Bạn đã bao giờ thử hình dung xem một cuộc sống không có các ký ức sẽ như thế nào chưa? Hãy xem xét ví dụ nổi tiếng này về một người bị mất một phần trí nhớ tên là EP, anh bị mất một phần trí nhớ sau khi bị virus phá hủy thùy giữa thái dương trong não của anh – phần não có vai trò chủ chốt trong việc ghi nhớ.
Nhưng mặc dù EP không thể học những điều mới để có thể nhắc lại sau đó, nghiên cứu chỉ ra rằng anh ấy có thể làm điều đó một cách vô ý thức. Nhà tâm lý học Larry Squire đã đưa cho EP (cùng với các bệnh nhân khác) một danh sách 24 từ cần ghi nhớ. Trong vòng vài phút, EP không thể nhắc lại bất kỳ từ nào. Thậm chí, anh ấy còn quên ngay việc đã có một bài kiểm tra như thế.
Sau đó EP ngồi trước một máy tính nơi 48 từ được lóe lên trên màn hình với 25 phần nghìn giây cho mỗi từ, vậy là mắt anh chỉ có thể bắt được một vài từ chứ không phải tất cả. Một nửa trong số đó là từ mới, một nửa là những từ trong danh sách mà EP đã nhìn thấy trước đó. Sau đó anh được yêu cầu đọc to các từ lên, sau khi họ chiếu các từ lên màn hình. Thật ngạc nhiên là EP đã có thể nhắc lại tốt hơn các từ mà anh đã nhìn thấy trong danh sách, mặc dù anh đã không ghi nhớ chúng một cách có ý thức. Những từ đó đã ghi dấu trong anh mà anh không hề hay biết.
Khả năng ghi nhớ sự việc một cách có chủ ý hay vô thức thực ra đều tồn tại bên trong mỗi chúng ta. Hãy nghĩ về việc bơi lội hay đạp xe đạp: chúng ta không ghi nhớ một cách có ý thức việc làm những điều đó như thế nào khi chúng ta thực hiện, nhưng chúng vẫn được lưu trữ trong bộ nhớ vô thức của chúng ta. Những ký ức này được gọi là ký ức không lộ diện, hay là những ký ức tồn tại đâu đó trong bộ não của chúng ta mà chúng ta không thể khơi gợi lại được bằng ý chí. Chúng ta cũng có những ký ức lộ diện, hay những ký ức mà chúng ta chủ động nghĩ và gợi lại từ bộ nhớ của mình, như màu sắc của chiếc xe ô tô của mình.
Để có một trí nhớ làm việc tốt, chúng ta cần có khả năng sử dụng cả ký ức lộ diện và ký ức không lộ diện.