Cái giá của đặc quyền: Cuốn sách giúp ba mẹ lắng nghe thế hệ
Cái giá của đặc quyền: Cuốn sách giúp ba mẹ lắng nghe thế hệ "sinh ra từ vạch đích" lên tiếng
“Trẻ con bây giờ quá sướng” có lẽ là câu cửa miệng của rất nhiều người thế hệ trước khi nói về thanh thiếu niên thế hệ Z trở đi.
Cái giá của đặc quyền
(6 lượt)
Tôi đã nghe nó từ phụ huynh học sinh của mình, từ các thầy cô giáo, và từ cả những thành viên lớntuổi trong gia đình, trong cộng đồng nơi mình sống. Ở một khía cạnh nào đó, đúng là trẻ con thời nay “sướng” thật, nếu lấy thước đo vật chất và điều kiện sống để so sánh. Và tôi biết ẩn sau câu nói đó là một ngầm định và đánh giá, rằng thời nay các em được sống sung túc, đủ đầy hơn mà sao vẫn kêu ca nhiều, vẫn thấy căng thẳng và khó khăn, sao sướng vậy mà không học giỏi và thành đạt như “con nhà người ta”?

Mười năm gắn bó với thế hệ học sinh được cho là "quá sướng” ấy trong vai trò một nhà giáo đã giúp tôi nhận ra rằng ngầm định ấy thực tình có phần thiếu công bằng với các em. Mỗi bối cảnh sống đều góp phần tạo nên mô thức hành vi và văn hóa của cả một thế hệ mà không phải lúc nào một cá nhân cũng có thể ý thức rõ ràng và đưa ra lựa chọn chủ động.

Sự đầy đủ, thậm chí là thừa thãi về vật chất, có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với bọn trẻ, khiến các em gặp những khó khăn rất đặc thù về động lực, bản sắc cá nhân, quan hệ xã hội và sức khỏe tâm thần. Đó là còn chưa kể đến việc các em sinh ra và lớn lên trong thời kì xã hội quá sản và quá kích tiêu dùng, trong một bối cảnh mà mỗi ngày ai ai cũng đang so sánh hậu trường đời mình với sự hào nhoáng của cuộc đời người khác trên mạng xã hội.

Đứng từ điểm nhìn đó, tôi thấy đồng cảm sâu sắc khi được đọc và tham gia chuyển ngữ cuốn sách Cái giá của đặc quyền của Tiến sĩ Madeline Levine. Tôi tưởng như tác giả đang kể lại chính những câu chuyện mà mình từng chứng kiến: một người con từ bé tới lớn luôn được cha mẹ thảm trên mọi chặng đường đi, tới nỗi khi đã học thời gian đại học, em vẫn không biết mình muốn gì, tại sao mình lại học ngành này, để rồi em chọn bỏ cuộc giữa đường trong cảm giác bầm dập, lạc lối; một gia đình có người chồng đầy quyền lực, là trụ cột tài chính, không mấy khi xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của con, nhưng sẽ nổi cơn tam bành nếu đứa trẻ định chọn một sự nghiệp khác với kì vọng của mình; một đứa trẻ vị thành niên tự làm đau mình như một cách để có được sự chú ý của hai vị phụ huynh đang quá bận rộn vì công việc...

Khác với nhiều cuốn sách làm cha mẹ từng được xuất bản, tôi cảm nhận ở Cái giá của đặc quyền một sự thấu cảm sâu sắc với những người làm cha mẹ trong thời đại này, thời đại mà ai cũng muốn con mình được hưởng những điều kiện đầy đủ nhất, vào trường học danh giá nhất, có một sự nghiệp thành công nhất, và họ sẵn sàng làm tất cả để đạt được điều đó bằng cách hi sinh và đầu tư vào nhiều nguồn lực khác nhau: phấn đấu kiếm thật nhiều tiền để trả học phí cho các trường tư và hoạt động ngoại khóa đắt đỏ, ôm đồm mọi việc để con chỉ cần tập trung vào việc học, áp dụng một lộ trình thành công “kiểu mẫu” để con đi theo... Trên hành trình nỗ lực giúp con thành công (và hạnh phúc) ấy, đôi khi họ quên mất rằng, thứ con cần chính là sự hiện diện của bố mẹ ở bên, là được tạo điều kiện để phát triển tính độc lập, tự chủ để có thể tự tin sống cuộc đời mình chứ không phải phụ thuộc vào cha mẹ từ việc lớn đến việc nhỏ. Họ cũng thường không nhận ra hoặc lờ đi sự thật rằng: thưởng và phạt có thể làm tăng động lực bên ngoài, nhưng lại không bền vững và lành mạnh bằng việc nâng cao động lực bên trong; áp lực vừa đủ có thể giúp ích, nhưng thúc ép thái quá có thể sẽ gây ra những hậu quả lâu dài.

Ngoài vai trò một nhà giáo, tôi cũng là một người mẹ. Giống như nhiều bậc cha mẹ khác ở thời đại này, tôi cũng trăn trở cố gắng tìm kiếm một điểm cân bằng giữa rất nhiều nghịch lí ấy. Và dù không định trước, quá trình dịch cuốn sách này đã giúp tôi phản tư sâu sắc với chính cuộc sống của bản thân, gia đình cũng như cách tôi đồng hành cùng con.

Mặc dù cuốn sách đề cập tới những vấn đề mà sự giàu lại cho các phụ huynh và con cái họ, nhưng có thể thấy rằng đây cũng là những vấn đề mang tính phổ cập trong xã hội đô thị ngày nay, nó không giới hạn ở bất kì tầng lớp xã hội nào. Trong một thế giới có quá nhiều cuốn sách “gây áp lực” lên các bậc cha mẹ, đòi hỏi họ phải thật hoàn hảo, mẫu mực, thì đây chính là một cuốn sách đầy thấu hiểu, nó ghi nhận những khó khăn của việc làm cha mẹ, đứng về phía cha mẹ để giúp họ tìm ra cách tự giúp mình và giúp bọn trẻ vượt ra khỏi cái bẫy của chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hoàn hảo, hướng tới một gia đình êm ấm với những cái tôi khỏe mạnh từ bên trong.

- Th.S Bùi Trà My - Giảng viên đại học RMIT, Nguyên thành viên BGH trường PTLC Olympia 

 

Tags: