Gatsby dường như đã được viết theo cách trôi chảy, câu chuyện và những nhân vật cứ như là người thực. Điều duy nhất Fitzgerald thực sự gặp khó khăn là tên của cuốn tiểu thuyết. Ban đầu, ông định đặt tên cho cuốn sách này là Among Ash-Heaps and Millionaires (Tạm dịch: Giữa tro tàn và triệu phú), On the Road to West Egg (Tạm dịch: Đường đến West Egg), Under the Red, White, and Blue (Tạm dịch: Phía sau Đỏ, Trắng và Xanh), và The High-Bouncing Lover (Tạm dịch: Người tình ngoài tầm với). Bản thân ông nghiêng về Trimalchio (Tạm dịch: Gã trưởng giả), cái tên sách mà vợ ông là Zelda phủ quyết. Sau đó, ông còn xem xét lựa chọn Gold-Hatted Gatsby (Tạm dịch: Gatsby Mũ Vàng) trước khi chọn The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại).
Đối với người ngoài cuộc, sự thiếu quyết đoán của Fitzgerald có vẻ mang tính mô phạm. Nhưng tác giả biết rằng tiêu đề không hề tầm thường. Ngoài việc thu hút người đọc, một tiêu đề hay còn nắm bắt được bản chất và mang lại ý nghĩa cho toàn bộ văn bản. Điều đó giải thích sự yêu thích của Fitzgerald đối với Trimalchio, được đặt theo tên của một nhân vật trong văn học La Mã có hành trình từ một cựu nô lệ trở thành một thương gia tự lập phản ánh câu chuyện từ nghèo khó trở nên giàu có của chính Gatsby. Một tiêu đề như Gatsby vĩ đại cũng đạt được điều tương tự đồng thời bổ sung thêm một chút mỉa mai và mơ hồ.
Tiêu đề sách có đủ hình dạng và kích cỡ. Một số mang tính mô tả, một số khác mang tính chất thơ. Một số thì đơn giản (Jane Eyre, Don Quixote, Ạnh em nhà Karamazov) trong khi một số khác vẫn ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc, ẩn giấu mà - một khi được tiết lộ - có thể thay đổi đáng kể ấn tượng mà một cuốn sách để lại cho người đọc. Dưới đây là bốn tác phẩm văn học kinh điển đã làm được điều đó.
1/ “Chiến tranh và Hòa bình” của Leo Tolstoy
Tiêu đề của kiệt tác dài 1.200 trang của Leo Tolstoy, Chiến tranh và Hòa bình, kể về một nhóm quý tộc Nga trong các cuộc Chiến tranh của Napoléon, không có nhiều chỗ cho trí tưởng tượng. Tuy nhiên, điều này không đúng trong nguyên bản, vì trong tiếng Nga, “hòa bình” (mir) cũng có nghĩa là “thế giới”. Kết quả là, Voina i mir có thể được dịch là “chiến tranh và thế giới” hay cụ thể hơn là “chiến tranh và xã hội”, đặt ra câu hỏi về sự phân phái xung đột và hợp tác mà rất nhiều nhà phê bình phương Tây đã sử dụng để hiểu cuốn tiểu thuyết.
Ý định của Tolstoy từ lâu đã là chủ đề tranh luận. Những người tin rằng tiêu đề này đã bị hiểu sai và đổ lỗi cho những người Bolshevik, những người đã mày mò bảng chữ cái tiếng Nga đã khiến những từ như mipъ, có nghĩa là “xã hội”, không còn được sử dụng. Những người tin rằng nó luôn được cho là Chiến tranh và Hòa bình lưu ý rằng Tolstoy, một người nói được nhiều thứ tiếng, không phản đối các bản dịch nước ngoài về tác phẩm của ông, chẳng hạn như bản dịch tiếng Pháp: La guerre et la paix. Rất có thể, tác giả phải nhận thức và chấp nhận cả hai cách giải thích.
2/ “Thế giới mới nhiệm màu” của Aldous Huxley
Nhiều tựa sách có vẻ là nguyên bản nhưng trên thực tế lại được mượn từ các văn bản khác, thường là những tác phẩm hoành tráng từ quá khứ xa xôi. Điều này đúng với “Mặt trời vẫn mọc” - một cụm từ Ernest Hemingway tìm thấy trong Truyền đạo 1:5-11, và cũng đúng với và cuốn tiểu thuyết đen tối Thế giới mới nhiệm màu của Aldous Huxley, bắt nguồn từ dòng sau đây trong vở kịch The Tempest của William Shakespeare, được nói bởi nhân vật Miranda trong Màn V Cảnh I: “Nhân loại thật tươi đẹp biết bao! Hỡi thế giới mới nhiệm màu/ Ở đó có những người như vậy!”
Miranda lớn lên cô lập trên một hòn đảo cùng với cha cô, Prospero. Lời nói của cô thể hiện sự phấn khích khi cuối cùng cũng được gặp những người khác, nhưng chúng cũng phản bội sự lạc quan ngây thơ của cô về bản chất của loài người. Huxley phản ánh sự lạc quan này ở nhân vật chính của ông, John, một người man rợ được đưa ra khỏi khu bảo tồn và được đưa vào một xã hội mà thoạt nhìn có vẻ không tưởng, nhưng thực ra lại bị cai trị bởi một chế độ độc tài, phân loại đối tượng ngay từ khi mới sinh ra và buộc họ dùng một loại thuốc ức chế ham muốn tình dục có tên là “soma”.
3/ “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell
Tương tự như Chiến tranh và Hòa bình về quy mô và phạm vi, Cuốn theo chiều gió kể về con gái của một chủ đồn điền đấu tranh để giành lại sự giàu có và địa vị của gia đình mình sau hậu quả của Nội chiến Hoa Kỳ. Cuốn tiểu thuyết, được khen ngợi và bị chỉ trích vì cách lãng mạn hóa miền Nam sở hữu nô lệ, đã trải qua quá trình lựa chọn tiêu đề, chẳng hạn như: Tomorrow is Another Day (Tạm dịch: Ngày mai là một ngày khác), Bugles Sang True, Not in Our Stars (Đừng nhầm lẫn với “The Fault in Our Stars” - Lỗi thuộc về các vì sao của John Green).
Cuốn theo chiều gió gợi lên nỗi nhớ về một lối sống đã biến mất sau Cuộc tuần hành xuyên Georgia của Sherman, một chiến dịch quân sự nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng và tài nguyên của bang miền nam. Tác giả đã lấy cụm từ từ bài thơ thời Victoria năm 1894 Non Sum Qualis Eram Bonae Sub Regno Cynarae của Ernest Dowson lấy từ một bài thơ của Horace, Cynara được đề cập là tình nhân cũ của nhà thơ La Mã:
“I have forgot much, Cynara! gone with the wind,
Flung roses, roses riotously with the throng,
Dancing, to put thy pale, lost lilies out of mind…”
Tạm dịch:
“Cynara, anh đã quên nhiều rồi, cuốn theo chiều gió,
từng cánh hoa hồng bay, hòa cùng đám đông náo loạn,
Khiêu vũ, để quên đi những bông hoa loa kèn ủ rũ, nhợt nhạt nơi em…”
4/ “Trái tim chó” của Mikhail Bulgakov
Mỗi tựa sách nói trên đều cô đọng thông điệp hoặc lập luận trong nội dung tương ứng của chúng thành một vài từ, và Trái tim chó Mikhail Bulgakov cũng không ngoại lệ.
Được viết vào năm 1925 nhưng bị kiểm duyệt ở Liên Xô cho đến năm 1987, câu chuyện kể về một bác sĩ phẫu thuật ghép tuyến yên và tinh hoàn của con người vào một con chó hoang, khiến nó từ một con vật thành một con người cư xử không giống như cách mà người sáng tạo ra nó dự định cư xử, trốn tránh vệ sinh cá nhân và sau đó nhận một công việc thông qua Đảng Cộng sản.
Ngoài việc chỉ trích thuyết ưu sinh - một thứ giả khoa học khiến Điện Kremlin quan tâm và sẽ bị Đức Quốc xã đẩy đến cực đoan trong Thế chiến thứ hai - Trái tim chó còn nhại lại quan điểm cho rằng Liên Xô có thể biến công dân của mình từ những công dân tư sản chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân thành một loài người mới: Người Xô Viết hay Homo Xô Viết, người tuân theo sự kiểm soát của chính phủ và làm việc không mệt mỏi vì lợi ích của tập thể. Giống như thí nghiệm của bác sĩ phẫu thuật thất bại, thí nghiệm của Điện Kremlin cũng vậy.
- Theo Big Think