Công ty bé có nên làm thương hiệu hay không?
Công ty bé có nên làm thương hiệu hay không?
Ngày nay, những thông tin và kiến thức và thương hiệu có thể tìm thấy khắp nơi và các doanh nghiệp cũng dần hiểu rõ phương pháp, công cụ để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, kiến thức về thương hiệu chưa khi nào hết “nóng”.
10 Bước Cất Cánh Thương Hiệu
(3 lượt)

Dù bạn triển khai bất kỳ hoạt động nào trong quá trình kinh doanh, những câu hỏi muôn thuở vẫn là: Khách hàng và đối thủ của bạn là ai. Bạn có điểm gì khác biệt? Bạn đem lại giá trị gì? Bạn có điều gì khiến khách hàng phải khao khát? Bạn đi đến đâu trong tương lai?

Trong các chương trình đào tạo, tư vấn về chiến lược kinh doanh, bán hàng, marketing hay tư vấn tài chính và cơ cấu tổ chức, tôi vẫn thường xuyên nhận được những câu hỏi từ các doanh chủ: “Công ty bé thế có nên làm thương hiệu hay không?”, “Nên cân đối thế nào giữa marketing và xây dựng thương hiệu?”, “Xây dựng thương hiệu đã khó, quản trị nó theo định hướng và bắt kịp hơi thở thị trường còn khó hơn!”, “Anh làm logo, bộ nhận diện, thiết kế website, thuê truyền thông làm thương hiệu một cách rầm rộ sao vẫn không có hiệu quả?”

Vậy thì, liệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có cách nào để xây dựng thương hiệu bền vững không? Hay việc xây dựng thương hiệu chỉ nên là “câu chuyện của các ông lớn?” Sau nhiều năm tư vấn và đồng hành cùng các doanh nghiệp, trăn trở này đã thôi thúc tôi đúc kết thành quy trình 10 bước xây dựng thương hiệu, đây cũng chính là nội dung của cuốn sách 10 bước cất cánh thương hiệu.

Bắt nguồn từ bài viết 10 bước xây dựng thương hiệu được viết năm 2004; đến tháng 4/2014, dựa trên nhu cầu của rất nhiều học viên và doanh nghiệp, những người đang thực sự cần một công thức đơn giản, cụ thể dễ hình dung, phục vụ hoạt động xây dựng thương hiệu, tôi đã xây dựng mô hình Kim Cương gồm 6 giác cắt chính là Sứ mệnh, Tầm nhìn; Giá trị cốt lõi; Cá nhân hóa; Mô hình và Kiến trúc thương hiệu; Văn hóa thương hiệu; Lịch sử thương hiệu. Đầu tháng 6/2014, sau khi xây dựng mô-đun mới cho khóa học “Người học việc số 2”, tôi đã viết lại bài 10 bước xây dựng thương hiệu, đăng trên Note Facebook và nhận được rất nhiều sự hưởng ứng. Bài viết này chính là nền tảng cơ sở của cuốn sách 10 bước cất cánh thương hiệu

Từ việc ứng dụng và triển khai quy trình 10 bước dành cho doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) và các doanh nghiệp ở quy mô từ vừa lên lớn, lắng nghe những câu chuyện, vấn đề họ gặp phải, cá nhân tôi đã thu về vô vàn những bài học quý giá để bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện quy trình này. Nhưng tôi cũng nhận ra có những nội dung quan trọng trong cuốn 10 bước cất cánh thương hiệu chưa được các doanh nghiệp SMEs ứng dụng như: xây dựng mô hình thương hiệu, lời hứa thương hiệu, chiến lược cấu trúc thương hiệu, bản sắc thương hiệu và xây dựng văn hóa…

Cuốn sách này được viết theo hành trình từng bước “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể cùng những ví dụ và biểu mẫu điển hình để giúp doanh nghiệp xây dựng được cẩm nang thương hiệu rõ ràng, dễ áp dụng và đem lại thành công. Vì thế, tôi tin rằng, cuốn sách 10 bước cất cánh thương hiệu mà bạn cầm trên tay sẽ là một cuốn sách “gối đầu giường” vô cùng hữu ích với các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt là với doanh nghiệp đang trên hành trình tìm kiếm con đường tăng trưởng và phát triển để có được một vị trí đặc biệt trong tâm trí khách hàng, cũng như tạo dựng được vị thế trên thương trường.

- Tác giả Đặng Thanh Vân - Chuyên gia Tư vấn chiến lược doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương hiệu và Quản trị Thanhs

 

Tags: