Vào khoảng ngày 26 tháng Tư năm 711, hay ít nhất đó là những gì các học giả hiện đại có thể suy đoán gần đúng nhất từ những thông tin còn lại, Tariq ibn Zyiad đã chỉ huy đội quân Hồi giáo của mình vượt qua eo biển Gibralta để bắt đầu cuộc chinh phục châu Âu, cuộc chinh phạt chỉ bị Charles Martel chặn đứng ở Tours 21 năm sau đó. Vào thời điểm ấy, thật khó lòng tưởng tượng nổi đây là một trong những lần cuối cùng một kẻ chinh phục xuất phát từ châu Phi để chiếm lấy những miền đất mới. Thế nhưng đó lại là thực tế, gió đổi chiều thật nhanh, châu Phi dần trở thành điểm đến của những kẻ chinh phục, thành miếng mồi cho các quốc gia bên ngoài tranh giành, chiếm đoạt. Để rồi vào đêm trước của Thế chiến thứ nhất, gần như toàn bộ châu Phi đã chính thức hay không chính thức trở thành thuộc địa của các cường quốc châu Âu. Từ chỗ là cái nôi của Ai Cập, nhà nước – quốc gia đích thực đầu tiên được các học giả nhất trí thừa nhận trong lịch sử loài người, là một phần nổi bật của phần thế giới văn minh hình thành quanh Địa Trung Hải và Hồng Hải trong suốt thời Cổ Đại và phần lớn thời Trung Cổ, châu Phi ngày nay trở thành một vùng đất chìm khuất trong bóng tối, chịu sự thao túng, kiểm soát của bên ngoài, bị đè nặng bởi sự bất công, bất bình đẳng bên trong, với rất ít ánh sáng của hy vọng cho tương lai.
Lịch sử ngót năm thiên niên kỷ các định chế văn minh hiện hữu ở châu Phi dưới các dạng thức, quy mô khác nhau có vẻ giống một câu chuyện dài bất tận của những thất bại, sai lầm, những toan tính vụ lợi, ích kỷ, tàn nhẫn kế tiếp nhau. Một câu chuyện với khởi đầu đầy hứa hẹn để rồi càng ngày càng gây thất vọng, giống như một buổi bình minh rạng rỡ dần chuyển mình thành một ngày mịt mùng bão tố. Đó chính là Định Mệnh của châu Phi, được thuật lại một cách cô đọng trong hai cuốn sách “Phi châu thịnh vượng – Lịch sử 5.000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực” (The fortune of Africa – A 5000 Years History of Weath, Greed and Endeavor) và “Red Nile – Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới” (Red Nile – A biography of the world’s greatest river), hai người bạn đồng hành trong bộ sách Lịch sử châu Phi do công ty Omega Plus vừa phát hành bản tiếng Việt.
Khi tác giả của hai cuốn sách, Martin Meredith và Robert Twigger, bắt tay vào viết tác phẩm của mỗi người, có lẽ họ cũng không mường tượng ra một ngày kia hai đứa con tinh thần của họ lại bổ sung cho nhau tuyệt vời đến thế trong chủ đề của chúng. Nếu như “Phi châu thịnh vượng” của Martin Meredith giống như một phiên bản “Trò chơi vương quyền” có thực với bối cảnh là châu Phi rộng lớn, thì “Red Nile” của Robert Twigger lại là một lát cắt dọc miền đông châu Phi theo dòng sông Nile kỳ bí theo chiều dài của cả không gian lẫn thời gian. Và bởi sông Nile chính là con sông lớn nhất, hệ thống gồm cả phụ lưu và nguồn của nó bao trùm cả một vùng rộng lớn của châu Phi, bao gồm những cái nôi văn minh quan trọng nhất của châu lục này tại Ai Cập, Sudan và Ethiopia, “Red Nile” như cái nhìn cận cảnh qua kính lúp của một phần toàn cảnh châu Phi được đề cập tới trong “Phi châu thịnh vượng”. Quả là một cặp đôi hoàn hảo.
Về mặt phong cách, những độc giả nào lo sợ gặp phải sự trùng lặp khi thực hiện cuộc hành trình bằng mắt qua hai cuốn sách đồ sộ các về chủ đề, dung lượng cho đến kích thước đúng nghĩa đen trên giấy trắng mực đen sẽ nhanh chóng thở phào. Hai cuốn sách bổ sung cho nhau một cách hài hòa trong khi lại không dẫm chân lên nhau. Đó là nhờ hai tác giả của chúng là hai tính cách cũng bổ sung cho nhau một cách hài hòa tương tự.
Trước hết, phải khẳng định cả hai tác giả đều hiểu rõ chủ đề họ viết một cách thấu đáo, hơn thế, bất cứ độc giả nào cũng sẽ nhanh chóng nhận ra sự say mê cao độ với châu Phi của cả hai người. Không chỉ trông cậy vào tư liệu, dù Martin Meredith và Robert Twigger đều đã thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc, sâu rộng các nguồn tư liệu trước khi chấp bút, hai tác giả đều là những người đã dành một phần quan trọng cuộc đời mình tại châu Phi, tại chính thực địa nơi diễn ra những biến cố họ đề cập đến. Sự trải nghiệm thực tế này giúp cho hai cuốn sách sống động, thuyết phục, giúp độc giả ít nhiều cảm nhận được hơi thở của cuộc sống với mọi cung bậc trong những gì được thuật lại, giúp những lập luận các tác giả đưa ra có được độ sắc nét, cận cảnh từ góc quan sát của người trong cuộc.
Bên cạnh sự tương đồng về sự thuyết phục và ngồn ngộn thông tin, hai cuốn sách, cũng như hai tác giả, có những nét đặc sắc riêng khác nhau. Martin Meredith thuật lại năm nghìn năm thăng trầm của châu Phi như một dòng chảy liên tục, liền lạc, nhấn mạnh vào góc nhìn toàn cảnh từ các phương hướng khác nhau để gộp lại thành một hình ảnh lập thể, làm nổi bật những điểm mấu chốt nhất. Và ông làm điều đó từ góc độ thuần túy của một người quan sát bên ngoài, với một độ lùi đủ để góc nhìn mở rộng. Trong khi đó, Robert Twigger lại là một tính cách “nhập thế” sôi nổi hơn. Máu phiêu lưu hăm hở của Twigger thể hiện rõ trong các trang viết của “Red Nile” nơi ông chính là người trong cuộc. Từ khía cạnh tự nhiên của sông Nile khi tác giả thực hiện chuyến du hành dọc theo dòng chảy của con sông huyền thoại này, cho tới khía cạnh chính trị xã hội khi ông và gia đình mắc kẹt giữa cơn bão táp chính trị ở Ai Cập năm 2011. Bởi thế, đặt bên bức sa bàn toàn cảnh của Martin Meredith trong “Phi châu thịnh vượng”, những lát cắt trong “Red Nile” của Twigger, với sự tập trung vào những câu chuyện cụ thể, những nhân vật cụ thể trong những thời khắc, không gian hẹp, giống như một góc nhìn trực giao giúp cho tổng thể gần gũi, sống động hơn.
Lẽ tất nhiên, mỗi cuốn sách trong bộ sách Lịch sử châu Phi đều là một chỉnh thể trọn vẹn, nhất quán về nội dung, thông điệp. “Phi châu thịnh vượng” của Martin Meredith khởi đầu bằng lịch sử về vương quốc Ai Cập cổ đại, có thể coi như khởi đầu cho xã hội văn minh tại châu Phi, và kết thúc bằng một cuộc điểm qua hiện thực và triển vọng của các quốc gia châu Phi độc lập vào thời điểm kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt. Cuốn sách của Martin Meredith được viết từ góc nhìn chính trị, xã hội thuần túy. Phần đầu được tác giả dành để nói về các nhà nước, quốc gia, chế độ chính trị đã hình thành, phát triển, thịnh vượng rồi lụi tàn trên lãnh thổ châu Phi, cùng một hoạt động kinh tế rồi sẽ trở thành một di sản ám ảnh với hệ lụy lâu dài đến lục địa này: săn lùng và buôn bán nô lệ. Tiếp dòng lịch sử, Meredith dành phần lớn dung lượng cuốn sách cho câu chuyện về sự xâm nhập của các thế lực bên ngoài vào châu Phi, đặc biệt là tiến trình thuộc địa hóa châu Phi của các quốc gia châu Âu, từ sự manh nha của quá trình này vào cuối thế kỷ mười lăm cho tới thời điểm chế độ thực dân cũ cáo chung trên toàn lục địa. Phần cuối của cuốn sách dành cho giai đoạn lịch sử đầy sóng gió và bi kịch của châu Phi thời hậu thuộc địa, nơi nền độc lập dành được của các quốc gia có đường biên giới được vạch ra bất chấp mọi thực tế về đặc điểm dân cư, văn hóa, tôn giáo đã không đem đến sự bình yên và thịnh vượng như người dân các quốc gia này kỳ vọng, mà thường là ngược lại. Đượm gam màu tối, câu chuyện về châu Phi của Martin Meredith dừng lại trong nỗi trăn trở cho tương lai đầy thách thức và thiếu sắc hồng của vùng đất giàu có về tài nguyên nhưng lại chìm trong nghèo đói này.
“Red Nile” của Robert Twigger lại giống như một tập hợp những câu chuyện ngắn được sắp xếp theo các trục thời gian và không gian khác nhau, xoay quanh sông Nile hùng vĩ và các sông hồ là đầu nguồn cấp nước cho con sông huyền thoại, theo cả dòng nước lẫn dòng lịch sử. Câu chuyện của Twigger không khỏi đề cập tới những biến động lịch sử, những đổi thay về văn hóa, chính trị đã diễn ra trên toàn bộ vùng đất nơi hiện diện hệ thống sông Nile, nhưng trong cuốn sách còn đề cập đến cả mối quan hệ giữa tự nhiên và con người bên dòng sông này, những tác động của con người lên dòng sông xuất phát từ các lý do khác nhau cũng như hệ lụy chúng gây ra cho tự nhiên và chính con người. Với mỗi không gian, mỗi thời gian là một câu chuyện, từ các câu chuyện thần thoại Ai Cập cho tới câu chuyện về các nhà thám hiểm, những viên tướng, các văn nghệ sĩ, thậm chí cả câu chuyện về chiến tranh, diệt chủng, cách mạng, âm mưu. Tất cả đều có một điểm chung: xoay quanh sông Nile, như một nguồn cảm hứng luôn thôi thúc người ta chinh phục, khám phá và… sử dụng. Và cũng như câu chuyện chung về châu Phi, câu chuyện riêng về sông Nile cũng kết thúc trong âm hưởng bất an cho tương lai, qua trải nghiệm cá nhân của Twigger trong những ngày chính biến đầy bạo lực tại Ai Cập năm 2011.
Trong suốt chiều dài lịch sử của châu Phi cũng như sông Nile được đề cập qua các trang của bộ sách Lịch sử châu Phi, nhiều cung bậc thăng trầm được nhắc đến, nhiều màu sắc được mô tả, song đậm nét nhất có lẽ là hai màu đỏ và đen. Màu đỏ của phù sa sông Nile, của những vùng đất màu mỡ đã làm nên sự thịnh vượng của các nền văn minh châu Phi cổ đại, cũng là màu đỏ của tai họa Chúa đã giáng xuống Ai Cập, của máu đã đổ qua bao chiến tranh, tàn sát trên khắp châu Phi. Màu đen của màu da bao thế hệ nô lệ bị đồng loại của họ săn bắt, buôn bán như những món hàng. Màu đen ảm đạm của đói khổ, lo âu vẫn còn đè nặng lên hiện tại và tương lai của châu lục nơi nhân loại khởi sinh.
Lê Đình Chi
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: