Có thể đánh giá thành công của một người dựa trên hiệu quả công việc và tài sản cá nhân?
Có thể đánh giá thành công của một người dựa trên hiệu quả công việc và tài sản cá nhân?
Đôi khi là có - nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Chúng ta sẽ hiểu vì sao một bộ phận lớn các doanh nhân có thành tích nổi bật, ở bất kỳ thời điểm nào, lại không hơn gì những mũi tên được đáp ngẫu nhiên. 
Trò đùa của sự ngẫu nhiên
(3 lượt)

Đáng tò mò hơn, nhờ vào một thiên kiến đặc biệt, chúng ta sẽ gặp nhan nhản các trường hợp trong đó doanh nhân kém năng lực nhất lại là người giàu có nhất. Tuy nhiên, họ sẽ không chịu thừa nhận vai trò của may mắn trong thành tựu của mình.

Những kẻ ngốc may mắn không hề mảy may cho rằng mình là kẻ ngốc may mắn – trong thâm tâm, họ không biết mình thuộc nhóm này. Họ sẽ hành động như thể họ xứng đáng với số tiền mình kiếm được. Chuỗi thành tích liên tục sẽ tiêm vào não họ quá nhiều serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh được tìm thấy rất nhiều ở hệ thần kinh ruột và hệ thần kinh trung ương. Serotonin được cho là có vai trò quan trọng trong việc điều khiển hoạt động co bóp ở ruột, cảm xúc, quá trình chữa lành vết thương. Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ serotonin bình thường hoặc cao ở hệ thần kinh trung ương sẽ tạo cảm giác vui vẻ, phấn khích, bình tĩnh trong khi nồng độ serotonin thấp sẽ gây nên sự chán chường, mất ngủ, trầm cảm) (hay những hoạt chất tương tự), khiến họ càng tự đánh lừa bản thân hơn nữa và tin rằng mình có khả năng đánh bại các thị trường (hệ thống hoóc-môn không biết liệu thành công của chúng ta có phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên hay không). Người ta có thể thấy được điều đó qua tác phong của họ; một nhà giao dịch kiếm được nhiều tiền sẽ có dáng đi thẳng người và phong thái lấn át người khác – và thường thì họ sẽ nói nhiều hơn so với các nhà giao dịch đang gặp thua lỗ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng serotonin có vẻ đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển hành vi của con người. Nó thiết lập một cơ chế phản hồi tích cực, tức chu kỳ tích cực, nhưng do tác động ngoại lai của sự ngẫu nhiên, nó có thể kích hoạt chiều ngược lại và gây ra chu kỳ tiêu cực. Nghiên cứu chỉ ra rằng những con khỉ được tiêm serotonin sẽ có thứ bậc cao trong đàn, và điều này lại tiếp tục làm gia tăng lượng serotonin trong máu chúng – cứ như vậy cho đến khi chu kỳ tích cực này bị phá vỡ và chu kỳ tiêu cực bắt đầu (trong chu kỳ tiêu cực này, sự thất bại sẽ khiến lũ khỉ bị rơi xuống thứ bậc thấp hơn, từ đó gây ra những hành vi khiến chúng tiếp tục bị rớt hạng sâu hơn nữa). Tương tự, khi hiệu quả hoạt động cá nhân được cải thiện (dù là do nguyên nhân tiền định hay do tác động của nữ thần may mắn Fortuna), lượng serotonin trong cá nhân sẽ gia tăng, và sự gia tăng này lại tiếp tục thúc đẩy cái mà mọi người vẫn quen gọi là năng lực “lãnh đạo”. Một người đang “trên đà thành công”. Một số thay đổi khó nhận biết trong tác phong, ví dụ khả năng hành xử một cách điềm tĩnh và tự tin, khiến cá nhân đó trở nên đáng tin cậy - như thể anh ta thực sự xứng đáng đạt được thành quả đó. Sự ngẫu nhiên sẽ bị loại khỏi danh sách các nhân tố có thể tác động đến hiệu quả làm việc của người đó, cho đến khi nó quay trở lại một lần nữa và thực hiện một cú hích để kích hoạt chu kỳ đi xuống.

Một lưu ý về sự thể hiện cảm xúc. Hầu như không ai có thể che giấu cảm xúc của mình. Các nhà khoa học hành vi cho rằng một trong những lý do chính khiến một số người trở thành nhà lãnh đạo không phải là kỹ năng, mà là những ấn tượng hết sức bề ngoài mà họ tạo ra cho người khác thông qua một số tín hiệu vật lý khó phát hiện – ví dụ như điều mà ngày nay chúng ta gọi là “sức lôi cuốn”. Đặc điểm sinh học của hiện tượng này được nghiên cứu rất kỹ ở thời đại ngày nay, trong lĩnh vực gọi là “cảm xúc xã hội”. Trong khi đó, một số nhà sử học lại “lý giải” sự thành công của họ xét về những khía cạnh như tài mưu lược, sự giáo dục đúng đắn, hoặc những lý do mang đậm tính lý thuyết khác được nghiệm ra về sau. Thêm nữa, dường như có bằng chứng thú vị về sự liên quan giữa khả năng lãnh đạo và một hình thái bệnh lý tâm thần (rối loạn nhân cách chống đối xã hội) giúp những kẻ tự tin, tàn nhẫn chiêu mộ được môn đồ.

Giữa chốn đông người, nhiều người thường vô duyên hỏi tôi rằng thời tôi làm nghề giao dịch có kiếm được không. Nếu bố tôi có mặt ở đó, ông sẽ chặn họng họ mà rằng: “Đừng bao giờ hỏi một người đàn ông rằng có phải anh ta đến từ Sparta hay không: Nếu đúng vậy, thì hẳn anh ta đã khoe với anh từ lâu rồi, còn nếu không, thì việc anh hỏi chỉ khiến anh ta cảm thấy xấu hổ mà thôi.” Tương tự, đừng bao giờ hỏi một nhà giao dịch rằng anh ta có kiếm được hay không; cứ nhìn vào điệu bộ và cử chỉ của anh ta là rõ. Những người trong nghề này có thể dễ dàng biết nhà giao dịch nào đang thắng lớn hay thua to; các nhà giao dịch làm quản lý thường chỉ qua một cái liếc mắt là biết nhân viên nào của mình đang làm ăn tệ. Vẻ mặt của họ sẽ không để lộ ra điều gì, vì mọi người thường cố ý kiểm soát những biểu hiện trên khuôn mặt. Nhưng cách đi đứng, cách nghe điện thoại, và sự do dự trong hành động chắc chắn sẽ tiết lộ tâm trạng của họ. Vào buổi sáng sau ngày John bị sa thải, chắc chắn là anh ta đã mất đi một lượng lớn serotonin – hoặc một hoạt chất nào khác mà giới nghiên cứu sẽ khám phá trong các thập niên sau. Một tài xế taxi ở Chicago chia sẻ với tôi cách anh dùng để đoán xem các nhà giao dịch mà anh đón ở gần sàn giao dịch hợp đồng kỳ hạn Hội đồng Thương mại Chicago có làm ăn được hay không. “Tất cả những tay làm ăn phát đạt đều khệnh khạng,” anh cho biết. Tôi không khỏi ngạc nhiên (thêm phần khó hiểu nữa) khi thấy anh có thể phát hiện ra điều đó nhanh như vậy. Về sau, khi tìm hiểu về tâm lý học tiến hóa, tôi gặp được một cách lý giải hợp lý, theo đó họ cho rằng việc một người thể hiện ra bên ngoài hiệu quả hoạt động của mình, giống như ưu điểm vượt trội của động vật, có thể nhằm mục đích phát tín hiệu: Nó khiến kẻ thắng cuộc trở nên nổi bật hơn, hỗ trợ  hiệu quả cho quá trình lựa chọn bạn tình.

- Trích sách: Trò đùa của sự ngẫu nhiên

Tags: