Trong On China, Henry Kissinger đã dành cho Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình một phần dung lượng lớn. Điều thú vị là ông không khi nào bỏ lỡ dịp so sánh hai nhà lãnh đạo này với nhau để người đọc nhìn thấy sự khác biệt của Trung Quốc qua hai thời kỳ dưới tay hai người cầm lái khác nhau.
Thật khó mà khái quát hóa tính cách của mỗi con người trong một vài từ nhưng qua On China ta có thể mơ hồ thấy rằng dù cả Mao và Đặng đều chia sẻ tính cách quyết liệt, ý chí mạnh mẽ nhưng trong khi Mao cuốn cả nước vào cuộc phiêu lưu đến một “xã hội đại đồng” thì Đặng tỏ ra rất thực dụng.
Khác biệt giữa Mao - Đặng
Trong đối ngoại, Mao giữ thế như một vị hoàng đế, chỉ ngồi trên ngai chờ nước ngoài tìm đến với mình. Còn Đặng ngược lại: Chủ động công du ra nước ngoài. Trong hai năm 1978-1979, ông đã đến Mỹ, Nhật Bản, Singapore… nỗ lực làm thay đổi hình ảnh Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ Time vào tháng 2-1979, Đặng tuyên bố: “Nếu muốn kiểm soát con gấu Bắc cực (chỉ Liên Xô), hành động thực tiễn nhất chúng tôi có thể làm là đoàn kết lại. Nếu chúng tôi phụ thuộc vào sức mạnh của duy nhất Mỹ thì không đủ. Nếu chúng tôi phụ thuộc vào EU cũng không đủ. Chúng tôi là một nước nghèo, chẳng quan trọng gì nhưng nếu chúng tôi đoàn kết thì điều đó sẽ đem lại sức nặng”. Đặng cũng nhấn mạnh sự lạc hậu của Trung Quốc so với thế giới và bày tỏ mong muốn tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Bắt đầu từ tư duy
Người ta hay nói đến “sự thần kỳ Nhật Bản” nhưng nếu nói Trung Quốc đã có một sự mở cửa diệu kỳ thì cũng không sai. Với nước Nhật, truyền thống, văn hóa, tư tưởng trải qua hai thời kỳ trước và sau chiến tranh vẫn được duy trì căn bản, còn với Trung Quốc, những thay đổi trong đường lối lãnh đạo của đất nước này thật là chóng mặt.
Kissinger cho rằng những chuyến công du của Đặng và việc Đặng nhiều lần công khai nói về cái nghèo đói của Trung Quốc là sự khác biệt quá lớn so với truyền thống lãnh đạo ở nước này.
“Hầu như không có vị vua Trung Quốc nào từng đi nước ngoài. (Tất nhiên, bởi vì theo quan niệm truyền thống của họ thì họ là bậc thiên tử thống trị cả thiên hạ rồi, còn lấy đâu ra “nước ngoài” mà đi). Đặng sẵn sàng công khai rằng Trung Quốc lạc hậu và cần học hỏi từ các quốc gia khác” - Kissinger viết - “Đây là điều tương phản sâu sắc với thái độ xa lánh thế giới của các vị hoàng đế Trung Hoa và sự quan liêu của họ khi giao thiệp với nước ngoài. Chưa bao giờ có nhà cai trị nào ở Trung Quốc tuyên bố với người ngoại quốc là họ cần hàng hóa nước ngoài cả”. Mao Trạch Đông sinh thời luôn nhấn mạnh là phải tự lực, kể cả khi cái giá phải trả là đói nghèo và bị cô lập.
Lý Quang Diệu viết trong hồi ký: “Đặng Tiểu Bình rời khỏi Singapore mấy tuần thì có người cầm tờ Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh đăng bài liên quan đến Singapore cho tôi xem. Giọng điệu của bài báo đã thay đổi so với trước đây, nó sôi nổi bàn luận, hình dung Singapore là một thành phố vườn hoa. Nó nói rằng sự xanh hóa, nhà ở công cộng và ngành du lịch ở đây đều đáng được nghiên cứu. Chúng tôi không còn là “chó săn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ” như vẫn từng bị họ gán”.
Trong cuốn hồi ký Đặng Tiểu Bình vực dậy Trung Quốc, cựu đại sứ Nhật Bản Yosuke Nakae cũng kể lại chuyến thăm Nhật của Đặng. Theo đó, khi Yosuke hỏi Đặng quan tâm điều gì ở đây, Đặng đáp, do dân Trung Quốc sử dụng than đá để sưởi nên thường xảy ra những vụ ngộ độc khí Co2; ông muốn biết Nhật Bản có loại than đá nào không tạo ra CO2 hay không. Nếu so với những tư tưởng “thanh lọc xã hội”, làm “cách mạng không ngừng” trước kia khiến cho dân chúng cả nước không lúc nào yên ổn thì suy nghĩ của Đặng Tiểu Bình giờ đây thật sự là hoàn toàn hướng tới con người.
Quả thật, mọi sự chuyển đổi ở Trung Quốc bắt đầu từ tư duy của lãnh đạo, của tầng lớp trí thức: Đêm 26-12-1978, nhóm 50 nhà khoa học đầu tiên sang Mỹ du học đã rời Bắc Kinh. Trong số đó, người trẻ nhất 32 tuổi, người già nhất 49. Trước khi họ lên đường, Phó Thủ tướng Phương Nghị, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học toàn quốc Chu Bồi Nguyên, Bộ trưởng Giáo dục Lý Kỳ Phó đã thân chinh ra tận sân bay tiễn họ.
Giải phóng tài năng
Nhà báo Ngô Hiểu Ba (Tân Hoa xã) tổng kết rằng trước năm 1978, thu nhập trung bình của người Trung Quốc ở các đô thị trong suốt 20 năm chưa đạt 4 nhân dân tệ (khoảng 14.000 VND theo tỉ giá thời nay), còn ở nông thôn thì chưa tới 2,6 nhân dân tệ, “vật tư toàn xã hội thiếu hụt toàn diện, sức sống của các xí nghiệp không còn sót lại tí gì”. Đó là hậu quả của một mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ, thành phần kinh tế tư nhân bị xóa sổ, mọi khâu sản xuất, phân phối đều do nhà nước nắm, hội nghị kế hoạch hằng năm phải kéo dài tới mấy tháng.
Chính phủ Trung Quốc làm gì để thay đổi? Theo Kissinger, Đặng Tiểu Bình và các cộng sự, đặc biệt là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đã tiến hành cuộc cách mạng dựa trên việc giải phóng tài năng của nhân dân Trung Quốc - “những người mà sự năng động kinh tế và tinh thần doanh nhân bẩm sinh của họ đã bị kìm hãm rất lâu vì chiến tranh, vì giáo điều ý thức hệ và vì những hạn chế nghiêm ngặt đối với đầu tư tư nhân”.
Hồ Diệu Bang được Kissinger mô tả là “có tính cương trực”, là lãnh đạo đầu tiên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên mặc complet và từng đề xuất nhân dân Trung Hoa bỏ đũa, chuyển sang dùng dao và nĩa khi ăn. Còn Triệu Tử Dương - nhân vật đi tiên phong trong phi tập trung hóa nông nghiệp khi còn là bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, rất được lòng nông dân - thì có một câu nói “để đời” mà Kissinger nhắc đến trong sách: “Nếu các bạn muốn có gạo ăn, hãy triệu Tử Dương này” (một cách chơi chữ).
Việc phi tập trung hóa, mở cửa nền kinh tế được thực hiện bài bản và thu được kết quả ngoạn mục. Kissinger viết rằng, từ năm 1978 tới năm 1984, thu nhập của nông dân Trung Quốc tăng gấp đôi. Khu vực kinh tế tư nhân vươn dậy mạnh mẽ, làm ra gần 50% tổng sản lượng công nghiệp. GDP tăng trưởng trung bình 9% liên tục nhiều năm.
Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ ra mặt trái của tấm huy chương: Cuộc cải cách kinh tế của Đặng, Hồ và Triệu đã làm thay đổi bộ mặt đời sống thường ngày của Trung Quốc, tuy nhiên cùng với đó lại là “sự tái xuất hiện những hiện tượng từng bị xóa sạch dưới thời Mao” như bất bình đẳng về thu nhập, hay việc tôn vinh những giá trị xa hoa, xa xỉ. Ông cho rằng khi hướng ra ngoài, Trung Quốc sẽ phải trả lời được câu hỏi: Họ muốn học gì (nếu có) từ những thể chế xã hội và chính trị phương Tây?
Tháng 3-1979, tạp chí The Economist đưa ra dự đoán táo bạo: “Về lâu dài, việc Trung Quốc xuất siêu ồ ạt sẽ trở thành tất yếu”. 23 năm sau, dự báo đó thành sự thực. Với Bàn Về Trung Quốc, độc giả cũng có thể thử tự đưa ra một lời tiên đoán của riêng mình về đất nước này.