5. Năng suất

Chất vấn bản thân

 

Những bản báo cáo, những biểu đồ, những bản miêu tả phải tốn rất nhiều thời gian để tạo ra, nhưng chỉ sau vài giây là bị quên lãng. Nếu bạn cần phải giải thích một điều gì đó, hãy cố gắng hiện thực hóa nó. Hãy làm bất cứ điều gì để loại bỏ vỏ bọc trừu tượng.

Cặm cụi thực hiện những việc mà bạn nghĩ phải làm thì rất dễ, còn việc ngừng lại và hỏi tại sao mình làm thì khó khăn hơn nhiều. Bạn sẽ tìm ra đâu là những việc thực sự quan trọng qua những câu hỏi sau: Tại sao bạn phải làm việc này? Bạn đang giải quyết vấn đề gì? Điều này có thực sự hữu ích? Bạn có đang gia tăng giá trị? Điều này có làm thay đổi hành vi? Có cách nào dễ dàng hơn? Bạn có thể làm gì thay thế? Có đáng làm?

Hãy chất vấn bản thân. Đôi khi từ bỏ những gì bạn đang thực hiện là một động thái đúng đắn. Đừng tiếp tục lãng phí thời gian quý báu cho những việc không hiệu quả.

 

Sự quấy rầy: kẻ thù của năng suất

 

Bạn có thể lập ra một nguyên tắc nơi công sở là bạn sẽ có nửa ngày được ở một mình (hoặc một ngày trong tuần). Chốn riêng là nơi mà bạn dồn hết tâm trí để làm việc và lúc đó, năng suất làm việc của bạn đạt đến đỉnh cao. Bất cứ sự quấy rầy nào cũng buộc bạn bắt đầu lại từ đầu. Hãy kiên quyết đấu tranh và chống lại chúng.

Họp hành là độc dược. Những cuộc họp thường mang lại những khái niệm trừu tượng, những chuyện ngoài lề, những phát biểu vô nghĩa, nhồi nhét những nội dung mà không rõ mục tiêu. Một buổi họp một tiếng đồng hồ tức nhân lên với số người dự họp, đánh đổi một số năng suất rất lớn. Cái giá thực sự của một cuộc họp thật quá đắt!

Nếu bạn quyết định rằng, các bạn chắc chắn phải họp, thì cố gắng làm cho cuộc họp thật hiệu quả: đối tượng họp phù hợp; vấn đề, giải pháp, nhiệm vụ của mỗi thành viên thật cụ thể và có trọng tâm.

Phần lớn các vấn đề đều có giải pháp. Sao bạn không tìm đến giải pháp Judo, một giải pháp giúp bạn đạt hiệu quả tối đa với nỗ lực tối thiểu? Khi cái vừa đủ tốt để giúp bạn hoàn thành công việc, hãy thực hiện nó. Đó là cách khôn ngoan hơn nhiều so với việc lãng phí tài nguyên.

 

Tốc chiến tốc thắng

 

Sự tăng trưởng tiếp sức động lực. Cách tạo ra đà tăng trưởng là hoàn thành một việc rồi chuyển sang việc kế tiếp. Hãy tập thói quen đạt được những chiến thắng nhỏ dọc đường, thậm chí chỉ một sự cải thiện tí hon tạo ra đà tăng trưởng tốt.

Bỏ cuộc đôi lúc trở thành giải pháp tối ưu. Mọi người thường đánh đồng từ bỏ là thất bại, song đôi lúc đó chính xác là những gì mà bạn nên làm. Nếu bạn đã tiêu tốn quá nhiều thời gian vào một việc không đúng, hãy từ bỏ nó, nếu bạn tiếp tục lãng phí thời gian vào việc mà bạn không thể đảm đương thì càng tệ hại hơn nhiều.

 

Ngủ đủ giấc

 

Bỏ ngủ là một ý tồi, vì bạn sẽ trả giá đắt về sau: bạn sẽ chọn “bừa” giải pháp, bạn sẽ hủy hoại sức sáng tạo, sụt giảm tinh thần, dễ cáu kỉnh, đánh mất tính kiên nhẫn và lòng vị tha.

Con người chúng ta rất dở trong việc ước lượng. Cho nên phải chia việc lớn thành những việc nhỏ hơn. Việc càng nhỏ thì càng dễ ước lượng. Có thể là bạn vẫn ước lượng sai, nhưng sự sai lệch giảm nhiều so với việc ước lượng một dự án lớn.

Những quyết định lớn rất khó đưa ra và rất khó thay đổi. Nhất là khi bản ngã và lòng kiêu hãnh chiếm ưu thế thì bạn không thể thay đổi quyết định một cách dễ dàng. Hãy đưa ra những lựa chọn nhỏ để nó chỉ có hiệu quả tạm thời. Khi đưa ra những quyết định nhỏ thì bạn không thể phạm sai lầm lớn, đồng thời bạn có thể thay đổi nếu không phù hợp.