8 hiểu biết để yêu thương không đau khổ
8 hiểu biết để yêu thương không đau khổ
Khi ta bắt đầu thương yêu một ai đó, hãy yêu thương như một người có trí tuệ, yêu theo cách người có trí, như thế sẽ chỉ có hạnh phúc chứ chẳng có khổ đau.
Bộ 3 cuốn sách Đủ duyên ta lại tương phùng
(0 lượt)
Tình yêu không phải là đau khổ, nếu khổ thì ai lại yêu thương? Sở dĩ người ta nói “yêu là khổ” cũng bởi vì tình yêu là cửa ngõ đưa đến hệ lụy, khổ đau và bất hạnh trong cuộc đời. Nguyên nhân của khổ đau trong tình yêu là vì chấp thủ và dính mắc vào đối tượng yêu thương. Điều này Phật dạy rõ trong học thuyết Duyên khởi: từ ái (yêu thương) sẽ kéo theo thủ (dính mắc, chấp thủ, giữ chặt), cuối cùng là khổ đau chất chồng.

Khi ta bắt đầu thương yêu một ai đó, hãy yêu thương như một người có trí tuệ, yêu theo cách người có trí, như thế sẽ chỉ có hạnh phúc chứ chẳng có khổ đau. Vậy thì, người trí tuệ yêu thương như thế nào?

Dưới đây là tám hiểu biết về tình yêu của một người có trí tuệ:

Điều thứ nhất, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng tình cảm yêu thương giữa ta và người ta thương là một điều hết sức tự nhiên của tạo hóa, tình yêu của hai người có mặt hôm nay kết tinh từ vô vàn những nhân duyên khác biệt, mầu nhiệm của quá khứ, hiện tại và kéo cả đến vị lai. Bởi vì duyên sinh nên yêu thương phát khởi, duyên diệt thì tình yêu mất đi: tất cả cũng là do duyên giả hợp tạo thành, không có thực thể riêng biệt, không có chủ quyền và cũng không có tính sở hữu.

Điều thứ hai, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng khổ đau phát sinh khi yêu là còn tâm lý ích kỷ, dựa dẫm và sở hữu tính ngày càng cao. Ta muốn người yêu mãi là của mình, muốn người ấy không thay đổi, chỉ yêu và lo lắng chăm sóc cho mỗi mình ta. Ta muốn người kia thế này, người kia thế khác. Đó là ta đang ngộ nhận về tình yêu của mình: mình đang yêu bản thân mình chứ không phải yêu người kia. 

Điều thứ ba, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng tình yêu và người ta yêu cũng không nằm ngoài định luật vô thường của vũ trụ. Có sinh ắt có diệt, có đến ắt có đi, có sum họp ắt có ngày chia lìa, lâu hay mau là do duyên nợ với nhau nhiều hay ít. Biết thế nên đừng mong cầu cái gì là mãi mãi. Nếu hôm nay có thể cười vui với hạnh phúc trong tình yêu thì cũng hãy chuẩn bị tinh thần để ngày mai có thể cười khi tình yêu ấy mất đi mãi mãi.

Điều thứ tư, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng mọi sự vật hiện tượng đều biến chuyển và bị chi phối bởi bản chất vô thường. Tâm con người là thứ vô thường nhất trong các loại vô thường, là nơi ẩn chứa những tham đắm, đam mê, những điều bất thiện, là suối nguồn phát sinh tội lỗi. Khi người ta yêu nhau vì những sự rung động, ham thích ban đầu thì một khi những điều đẹp đẽ ban đầu ấy không còn, tâm người ta thay đổi để tìm một đối tượng khác cũng là điều hiển nhiên, tất yếu. 

Điều thứ năm, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng bản chất chân thật của tình yêu là sự che chở, bảo hộ và nâng đỡ. Tình yêu chân chính sẽ nâng người ta lên tầm cao mới của sự phát triển đời sống vật chất lẫn tâm hồn, đưa đến sự thăng hoa và hướng thượng.

Điều thứ sáu, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng tình yêu cá nhân thì luôn đi liền với tham muốn dục lạc. Con người luôn dễ thu hút bởi những điều mới lạ, mau chán và dễ đổi thay, vì thế khi yêu, phải học cách kiểm soát tham muốn, dục vọng, đồng thời tích cực xây dựng sự sẻ chia, thấu hiểu. Nếu để phần dục vọng chi phối, lấn át thì sớm muộn gì tình yêu cũng tan rã. Cái gì bạo phát thì bạo tàn, củi than dưới tàn tro tuy âm ỉ nhưng lại lâu bền, giữ được cho cả căn nhà ấm áp mùa đông, chẳng như lửa rơm cháy bừng nhưng phút giây rồi tắt lịm.

Điều thứ bảy, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng khi đã quyết định yêu ai đó ta phải chấp nhận hy sinh và học cách bao dung, tha thứ rất nhiều để có thể giữ được tình yêu lâu dài theo năm tháng. Là người bình thường, không ai tránh khỏi lỗi lầm, cho nên tha thứ và chấp nhận nhau là điều ta phải học mỗi ngày. Đến một lúc nào đó, chính ta cũng sẽ cần tới sự tha thứ và bao dung của người khác.

Điều thứ tám, người trí tuệ khi yêu luôn nhận thức trong chánh niệm rằng tình yêu cá nhân chỉ là một sự thực tập, một trải nghiệm để con người có thể tiến vào tình yêu bản thể tuyệt đối của vũ trụ rộng lớn, bao la. Chúng ta yêu một người để học cách yêu toàn thể nhân loại, yêu vạn vật muôn trùng. Tình yêu chân thật, bao quát không còn phân biệt giữa ta hay người, chủ thể hay đối tượng thương yêu mới đúng là tình yêu đích thực mà cả nhân loại cần tìm cầu và hướng đến. 

Ai có thể nhận thức và thực tập yêu thương được như những bậc có trí tuệ như trên, người đó sẽ không bao giờ phải chịu những khổ đau trong tình yêu và có thể đạt đến hạnh phúc chân thật, viên mãn suốt đời. 

Bài viết được trích lược từ cuốn Sát-na này là thiên thu thuộc Bộ sách 3 cuốn “Đủ duyên ta lại Tương phùng” của Đại đức Thích Đồng Tâm do First News chuyển ngữ phát hành. 
Tags: