Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới liên tục thực hiện các bản dịch khác nhau từ Bức họa Dorian Gray gốc, nhằm tìm kiếm một bản dịch thể hiện trọn vẹn nhất ý nghĩa của tác phẩm kinh điển thế giới. Sau hơn 200 năm ra mắt, tầm cỡ của Bức họa Dorian Gray giờ đây vượt ra khỏi những suy nghĩ ban đầu về vòng đời của một cuốn tiểu thuyết.
Bị hắt hủi ngay khi ra mắt
Nhân vật chính Dorian Gray từ một người nhút nhát, lương thiện bị tác động của kẻ xấu trở nên ham mê quyền lực, nhục dục, mê vẻ ngoài đẹp đẽ. Con đường trở thành quỷ dữ của Dorian nhuốm màu máu khi anh giết hàng loạt người để củng cố suy nghĩ của bản thân rằng anh là người hoàn hảo từ nhân diện đến tính cách.
Nhân vật Dorian là nguyên nhân chính để độc giả tẩy chay cuốn tiểu thuyết vì phản ánh quá thật sự suy đồi đạo đức của một con người, và hẳn tác giả phải có nhân cách xấu xa mới viết ra được giọng văn “máu me”, đầy nhục dục và khao khát bất tử kỳ dị.
Đến năm 1891, cuốn sách được bổ sung lời tựa, 6 chương nội dung và tách chương cuối thành 2 chương khác nhau để làm rõ hơn chuyển biến tâm lý của nhân vật. Phản ứng từ bạn đọc dịu dần nhưng từ giận dữ, họ chuyển sang sợ Dorian Gray bởi nhân vật hư cấu này đang tồn tại thật trong cuộc sống hoặc chí ít một vài nét tính cách mấp mé ở những dạng người khác nhau.
Tuy nhiên, càng về sau, tác phẩm càng được yêu thích vì tầng sâu ngữ nghĩa, nhiều ẩn ý về tư tưởng của tác giả đã chạm đến người đọc và họ tích cực chia sẻ Bức họa Dorian Gray.
Cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm nghệ thuật
Cụ thể, hàng loạt phiên bản phim Picture of Dorian Gray đã ra mắt khán giả: Dorian Gray Potret của đạo diễn Axel Strom ra mắt năm 1910; Picture of Dorian Gray các phiên bản năm 1913 của đạo diễn Phillips Smalley, năm 1915 của Eugene Moore, 2 phiên bản 1916 của Mikhail Doronin và Fred W Durrant; Das bildnis des Dorian Gray năm 1917 của Richard Oswald và 18 tác phẩm điện ảnh chuyển thể khác.
Trong đó, bản phim kinh dị năm 1945 của đạo diễn người Mỹ - Albert Lewin được xem là tác phẩm điện ảnh chuyển thể thành công nhất. Phim gồm sự tham gia của hai diễn viên chính: George Sanders vai Henry Wotton và Hurd Hatfield vai Dorian Gray. Bộ phim giúp Angela Lansbury đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng 1946.
Càng nhiều bộ phim chuyển thể ra mắt càng chứng tỏ sức hấp dẫn của nội dung cuốn tiểu thuyết kinh điển nhưng đáng chú ý, bộ phận khán giả còn cuồng mê tất cả các tác phẩm nghệ thuật, chỉ cần liên quan đến Dorian.
Bức chân dung gốc của Dorian Gray do họa sĩ Henrique Medina thực hiện, được đấu giá công khai sau khi hoàn thành vai trò đạo cụ trong phim. Bức tranh được bán tại phiên đấu giá MGM năm 1970, sau đó được mua đi bán lại vào 2 phiên đấu giá khác ở Anh và Mỹ với giá cuối cùng 149.000 USD.
Ngoài phim ảnh, hội họa, nhân vật Dorian và nội dung cuốn tiểu thuyết xuất hiện trong âm nhạc với hàng loạt ca khúc mang tên Picture of Dorian Gray và Dorian Gray ra đời. Ngoài ra, Bức họa Dorian Gray tạo cảm hứng cho 9 tác phẩm văn học khác trên thế giới ra đời như: The Wedding Present, Detritus of Dorian Gray, Picture of Dorian Gray, Mirror, Mirror…
Chưa dừng lại ở đó, ở loại hình sân khấu, nhạc kịch, Dorian Gray là nguồn cảm hứng bất tận, chất liệu tốt để hàng loạt biên kịch, đạo diễn thực hiện chuyển thể, phóng tác. Gần 20 tác phẩm nhạc kịch ra đời, tác phẩm gần nhất vào năm 2014 của trường Cao đẳng Juniata của Mỹ, trình diễn tại New York International Fringe Festival, một liên hoan nghệ thuật lớn nhất khu vực Bắc Mỹ, diễn ra vào tháng 10 hằng năm.
Tên của một hội chứng tâm lý
Hội chứng Dorian Gray (viết tắt DGS) lần đầu tiên được mô tả trong cuộc hội thảo của Hội đồng Giáo dục Y khoa tại Đức, năm 2000 bởi bác sĩ tâm thần Brosig B. Ông nhận thấy sự gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám bệnh gần như trong trạng thái hoảng loạn do sự xuất hiện của các dấu hiệu lão hóa.
Những người mắc hội chứng Dorian Gray được chẩn đoán có chủ nghĩa hedonism – tự yêu bản thân, tỏ ra yếu ớt, khủng hoảng với những thay đổi ở bên ngoài. Họ tìm đến những biện pháp ngăn cản sự lão hoá, phá vỡ các quy luật tự nhiên tác động đến nhân dạng như sử dụng thuốc, phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngoài ra, dấu hiệu để chẩn đoán lâm sàng hội chứng Dorian Gray còn nằm ở Narcissistic personality disorder (NPD – Rối loạn nhân cách tự kỷ), Body dysmorphic disorder (BDD – Mặc cảm ngoại hình), thái độ Paraphilia – lệch lạc về tình dục, hoàn toàn giống với tính cách của Dorian Gray trong tiểu thuyết.
Điều quan trọng, người mắc hội chứng Dorian Gray không chỉ muốn duy trì ngoại hình trẻ trung, họ còn phủ nhận quá trình trưởng thành trong tâm hồn, muốn sống như ngày còn trẻ, không âu lo suy nghĩ. Nhóm người này liên tục sống giữa ảo giác và thất vọng.
Kém duyên với giải thưởng
Năm 2014, trong bảng xếp hạng 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất nhân loại, Bức họa Dorian Gray xếp vị trí 27.
Trong lời giới thiệu tác phẩm trên trang Guardian, nhà báo Robert McCrum dành những lời trân trọng. Ông cho đây là tác phẩm đẹp, giá trị lớn về nội dung và tầng sâu tư tưởng nhưng có số phận bí hiểm. Kể cả cái chết của tác giả Oscar Wilde năm 1900 vẫn còn nhiều bí ẩn với thế giới. Cho đến sau khi tác giả qua đời, tác phẩm vẫn bị thêu dệt nhiều câu chuyện thực hư khó kiểm chứng.
Nhà báo Robert McCrum lý giải nguyên nhân cuốn tiểu thuyết khó nhận được giải thưởng vì ngay trong lần đầu ra mắt trên tạp chí Lippincott, biên tập viên của cơ quan này đã cắt giảm 500 từ mà không thông qua Oscar Wilde. 500 từ bị cắt giảm có nội dung nói về dục vọng đồng tính, liên quan đến các nhân vật chính: Dorian, Sibyl Vane và Hetty Merton.
Trong bối cảnh khái niệm về giới vẫn còn mơ hồ, việc cắt giảm đoạn văn làm mất lòng tin của người đọc, nhưng theo lý giải của vị biên tập viên, nếu không cắt giảm, cơn thịnh nộ từ dư luận còn dữ dội hơn gấp nhiều lần. Về sau, khi ra mắt vào năm 1891, NXB Ward Lock & Co in đầy đủ 20 chương gồm nội dung đã bổ sung và đưa 500 chữ đã bị cắt trở lại. Bức họa Dorian Gray lúc này tiếp tục nhận về nhiều chỉ trích và dần trở nên kém duyên với các giải thưởng.
Theo Phụ nữ Online
Diễm Mi