Trịnh Lữ Ghi Chép

Tác giả : Trịnh Lữ

Trịnh Lữ Ghi Chép

Tác giả : Trịnh Lữ

Cuốn sách chọn lọc những ghi và chép về Đời và về Nghệ thuật. Chuyện đời là về những người đã gặp, những chốn đã qua, những sự đã trải. Nhỏ to giản dị, mà cũng khiến bản thân tác giả thấy vỡ ra nhiều điều hay lẽ phải, gợi được những điều đáng nghĩ. Chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa, âm nhạc thì phần nhiều là những suy nghĩ và những bài học tâm đắc cóp nhặt được từ việc vẽ, dịch, viết của chính mình, cũng như từ sách vở của thiên hạ.

Trích đoạn:

- Số phận nào cũng là do mình tự chọn, và chẳng có gì hơn được thế.

- Có những xa cách vô lý chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình, dù ngoại cảnh có thế nào đi nữa. Khi đã thật lòng như thế, thì gặp duyên hội ngộ lại thành một diễm phúc lạ lùng.

- Người quân tử không gặp cái thời của mình thì đức trời tài biển cũng bỏ đi mà thôi. Nhưng mà ai tạo ra thời? Có phải cũng là người hay chăng?

- Người Trẻ đáng được kính trọng, vì chúng là tình yêu, là nguồn sáng tạo, là tương lai, là sức mạnh, là những gì đẹp đẽ hồn nhiên nhất. Còn người Già, chao ôi, chẳng phải tuổi già chỉ thèm được quấn quýt yêu chiều đó hay sao?

- Thật ra, đời chỉ là những mẩu chuyện tản mạn tưởng chừng ngẫu nhiên. Đọc chúng với thái độ nào thì đời thành ra thế mà thôi.

- Năm tháng sẽ cứ qua đi, con người cứ thay nhau sống ở trước mặt. Phải chăng muôn vàn lao khổ cũng chỉ vì con người đã nhận lầm bản thân mình, chỉ muốn tìm mình, giải thoát mì mà quên rằng mình chỉ là một phần của thế giới đã sẵn có giải thoát và tự do tự ngàn triệu năm rồi.

Ai nên đọc cuốn sách này?
Tác giả cuốn sách này là ai?

Trịnh Lữ được biết đến nhiều hơn là một dịch giả giàu kinh nghiệm từng chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng: Cuộc đời của Pi (Yann Martel), Utopia - Địa đàng trần gian (Thomas More), Rừng Nauy (Haruki Murakami), Đại gia Gatsby (F. Scott Fitzgerald),... Ông tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông từng là phóng viên, biên tập và phát thanh viên tiếng Anh của đài Tiếng nói Việt Nam, là chuyên gia truyền thông phát triển của Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức giáo dục và từ thiện trong và ngoài nước. Ông cũng là hoạ sỹ và tác giả của nhiều bài viết và hai cuốn sách về hội hoạ: Đi vẽ-Nhật ký hội hoạ 2014 (Phương Nam Book, 2015), Trịnh Hữu Ngọc-Từ những tác phẩm còn lại (NXB Mỹ Thuật, 2017).

Trịnh Lữ chia sẻ kỷ niệm của ông với những cuốn sách:

Ký ức sâu sắc nhất của tôi về sách là bộ Bách khoa Toàn thư của nhà La Rousse - gồm có 6 tập khổ lớn, xuất bản từ những năm đầu thập kỷ 1950 tại Paris. Từ lúc chưa biết chữ tôi đã mê bộ sách khổng lồ này - bìa cứng bọc da màu xanh, chữ vàng in chìm trên gáy và bìa, bên trong là cả một thế giới với vô vàn hình vẽ bút sắt, màu nước, ảnh chụp, và những bản đồ tuyệt đẹp… Tôi đã tin rằng nếu cứ nhìn mãi những hình vẽ ấy và những dòng chữ tiếng Pháp ấy, rồi sẽ có lúc tôi nghe được câu chuyện chúng kể riêng cho mình. Tôi đã học được bao nhiêu điều kỳ diệu từ những trang sách tuyệt đẹp và lúc nào cũng đầy bí hiểm ấy. Khi tôi cưới vợ, bố đã tặng tôi bộ sách ấy, và trên căn gác xép 6 mét vuông ghép bằng những ván gỗ và xà sắt của khu nhà bị bom, bộ Bách khoa Toàn thư ấy đã khiến cho tổ ấm đầu tiên của chúng tôi thành một lâu đài cổ tích.

Kỷ niệm với sách thì còn nhiều, có lẽ sẽ đến lúc viết một cuốn sách về chúng. Còn bây giờ, xin phép tạm dừng ở đây, và có lời chúc tốt lành nhất tới các bạn yêu sách. Với thời gian, các bạn sẽ dần thấy rằng cuộc đời cũng chả còn nhiều ngạc nhiên lắm nữa. Các bạn sẽ thấy rằng cuốn sách hấp dẫn nhất sẽ chả cần đến giấy mực - nó mãi mãi ở ngoài kia, và ở cả trong này, lặng lẽ trong tâm thức mình. Bạn, và tôi, mình đều là những cuốn sách cần phải đọc nhất.