1/ Arthur Conan Doyle và “Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes”
Thật khó để tưởng tượng rằng có ai đó lại hối hận khi viết về một trong những thám tử được yêu thích nhất trong văn học, nhưng Arthur Conan Doyle lại là một người khác biệt hoàn toàn. Ông tin vào các nàng tiên, ông tin vào tâm lý học và ông thực sự bực bội vì những cuốn sách về thuyết tâm linh và tiểu thuyết lịch sử của ông bị bỏ qua, thay vào đó người ta lại thích các tác phẩm bí ẩn hơn.
Khi viết “Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes”, ông chỉ mong nó là tác phẩm kiếm tiền để hỗ trợ cho sự nghiệp viết lách và hành nghề nhãn khoa của ông, nhưng những câu chuyện về thám tử ngậm tẩu thuốc cùng người bạn tri kỷ uyên bác của ông lại cực kỳ nổi tiếng. Trong cơn tuyệt vọng, Doyle đã cho vị thám tử của mình ‘bay màu’ vào năm 1893 như là một biểu hiện của sự tuyệt vọng của ông. Tuy nhiên, cuối cùng, ông đã nhượng bộ vì áp lực của dư luận và khiến Holmes sống lại.
2/ Anthony Burgess và “A Clockwork Orange”
Đây là một trong những cuốn sách khác mà các tác giả hối hận khi viết vì cách nó bị hiểu sai. “A Clockwork Orange” chỉ là một trong 50 cuốn sách mà Anthony Burgess đã viết trong sự nghiệp của mình, nhưng đây là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, chủ yếu là nhờ bộ phim chuyển thể của Stanley Kubrick.
Burgess cảm thấy cách diễn giải của Kubrick về tác phẩm của mình trên màn ảnh đã bị sai lệch. Ông nói: “Cuốn tiểu thuyết giúp tôi được biết đến nhiều nhất, lại là cuốn tôi muốn bỏ đi nhất. Nó được biết đến như cảm hứng cho một bộ phim có vẻ tôn vinh tình dục và bạo lực. Bộ phim khiến người đọc dễ hiểu lầm nội dung cuốn tiểu thuyết, và sự hiểu lầm đó sẽ đeo đuổi tôi cho đến khi tôi chết đi. Lẽ ra tôi không nên viết cuốn sách này vì nó có nguy cơ bị hiểu sai.” Thậm chí Burgess còn viết một bài thơ yêu cầu độc giả hãy đọc những cuốn sách “hay hơn”:
Bản sonnet cho Emery Collegiate Institute:
Lời khuyên: Đừng đọc
“‘A Clockwork Orange’, sao mà dở tệ
Chứa toàn lời bịa đặt, bạo lực thấy ghê
Nhưng tôi đã viết những cuốn hay hơn thế…
Và các tác giả khác cũng vậy
Độc giả ơi
Hãy đọc những Hamlet, Shelley, Keates, Doctor Zhivago ấy”
3/ J.D. Salinger và “Bắt trẻ đồng xanh”
J.D. Salinger là một trong những nhà văn ẩn dật khét tiếng nhất thế kỷ 20. Vì vậy, thực sự không có gì ngạc nhiên khi “Bắt trẻ đồng xanh” là một trong những cuốn sách khiến các tác giả hối tiếc khi đã viết ra nó.
Là một người sống kín tiếng, ông thực sự ghét sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi mới lớn của mình. Ông cảm thấy "hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự nổi tiếng", thậm chí ông còn phải rời New York để thoát khỏi tất cả. Ông từ chối mọi lời đề nghị chuyển thể tác phẩm của ông sang sân khấu hay điện ảnh. Ông ngừng xuất bản hoàn toàn vào năm 1965 - mặc dù ông vẫn tiếp tục viết nhưng không muốn thu hút nhiều sự chú ý.
4/ Franz Kafka và “The Trial”
Franz Kafka là một văn sĩ đọa đày điển hình. Thay vì hỏi liệu có cuốn sách nào khiến ông hối hận khi đã viết hay không, thì hãy hỏi liệu có cuốn sách nào ông đã hối hận vì không viết hay không. Theo báo cáo, ông đã đốt khoảng 90% tác phẩm của mình khi còn sống và ông đã nhờ bạn thân đốt hộ mình phần còn lại sau khi ông qua đời. May mắn thay, người bạn đó, Max Brod, đã không thực hiện mong muốn ấy. Nhờ đó, chúng ta mới có “The Trial” được phát hành sau khi Kafka phản đối lúc ông hấp hối. Sẽ có những người đứng về phía Kafka và ước gì cuốn sách này được đốt trong lò sưởi, nhưng phần còn lại sẽ vui mừng vì ngày hôm đó nó đã không bị đốt.
5/ Lewis Carroll và “Alice ở xứ sở diệu kỳ”
Câu chuyện được yêu thích “Alice ở xứ sở diệu kỳ” thực sự là một trong những cuốn sách mà tác giả Charles Dodgson đã hối hận khi viết nó ra. Charles Dodgson được biết đến nhiều hơn với bút danh Lewis Carroll cảm thấy mình đã đi vào ngõ cụt sau khi cuốn sách thú vị dành cho trẻ em của ông được yêu thích rộng rãi. Năm 1891, trong bức thư gửi một người bạn, ông đã viết rằng: “Sự nổi tiếng ấy… Tôi cực kỳ ghét nó đến nỗi tôi gần như ước mình chưa bao giờ viết bất kỳ cuốn sách nào cả.”
Thậm chí, khi thư của người hâm mộ được gửi đến, ông đã từ chối nhận chúng với lý do là “gửi nhầm địa chỉ cho Lewis Carroll”, và yêu cầu hoàn trả chúng cho người gửi, với một ghi chú được ghi bên trên rằng ông “không công bố cũng như thừa nhận bất kỳ mối liên hệ nào với bất kỳ cuốn sách nào không được xuất bản dưới tên riêng của [tôi]".
Câu phản hồi của ông có lẽ như một cú đánh vào mặt những đứa trẻ hâm mộ đã viết thư cho ông vậy.
6/ Louisa May Alcott và “Những người phụ nữ bé nhỏ”
Trường hợp của Louisa May Alcott có thể đặc biệt hơn chút và có thể không đến nỗi bà cảm thấy hối hận. Chỉ là Louisa May Alcott thực sự không có hứng thú với việc viết “những câu chuyện đạo đức dành cho con gái” theo cách mà các nhà xuất bản đã thuyết phục bà. Bà muốn viết những điều bí ẩn đen tối và những câu chuyện gay cấn khiến lượng adrenaline của độc giả tăng vọt khi đọc, nhưng sách dành cho trẻ em lại giúp mang lại thu nhập và bà còn phải trang trải chi phí sinh hoạt cho người cha cầu bơ cầu bất của mình. Có vẻ như bà đã cố gắng hết sức để thấy thích thú khi viết tác phẩm này, ít nhất thì bà sẽ trả lời những là thư mà những thiếu nữ hâm mộ bà gửi tới và gọi bà là Jo March. Nhưng có vẻ như bà có chút không hài lòng về sự nổi tiếng của cuốn sách ngọt ngào mà bà buộc phải viết trong suốt quãng đời còn lại của mình.
7/ Annie Proulx và “Close Range” (Brokeback Mountain)
Về tổng thể, Annie Proulx không hối hận khi viết “Close Range”, chì là một câu chuyện trong đó, “Brokeback Mountain”, khiến bà thất vọng và nó lại là câu chuyện khiến công chúng biết đến bà. Nó bùng nổ sau khi bộ phim chuyển thể được phát hành năm 2005 với sự tham gia của Jake Gyllenhaal và Heath Ledger. Proulx cho biết kể từ đó, khán giả đã “hiểu sai hoàn toàn” quan điểm mà bà cố gắng truyền tải và rằng bà nhận được những bản viết lại câu chuyện đó từ những người hâm mộ có óc tưởng tượng mạnh mẽ. Mọi người muốn câu chuyện của Ennis và Jack kết thúc có hậu, nhưng điều này phá vỡ mục đích của Proulx. Bà nói: “Tôi ước mình chưa bao giờ viết câu chuyện này. Nó là nguyên nhân của nhiều rắc rối và khó chịu kể từ khi bộ phim ra mắt. Trước bộ phim thì mọi chuyện vẫn ổn.”
- Trạm đọc
- Tham khảo keepingupwiththepenguins