7 cuốn sách hay nhất về triết học và cuộc sống của Alan Watts
7 cuốn sách hay nhất về triết học và cuộc sống của Alan Watts
Nhà văn và triết gia Alan Watts đã viết hơn 25 cuốn sách về các chủ đề triết học và tôn giáo. Ông là một trong những người đầu tiên đưa tư tưởng Thiền tông vào phương Tây. Các chủ đề mà ông đề cập trải dài từ thuyết nhị nguyên trong triết học đến những rắc rối của con người hiện đại. Dưới đây là 7 cuốn sách nổi bật của ông về triết học và cuộc sống. 

 

1/ Biết ta đích thực là ai: Cuốn sách về một cấm kỵ

 

Nhiều người thắc mắc họ nên đọc cuốn sách nào của Alan Watts đầu tiên. Và cuốn sách này là nơi Watts bắt đầu khám phá điều mà ông tin là sự hiểu lầm cơ bản về con người thật của chúng ta.

Khái niệm về “Bản ngã” hay bản thân là một sinh vật biệt lập không được kết nối với phần còn lại của vũ trụ đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn thù địch về thế giới “bên ngoài chúng ta”.

Watts nỗ lực loại bỏ tất cả sự phân định k có cơ sở vốn là sản phẩm của ngôn ngữ và quá trình giáo dục này. Dựa trên Vedanta của Ấn Độ giáo và các tác phẩm phương Đông khác, Watts đã tạo ra một cách mới để nhìn nhận bản thân cùng vũ trụ:

“Làm sao mà một sinh vật với những viên ngọc quý như đôi mắt, những nhạc cụ mê hoặc như đôi tai, và những dây thần kinh thần kỳ như bộ não lại có thể tự trải nghiệm những điều không giống với thánh thần.”

Với ngôn ngữ mang tính vui tươi và gần gũi, Watts đã mang đến một cái nhìn dí dỏm về việc coi Bản thân như một thực thể chứa đựng và tách biệt khỏi tổng thể. 

 

2/ Hãy trở thành chính mình

 

Bạn sẽ thấy một số triết lý của Watt đã được phổ biến trực tuyến thông qua hàng loạt bài giảng được thực hiện trong suốt nhiều năm. "Hãy trở thành chính mình” là một tập hợp các ý tưởng rời rạc như lời bình luận về cách sống.

“Bạn có thể tin rằng mình không hòa hợp với cuộc sống và Hiện tại vĩnh cửu của nó; nhưng bạn không thể như vậy, vì bạn là sự sống và là Hiện tại hiện hữu… vì không có khái niệm đến gần hay rời khỏi nó, chỉ đơn giản là vậy và bạn là vậy. Vậy nên hãy trở thành chính mình.”

Cốt lõi của sự thật này tiếp tục “nở rộ” nở rộ xuyên suốt phần còn lại của cuốn sách và đóng vai trò như cánh cửa khác dẫn vào các tác phẩm sâu sắc và toàn diện hơn của ông. Xuyên suốt cuốn sách, những khái niệm trừu tượng được ông nắm bắt về diễn đạt rất dễ hiểu, và đây là một kỹ năng mà không phải ai cũng có thể làm được. 

 

3/ Thiền đạo

 

Rất lâu trước khi các phòng tập yoga và các câu châm ngôn Thiền hiện đại tràn ngập đường phố phương Tây, Alan Watts đã giải thích và thực hành các nguyên tắc của Thiền tông cho một lượng độc giả mới. “Thiền đạo” đi sâu vào nguồn gốc của tôn giáo và ý nghĩa của việc thực hành Thiền trong thế giới hiện đại. Watts tin rằng Thiền là một trong những khái niệm xuất phát từ phương Đông có vai trò quan trọng nhất.

Watts giải thích Thiền theo cách tốt nhất có thể, và ông cho rằng đó là điều cần được cảm nhận và trải nghiệm. 

“Con rết đã từng rất vui vẻ cho đến khi một con cóc nói: 'Trời ạ, vậy chân nào đi sau chân nào?' Việc này khiến tâm trí nó căng thẳng đến mức nó cứ nằm lơ đãng trong một con mương và nghĩ về cách bước đi.”

“Thiền đạo” dạy bạn rằng thiền mang tính tự khởi sinh để dẫn bạn vào thời điểm hiện tại và trải nghiệm về hiện tại. Xuyên suốt cuốn sách, Watts đặt cách suy nghĩ này đối lập với bản chất nhịp độ nhanh và thiếu suy nghĩ của xã hội hiện đại, cũng như xu hướng khiến chúng ta cảm thấy không thỏa mãn, mất phương hướng và trống rỗng.

“Một thế giới ngày càng xuất hiện những điểm đến mà không có hành trình, một thế giới chỉ coi trọng việc ‘đi đến đâu đó’ càng nhanh càng tốt sẽ trở thành một thế giới không có nội hàm.”

 

4/ Nature, Man and Woman (tạm dịch: Tự nhiên, Đàn ông và Phụ nữ)

 

Watts luôn quan tâm đến việc khám phá khái niệm cơ bản về tính hai mặt và ảnh hưởng của chúng đối với tâm trí. Ông gọi chúng là “hai thái cực lớn của tư tưởng con người, tinh thần và thiên nhiên”. Dựa trên kiến ​​thức sâu rộng của mình về Đạo giáo, Alan Watts đưa ra sự hiểu biết của mình về mối liên hệ giữa con người và vũ trụ.

Trong lời nói đầu, Watts lưu ý rằng ông đang “suy nghĩ rõ ràng” trong cuốn sách này. Alan Watts rất giỏi đào sâu và len lỏi vào những vấn đề gây tò mò nhất trong bản chất của chúng ta.

“… vấn đề về mối liên hệ giữa con người và tự nhiên đặt ra vấn đề về mối quan hệ của đàn ông với phụ nữ - một vấn đề mà những người có quan điểm tâm linh trong nền văn hóa của chúng ta đã hết sức băn khoăn.”

 

5/ Minh triết về nỗi bất an - Một thông điệp cho thời đại đầy lo âu

 

Mục đích chính của cuốn sách này của Alan Watts là giúp bạn sống trong thời điểm hiện tại. Tất nhiên, chúng ta đã nghe câu nói sáo rỗng này nhiều lần đến nỗi lời nói trở nên trống rỗng. Nhưng Watts là bậc thầy trong việc mang lại trí tuệ cho những điều trần tục và những câu ngạn ngữ thường được lặp đi lặp lại mà chúng ta coi là đương nhiên.

Được viết vào năm 1951, những lời tiên tri của ông dự đoán xã hội hiện đại ngày càng được dẫn dắt bởi công nghệ phức tạp hơn. Và Watts nghĩ hậu quả là chúng ta sẽ mất kết nối với những trải nghiệm đích thực.

“Ngày mai và các kế hoạch cho ngày mai có thể trở nên vô nghĩa trừ khi bạn tiếp xúc đầy đủ với thực tế của hiện tại, vì bạn đang sống trong hiện tại và chỉ trong hiện tại. Không có thực tế nào khác ngoài thực tế hiện tại, do đó, dù là sống đến vô tận, sống cho tương lai thì cũng sẽ vĩnh viễn đánh mất mục đích.”

 

6/ In My Own Way: An Autobiography (tạm dịch: Tự truyện - Con đường tôi đi)

 

Alan Watts lớn lên ở vùng nông thôn nước Anh và dần ủng hộ tư tưởng phản văn hóa. “In My Own Way” kể lại  những lần tương tác của ông với các bậc thầy và những người nổi tiếng thời đó, những trải nghiệm ảo giác và tất nhiên là những hiểu biết sâu sắc về triết học, đồng thời cũng có nhiều bài giảng của ông. 

“Công việc của tôi trong cuộc đời là thắc mắc về bản chất của vũ trụ. Điều này dẫn tôi đến với triết học, tâm lý học, tôn giáo và chủ nghĩa thần bí, không chỉ là những chủ đề được thảo luận mà còn là những thứ cần trải nghiệm, và do đó, ít nhất tôi ngầm khẳng định mình là một triết gia và một nhà thần bí.”

 

7/ The Joyous Cosmology: Adventures in the Chemistry of Consciousness (tạm dịch: Hiểu biết vui về vũ trụ: Những cuộc phiêu lưu trong phản ứng hóa học của ý thức)

 

“The Joyous Cosmology” là một trong những cuốn sách về chất hướng thần hay nhất từng được viết. Những hiểu biết sâu sắc của Alan Watts về ý thức bị thay đổi sau trải nghiệm ảo giác có thể sánh ngang với tác phẩm “The Doors of Perception” (tạm dịch: Những cánh cửa nhận thức) của Aldous Huxley. Là người tìm đến triết học không phải với mục đích giải trí,   Watts đã nhìn thấy giá trị thực sự của việc khám phá ảo giác.

Ông tin rằng người ta sẽ thực sự có cái nhìn sâu sắc “khi đi kèm với sự suy ngẫm của một người đang liên tục tìm kiếm triết học là sự hiểu biết, chứ không phải là một cú đánh.” Cuốn sách này của Alan Watts đi trước thời đại rất nhiều, so với cả tư tưởng phản văn hóa những năm 1960 và thời đại của chúng ta. Trong cuốn sách, Alan Watts đã lập luận não bộ và hệ thần kinh của chúng ta phải được bảo vệ và có quyền của riêng nó. Không một chính phủ nào có quyền tranh luận về các quyền cơ bản. 

“Người ta thường quên rằng những đảm bảo của chúng ta về quyền tự do tôn giáo được thiết kế để bảo vệ những người không phải là thành viên của các giáo phái, mà đúng hơn là những nhân cách vặn vẹo và cần phải lật đổ (khi đó) như Quakers, Shakers, Levellers và Anabaptists. Không còn nghi ngờ gì nữa rằng những người sử dụng cần sa hoặc các chất gây ảo giác khác với mục đích tôn giáo, hiện là thành viên của một tôn giáo bị đàn áp và đối với phần còn lại của xã hội, tôn giáo này dường như là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với “sức khỏe tâm thần”, khác với “linh hồn bất tử” xưa cũ. Nhưng đó vẫn là câu chuyện cũ.”

- Trạm Đọc

- Tham khảo Big Think

 

Tags: