Cách sử dụng chuỗi thói quen để xây dựng thói quen lâu dài 
Cách sử dụng chuỗi thói quen để xây dựng thói quen lâu dài 
Nếu bạn luôn thất bại trong những kế hoạch tạo ra những chuỗi thói quen tốt thì hãy để tác giả S. J. Scott hướng dẫn bạn những bước đầu tiên, thông qua cuốn sách “Chuỗi thói quen”.
Cốt lõi của chuỗi thói quen bao gồm: Xác định những hành động nhỏ liên quan đến mục tiêu hoặc thành tựu quan trọng mà bạn luôn khao khát.

Tiếp đến, bạn lần lượt đưa những hành động này vào chuỗi thói quen và hoàn thành theo trình tự logic. Cuối cùng, dùng những chiến lược tâm lý đã được chứng minh để khiến chuỗi thói quen này “bám” vào thời gian biểu và bạn sẽ không quên thực hiện nữa.

Chuỗi thói quen có nhiều lợi ích, nhưng sau đây là ba lợi ích chính:

  1. Bạn không cần phải nhớ từng hoạt động nhỏ bởi nó đã được ghi lại và là một phần của lịch trình thường nhật. Nhờ đó, gánh nặng được giảm tải và bạn có thể dành sức để lo cho những việc khác trong ngày.
  1. Bạn có thể thực hiện những thói quen này dễ dàng bởi chúng là những hành động đơn giản không cần nhiều trí lực để hoàn thành. Tất cả những gì bạn cần là một danh sách những việc cần làm theo thứ tự, trong đó, mỗi hành động đóng vai trò là gợi ý cho hành động tiếp theo.
  1. Bạn có thể thêm hoặc bớt hành động, tùy vào ngày hôm ấy bạn cần làm những gì. Nếu Cần bạn thức giấc vào một buổi sáng với danh sách việc phải làm dài dằng dặc, bạn có thể bỏ qua những thói quen không quá quan trọng. Điều quan trọng duy nhất chính là bạn làm ít nhất một hành động trong chuỗi thói quen của bạn. Sự kiên định đóng vai trò then chốt ở đây!

Chuỗi thói quen có thể biến đổi cuộc sống của bạn bởi bạn không cần phải lo lúc nào mình sẽ hoàn thành những hành động nhỏ nhưng quan trọng. Bạn chỉ cần đưa chúng vào thời gian biểu và quyết tâm thực hiện mỗi ngày.

Hơn nữa, lặp lại các hoạt động tích cực giống nhau mỗi ngày có thể tạo ra tác động đáng kinh ngạc tới mục tiêu dài hạn của bạn. Trong cuốn The Compound Effect (tạm dịch: Tác dụng cộng hưởng), tác giả Darren Hardy giải thích khái niệm trên một cách rõ ràng thông qua một công thức vô cùng đơn giản:

“Lựa chọn nhỏ, thông minh + Tính liên tục + Thời gian = KHÁC BIỆT LỚN”

Để minh họa cho khái niệm này, tôi xin phép đưa ra năm ví dụ về cách những hành động đơn giản có thể giúp ích cho bạn trên mọi phương diện cuộc sống.

 

Năm ví dụ về hành động nhỏ

 

Bạn muốn viết sách? Giả sử bạn chỉ có 20 phút rảnh rỗi để viết mỗi ngày, mỗi lần viết được trung bình 300 từ. Phần lớn chúng ta đều bỏ cuộc, thậm chí ngay trước khi bắt đầu, bởi cái cớ “Mình không có đủ thời gian để viết.” 

Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm dành ra chỉ 20 phút mỗi ngày, bạn có thể viết 9.000 từ mỗi tháng hay tổng cộng là 108.000 từ trong một năm. Chừng đó thời gian là đủ để viết và chỉnh sửa hoàn thiện một cuốn tiểu thuyết có độ dài đạt chuẩn. Dành vài phút mỗi ngày mà đạt được kết quả đáng khích lệ như vậy, thì sự đầu tư chúng ta bỏ ra là vô cùng xứng đáng.

Bạn muốn giảm cân? Bạn có thể duy trì thói viết nhật ký ăn uống và ghi lại những gì bạn

đã ăn. Lợi ích cốt lõi ở đây chính là tinh thần trách nhiệm. Khi bạn nhận thức được rằng mình phải ghi lại tất cả mọi thứ đã ăn, bạn sẽ bắt đầu tránh ăn đồ ngọt hoặc ăn vặt. Lặp đi lặp lại quy trình này đủ số lần cần thiết, bạn sẽ dần giảm cân mà không phải ăn kiêng theo chế độ nào.

Bạn muốn nâng cao cơ hội thành công trong công việc? Một thói quen nhỏ nên làm đó là bắt đầu mỗi ngày mới bằng việc xác định hai hoặc ba nhiệm vụ ưu tiên và sau đó viết ra giấy ghi chú. Những nhiệm vụ đó nên là những việc có tác động to lớn nhất tới sự nghiệp của bạn. Nếu có thể bắt đầu ngày mới với tâm thế tập trung vào những nhiệm vụ đó, bạn sẽ giải quyết nhiều “công việc có ý nghĩa” hơn những người đồng nghiệp dành 30 phút đầu tiên của buổi sáng để trả lời email hay kiểm tra Facebook.

Bạn muốn tăng doanh số bán hàng? Hãy bắt đầu với danh sách khách hàng tiềm năng theo thứ tự ưu tiên. Sau đó khởi động ngày mới bằng việc liên lạc với những “đầu mối béo bở” cần được quan tâm nhiều nhất, và sau đó tiếp tục rà xuống danh sách những người ít tiềm năng hơn hay những khách hàng khả năng cao sẽ không trả lời điện thoại.

Bạn muốn hẹn hò nhiều hơn? Bạn có thể làm được điều này bằng cách mở rộng mạng lưới xã hội của mình. Một thói quen nhỏ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu này đó là hãy bắt chuyện với một người mới mỗi ngày. Người đó có thể là đồng nghiệp, bạn học hay thậm chí là một người hoàn toàn xa lạ. Tất nhiên là bạn có thể bị khước từ, nhưng thói quen này sẽ giúp bạn thêm tự tin và không còn cảm thấy khó khăn khi phải nói chuyện với người lạ.

Trên đây chỉ là một số hành động giúp cụ thể hóa mục tiêu mà chỉ tốn rất ít thời gian trong ngày. Hãy tưởng tượng cuộc đời bạn sẽ ra sao nếu bạn lặp đi lặp lại chiến lược này trong mọi phương diện của cuộc sống. Tôi dám chắc là bạn sẽ có một cú đột phá không hề nhỏ.

- Trích sách “Chuỗi thói quen - Sức mạnh của sự kết hợp” 

 

Tags: