Công cụ viết mà Mark Twain, Agatha Christie và James Joyce đều tin dùng
Công cụ viết mà Mark Twain, Agatha Christie và James Joyce đều tin dùng
Một cuốn sổ tay là nơi ghi lại cả sự cô đơn và kết nối. Đó là chỗ để biến những ý tưởng lặng lẽ, thoáng qua thành hiện thực, nơi mà ngôn từ và hình vẽ có thể bị bỏ đi. Nhưng trong sổ tay, việc thất bại có thể nhẹ nhàng hơn vì thực ra đó không phải là thất bại; đó là một phần cần thiết của sự khám phá đầy lộn xộn, của việc để cho những điều chưa biết và bất định tìm được hình hài.

Roland Allen đã ghi lại cách các tác giả, chính trị gia, nhà toán học, thủy thủ… từ khắp nơi trên thế giới sử dụng sổ tay trong cuốn sách “THE NOTEBOOK: A History of Thinking on Paper”.

Cuốn sách là một tài liệu tiết lộ một mối quan hệ gắn kết đến mức thiêng liêng: mối quan hệ giữa người viết và trang giấy. Đó là lời nhắc nhở rằng ghi chép là một hành động để hiện diện và xuất hiện trước trang giấy trắng, hết lần này đến lần khác, và khám phá những gì có thể nảy sinh ở đó. Dưới đây là một phần lịch sử ngắn gọn về một số nhân vật nổi bật đã sử dụng sổ tay một cách sáng tạo. 

 

Bruce Chatwin

 

Một sự thật ai cũng biết: Chatwin là một nhà văn du mục nổi tiếng; một sự thật ít ai biết: Chính sự tôn vinh cuốn sổ tay của ông trong cuốn “The Songlines” đã thúc đẩy cơn sốt cho những cuốn sổ tay Moleskine bằng da nhân tạo trở nên phổ biến.

 

 

Agatha Christie

 

Sổ bài tập ở trường là lựa chọn của Christie để vạch ý tưởng cho các tiểu thuyết trinh thám — bà đã viết 66 tiểu thuyết — cùng hơn 150 truyện ngắn. Bà ghi chú ý tưởng, dựng cảnh và phát triển cốt truyện khi tự nói chuyện với chính mình trên trang giấy. 

 

 

Leonardo da Vinci

 

Ước tính rằng Leonardo, có lẽ là người ghi chép nổi tiếng nhất thế giới, có thể đã “lấp đầy sổ tay của mình với tốc độ khoảng một nghìn trang mỗi năm,” Allen viết. Nhìn vào bất kỳ cuốn sổ phác thảo nào của ông đều có thể thấy các bức vẽ chi tiết về cơ thể người, bản vẽ máy bay và nỏ khổng lồ, cùng các nghiên cứu về những chủ đề huyền bí hơn, như dòng sông và ao hồ.

 

 

Herman Melville

 

Dù không ghi chép nhật ký hàng ngày, Melville cẩn thận ghi lại hải trình của mình trong những cuốn sổ tay. Trong đó, ông ghi lại những quan sát chi tiết đầy lãng mạn và cảm xúc, những điều sau này định hình một số tác phẩm nổi tiếng của ông, bao gồm “Moby-Dick”.

 

 

Mark Twain

 

Twain bắt đầu thói quen ghi chú khi còn trẻ, khi học việc ở vị trí hoa tiêu trên tàu hơi nước, một thói quen theo ông suốt những năm tháng trưởng thành. Trong một trang trong nhật ký của mình, ông thử nghiệm với các tên nhân vật. Chẳng hạn, ông đã nghĩ ra cái tên “Siphillis Briggs” nhưng không chọn, mà sau đó đổi thành “Typhoid Billings”.

 

 

Ernest Hemingway

 

Những năm Hemingway sống cảnh nghèo khó ở Paris trong thập niên 1920 được ghi lại trong cuốn hồi ký “A Moveable Feast” (Hội hè miên man), cuốn sách chỉ được hoàn thành sau khi ông tìm lại được những cuốn sổ tay — trong một chiếc vali Louis Vuitton cũ bị quên nhiều năm dưới tầng hầm của khách sạn Ritz — nơi ông ghi chép về cuộc sống Paris nghèo nàn khi đó.

 

 

Henry James

 

Những cuốn sổ của James là nơi tổng hợp tên các nhân vật của ông, cùng với những mẩu chuyện nhỏ. Một ghi chú viết: “Những người hầu, gian ác và đồi bại, làm hư hỏng bọn trẻ. Bọn trẻ xấu xa, đầy tội ác ở mức đáng sợ” — một suy nghĩ sau này truyền cảm hứng cho tiểu thuyết kinh dị “The Turn of the Screw” (Chuyện ma ám ở trang viên Bly) của ông.

 

 

Virginia Woolf

 

Là một người thỉnh thoảng viết bài phê bình sách, Woolf ghi lại tên các cuốn sách bà đã đọc trong nhật ký của mình. Bà thậm chí còn viết những bản nháp đầu tiên cho tiểu thuyết của mình trong đó, bao gồm “The Waves” (Những lớp sóng), được viết tay trong bảy cuốn sổ tay nhỏ bìa cứng.

 

 

Patricia Highsmith

 

Ngay từ những ngày còn là sinh viên tại trường Barnard, Highsmith đã là một người ghi chép và giữ nhật ký vô cùng tỉ mỉ (và đầy hài hước châm biếm), đến mức vào cuối đời bà đã sở hữu một kho sưu tập khổng lồ ghi lại những suy nghĩ và quan sát của mình. Cuốn sổ tay là nơi bà khám phá những ý tưởng ban đầu cho các tiểu thuyết trinh thám lừng danh của mình.

 

 

James Joyce

 

Tiểu thuyết gia người Ireland này luôn ghi chép lại những suy nghĩ và quan sát thoáng qua trong đầu mình. Các cuốn sổ tay của ông “càng ngày càng đầy những mảng màu sắc sống động,” Allen viết, “khi ông dùng bút sáp đỏ, xanh dương và xanh lá để đánh dấu các lần chỉnh sửa liên tục cho ‘Ulysses’ ‘Finnegans Wake’.”

- Theo The New York Times

Tags: