Trước khi quyết định xách ba lô lên và đi đến một đất nước xa lạ trong ít nhất vài năm, có lẽ bạn sẽ cần một chút lời khuyên và kinh nghiệm từ ba công dân toàn cầu trẻ tuổi Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh và Phạm Anh Đức. Khởi động dự án “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” vào tháng Tám năm 2015, khi Đức từ Cộng hòa Séc sang London (Anh) để thực hiện một dự án khởi nghiệp, Hương sắp di cư từ Vancouver (Cananda) tới Boston (Hoa Kỳ) còn Linh vừa được công ty truyền thông xã hội ở Cộng hòa Séc cử sang Singapore làm việc cho một chi nhánh mới mở, ba bạn trẻ quyết tâm giúp các bạn trẻ Việt Nam thành công tại bất cứ đâu trên thế giới và trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.
1. Tôi là ai và tôi thật sự muốn gì?
Tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này không hề dễ dàng. Kể cả khi hôm nay bạn tưởng như đã giải đáp được chúng rồi, nhưng hôm sau có thể bạn sẽ hoài nghi lựa chọn của chính mình.
Thật ra bạn hoàn toàn có thể phân tích đam mê rõ ràng như giải một bài toán đố để tìm ra hướng đi cho mình. Hãy thử lập một sơ đồ Venn, tìm giao điểm giữa sở thích, thế mạnh của bản thân và xu hướng phát triển của xã hội, chính điểm chung này sẽ là ngành học hay công việc phù hợp nhất dành cho bạn. Rất đơn giản, phải không?
Như Đức, Hương và Linh chia sẻ trong cuốn sách, ngay từ khi học trung học họ đã xác định được mong muốn trở thành một công dân toàn cầu rồi tự đặt ra kế hoạch của riêng mình. Đức viết lại dự định của mình ra một tờ giấy A0 treo trong phòng ngủ, đó là phải học tiếng Trung, học chơi thế thao, tìm cách đi đến ít nhất một đất nước ở mỗi châu lục. Hương dù còn mơ hồ với ý định ra nước ngoài nhưng không ngần ngại tham gia các kỳ thi để có cơ hội trải nghiệm và di chuyển đến các thành phố khác nhau, mà không ngờ rằng đó chính là cánh cửa sẽ giúp cô bạn vươn ra thế giới. Linh được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của bố về đất nước Nhật Bản, đã quyết tâm ôn luyện tiếng Anh để tìm cách đi du học mà không cần dùng đến số tiền tiết kiệm của bố mẹ.
Bạn có thể nghĩ sở thích, ưu điểm sẽ thay đổi liên tục trong suốt quá trình trưởng thành, vì làm gì có ai bây giờ vẫn mãi có ước mơ ngây ngô như trở thành siêu nhân giải cứu thế giới cơ chứ. Nhưng những ước mơ thời nhỏ, những điều khiến bạn say mê từ khi còn bé đến những năm thiếu niên cho đến hiện tạ sẽ luôn có ít nhất một điểm tương đồng, tạo nên giá trị cốt lõi của bạn (nghe có vẻ giống như trong phim Inside Out nhưng đây là sự thật).
Khi đã chọn được mục tiêu muốn theo đuổi, chỉ chăm chỉ và hy vọng vẫn chưa đủ đưa bạn đến đích. Để đánh bại hai kẻ thù lớn nhất cản đang cản đường: sao nhãng và trì hoãn, bạn cần hoạch định một chiến lực gồm từng bước nhỏ, cụ thể, và đặt thời hạn cho từng việc. Chẳng hạn nếu mục tiêu của bạn là du học, thì hãy đặt ra các mốc thời gian: trong một năm tới cần tham gia ít nhất 3 hoạt động ngoại khóa, lấy được chứng chỉ Tiếng Anh ở mức điểm bạn muốn trong ba tháng nữa, sau đó chuẩn bị bài luận, giấy tờ,…
2. Cuộc sống bắt đầu từ điểm kết thúc của vùng an toàn
Cốc nước đầy hay vơi một nửa, không phải do mắt mà do thái độ bạn lựa chọn nhìn vào mặt nào của vấn đề. Khi suy nghĩ tích cực, ta sẽ hút được những trải nghiệm tích cực và ngược lại. Vì thế, để có được những cơ hội trải nghiệm đúng như mong muốn, bạn phải xách ba lô lên và đi tìm chúng. Trong thời đại số, bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều loại học bổng đại học, thạc sĩ, học bổng trao đổi, cùng các cơ hội việc làm trên khắp thể giới chỉ với một cái laptop được kết nối wifi. Nhưng vấn đề là: bạn có dám thử sức không?
“Ngay cả khi bạn tìm kiếm những cơ hội, bạn không bao giờ sẵn sàng cho nó.” – Hill Watterson.
Lý do khiến phần đông mọi người không dám thử những thử thách mới là vì họ sợ phải thoát ra khỏi vùng an toàn mà họ tự tạo ra cho mình. Chúng ta muốn chắc chắn sẽ nhận được học bổng khi quyết định sẽ đi du học, muốn chắc chắn sẽ tốt nghiệp loại Giỏi trong bốn năm, muốn chắc chắn sẽ kiếm được công việc lương khởi điểm 2000$ ngay sau khi ra trường. Nhưng ai cũng biết, cuộc sống không hoạt động theo cách đó. Mọi lựa chọn đều ẩn chứa ít nhiều rủi ro vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và sẽ đẩy bạn ra khỏi vùng an toàn vốn có.
Quyết định theo đuổi một dự án khởi nghiệp tại London, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới đã kéo Đức ra cuộc sống bình thường tại Pháp và khiến cậu gần như trở thành người vô gia cư, nhưng những trải nghiệm này đã khiến cậu trưởng thành hơn. Quyết định liều lĩnh nhất của Hương là chờ đợi một mối tình xa cách trong gần hai năm rưỡi và giờ chuyện tình ấy đã có một cái kết có hậu. Linh thì chia sẻ, thoát khỏi vùng an toàn đã cho mình tình yêu, công việc hiện tại và dự án công dân toàn cầu.
Để thoát ra khỏi vùng an toàn, cách duy nhất là cứ làm những điều đang khiến bạn lo sợ, theo đúng cách. Nếu mong muốn có cuộc sống xa nhà dài ngày, hãy tự lập ngay khi còn sống với bố mẹ từ những chuyện bé nhất như dọn dẹp phòng, nấu ăn, quản lý tiền, rồi thỉnh thoảng tham gia các khóa học, trại hè xa nhà ngắn ngày để quen không còn thói quen dựa dẫm vào gia đình hay bạn bè. Bước chuẩn bị này rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn tránh bị quá tải và tuyệt vọng trước khi thật sự bước ra khỏi vùng an toàn quen thuộc.
3. Sống như một công dân toàn cầu
Không ít các bạn trẻ và phụ huynh cho rằng, một khi đã đi du học hay làm việc ở nước ngoài, nếu về nước sẽ bị “sốc văn hóa ngược”: vì môi trường sinh hoạt và làm việc ở Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước phát triển. Còn nếu lựa chọn ở lại, họ cũng lo sợ với suy nghĩ phải cạnh tranh với rất nhiều sinh viên quốc tế xuất sắc để có được việc làm và cơ hội an cư lạc nghiệp.
Thật ra, mỗi đất nước đều tồn tại những vấn đề khác nhau, không ở đâu hoàn hảo cả. Dù bạn chọn ở lại một đất nước mới, hay về Việt Nam, thì bạn vẫn chắc chắn sẽ có cách sống tốt và cống hiến cho quốc gia, hay thậm chí cả nhân loại, nếu bạn muốn làm điều đó. Đặc biệt trong thời đại Internet và toàn cầu hóa, sự thịnh vượng hay bất ổn ở bất kỳ đất nước nào cũng tiềm ẩn khả năng tạo ra “hiệu ứng cánh bướm”, ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới. Trong thế giới phẳng, chúng ta cần học cách nhìn nhận các vấn đề theo góc nhìn toàn cầu, chứ không chỉ trong ranh giới một quốc gia riêng lẻ.
Tiêu biểu là Hương, Linh và Đức, tác giả cuốn sách “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới”, không ai trong số ba bạn trẻ này đang sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng dự án và cuốn sách của họ đã và đang truyền cảm hứng giúp rất nhiều bạn trẻ nước nhà tự tin hơn khi bước ra thế giới.
Bên cạnh những câu chuyện định hướng thái độ và truyền cảm hứng, bộ ba tác giả cũng chia sẻ những câu chuyện và cảm xúc chân thực mà chính họ đã trải nghiệm, họ cũng từng phải đấu tranh nội tâm, cũng từng thất bại,… Ngoài ra, cuốn sách cũng có những thông tin bổ ích về dành cho những bạn trẻ thuộc “thế hệ xê dịch” từ chuyện đặt vé, đặt phòng, chuẩn bị hành lý cho đến các bí quyết xin thị thực cùng cách làm sao để tỏa sáng trong các mối quan hệ quốc tế và trở thành một công dân toàn cầu chính hiệu. Đây chính là cẩm nang “xanh” cho các bạn trẻ mang “hộ chiếu xanh” trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Trang, Trạm Đọc