đập tàn nhẫn. Một người vợ đã giết chết người chồng chung đó. Còn một người phải rời đất nước ra đi với người yêu và những đứa con. Số phận họ đã hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương, bền bỉ của người phụ nữ Afghanistan trước nền chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, làm nên một trường ca tiểu thuyết vô cùng cảm động.

Tạp chí Time xếp Ngàn mặt trời rực rỡ ở vị trí thứ 3 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới năm 2007.

 

3/ “Và rồi núi vọng” của Khaled Hosseini

Lại là Khaled Hosseini!

Abdullah và Pari sống cùng cha, mẹ kế và em khác mẹ trong ngôi làng nhỏ xác xơ Shadbagh, nơi đói nghèo và mùa đông khắc nghiệt luôn chực chờ cướp đi sinh mệnh lũ trẻ. Abdullah yêu thương em vô ngần, còn với Pari, anh trai chẳng khác gì người cha, chăm lo cho nó từng bữa ăn, giấc ngủ. Mùa thu năm ấy hai anh em theo cha băng qua sa mạc tới thành Kabul náo nhiệt, không mảy may hay biết số phận nào đang chờ đón phía trước: một cuộc chia ly sẽ mãi đè nặng lên Abdullah và để lại nỗi trống trải mơ hồ không thể lấp đầy trong tâm hồn Pari…

Từ một sự kiện duy nhất đó, câu chuyện mở ra nhiều ngã rẽ phức tạp, qua các thế hệ, vượt đại dương, đưa chúng ta từ Kabul tới Paris, từ San Francisco tới hòn đảo Tinos xinh đẹp của Hy Lạp. Với sự uyên thâm, chiều sâu và lòng trắc ẩn, Khaled Hosseini đã viết nên những áng văn tuyệt đẹp về mối dây gắn kết định hình nên con người cũng như cuộc đời, về những quyết định tưởng chừng nhỏ nhoi mà vang vọng qua hàng thế kỷ.

 

4/ “Những Người Đàn Bà” của Etaf Rum

Những Người Đàn Bà là câu chuyện đầy đau đớn, dữ dội về số phận của những người phụ nữ yếm thế trong xã hội Palestine. Họ không có tiếng nói ngay trong gia đình mình, lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ và chỉ quẩn quanh bên căn bếp, chăm lo con cái.

Xuyên suốt câu chuyện là sự câm lặng của ba thế hệ phụ nữ. 

  • Thế hệ đầu thoát khỏi sự chiếm đóng của Israel trong xung đột Palestine và Israel, chạy trốn đến nước Mỹ với mong muốn tránh khỏi cuộc sống ở trại tị nạn. 
  • Thế hệ thứ 2 đồng ý một cuộc hôn nhân sắp đặt với người Mỹ gốc Palestine với hi vọng đất Mỹ tự do thì tiếng nói của nữ giới sẽ được tôn trọng hơn trên đất Palestine. 
  • Thế hệ thứ 3, suýt nữa thì rơi vào vết xe đổ của các thế hệ trước, nếu cô ấy không phát hiện ra bí mật kinh khủng của gia đình mình và số phận của người mẹ đáng thương... Mỗi thế hệ đều có giấc mơ và khát vọng về sự tự do và nữ quyền, nhưng không phải ai cũng có thể đấu tranh đến tận cùng.

Lấy bối cảnh ở một nước Mỹ đầy khát khao cùng những lời hứa hẹn rộng mở, để kể một nền văn hóa với hủ tục cực đoan, khép kín và kiểm soát đối người phụ nữ, Những Người Đàn Bà là một cái nhìn sâu sắc về sự tuyệt vọng, thống khổ của phụ nữ gốc Palestine. Dù vậy, ẩn chứa bên trong họ là sức mạnh phi thường, lòng dũng cảm để tìm lại tiếng nói và phẩm giá của mình.

Với những trang sách đầy mê hoặc, lôi cuốn và hấp dẫn đến phút cuối cùng, NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ đã được Amazon bình chọn là cuốn sách viết về phụ nữ hay nhất năm.

 

5/ “Những tiểu thư Hồi Giáo” của Rajaa Alsanea 

Ngay từ khi mới phát hành, Những tiểu thư Hồi giáo đã tạo nên một cơn sốt khắp thế giới Ả rập, sau đó lan sang cả phương Tây. Tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn trẻ này đã hé lộ một góc nhìn chưa từng có vào cuộc sống thường nhật của các cô gái Ả rập Xê út thượng lưu, vốn luôn khuất sau những tấm mạng che nổi tiếng.

Đó là một thế giới nhung lụa bị giấu kín, đến mức khi được hé lộ, dù bằng một cách rất thú vị và nhẹ nhàng, nhiều chi tiết của nó vẫn làm kinh ngạc nhiều người ngoài cuộc. Có những phụ nữ trẻ được học hành tử tế, đi mua sắm tại những trung tâm thương mại xa hoa, có mạng Internet và những chuyện tán gẫu giật gân, nhưng cũng có những cuộc hôn nhân sắp đặt như ở thời Trung cổ, những “cảnh sát tôn giáo” có thể bắt giam một cô gái chỉ vì cô chuyện trò với một chàng trai trên phố, những án phạt cho kẻ nào dám bán hoa hồng đỏ trong lễ Valentine. Có những tình yêu rực rỡ khi ở nước ngoài, nhưng lại lụi tàn trước ngưỡng cửa bảo thủ của thành Riyadh. Có những đường dây điện thoại trĩu nặng lúc nửa đêm, bởi người ta không được phép thổ lộ quá nhiều điều dưới ánh sáng ban ngày.

Gamrah, Michelle, Sadeem và Lamees là bốn trong hàng triệu cô gái Riyadh, và trong hành trình thương lượng với đời sống ở đó, họ đã kể ta nghe những câu chuyện chân thực, buồn có, vui có, về con đường đến với tình yêu và thành công sự nghiệp tại một trong những thành phố khắc nghiệt nhất đối với phụ nữ trên thế giới này.

- Trạm Đọc tổng hợp

 

Tags: