5 bài học tôi học được từ việc đọc các cuốn sách của Malcolm Gladwell
5 bài học tôi học được từ việc đọc các cuốn sách của Malcolm Gladwell
Lý do tôi đọc Malcolm Gladwell là vì tác giả đã sử dụng số liệu thống kê, nghiên cứu và tâm lý học theo những cách mới lạ, độc đáo để lật ngược các ý tưởng cũ và giúp làm sáng tỏ cách các sự kiện lịch sử, khái niệm xã hội học và hành vi con người diễn ra theo cách vừa đơn giản vừa sâu sắc.
Những kẻ xuất chúng
(160 lượt)
Trong Chớp Mắt
(70 lượt)
Điểm Bùng Phát
(494 lượt)
David and Goliath
(114 lượt)
Đọc vị người lạ (Malcom Gladwell)
(9 lượt)

Tôi đã đọc năm cuốn sách của Gladwell, và mỗi cuốn đều có những chương và ý tưởng đặc biệt nổi bật. Là một người đọc khá nhiều, tôi thường khó nhớ lâu những gì mình đọc, nhưng từ mỗi cuốn sách này, tôi đã giữ lại được một số ý tưởng quan trọng. Dưới đây là 5 bài học mà tôi đã học được từ các cuốn sách của Malcolm Gladwell.

 

1/ Outliers (Những Kẻ Xuất Chúng)

 

Trong thế giới sáng tạo, cơ hội thành công của bạn là sự pha trộn giữa may mắn và kỹ năng. Bạn mài giũa tay nghề bằng sự chăm chỉ, rồi tiếp tục nỗ lực cho đến khi bạn thành công hoặc bỏ cuộc.

Trong cuốn “Những Kẻ Xuất Chúng”, Gladwell viết về thành công dưới góc nhìn nơi sinh, năm sinh, thậm chí là tháng sinh. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ được sinh ra. Chỉ khi nhìn lại, chúng ta mới nhận ra những lợi thế và bất lợi mà ngày sinh của một người mang lại. Gladwell đã viết về một phát hiện tình cờ rằng các cầu thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp ở Canada thường sinh vào ba tháng đầu năm. Nguyên nhân là bởi khi họ mới bắt đầu, ngày cắt tuổi tham gia các giải đấu khúc côn cầu trẻ em cho phép những đứa trẻ sinh vào tháng 1, 2 và 3 có thời gian luyện tập nhiều hơn, phát triển thể chất sớm hơn và được chơi nhiều hơn.

Cuốn sách này cũng dạy tôi về nguồn gốc của quy tắc 10.000 giờ – một ý tưởng mà tôi đã từng nghe qua nhưng chưa thực sự hiểu trước khi đọc cuốn sách này. Gladwell lấy Bill Gates làm ví dụ về một người sinh ra vào thời điểm cho phép ông tiếp cận với máy tính: khi ông đến tuổi trưởng thành, ông có cơ hội tiếp cận máy tính, và ông dành rất nhiều thời gian để tự học cách sử dụng nó. Điều này góp phần vào sự thành công lớn của ông trong lĩnh vực máy tính.

Thú vị thay, những hoàn cảnh may mắn này không làm tôi mất động lực theo đuổi mục tiêu của mình. Thay vào đó, chúng cho thấy có rất nhiều lợi thế tiềm ẩn mà nơi sinh và thời gian sinh mang lại mà chúng ta không nhận ra. Những điều này định hình sở thích, đam mê và khả năng của chúng ta, khiến hành trình trở nên thú vị hơn thay vì chỉ là yếu tố quyết định duy nhất.

 

2/ Talking to Strangers (Đọc Vị Người Lạ)

 

Mọi người đều nghĩ rằng mình là một người có khả năng đọc vị tâm lý. Chúng ta thường đưa ra các quyết định và ý kiến trong tích tắc, dựa trên những mẩu thông tin mơ hồ.

Thú thật, tôi không giỏi trong việc "đọc" người khác, điều này khiến việc giao tiếp với mọi người vừa đáng sợ vừa thú vị. Tôi cũng lo lắng về cách người khác nhìn nhận tôi. Tôi luôn ngạc nhiên khi người ta đoán được cảm xúc đằng sau khuôn mặt "không cảm xúc" của mình và thậm chí còn sốc hơn khi họ hiểu sai

Khái niệm thú vị nhất mà tôi rút ra từ cuốn sách “Đọc Vị Người Lạ” của Malcolm Gladwell là nhận thức rằng chúng ta thường nghĩ mình có thể dự đoán hành động của người khác dựa trên những kiến thức thực tế thông thường. Chương về Sylvia Plath thực sự khiến tôi kinh ngạc khi biết rằng tỷ lệ tự tử ở Vương quốc Anh đã giảm mạnh sau khi cách tự tử của Plath – đặt đầu vào lò nướng gas – bị loại bỏ nhờ việc cải tiến lò nướng để không thể sử dụng chúng cho mục đích này. 

Thông thường, người ta cho rằng những người muốn tự tử sẽ tìm cách khác nếu phương pháp đầu tiên không khả thi. Nhưng chúng ta đã sai. Những người này muốn kiểm soát cách họ chết, và khi không có quyền kiểm soát đó, họ thường suy nghĩ lại về quyết định của mình. Điều này cho thấy chúng ta cần ngừng giả định rằng mình biết điều gì thúc đẩy người khác. Thay vào đó, chúng ta cần dựa vào dữ liệu và thử nghiệm những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giải quyết các vấn đề, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

 

3/ Blink (Trong Chớp Mắt)

 

Cuốn sách “Trong Chớp Mắt” của Malcolm Gladwell là một góc nhìn khác về kỹ năng ra quyết định của con người, đặc biệt là những thiên kiến vô thức của chúng ta. Và rõ ràng, khi chúng ta có ít thời gian để đưa ra quyết định, ta càng dễ mắc sai lầm.

Điều tôi thích ở “Trong Chớp Mắt” cuốn sách cho thấy cách khắc phục những vấn đề này rất đơn giản nếu chúng ta nhận ra và điều chỉnh hành vi. Gladwell viết về việc cảnh sát làm việc hiệu quả hơn khi họ làm theo cặp, bởi điều này khiến họ phải chậm lại và cân nhắc ý kiến của đồng đội trước khi ra quyết định. Những nhạc công giỏi hơn thường được chọn vào dàn nhạc khi họ tham gia các buổi tuyển chọn ẩn danh, nơi ngoại hình không ảnh hưởng đến quyết định tuyển chọn.

Một chương khiến tôi ấn tượng nhất là ý tưởng rằng không phải những bác sĩ tệ mới là những người dễ bị kiện nhất, mà là những bác sĩ không thân thiện. Chúng ta thường thích những bác sĩ có thể cười, an ủi và đồng cảm với chúng ta. Chúng ta không thích những người hành xử như máy móc, lạnh lùng. Vì vậy, nếu họ mắc sai lầm, bạn sẽ khó tha thứ cho họ hơn so với những bác sĩ biết pha trò để giảm căng thẳng hoặc an ủi bạn khi nhận được tin xấu.

Cách ai đó khiến tác động đến cảm xúc của bạn quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn, so với việc họ làm công việc của mình tốt đến đâu. Và những cảm xúc đó ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với họ.

 

4/ David và Goliath

 

“David và Goliath” đã viết lại lịch sử cho những kẻ yếu thế. Trong cuốn sách này, Gladwell cho chúng ta thấy cách mà những người bất lợi thực ra lại có những lợi thế. Quan điểm chính của ông được minh họa qua câu chuyện trong Kinh Thánh về David và Goliath, trong đó ông giải thích rằng lịch sử đã cho thấy David thực sự có lợi thế rõ ràng để chiến thắng. David 

Cuốn sách này chứa đầy những câu chuyện tương tự, từ ý tưởng rằng chứng khó đọc (dyslexia) vừa là một món quà cũng như một dạng khuyết tật, đến thực tế rằng gần 30% các quốc gia nhỏ thường thắng trong các cuộc chiến chống lại quốc gia lớn hơn. Nó thu hẹp khoảng cách về bất lợi và cho chúng ta thấy rằng lớn hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn, và suy nghĩ khác biệt có thể dẫn đến thành công.

 

5/ The Tipping Point (Điểm Bùng Phát)

 

Tôi đã để dành cuốn sách yêu thích nhất của Gladwell để nói đến sau cùng. “Điểm Bùng Phát” là cuốn sách đầu tiên của Malcolm Gladwell mà tôi đọc, và nó đã giúp tôi hiểu về xã hội cũng như cách mà các xu hướng và văn hóa được định hình và thúc đẩy theo những hướng nhất định. Chính nhờ sự kết hợp nỗ lực của những người kết nối (connectors), chuyên gia (mavens), và người bán hàng (salesmen) mà các ý tưởng được lan tỏa và dần trở nên phổ biến – dù đó là kiểu giày mà mọi người mang đến các câu lạc bộ hay cách làm chương trình cho trẻ em trở nên hiệu quả hơn.

Tôi cũng rất thích cách mà những thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Một chương mà tôi đặc biệt ấn tượng là ý tưởng rằng việc đơn giản như lau sạch các hình vẽ graffiti trên tàu điện ngầm ở New York đã là một bước tiến lớn trong việc giảm đáng kể tỷ lệ tội phạm của thành phố này trong vài năm. Điều này làm cho việc nhặt một mẩu rác hay làm một việc tốt nhỏ bé trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều. Ngay cả khi bạn không phải là một trong những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội, nếu bạn có thể tác động đến một người trong số họ, bạn có thể khiến họ ảnh hưởng đến những người khác và cùng nhau làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

- Trạm Đọc

- Tham khảo laurasbooksandblogs

Tags: