Đối tượng chủ yếu tham dự cuộc thi là các bạn trẻ 9x (chiếm hơn 50%), đa số là sinh viên. Nhóm còn lại là nhân viên văn phòng, biên tập viên, biên kịch, người viết tự do... Cuộc thi có sự tham gia của khá nhiều cây viết chuyên nghiệp (theo nghĩa đã in vài tựa sách, có giải thưởng văn học…)
Người dự thi nhỏ tuổi nhất là một học sinh lớp 4 ở Nghệ An. Người dự thi lớn tuổi nhất sinh năm 1948.
Có 14 bạn trẻ Việt Nam đang làm việc và học tập ở nước ngoài gửi tác phẩm về dự thi ( Úc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore,Anh, Mỹ, Thụy Điển, Bỉ, Đài Loan). Trong đó có một tiến sĩ điện tử viễn thông, 4 nghiên cứu sinh, 1 họa sĩ.
Thể loại đa dạng và mang tính thể nghiệm. Đề tài phong phú: đời sống bình thường, chiến tranh (thời hiện đại), kỳ ảo… tựu trung lại là đề cao con người, đúng với dòng chảy văn học thế giới.
Nhiều tác phẩm bộc lộ những tâm hồn rất đẹp, tươi tắn và luôn trăn trở để đi tìm một ý nghĩa sống, một con đường thực hiện những hoài bão, khao khát gánh vác trách nhiệm cùng xã hội, yêu quý và tự hào về cội nguồn dân tộc. Một số tác giả không ngại đối diện và đau đáu trăn trở với những vấn đề lớn trong xã hội. Các tác giả được chọn vào chung khảo đều tìm được cho mình một giọng điệu riêng rất hiện đại, mới mẻ để kể về câu chuyện mà mình ôm ấp và tin tưởng.
Thành phần Ban giám khảo
(danh sách theo thứ tự abc của Tên tác giả)
Cơ cấu giải thưởng
Tất cả bản thảo vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 đều được in thành sách, trong tủ sách Văn học tuổi 20.
Giải nhất: 70 triệu đồng
Giải nhì: 50 triệu đồng
Giải ba: 30 triệu đồng
4 giải khuyến khích: 20 triệu đồng/giải
1 giải “Tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất”: 20 triệu đồng
3 giải cho 3 bài bình luận hay nhất: 5 cuốn sách tự chọn
20 tác phẩm lọt vào chung khảo cuộc thi
(Theo thứ tự abc của tên tác phẩm)
1. Bữa đời lạc phận– truyện dài của tác giả Ka Bình Phong đậm phong cách văn chương Nam bộ, phóng túng, hào sảng với lối kể song hành quá khứ – thực tại đầy thú vị. Thông qua hình ảnh ẩn dụ là một bữa tiệc sơn hào hải vị tiếp đón sếp lớn, mỗi món ăn lại mở ra những góc khuất số phận trong quá khứ lẫn những nỗi khóc cười trước cảnh đời trêu ngươi trong hiện tại.Ở đó, tác giả kể tên đến từng giống loài với những khúc hát của riêng mình, để rồi từ đó tác giả gửi gắm những tâm sự của riêng mình.
2. Cô ấy khiêu vũ một mình– truyện dài của tác giả Tịnh Bảo là câu chuyện tình tay ba giữa hai võ sư và một nữ võ sinh. Cả ba xoay vòng trong một điệu luân vũ của tình cảm mà thật khó khăn mới có thể gọi đúng tên, trong sự chi phối của Số Phận suốt quãng đường 10 năm. Liệu “chân tình sẽ được đền đáp bằng chân tình hay tận cùng khổ đau có là hạnh phúc” như lời chia sẻ của tác giả?
3. Chuyện bên rìa thế giới– truyện dài của Bùi Cẩm Linh là một câu chuyện được viết theo thể loại kỳ ảo, kể về hành trình hình thành thế giới thông qua việc liên kết những câu chuyện thần thoại với nhau và lý giải về thế giới dưới góc nhìn mới mẻ, đặc biệt và lãng mạn. Một câu chuyện đồng thoại dành cho những tâm hồn trong veo ngắm nhìn thế giới. Thế giới dưới góc nhìn của một kẻ điên hóa ra lại tỉnh táo, minh triết đến kỳ lạ.
4. Chuyến tàu nhật thực– của tác giả Đinh Phương là một tác phẩm mơ hồ và buồn bã kể về nỗi khát khao tìm lại bản ngã của chính mình. “Chuyến tàu sẽ về trước nhật thực” – đây là khao khát đến ám ảnh của tất cả những con người già trẻ trong câu chuyện. Nỗi ám ảnh về cái thời khắc khi ánh sáng mặt trời dần bị che mờ thì những bóng tối che đậy trong tâm tưởng của mỗi người bắt đầu bị đánh thức. Rồi nó từ từ lớn dần và ăn mòn chính cuộc sống hiện tại của họ. Những bí mật đen tối, những ám ảnh, ẩn ức của mỗi nhân vật dần bị bóc trần. Nó đã đánh thức trong họ khao khát được giải thoát, được trở về lại thị trấn trên chuyến tàu về quá khứ.
5. Nguyện của đêm– của tác giả Cao Nguyệt Nguyên là câu chuyện của một gia đình Dung ở một ngôi làng ven đô với truyền thống trồng hoa tươi và những tập tục đậm sắc màu dân gian. Nhưng những truyền thống đó đã vỡ tan trong cơn lốc “hiện đại hóa” chuyển đổi từ làng lên phố.
Chính sự đổi thay quay cuồng đó đã chất chứa bao điều bất an, tạo ra những cơn sóng ngầm hoang dại trong lòng mỗi con người, mỗi gia đình nơi đây. Điển hình là Dung và gia đình cô luôn phải sống trong sự tính toán giằng xé từ bố mẹ, các anh trai, chị dâu. Dung đại diện cho lớp thanh niên không còn tin vào sự tiến thân bằng chữ nghĩa, sống mòn mỏi trong nỗi tuyệt vọng giữa gia đình và xã hội, giữa lý trí và niềm tin tan vỡ, chứng kiến những mặt trái của nhiều người. Kết cục kinh hoàng của mỗi nhân vật khiến người đọc cứ rờn rợn mà vẫn bị cuốn hút lạ thường.
6. Cánh đồng ngựa– của tác giả Nguyên Nguyên là một tác phẩm dành cho những kẻ nằm mộng, dành cho những trái tim tổn thương, dành cho những lầm lỡ mà ta từng mắc phải. Tác phẩm là bức tranh về những người trẻ cô đơn, mà ở đó tuổi thanh xuân của họ đã trải qua những mất mát, đau khổ và cả sự hoang mang khi không tìm thấy bản thân mình. Như những con ngựa hoang mải miết chạy dài trên một cánh đồng bất tận. Họ không hề mệt mỏi, dẫu cho con đường trải ra phía trước mắt họ chỉ là những mảng màu tối thẫm, chẳng nhìn thấy đường đi. Nỗi đau, sự mất mát, lạc lõng và vô định, tất cả hòa lại tạo nên một bản nhạc tuổi thanh xuân không thể phai mờ.
7. Cỏ dại thênh thang– của tác giả Tiểu Quyên là tập hợp những câu chuyện về con người từ nhiều nơi trên đất nước, được tác giả kể lại với góc nhìn đầy hiểu biết và sẻ chia. Chất văn nhẹ nhàng mà lại "thấm sâu" vào lòng người đọc như một cơn mưa đêm êm ả. Cuộc đời mà chúng ta cưu mang, đẹp đẽ kỳ diệu mà cũng đớn đau, cô đơn. Tác giả chia sẻ: “Như cỏ. Tôi chọn viết – là để được chạm đến những thân phận và soi chiếu đời mình, đời người bằng tình yêu thương và mọi giá trị cứu rỗi. Viết là để trao đi niềm tin và mộng ước lớn, rằng chúng ta rồi sẽ luôn tìm thấy hạnh phúc lấp lánh từng ngày – giữa mong manh vĩnh hằng…”
8. Cửa sổ phía đông– của tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa. Cửa sổ phía đông khởi đầu từ cái chết bí ẩn của một cô gái và thông qua từng trang nhật ký để lần tìm lại hình ảnh cuộc đời cô. Đó cũng là hành trình tìm lại ký ức sau khi bị xóa bỏ, từ đó mở ra biết bao bi kịch của những số phận xung quanh cô ấy. Tất cả đều mang trong mình vết sẹo chiến tranh theo nhiều cách khác nhau.
Một tác phẩm về đề tài hậu chiến được viết đầy rung cảm và mới mẻ thông qua một số yếu tố giả tưởng xen lẫn chất ly kỳ hấp dẫn.
9. Độc hành– tác giả Nguyễn Đinh Khoa. Độc hành lấy ý tưởng từ những người mang trong mình năng lực kỳ lạ có thể du hành qua các quỹ đạo bằng cách thay đổi tần số rung động của nó. Câu chuyện xoay quanh những người mà thế giới của họ đã không còn vốn dĩ như thế. Những con người ngày đêm bị ám ảnh bởi những tổn thương của quá khứ và những ký ức mơ hồ không thể hàn gắn được. Quá khứ không thể thay được, nhưng để sống với tình yêu duy nhất của mình, cái giá phải trả đôi khi còn đắt hơn cả cái chết.
Một câu chuyện lạ lẫm, bí ẩn, hấp dẫn được đặt trong bối cảnh của giới nghiên cứu thời trang và kiến trúc đem đến cảm giác mới mẻ và thú vị.
10. Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa– tác giả Hiền Trang. Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa kể về những nỗi niềm của Phố Trong và Phố Ngoài với chất nhạc, họa, thi ca bàng bạc trong mỗi truyện. Đó có thể là nốt trầm (Cửa tiệm mua trái tim, ký ức, và giấc mơ), nốt ngang (Những người thích trường), nốt bổng (Giấc mộng đêm hè), và cả bản concert (Tấu khúc tháng Sáu); đó cũng có thể là bức tranh mang sắc vàng (Sự thật về chiếc tai bị cắt của Vincent Van Gogh), sắc xám (Ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng?); và cũng có thể là một bài thơ buồn nhưng không lụy (Chuyến xe tới Địa phủ, Cánh đồng dâu tây mãi mãi)… Tất cả đem đến những rung cảm dịu dàng mà sâu lắng cho người đọc.
11. Người lạ– tác giả Mai Thảo Yên. Nữ nhân vật chính là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Thụy Điển. Sống trong môi trường nghiên cứu học thuật tiến bộ và văn minh, dù cô có thể làm việc bình đẳng với những đồng nghiệp nước ngoài, cô vẫn thấy rõ những khoảng trống và chênh chao không thể lấp đầy, cộng thêm những ngỡ ngàng khi nhìn thật gần một con người, một nền văn hóa. Xuất phát từ một đất nước bé nhỏ, cô tiến vào giới nghiên cứu học thuật như con thuyền lao ra khơi để thỏa chí vẫy vùng, dù có khi thấy bến bờ mù mịt. Tác giả chia sẻ: “Câu chuyện Người lạ khởi sinh bằng chính sự tự vấn: Tôi đã hiểu gì về thế giới này, về bản thể con người? Tôi còn bao nhiêu niềm tin vào tự do, vào lòng chính thiện? Và tôi phải làm gì để dưỡng nuôi trong mình lòng dũng cảm để nhìn thẳng vào cuộc sống, lẫn sự bình an để chấp nhận nó như nó vốn phải thế?”
12. Nhân gian nằm nghiêng– của Đặng Hằng là một câu chuyện giả sử kể về một đôi trai gái sống ở thời hiện đại đột nhiên bị rơi vào dòng xoáy trở về quá khứ. Lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến vệ quốc vào thế kỉ thứ XIII, tác phẩm là câu chuyện mang màu sắc Phật giáo, về cuộc hành trình của một đứa con đi tìm mẹ, về chặng đường của những người đi tìm cái tôi trong cái ta chung của dân tộc, đồng thời phỏng dựng lại những nét đẹp văn hóa dân gian ngày nay đã ít nhiều mai một và một tình yêu đất nước chân thành, mãnh liệt của con dân Đại Việt.
Lối viết đẹp, văn phong trang nhã vừa tạo được không khí của dòng văn học lịch sử mà vẫn điểm xuyết chất hiện đại một cách hài hòa.Nội tâm nhân vật được khắc họa tinh tế, hợp lý, các chi tiết hư cấu đan xen vừa phải tạo nên sức thuyết phục đến bất ngờ.
13. Những câu chuyện trong thành phố– tác giả Vũ Tùng Lâm. Những câu chuyện trong thành phố, đó là bất cứ thành phố nào, vào bất cứ thời gian nào, với các câu chuyện có thể xảy ra với bất kỳ người nào: cậu sinh viên ao ước được ra sân chính thức với quả bóng da, cô gái vô danh bị người yêu cợt nhả, gã trung niên mua tình của người yêu cũ, người phụ nữ ám ảnh chồng mình ngoại tình, hai con người muốn kết thúc cuộc sống gặp nhau…
Mỗi truyện là mỗi màu sắc riêng biệt và khi được đặt cạnh nhau bổ sung cho nhau trở thành bức tranh đa chiều về thành phố. Bút pháp truyện lồng truyện khá đặc trưng trong văn học hiện đại, ở đó có một truyện chính và một truyện ẩn mà tùy theo độ nhạy cảm và vốn sống, từng người sẽ nghiệm ra ở những hình thái khác nhau.
14. Những đứa con cổ tích – tác giả Bạch Đằng. Gió chiều thổi áo cà sa /Bóng dài trên đất lại ra yếm đào.
--------------------
Tình cờ, Đường – một nữ sinh đại học đang đau khổ vì lỗi lầm tai hại – xuyên không lạc đến thế giới cổ tích và cũng tình cờ bị triều đình các nước lùng bắt bởi liên quan đến một con quái thú. Sẵn dịp muốn trốn chạy khỏi thực tại, Đường hòa nhập, hay bị buộc phải hòa nhập vào thế giới này hòng tìm đến vùng đất thi nhân hay còn gọi là vùng đất được chúc phúc. Nghe nói ở đây không có đau buồn… Câu chuyện thú vị được kể bằng văn phong trong trẻo, nhằm đi tìm câu trả lời cho thắc mắc: sự tha thứ đến từ lòng người hay lòng mình?
15. Sau những ngày mưa– của tác giả Phạm Thu Hà. Truyện dài, dưới giọng kể dịu dàng, tha thiết của một cô gái độ tuổi 20 đi theo đoàn tổ chức hội chợ lưu động sau những đổ vỡ trong gia đình: em trai mất, cha mẹ ly hôn, mẹ đi theo đoàn và mang cô theo… Theo những chuyến đi qua nhiều miền đất nước là ký ức của cô về những ngày xưa cũ, nơi có nhiều yêu thương nhưng cũng lắm tủi hờn. Theo nhịp quay của bánh xe, cô lý giải những khúc mắc trong lòng, đau đớn vượt qua những câu hỏi được – mất. Cuối cùng, cô gái trẻ cũng đã tìm ra cách tha thứ cho mình và người lớn để có thể bắt đầu lại từ đầu. Truyện có nhiều trang tả cảnh tả tình đẹp đẽ, gợi lên chút buồn man mác như nỗi niềm của nhân vật chính.
16. Thỏ rơi từ mặt trăng– truyện dài của Nguyễn Dương Quỳnh với cảm hứng từ điển tích công chúa ống tre của Nhật Bản, là câu chuyện viễn tưởng về một cô gái trông bề ngoài bình thường đến nhàm chán nhưng chứa đựng một bí mật to lớn. Đó là nàng công chúa thỏ của thế giới mặt trăng. Mẹ cô đã từ bỏ quê hương và sự kỳ vọng của vương quốc thỏ để xuống trái đất và chung sống với cha cô. Bí mật về thân thế cô được giáo sư thỏ (cận vệ trung thành của mẹ cô) và cha cô ra sức giấu kín. Nhưng những con thỏ từ mặt trăng lại tìm mọi cách liên lạc để lôi kéo cô trở về để làm hồi sinh vương quốc thỏ và thậm chí là thực hiện mộng xâm lăng. Cô và người bạn đồng hành là Chuột đã thực hiện cuộc phiêu lưu từ trái đất lên mặt trăng.
17. Trăng trong cõi– của tác giả Phạm Thúy Quỳnh. Câu chuyện dẫn người đọc đến xóm Viên Mai – một nơi như thực như hư với một người trưởng thôn lúc nào cũng như tự tại, vô ưu và dân làng vốn là những kẻ tứ xứ trôi dạt về. Nào ngờ nơi ấy cũng là nơi có thể hé mở cánh cửa quá khứ. Từ đó tác phẩm mở ra những cái nhìn khác về vị vua Lê Long Đỉnh, và vẽ lên câu chuyện cuộc đời đầy biến động của Bá Đa Lộc, của dòng họ Hà… những người bị mắc kẹt giữa dòng chảy lịch sử. Tình yêu dành cho lịch sử như sợi chỉ đỏ xuyên suốt kết nối nhiều thế hệ người lại với nhau. Câu chuyện nhẹ nhàng đan xen giữa quá khứ và hiện tại của những người sống trong thời đại của mình nhưng luôn đau đáu với một quá khứ lịch sử cần giữ gìn.
18. Tự nhiên say– của tác giả trẻ Phát Dương đến từ Bạc Liêu. Tập truyện ngắn gồm 11 truyện về miền Tây sông nước, nơi cuộc sống hiện đại đang hối hả tràn qua, làm thay đổi nhanh chóng đời sống người dân nơi đây. Nhưng ẩn sau những hào nhoáng, xô bồ, toan tính lạnh lùng đó, miền Tây vẫn bàng bạc tình người, vẫn là nơi níu giữ ta về với cội nguồn, tình làng nghĩa xóm. Truyện viết nhẹ nhàng mà tinh tế, nhiều hình ảnh độc đáo, kết thúc đầy gợi mở. Từng câu từng chữ trong tác phẩm, dù là về một số phận bẽ bàng hay tình người ngang trái, đều thấm đẫm yêu thương.
19. Wittenstein của thiên đường đen– Maik Cây. Những người lẻ loi với nỗi buồn và hoàn cảnh xuất thân khác nhau tụ về thành phố Lê – một thành phố chết do nhiễm độc phóng xạ. Họ sống cạnh nhau, tình yêu thương tưởng chừng đã chết trong những trái tim đầy sẹo lại hồi sinh. Tâm thế sẵn sàng đối mặt với cái chết lại khiến họ sống hết mình hơn bất cứ ai. Sách lồng ghép nhiều thông điệp lớn: Ô nhiễm môi trường, ý nghĩa của sống, tình nghĩa của con người dành cho nhau bất chấp xuất thân không còn gì, những tổn thương thời thơ ấu và nỗi dằn vặt khôn nguôi về bản chất loài người…
20. Yagon, những kẻ vô cảm– truyện dài của Phạm Bá Diệp, thuộc thể loại fantasy – kỳ ảo. Câu chuyện trong "Yagon - Những kẻ vô cảm" diễn ra ở bối cảnh hiện đại, trong một thế giới giả tưởng - nơi mà Việt Nam được biết đến với biệt danh "Mẫu Quốc", cũng là thánh địa linh thiêng đã khai sinh ra một niềm tin, một tôn giáo có lượng giáo dân đông đảo: Tam Mẫu. Sau hàng ngàn năm, đức tin đã thoái trào, những biến tướng của triết lý đạo... đã tạo ra những bất ổn tiềm ẩn. Mọi thứ chính thức vỡ tung khi một biến cố lớn diễn ra tại Thánh Phủ, con tim của đạo Tam Mẫu, khiến những nền tảng cốt lõi của đạo giáo này đổ nhào, dẫn đế nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột lớn…Yagon – Những kẻ vô cảm khai thác vấn đề tín ngưỡng dân gian, các truyền thuyết độc đáo của dân tộc, lồng trong cốt truyện ly kỳ hấp dẫn, và tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc.
Thông tin liên hệ dành cho báo chí:
Bá Long (Phòng truyền thông NXB Trẻ)
Cell phone: 0902677466
Email: [email protected]
Tác phẩm đạt giải nhất trong Cuộc thi Văn học lần thứ 5 đã thuộc về 'Người ngủ thuê' của chàng trai sinh năm 1991, Nhật Phi.
Trong buổi lễ trao giải, Nhật Phi chia sẽ ý tưởng của tác phẩm này đến từ câu hỏi bất chợt của một người bạn, một người luôn bận rộn và mệt mỏi vì công việc "giá mà ai đó ngủ giùm".
Từ câu hỏi đó Nhật Phi đã viết thành một câu chuyện dài với mong muốn được chia sẻ với những hoài nghi, những suy tư, những hoang mang, nỗi chán chường của tuổi trẻ với những ý nghĩ mình sẽ làm gì với cuộc đời của mình...
Nói về tác phẩm này, thành viên Hội đồng chung khảo, PGS.TS Nguyễn Thành Thi nhận xét "hình tượng độc đáo thể hiện khá sinh động nghịch cảnh trớ trêu và sự thoát khỏi nghịch cảnh đầy bất ngờ mà tự nhiên của nhân vật chàng họa sĩ trẻ. Tác phẩm của Nhật Phi ít nhiều người ta liên nhớ đến "Momo" một sáng tác kỳ ảo lừng danh của Michael Ende".