Cuộc sàng lọc khắc nghiệt
Cuộc sàng lọc khắc nghiệt
Chủ nghĩa cầu toàn, được sinh ra cùng các cỗ máy sàng lọc người tài, đã đẩy những kẻ thắng cuộc vào cuộc chạy đua không dứt, nếu không tiếp tục học bạ toàn 10 điểm, họ sẽ không biết phải ứng phó ra sao với thế giới và định hình bản thân mình như thế nào nữa.
Năm 1995, anh trai tôi tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 6 chuyên toán duy nhất của thành phố. Đó là khóa gần cuối cùng trước khi chính quyền thành phố chấm dứt chính sách trường trung học cơ sở chuyên (chỉ còn hệ trung học phổ thông chuyên). Khi ấy một đứa trẻ 6 tuổi như tôi cũng cảm nhận được bầu không khí căng thẳng trong gia đình mỗi khi anh trai phải 18h mới về nhà cùng cuốn vở chằng chịt những công thức kỳ lạ.

Năm 2000, tôi được bước vào một lớp “gọi là” chuyên cùng ngôi trường với anh. Không còn hệ chuyên tức là không có kỳ thi tuyển chính thức khốc liệt nhưng nhiều năm sau tôi mới biết các bậc phụ huynh đã lặng lẽ tham gia một “cuộc thi” vô hình để đưa con mình vào vị trí đáng ao ước đó.

Cũng năm 2000, trang tuyển sinh của Đại học Harvard đăng bài luận về nguy cơ của hội chứng kiệt sức. Các cán bộ tuyển sinh của trường này bày tỏ sự quan ngại khi các học viện dành phần lớn quãng đời ở bậc phổ thông lẫn đại học nhằm vượt qua vô số chướng ngại vật để đạt thành tích toàn bích trong học tập. Các em trở thành “những nạn nhân sống sót với dư chấn tâm lý về một trại huấn luyện đầy hoang mang và theo chân mình cả đời.”

Năm 2023, tất cả các báo đồng loạt đưa tin  về hàng chục cuốn học bạ toàn điểm 10 bị loại khỏi sơ tuyển vào lớp 6 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, tức là số chướng ngại vật tăng lên gấp đôi so với thời anh tôi, và rào chắn còn lớn đến mức: 17 đầu điểm toàn 10 và Hoàn thành tốt ở tất cả các môn học không chấm điểm.

Những người khởi xướng ra chế độ coi cuộc săn đuổi tài năng lớn là mục tiêu hệ trọng của giáo dục cũng ý thức được rằng cơ chế sàng lọc nghiêm ngặt và thấu đáo này sẽ càng ngày càng nghiệt ngã hơn bao giờ hết.

Năm 1961, trong cuốn Xuất chúng, John W. Gardner, người từng giữ chức bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo dục và Dịch vụ Nhân sinh, vừa đưa ra nền tảng triết lý cho hệ thống giáo dục trọng nhân tài vừa cảnh báo nó sẽ gây ra “nỗi đau của những đứa trẻ không sở hữu cho mình những tố chất được cho là cần thiết.”

Ông khẳng định rằng thành tích cá nhân không nên bị đánh đồng với giá trị bản thân nhưng trong cuộc chạy đua giáo dục toàn cầu ngày nay, chúng ta dễ dàng đồng thuận với nhau rằng thật khó mà tách bạch hai thứ đó khi nói về một đứa trẻ.

Năm 1981 đến 1997, thời gian chơi đùa tự do của trẻ em Mỹ từ 6 đến 8 tuổi đã sụt giảm 25%, và bài tập về nhà tăng gấp đôi, theo khảo sát được công bố trong bài báo “Thực trạng bảo bọc con cái thái quá: Đã đến lúc cha mẹ nới lỏng kiểm soát” của tạp chí Time. Không cần đến khảo sát, ta cũng dễ dàng tưởng tượng ra sư quá tải của anh tôi và bạn đồng học năm 1995 trong kỳ thi vào trường chuyên ở khắp các thành phố Việt Nam.

Năm 2020,  người bạn của tôi đã tự hào khoe rằng anh đã tìm được giáo viên có thể đáp ứng lộ trình học tập dài hạn nhằm thi tuyển vào trường chuyên cấp 2 ngay khi con vừa bước vào lớp 1. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng đó là luyện thi sớm giúp làm quen với các dạng đề thi chuyên, nhưng giờ tôi mới hiểu ra có cả việc chuẩn bị học bạ toàn điểm 10 cùng các thành tích quốc gia quốc tế khác.

Đó là một ví dụ minh họa điển hình cho vấn nạn của chủ nghĩa cầu toàn. Trong nghiên cứu được công bố năm 2019, Thomas Curran và Andrew Hill khi khảo sát học viên ở Mỹ, Anh, Canada; chỉ ra rằng chủ nghĩa cầu toàn này có chiều hướng tăng mạnh từ năm 1989 đến 2016, trong đó nó gắn liền với kỳ vọng của phụ huynh và xã hội đã tăng 32%.

Nhưng cuộc chạy đua toàn bích này không chỉ để lại di chứng nặng nề cho những em bị cho là thua cuộc như những nhà sáng lập ra cỗ máy sáng lọc lo lắng. Ở nửa bên kia, hội chứng cầu toàn, về lâu dài, tàn phá tinh thần của cả những kẻ thắng cuộc.

Năm 2023, gia đình tôi đón một người họ hàng đang du học năm 1 từ một trường hàng đầu của Anh trở về với triệu chứng rõ rệt của trầm cảm. Em là học sinh “con nhà người ta” suốt những năm phổ thông với thành tích hoàn hảo, nhưng khi du học với học bổng toàn phần, em vẫn hoảng hốt đến rối loạn tâm lý khi các bạn đồng học tại Anh còn có thành tích khủng khiếp hơn mình ở tất cả mọi lĩnh vực: thành thạo phân tích văn bản triết học từ cấp 2, phá vỡ kỷ lục bơi lội cấp liên bang, tham gia các chiến dịch toàn cầu với công lao được ghi nhận trên trang chủ của các tổ chức lớn,.... Lòng tự tôn được xây trên những điểm thi hoàn hảo bị vỡ nát, em hoàn toàn mất phương hướng vì không biết phải hành động gì và nghi hoặc chính con người mình.

Trước đó 20 năm, Madeline Levine đã thực hiện những khảo sát đầu tiên để đi đến một kết luận đầy cảnh báo với các gia đình trung lưu có lợi thế kinh tế xã hội đang đầu tư điên cuồng vào đặc quyền giáo dục rằng: Các em rơi vào nhóm có tỉ lệ trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, rối loạn lo âu, rối loạn dạng cơ thể và buồn chán cao nhất so với bất kỳ nhóm trẻ em nào khác (sách Cái giá của đặc quyền).

10 năm sau, Levine tiếp tục chứng minh điều nay khi viện đến các nghiên cứu chỉ ra tình trạng lạm dụng và lệ thuộc vào chất kích thích của sinh viên các trường đại học danh giá - những cô cậu bé vàng từ khi còn ở bậc phổ thông.

Chủ nghĩa cầu toàn, được sinh ra cùng các cỗ máy sàng lọc người tài, đã đẩy những kẻ thắng cuộc vào cuộc chạy đua không dứt, nếu không tiếp tục học bạ toàn 10 điểm, họ sẽ không biết phải ứng phó ra sao với thế giới và định hình bản thân mình như thế nào nữa. 

Tôi không phải chuyên gia về khảo thí để đưa ra bất kỳ ý kiến nào về việc thay đổi chính sách tuyển sinh. Tôi chỉ tha thiết mong nhà trường, dù có phải tốn thêm bao nhiêu nguồn lực cho các cơ chế tuyển sinh phức tạp và tốn kém hơn, cũng đừng áp dụng rào cản kỹ thuật 168/170 điểm đầu vào sơ loại như hiện nay. Những đứa trẻ sẽ nghĩ gì, cha mẹ sẽ nói gì với con, khi vừa kết thúc bậc học phổ thông đầu tiên, các em đã bị cuốn vào chủ nghĩa cầu toàn - một cỗ máy khắc nghiệt để loại bỏ chứ không phải kiến tạo giá trị.

Nhưng điều làm tôi suy nghĩ nhất sau khi đọc bài báo hay bình luận trên mạng xã hội là sự chia rẽ giữa hai phe nhận được quả ngọt và trái đắng từ chế độ trọng nhân tài. Tác hại kép của chế độ này là đem tới thái độ bất mãn ở những người bị bỏ lại phía sau, và khuynh hướng áp chế khốc liệt đến những người thành đạt; từ đó hình thành nên sự chia rẽ trong lòng xã hội đến mức chúng ta quên đi những vấn đề giáo dục và tập trung công kích lẫn nhau.

Để khắc phục hạn chế của chế độ trọng nhân tài, bước đầu tiên phải là sự đối thoại thẳng thắn và chân thành về những gì thực sự diễn ra, chứ không phải mắc kẹt trong cảm xúc thắng thua chớp nhoáng do những bảng điểm ảo ánh được chế tạo ra.

Tôi vẫn nhớ sự hồi hộp, pha lẫn giữa háo hức và lo sợ, mỗi khi mẹ tôi đi họp phụ huynh cuối năm. Mẹ sẽ cho tôi xem bảng điểm nhiều điểm 5,6 và một vài điểm 8, 9. Mẹ nói chuyện rất lâu với tôi, nội dung gì tôi không nhớ nữa, chỉ cảm thấy sự lo lắng đi kèm nỗi vui mừng của mẹ khi nói về từng đầu điểm. Đó là thời khắc tuyệt vời cho một đứa trẻ tự nhìn lại chân thực hành trình của mình trong một năm học đã qua.

Là một người nghiên cứu ngành nhân văn, tôi thấu hiểu những áp lực của cha mẹ thời hiện đại trong bối cảnh xã hội đầy biến động, nhưng tôi cũng kỳ vọng các em có thể học tập trong mối liên hệ xã hội đầy cảm xúc giữa bản thân các em, cha mẹ, nhà trường và xã hội. 

(*) Tiêu đề được lấy theo và công trình nghiên cứu được trích lại từ cuốn Tính chuyên chế của chế độ nhân tài (Michael Sandel)

(**) Phiên bản báo chí của bài viết này có thể truy cập tại Vnexpress

Lang Minh | Vnexpress

Tags: