8 sai lầm logic khiến chúng ta bối rối
8 sai lầm logic khiến chúng ta bối rối
“Mỗi khi tàu đến ga, có rất nhiều hành khách ở sân ga. Bạn đến ga và thấy nhiều hành khách đang đợi ở sân ga. Điều đó có nhất thiết nghĩa là sẽ có một chuyến tàu đến sớm không?”

Thành thật mà nói: hầu hết các khóa học bạn học ở trường đại học đều không có giá trị gì nhiều. Đó không phải vì các giáo sư giảng dạy dở hay các môn học là vô nghĩa. Mà ý tôi là hầu hết các khóa học bạn tham gia sẽ chả phù hợp gì với phần đời còn lại của bạn.

Nhưng rồi, thỉnh thoảng, thường là do tình cờ, bạn tham gia một khóa học có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời bạn. Điều đó đã xảy ra với tôi. Tôi cần phải chọn một môn tự chọn từ khoa nhân văn, và không muốn bị cuốn vào một cuộc hội thảo về “Văn học lãng mạn những năm 1840” hay bất cứ điều gì, tôi đã chọn thứ ít mang tính nhân văn nhất mà tôi có thể tìm thấy trong danh sách: một khóa học triết học được gọi là “Logic và lý luận.” Có lẽ nó đã trở thành khóa học có giá trị nhất mà tôi từng tham gia trong đời.

Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã yêu thích khóa học logic của mình. Mỗi buổi sáng, tất cả chúng tôi đều đến lớp và tìm một câu hỏi như thế này trên bảng:

“Mỗi khi tàu đến ga, có rất nhiều hành khách ở sân ga. Bạn đến ga và thấy nhiều hành khách đang đợi ở sân ga. Điều đó có nhất thiết nghĩa là sẽ có một chuyến tàu đến sớm không?”

Khá nhiều người trong lớp sẽ trả lời “có” và sau đó trở nên tức giận khi giáo sư nói với chúng tôi rằng câu trả lời đúng là không. Chỉ vì tàu luôn đến khi có nhiều hành khách không có nghĩa là khi có nhiều hành khách thì sẽ có một chuyến tàu đến.

Sau đó, tôi thấy nhiều thanh niên đôi mươi cáu kỉnh trong lớp học. Nhiều người sẽ buộc tội giáo sư rằng ông đã bịa chuyện để hạ nhục họ và cho điểm kém. Những người khác thì đơn giản là không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra, họ cố gắng làm theo các bước lý luận giữa “con người”, “con tàu” và “thời gian”. Nhưng tôi yêu tất cả những điều ấy.

Bất chấp sự phẫn nộ, giáo sư đã chứng minh một số nguyên tắc tư duy cơ bản nhất:

  • Chỉ vì hai sự việc thường xảy ra cùng nhau không có nghĩa là chúng nhất thiết sẽ luôn xảy ra cùng nhau.
  • Chỉ vì một dòng lý luận mang tính trực giác không có nghĩa là nó đúng – logic thường có thể phản trực giác.

Logic là nền tảng của hầu hết mọi kiến ​​thức của con người. Trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà triết học đã phân tích và xác định các nguyên tắc của logic và lý trí. Tham vọng của họ là xác định những gì chúng ta không thể biết là đúng. 

Điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là những sai lầm logic - tức là những sai sót trong phán đoán và lý luận - là cực kỳ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Tệ hơn nữa, chúng ta hầu như không biết chúng làm gián đoạn và gây hại cho cuộc sống của chúng ta như thế nào, thường là theo những cách sâu sắc nhất. Những sai lầm này ở ngay trước mũi chúng ta, nhưng chúng ta lại quá thoải mái với quá trình suy nghĩ của mình đến nỗi không phát hiện ra chúng.

Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết một số lỗi logic phổ biến nhất không chỉ đối với bản thân, mà còn ở người khác. 

 

1/ Cho rằng mối quan hệ tương quan là mối quan hệ nguyên nhân

 

Hãy bắt đầu với sai lầm quan trọng nhất cần phải nhận biết - điều mà bạn, tôi và tất cả chúng ta đều đang gặp bối rối: mối tương quan không phải là quan hệ nhân quả. Chỉ vì hai sự việc thường xuyên xảy ra cùng nhau không có nghĩa là cái này gây ra cái kia.

Giả sử, hôm nay tôi đã ăn kem và bạn bị mất việc. Điều điên rồ hơn là lần cuối cùng tôi ăn kem, một người khác đã mất việc. Vậy bạn có cho rằng việc tôi ăn kem khiến người ta mất việc không? (Nếu có thì chắc chắn tôi có một loại siêu năng lực kỳ cục.) Hay bạn chỉ đơn giản nói đây là hai sự việc phổ biến xảy ra cùng nhau trong một khoảng thời gian ngắn? 

Bạn hãy nói suy nghĩ của mình sau nhé!

Tuy nhiên, bạn sẽ ngạc nhiên về tần suất những điều như vậy được truyền đi dưới dạng “tin tức” trên thế giới. 

Bạn thường thấy các bài báo viết những điều như “Truyền thông xã hội gây ra lo lắng và trầm cảm” hoặc “thất nghiệp là do tăng mức lương tối thiểu”. 

Tuy nhiên, khi bạn đào sâu vào dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan – như mối tương quan giữa việc tôi ăn kem và tình trạng mất việc làm ở phía trên – chứ không phải mối quan hệ nhân quả.

Sự lo lắng và trầm cảm gia tăng và việc sử dụng mạng xã hội cũng tăng lên. Điều đó không có nghĩa là cái này gây ra cái kia. Nó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có thể có một thế lực thứ ba bí ẩn nào đó khiến cả hai điều đó xảy ra. Mũi tên nhân quả có thể chỉ theo hướng khác (ví dụ: mọi người đang trở nên chán nản hơn, vì vậy họ trốn vào mạng xã hội thường xuyên hơn để cảm thấy tốt hơn).

Hai sự việc xảy ra cùng nhau không nói lên nhiều về việc liệu cái này có gây ra cái kia hay không. 

Đây là một vấn đề lớn trong nghiên cứu học thuật. Các nhà khoa học thường trình bày dữ liệu theo cách gợi ý về mối quan hệ nhân quả khi tất cả những gì họ tìm thấy chỉ là mối tương quan. Và ngay cả khi họ không trình bày theo cách đó, các nhà báo vẫn thường lấy dữ liệu tương quan và viết về nó như thể đó là nguyên nhân.

Thực tế là có rất nhiều thứ xảy ra cùng một lúc và chúng ta không biết tại sao. Bạn có thể lập luận rằng hầu hết mọi mối tương quan đều giống như quan hệ nhân quả nếu bạn muốn. Trên thực tế, có một trang web có tên là Spurious Correlations (Tương quan giả mạo) thực hiện được điều đó.

 

2/ Ngụy biện trượt dốc

 

Hãy ngăn tôi lại nếu bạn chưa bao giờ nghe lý do này trước đây:

“Chúng ta không thể để thanh thiếu niên uống rượu vì nếu uống rượu thì họ sẽ bắt đầu sử dụng ma túy, và nếu sử dụng ma túy sẽ trở thành tội phạm. Và nếu họ trở thành tội phạm thì cuối cùng họ sẽ vào tù và hủy hoại cuộc đời mình. Vì vậy, cho phép thanh thiếu niên uống rượu sẽ hủy hoại cuộc sống của họ.”

Ngụy biện trượt dốc là khi bạn coi một hậu quả tiêu cực nhẹ và gắn nó với một hậu quả cực kỳ tiêu cực rồi lập luận rằng hậu quả này sẽ dẫn đến hậu quả khác. Bạn sẽ thấy kiểu ngụy biện này xuất hiện ở mọi nơi, đặc biệt là trong các tổ chức kinh doanh, chính sách đối ngoại, và vâng, cả cách nuôi dạy con hoang tưởng.

Sự thật là một số, nhưng không phải tất cả, trẻ em uống rượu sử dụng ma túy. Một số nhưng không phải tất cả trẻ em sử dụng ma túy đều trở thành người nghiện. Một số nhưng không phải tất cả người nghiện đều trở thành tội phạm. Một số nhưng không phải tất cả người phạm tội đều hủy hoại cuộc sống của họ. Vì vậy, sẽ không chính xác nếu so sánh việc uống rượu với việc hủy hoại cuộc đời.

(Chưa kể, dữ liệu cho thấy thanh thiếu niên uống rượu có khả năng sử dụng ma túy cao gấp X lần có thể là một trường hợp khác về “mối tương quan không phải là nhân quả”.)

Ngụy biện trượt dốc thường làm chúng ta khó chịu vì nó tạo ra nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng không cần thiết. Chúng ta làm hỏng việc ở nơi làm việc. Ông chủ nổi điên. Bạn bắt đầu nghĩ: “Chà, nếu ông chủ nổi điên thì bà ấy sẽ ghét mình. Và nếu ông chủ ghét mình thì mình sẽ bị sa thải. Và nếu mình bị sa thải, mình sẽ trở thành người vô gia cư. Ôi trời ơi, MÌNH KHÔNG MUỐN LÀ NGƯỜI VÔ GIA CƯ!!!”

Giữa Báo cáo TPS và tình trạng vô gia cư còn cả một quá trình rất nhiều bước.

 

3/ Ngụy biện song đề sai

 

Có một số loại lập luận mà về mặt lý luận chỉ có hai lựa chọn. Ví dụ, tôi có thể nói, “Có hai loại người trên thế giới này: người tên Ron và người không tên Ron.” Đây thực sự là một sự phân đôi: bạn có tên là Ron hoặc không.

Nhưng ngụy biện song đề sai là khi một tập hợp các lựa chọn được trình bày như thể chỉ có hai khả năng tồn tại nhưng trên thực tế, còn có nhiều khả năng khác. 

Ví dụ: nếu tôi nói, “Chỉ có hai loại người trên thế giới: những người tên Ron và những kẻ ngốc nghếch.”

Đây là một kiểu ngụy biện song đề sai. Tại sao? Bởi vì hai lựa chọn này không bao gồm tất cả các lựa chọn tiềm năng.

Có rất nhiều người không có tên Ron nhưng cũng không phải là những kẻ ngốc. Ngoài ra—và tôi có thể nói với bạn điều này từ kinh nghiệm của mình—có rất nhiều người tên Ron hoàn toàn là những kẻ ngốc nghếch.

Ngụy biện song đề sai được sử dụng để lôi kéo mọi người liên minh với người nói. Bạn thường nghe các chính trị gia hoặc các nhà lãnh đạo khác nói: “Bạn theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” như một cách để buộc mọi người phải xếp hàng. Nhưng đây là một kiểu ngụy biện song đề sai. Bạn có thể thờ ơ. Bạn có thể một phần ủng hộ họ và một phần chống lại họ. Bạn có thể chống lại tất cả mọi người. Đừng tin vào điều nhảm nhí này.

Và ngụy biện song đề sai thường làm tổn thương chúng ta khi tự đánh giá bản thân. Chúng ta thường tự nhủ những điều như “Nếu mình làm việc chăm chỉ hơn, mình đã không trở thành kẻ thua cuộc như vậy”.  Bạn biết bạn có thể là một kẻ thua cuộc nếu làm việc chăm chỉ, đúng không? Bạn cũng không thể là kẻ thua cuộc và không làm việc chăm chỉ. Trên thực tế, trở thành kẻ thua cuộc và làm việc chăm chỉ là những điều hoàn toàn tùy tiện mà bạn vừa quyết định ép buộc vào một ngụy biện song đề sai.

Tại sao? Để cảm thấy tồi tệ về chính mình. Vậy thì tại sao bạn lại làm điều đó? Tôi cá tên bạn là Ron… (Bạn hiểu ý tôi chứ?)

 

4/  Lập luận vòng vo 

 

Lập luận vòng vo xảy ra khi ai đó dựa vào các giả định của mình để đưa ra lập luận của mình. Ví dụ: 

  • Mọi điều trong Kinh Thánh đều đúng. Tại sao? Bởi vì trong Kinh thánh có nói rằng mọi điều trong đó đều là sự thật.
  • Chồng tôi luôn biết điều gì phù hợp với tôi. Tại sao? Bởi vì anh ấy nói với tôi rằng anh ấy luôn biết điều gì phù hợp với tôi và anh ấy luôn đúng, nên…
  • Carl là một gã ngu ngốc. Tại sao? Bởi vì anh ta cố gắng giả vờ rằng mình không phải là một kẻ ngu ngốc, nên điều đó khiến anh ta trở thành một kẻ ngu ngốc.

Điều này thường được gọi là “lý luận vòng tròn” vì nếu bạn tuân theo logic, nó sẽ dẫn bạn đi theo một vòng tròn.

Nhưng tương tự như những ngụy biện ở trên, lập luận vòng vo cũng có thể rất tinh tế.

Ví dụ, có lần tôi tranh cãi với một người theo chủ nghĩa vô chính phủ về chính trị (nhân tiện, các bạn đừng làm điều này). Anh ta nói rằng bất kỳ tổ chức nào có hành vi bạo lực và gây ảnh hưởng lên người dân đều là tổ chức xấu xa. Chà, khi bạn tóm tắt lại, một phần chức năng của bất kỳ chính phủ nào là độc quyền bạo lực và gây ảnh hưởng lên người dân (lý tưởng nhất là vì lợi ích của tất cả mọi người). Tôi đã mất hơn 10 phút để giải thích với anh ta rằng anh ta chỉ đơn giản là lặp đi lặp lại cùng một niềm tin, tuy nhiên, như bạn có thể hình dung, việc này thực sự chẳng dẫn đến đâu cả.

 

5/ Đánh lạc hướng

 

Đánh lạc hướng là những lập luận có vẻ liên quan đến một vấn đề nhưng thực tế không phải vậy. Ví dụ, chúng ta có thể tranh luận về việc liệu ăn chay có đạo đức hơn ăn thịt hay không. Sau đó, giữa một cuộc tranh luận hoàn toàn ổn thỏa, tôi buột miệng: “Ồ, Hitler ăn chay! Và ông ta là người vô nhân đạo!”

Đây là sự gây xao lãng khỏi chủ đề cuộc tranh luận: liệu ăn thịt có phải là trái đạo đức hay không.

Những kiểu gây xao nhãng khỏi cuộc tranh luận này được gọi là “cá trích đỏ” (lập luận được tạo ra với mục đích đánh lạc hướng, gây hiểu nhầm khi tranh luận). Và nếu bạn dành nhiều thời gian xem và đọc tin tức, bạn sẽ nhận thấy phần lớn những gì được nói và viết đều mang tính đánh lạc hướng.

Bản thân “cá trích đỏ” cũng thường là những ngụy biện logic.

Ví dụ, giả định rằng vì Hitler ăn chay và Hitler vô đạo đức nên việc ăn chay chắc chắn phi đạo đức được gọi là Cạm bẫy Suy rộng (Fallacy of Composition) - chỉ việc cho rằng một điều gì đó đúng với một bộ phận thì cũng đúng với toàn thể hay tổng thể của các bộ phận. (Chẳng hạn: Paul là người Mỹ, và anh ta lùn, do đó người Mỹ lùn.)

Thủ thuật đánh lạc hướng thường được mọi người sử dụng để chuyển hướng đổ lỗi cho chính họ.

  • Bạn: “Jon, anh đã lấy trộm xe đạp của tôi.”
  • Jon: “Tài sản chỉ là một cấu trúc xã hội, bạn thực sự không mất gì cả. Rốt cuộc, bạn có tiền để mua một cái mới.
  • Bạn: “Tiền không phải là vấn đề, anh đã ăn trộm của tôi!”
  • Jon: “Bạn ơi, hàng triệu thứ bị đánh cắp mỗi ngày, tôi không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra với bạn khiến bạn lại buồn bã đến vậy.”
  • Bạn: “VÌ NÓ SAI! ANH ĐÃ ĂN TRỘM ĐỒ CỦA TÔI!!!”
  • Jon: “Chà, rõ ràng là bạn đang gặp phải một số vấn đề về cảm xúc tức giận. Bạn biết đấy, tôi không nghĩ mình muốn nói chuyện với một người lúc nào cũng tức giận như vậy. Bây giờ tôi sẽ đạp xe về nhà.”
  • Bạn: “RRRAAAGHGHHH!#@#@!#!M@$IUBRFNKLAS”

(Tất cả chúng ta đều biết một người như Jon… đừng làm bạn với Jon.)

 

6/ Lợi dụng đám đông, thẩm quyền và lòng thương cảm 

 

Khi tranh luận, bạn có xu hướng bỏ qua logic và đi thẳng vào việc kêu gọi một số nguồn lực bên ngoài để làm cho quan điểm của bạn có tiếng vang hơn.

Chà, thật không may, logic không quan tâm đến cảm xúc của bạn. Một cuộc tranh luận tồi là một cuộc tranh luận tồi, bất kể ai đồng ý với bạn đi chăng nữa.

Có ba lời kêu gọi phổ biến mà mọi thường người đưa ra khi cố gắng giành điểm cho phe của mình:

- Viện dẫn thẩm quyền: “Ồ, chủ tịch nói là đó là sự thật”.

- Lợi dụng lòng thương cảm: “Tôi biết dữ liệu nói rằng mạng xã hội không phải là vấn đề, nhưng những đứa trẻ tội nghiệp này có quá nhiều điều khiến chúng lo lắng, chúng ta vẫn nên loại bỏ điện thoại của chúng”.

- Lợi dụng số đông: “Mọi người tôi biết đều nói rằng vắc xin rất nguy hiểm, vì vậy điều đó chắc chắn là sự thật.”

Bản chất siêu xã hội của loài chúng ta khiến chúng ta phải thu hút những ảnh hưởng từ bên ngoài. Tất cả chúng ta đều muốn thuộc về một cộng đồng. Tất cả chúng ta đều muốn kết giao với những người có địa vị cao. Tất cả chúng ta đều muốn người khác biết rằng chúng ta tử tế và chu đáo.

Vấn đề là không có điều nào trong số này liên quan tới logic hay sự thật. Nếu điều gì đó là sự thật thì nó vẫn đúng cho dù có ai tin hay không.

Cuối cùng, sự thật không quan tâm đến bạn là ai, tôi hay bất kỳ ai khác. Nhưng chúng ta thì có. Và bởi vì quan tâm nên chúng ta tự lừa mình nghĩ rằng những ý kiến ​​này ảnh hưởng đến sự thật trong khi thực tế thì không.

 

7/ Công kích cá nhân

 

Hãy nhớ lại khi bạn còn là một đứa trẻ và bạn cãi nhau với một đứa trẻ khác, và người khác sẽ chỉ ra rằng bạn đã sai như thế nào, và bạn hoàn toàn không biết cách bào chữa cho mình, khi ấy bạn sẽ buột miệng: 

“Hừ, mi chỉ là một đứa mặt dê hôi hám! Tau không nghe những đứa mặt dê hôi hám!”

Và bạn dậm chân thật mạnh như thể việc đó giúp bạn giải quyết được điều gì đó?

Vâng, đó là một ngụy biện công kích cá nhân. 

Đôi khi, thay vì tấn công lập luận của ai đó, chúng ta chỉ tấn công người đó. Trong chính trị, bạn có thể thường xuyên thấy lỗi ngụy biện này. 

Thượng nghị sĩ X muốn cải cách giáo dục. Thượng nghị sĩ Y thì không. Nhưng thay vì phản đối đề xuất của Thượng nghị sĩ X, Thượng nghị sĩ Y chỉ gọi Thượng nghị sĩ X là kẻ mặt dê hôi hám. Cử tri cổ vũ cho cách gọi đó. Thượng nghị sĩ Y tái đắc cử.

Đáng buồn thay, ngụy biện công kích cá nhân dường như là một ngụy biện được lựa chọn thường xuyên trong diễn ngôn chính trị và phần lớn báo chí ngày nay. Các đối thủ chính trị dường như hiếm khi có thể tranh luận về các vấn đề mà không tung ra các cuộc tấn công cá nhân không liên quan gì đến cuộc tranh luận hiện tại.

 

8/ Ngụy biện bù nhìn rơm

 

Nếu ngụy biện công kích cá nhân là năng lượng của các chính trị gia, thì ngụy biện bù nhìn rơm là năng lượng của truyền thông xã hội.

Thay vì tranh luận về một tuyên bố dựa trên giá trị của nó, đôi khi chúng ta đưa ra lập luận bị bóp méo, phóng đại hoặc bị xuyên tạc một cách lố bịch để dễ dàng tấn công tuyên bố đó hơn.

Đây được gọi là ngụy biện “bù nhìn rơm” bởi vì, giống như việc thay thế một người thật bằng một người làm bằng rơm, bạn đang sử dụng một lập luận yếu kém để thay cho một lập luận mạnh mẽ và khiến lập luận mạnh mẽ này mất uy tín. 

Những ngụy biện bù nhìn rơm khá phổ biến và ngớ ngẩn một cách đáng kinh ngạc:

- “Cậu ủng hộ sự lựa chọn? Vậy là cậu thích việc nạo phá thai, tôi hiểu rồi.”

- “Bạn muốn giảm ngân sách quốc phòng? Hẳn là bạn phải ghét quân đội và không ủng hộ binh lính lắm.”

Những ví dụ tinh tế hơn về ngụy biện bù nhìn rơm cũng khá phổ biến. Ví dụ: Ai đó có thể lập luận rằng chúng ta nên nỗ lực giảm số lượng tù nhân bằng cách thực thi các hình phạt nhẹ nhàng hơn đối với các tội phạm ma túy phi bạo lực. Một ngụy biện bù nhìn rơm cho rằng như vậy là “mềm mỏng với tội phạm.” Điều này bóp méo lập luận ban đầu bằng cách ám chỉ rằng mọi tội phạm nên bị trừng phạt nhẹ nhàng hơn, trong khi lập luận ban đầu đang hướng đến một số tội phạm ma túy không phải ngồi tù. 

Ngụy biện bù nhìn rơm không nhất thiết là sai, mà nó khiến mọi người mất tập trung một cách khủng khiếp khỏi vấn đề thực sự trước mắt. Mọi người dành toàn bộ thời gian để bảo vệ niềm tin của mình khỏi những đặc điểm lố bịch và không ai thực sự nói về những vấn đề thực sự.

 

Tầm quan trọng của suy diễn logic

 

Nếu bạn không để ý thì tất cả chúng ta đều rất tệ với thứ logic và lý trí này. Danh sách này chỉ là một phần nhỏ của những ngụy biện logic nhưng có lẽ chiếm một phần đáng kể trong những gì chúng ta suy nghĩ và tiếp xúc hàng ngày.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên nỗ lực để trở nên tốt hơn. Suy cho cùng, logic và lý trí là những điều bảo vệ sự sống của chúng ta trong biển cả đầy sự bất ổn và nhảm nhí. Buông bỏ chiếc phao cứu sinh, bám vào thứ mới nhất, mốt nhất hoặc những thứ nhảm nhí hiện đang xuất hiện trên màn hình của bạn… à, đó là hành vi tự sát về mặt tinh thần.

Chưa kể rằng rất nhiều ngụy biện logic này có thể nhanh chóng biến bạn thành một gã khó chịu. 

Tranh luận với ai đó về giá trị của một ý tưởng hoặc lập luận đã đủ gây tranh cãi rồi. Nhưng rơi vào bẫy của những ngụy biện logic này, trong đó phần lớn xoay quanh việc chế giễu ý tưởng của người khác (hoặc chính người đó), sẽ không khiến bạn trở thành người nổi bật nhất, mà khiến bạn trông thật trẻ con. Chưa kể mọi người sẽ không hào hứng nói chuyện với bạn về bất cứ điều gì quan trọng hoặc có ý nghĩa. 

Quan trọng hơn cả, lý luận sai lầm sẽ giúp những ý tưởng tồi tồn tại. Điều tồi tệ nhất là nó đẩy chúng ta vào một vòng xoáy ăn miếng trả miếng vô vọng, nơi không ai thực sự thắng và tất cả mọi người chắc chắn đều thua.

Lý luận logic không phải là để “chiến thắng” một cuộc tranh luận. Đó là về việc tìm kiếm sự thật. Và tất yếu, việc tiến gần hơn đến sự thật đòi hỏi người ta phải nhận ra và thừa nhận khi biết mình sai. Và đó là điều mà bạn, tôi và tất cả các Ron trên thế giới nên học hỏi.

- Trạm Đọc

- Theo Mark Manson

Tags: