Nhưng Einstein không chỉ là một nhà vật lý nổi tiếng, ông còn là một người theo chủ nghĩa hòa bình, một nhà hoạt động chính trị, một người tích cực chống phân biệt chủng tộc và là một trong những nhân vật mang tính biểu tượng và nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Ông cũng được biết đến vì những tính cách độc đáo, xem nhẹ các tiêu chuẩn xã hội như để đầu tóc bù xù, hài hước và rất ghét những đôi tất. Nhưng Einstein cũng là người thoải mái trong việc đưa ra lời khuyên về cuộc sống cho bạn bè, người quen và những người cùng thời với ông. Những lời khuyên thông thái và giàu lòng trắc ẩn ấy vẫn còn phù hợp với cuộc sống ngày nay. Trích từ cuốn sách “The Einstein Effect” (Hiệu ứng Einstein) được viết bởi người quản lý mạng xã hội chính thức của điền trang Einstein, Benyamin Cohen, những quy tắc để có một cuộc sống tốt đẹp vượt xa vật lý và phù hợp với tất cả chúng ta. Có lẽ đây là những bài học hay nhất và có thể áp dụng phổ biến nhất từ chính Einstein.
Nguyên tắc số 1: Dành nỗ lực của bạn vào những việc quan trọng
Khi bạn nghĩ đến vẻ ngoài của Einstein, bạn có thể nghĩ tới từ “lố bịch”. Mái tóc búi xùi, không chải chuốt, quần áo cũ kỹ, thường xuyên bốc mùi, đi giày mà không đi tất… tất cả đều cho thấy ông là người luộm thuộm. Nhưng điều đó không làm Einstein bận tâm. Có một bộ đồ dường như đã trở thành đồng phục của ông: bộ vest xám đặc trưng, không có áo khoác truyền thống, mà thay vào đó là một chiếc áo khoác da. Và tất nhiên là mang giày mà không mang tất.
Việc mặc quần áo đơn giản nhưng tiện dụng, giúp người mặc cảm thấy thoải mái đã trở nên nổi tiếng trong những năm gần đây, đặc biệt là các tỷ phú công nghệ thường ăn mặc theo phong cách này.
Cách ăn mặc này được đánh giá cao vì một lý do trên hết: tính hiệu quả.
Nếu bạn phải đưa ra nhiều quyết định mỗi ngày hoặc nhiều công việc đòi hỏi nỗ lực tinh thần, việc cắt giảm gánh nặng tinh thần tổng thể là điều tối quan trọng nếu bạn muốn tránh sự mệt mỏi khi quyết định: khả năng đưa ra quyết định đúng đắn của chúng ta suy giảm khi chúng ta trở nên mệt mỏi hơn vì phải liên tục đưa ra những lựa chọn.
Như nhà báo thời trang Elyssa Goodman đã viết: “Đồng phục không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả thể chất mà còn cả tinh thần. Những người phải đưa ra những quyết định quan trọng mỗi ngày đôi khi sẽ chọn một sự kết hợp nhất quán vì điều đó cho phép họ tránh sự mệt mỏi khi phải quyết định, bởi việc đưa ra quá nhiều quyết định không quan trọng thực sự có thể khiến năng suất của một người giảm sút.”
Đó là một cách để tiết kiệm những nỗ lực của bạn: đặt chúng vào nơi cần thiết nhất, không lãng phí chúng vào những vấn đề không quan trọng. Nói cách khác, việc chọn không nỗ lực vào những thứ không cần thiết là một cách để trở nên hiệu quả hơn về mặt tinh thần, giúp bạn giải phóng tâm trí để tập trung vào những gì thực sự quan trọng nhất với bạn.
Việc Einstein không nỗ lực cho việc chăm chút vẻ ngoài dẫn đến mái tóc bù xù, cũng như lối viết khó đọc. Nhưng phần thưởng từ việc tập trung tâm trí vào những gì thực sự quan trọng đã đưa ông đến một cuộc sống trọn vẹn đối với ông.
Nguyên tắc số 2: Làm những việc bạn yêu thích, ngay cả khi bạn làm chúng rất tệ
Ngoài vật lý, có lẽ niềm đam mê mà Einstein thích nhất là chèo thuyền. Như Einstein đã viết: “Một chuyến du ngoạn trên biển là cơ hội tuyệt vời để bạn có được sự bình tĩnh tối đa và suy ngẫm về những ý tưởng từ một góc nhìn khác”. Người vợ thứ hai (và cũng là em họ của ông), Elsa, nói thêm rằng: “Không có nơi nào khác khiến chồng tôi thoải mái, lãng mạn, thư giãn và tách biệt khỏi những phiền nhiễu thường ngày hơn là ngồi trên một con thuyền và chèo nó ra xa. Bằng cách tập trung vào điều gì đó bình thường, tâm trí của Einstein có thể tự do lang thang, thường xuyên đưa ông đến những ý tưởng mới thú vị.
Tuy nhiên, Einstein hoàn toàn không giỏi chèo thuyền và là một người chèo thuyền cực kỳ thiếu tập trung. Ông thường xuyên bị mất phương hướng, mắc cạn hoặc không thì làm cho cột buồm bị đổ. Các tàu thuyền khác thường xuyên phải đề phòng thuyền của Einstein, vì ông là mối nguy hiểm cho chính mình và những người khác, thậm chí ông còn từ chối mặc áo phao dù không biết bơi. Những người chèo thuyền khác, còn có cả trẻ em thường xuyên giải cứu ông và giúp ông kéo thuyền vào bờ là “chuyện cơm bữa”. Nhưng chèo thuyền mang lại sự thư giãn thực sự cho Einstein, mang lại cho ông sự tự do về tinh thần mà tất cả chúng ta đều khao khát cho riêng mình.
Nguyên tắc số 3: Thường xuyên đặt ra những câu hỏi tư duy
Hãy nghĩ về những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, với tư cách cá nhân và tập thể, với tư cách là một nền văn minh. Đó có thể là vấn đề tài chính, môi trường, sức khỏe hoặc chính trị, vì những lĩnh vực đó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Bạn có xem những vấn đề này là khủng hoảng không? Nếu có, bạn có thể cảm thấy tuyệt vọng vì có rất ít điều có thể tiếp thêm sức mạnh cho ta khi đối mặt với khủng hoảng.
Nhưng nếu bạn xem chúng như một câu đố, bạn có xu hướng nghĩ về một cách tiếp cận mới để giải chúng. Về mặt này, Einstein gần như là một hình mẫu cho một người coi mọi khó khăn mà ông gặp phải đều là một câu đố cần giải: trong vật lý và hơn thế nữa.
Hãy xem xét câu nói nổi tiếng nhất của ông, “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Trước đây, nhiều người đã từng giải câu đố về các vật thể chuyển động gần bằng vận tốc ánh sáng (bao gồm cả những thiên tài khác như FitzGerald, Maxwell, Lorentz và Poincaré), thì chính quan điểm độc đáo của Einstein đã cho phép ông tiếp cận vấn đề theo cách đã đưa ông đến thuyết tương đối. Với một thế giới quan linh hoạt, không cứng nhắc, Einstein sẽ dễ dàng thách thức những giả định mà người khác không thể bỏ qua, cho phép ông hình thành những ý tưởng mà những người khác sẽ thẳng thừng bác bỏ.
Einstein có niềm tin mạnh mẽ về cả sự sống và thực tại vật chất, nhưng mỗi ý kiến của ông, ngay cả những ý kiến ông chắc chắn nhất, đối với ông cũng chỉ là một giả thuyết bình thường. Khi một người có một giả thuyết hoặc một ý tưởng, mục tiêu không chỉ đơn giản là tìm hiểu xem giả thuyết đó đúng hay sai; theo một nghĩa nào đó, đây là việc kém thú vị nhất. Việc tìm ra cách giải quyết vấn đề mới là điều thực sự khiến Einstein phấn khích.
Các thí nghiệm tư duy của ông là một trong những cách tiếp cận sáng tạo nhất mà các nhà vật lý từng thực hiện, và những người muốn tránh cái được gọi là cố thủ nhận thức đã áp dụng cách này.
Sóng ánh sáng sẽ trông như thế nào nếu bạn có thể theo dõi nó bằng cách truyền đi với cùng tốc độ mà nó đã truyền đi? Làm thế nào ánh sáng từ một ngôi sao ở xa bị lệch bởi lực hấp dẫn của Mặt trời trong nhật thực toàn phần? Người ta có thể thực hiện những thí nghiệm nào để xác định xem thực tế lượng tử của chúng ta có được xác định trước bởi các biến số mà chúng ta không thể quan sát trực tiếp hay không? Không giống như một nhà thuyết giáo tuyên bố mình không thể sai lầm, hay một công tố viên muốn thuyết phục bạn về quan điểm của họ, hoặc một chính trị gia chỉ muốn giành được sự chấp thuận của bạn, người có tư duy giải đố - tức là tư duy của một nhà khoa học - sẽ là người duy nhất có những khám phá mới lạ và bất ngờ.
Nguyên tắc số 4: Suy nghĩ sâu sắc, lâu dài và chăm chỉ, về những điều thực sự hấp dẫn bạn
Trong suốt cuộc đời, Einstein đã nhận được rất nhiều lá thư: từ những người biết rõ về ông cho đến những người hoàn toàn xa lạ. Vào năm 1946, một lá thư được gửi đến bàn làm việc của Einstein, hỏi vị thiên tài này rằng họ nên làm gì với cuộc đời mình. Ông đã hồi đáp một cách vừa sắc sảo, vừa cảm thông: “Điều quan trọng là thế này. Nếu bạn gặp phải một câu hỏi khiến bạn quan tâm sâu sắc, hãy theo đuổi nó trong nhiều năm và đừng bao giờ làm hài lòng bản thân với giải pháp của những vấn đề hời hợt hứa hẹn thành công tương đối dễ dàng.”
Và nếu bạn không đạt được giải pháp mà bạn đang theo đuổi, đừng tuyệt vọng. Như Einstein đã viết cho người bạn David Bohm của mình: “Anh không nên chán nản trước tầm quan trọng của vấn đề. Nếu Chúa đã tạo ra thế giới, mối lo lắng hàng đầu của Ngài chắc chắn là không làm cho chúng ta dễ dàng hiểu được nó.” Mặc dù Einstein nổi tiếng với những vấn đề mà ông đã giải được, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề mà ông đã lảng tránh suốt cuộc đời: từ việc tìm ra lời giải thích tất định cho hành trạng lượng tử quan sát được cho đến nỗ lực thống nhất toàn bộ vật lý học (bao gồm cả lực hấp dẫn và các lực khác) thành một khuôn khổ bao quát.
Mặc dù nhiều người đã thử và thất bại (và tiếp tục thử và thất bại) để giải những câu đố này và những câu đố khác, nhưng niềm vui và sự thỏa mãn lớn nhất thường được tìm thấy trong chính hành trình ấy.
Nguyên tắc số 5: Đừng để chính trị khiến bạn nổi giận hay tuyệt vọng
Einstein giữ liên lạc với nhiều bạn bè và công chúng cũng như với đại gia đình của ông. Khi trao đổi thư từ với chị họ Lina Einstein, ông đã đưa ra một bài học mà chúng ta có thể học hỏi: “Về chính trị, tôi vẫn có những sự tức giận, nhưng tôi chỉ xù lông chứ không đập cánh.”
Có bao nhiêu người trong chúng ta đã từng chứng kiến một người bạn, người quen, hoặc thậm chí là một người hoàn toàn xa lạ đưa ra một tuyên bố khiến chúng ta phẫn nộ và mất kiểm soát và kết quả là tung ra một tràng đả kích? Mặc dù điều đó có thể đáp ứng một số nhu cầu vốn có trong chúng ta là được nói lên suy nghĩ của mình và thách thức những gì chúng ta coi là không thể chấp nhận được, nhưng phản ứng như vậy có thực sự hiệu quả và giúp ta đạt được mục tiêu nào không?
Đôi khi, điều quan trọng là phải can thiệp và nỗ lực hết mình: điều mà Einstein gọi là “đập cánh”. Nhưng vào những lúc khác, trong một bài học mà Vua Bumi, từ “Avatar: The Last Airbender”, sẽ hết lòng tán thành rằng: đôi khi phản ứng tốt nhất là ngồi lại, quan sát, suy nghĩ và chờ đợi thời điểm chiến lược, thích hợp để hành động: “xù lông” vào thời điểm thích hợp.
Nguyên tắc số 6: Việc tuân theo quyền lực một cách mù quáng là kẻ thù lớn nhất của sự thật
Nhiều người trong chúng ta, khi nghe thấy điều gì đó vô lý hay thiếu sót, ngay lập tức, chúng ta lớn tiếng phản đối, bất kể sự thật là gì. Một khi chúng ta từ bỏ khả năng tư duy phản biện của mình vì chúng ta chắc chắn rằng mình biết câu trả lời, chúng ta có xu hướng làm theo những người đồng ý với chúng ta và phản đối những người tán thành bất cứ điều gì khác biệt. Đối với Einstein, điều này tượng trưng cho cái chết của lý trí, mà ông gọi là “sự điên rồ tập thể” hay “tâm trí bầy đàn”. Ngày nay, chúng ta có thể gọi nó là suy nghĩ đám đông, và Einstein lưu ý rằng nó thường được thúc đẩy bởi một nhân vật nổi tiếng đang tuyên truyền.
Các nhà khoa học, bao gồm cả những người có uy tín trước đây như Johannes Stark (người đoạt giải Nobel và người tìm ra hiệu ứng Stark), đã thành lập một cộng đồng phản đối thuyết tương đối làm mất uy tín của Einstein và lý thuyết của ông. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài Do Thái khi ấy đã thúc đẩy việc công kích Einstein và các ý tưởng của ông, cho rằng thuyết tương đối là sai lầm và nguy hiểm, thậm chí có những ý kiến cho rằng thuyết tương đối thật tuyệt vời nhưng Einstein đã đánh cắp nó từ các nhà khoa học “thực sự” (không phải người Do Thái). Những hành động công kích ấy đã dẫn đến hệ quả là mạng sống của Einstein bị treo tiền thưởng nên ông phải trốn khỏi Đức để đến Hoa Kỳ.
Ban đầu,Einstein cho rằng những mưu đồ này là ngớ ngẩn, lố bịch và vô hại, nhưng sau đó ông kết luận rằng: “Tuân theo quyền lực một cách mù quáng là kẻ thù lớn nhất của sự thật”.
Trong thời đại đầy rẫy tin giả ngày nay, bài học này cần được tiếp thu hơn bao giờ hết.
Nguyên tắc số 7: Khoa học, sự thật và giáo dục dành cho tất cả mọi người, không chỉ dành cho một số ít người có đặc quyền
Einstein thường chỉ trích Chính phủ Hoa Kỳ, ngay cả sau khi di cư vào những năm 1930 và nhập tịch vào năm 1940. Đặc biệt, lịch sử của chế độ nô lệ cũng như nạn phân biệt chủng tộc đã khiến ông liên tưởng tới những gì Thái đã làm: mất nhân tính và vô căn cứ. FBI bắt đầu lập hồ sơ về Einstein vào năm 1932, và nó đã dày tới hơn 1400 trang vào thời điểm Einstein qua đời năm 1955, và các hành động chống phân biệt chủng tộc của Einstein về cơ bản bị nhiều người cho là không phải của Mỹ, nhưng Einstein không vì thế mà cảm thấy bị cản trở.
Năm 1937, Einstein mời ngôi sao opera da đen Marion Anderson đến ở nhà ông khi cô bị khách sạn ở Princeton từ chối cho cư trú. Năm 1946, Einstein đã thực hiện một hành động mang tính cách mạng khi đến thăm Đại học Lincoln - trường đại học cấp bằng cho những người da đen đầu tiên ở Hoa Kỳ, để giảng dạy, nói chuyện với sinh viên và trả lời các câu hỏi. Phát biểu trước toàn thể sinh viên, Einstein nói:
“Chuyến đi của tôi đến tổ chức này là vì một lý do chính đáng. Có sự tách biệt giữa người da màu và người da trắng ở Hoa Kỳ. Sự phân tách đó không phải là căn bệnh của người da màu. Đó là căn bệnh của người da trắng.”
Năm 1953, trong một bài đăng trên tờ The New York Times, Einstein công khai bảo vệ quyền tự do học thuật của William Frauenglass, một giáo viên dạy về cách xoa dịu căng thẳng giữa các chủng tộc. Năm sau đó, ông tiếp tục thúc đẩy “quyền tìm kiếm sự thật cũng như xuất bản và giảng dạy những gì người ta cho là đúng”.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta có thể chắc chắn rằng Einstein sẽ ủng hộ quan điểm khoa học, sự thật và giáo dục là dành cho tất cả mọi người. Mặc dù một số đặc tính vật lý nhất định có thể là tương đối, như không gian và thời gian, nhưng niềm vui, kiến thức và sự thật không thuộc về một chủng tộc, quốc gia hay phe phái nào mà thuộc về toàn thể nhân loại.
- Trạm Đọc
- Theo Big Think