“Đôi điều cần suy ngẫm” khiến bạn nhận ra mình chưa bao giờ thật sự hiểu và sử dụng triệt để trí não của mình để nhìn nhận sâu sắc cuộc sống. Bạn cũng sẽ không bao giờ còn cảm thấy cô đơn, lạc lối, bối rối hay trống rỗng như trước kia, bởi giờ đây - bạn đã biết cách lèo lái cuộc đời để tìm được mục đích sống và tiến gần hạnh phúc đích thực của riêng mình. “Hạnh phúc không xuất hiện khi bạn tìm kiếm nó; hạnh phúc là một sản phẩm phụ, nó xuất hiện khi có cái thiện, khi có tình yêu, khi không còn tham vọng, khi trí não khám phá một cách lặng lẽ cái chân thực”, theo Krishnamurti.
“Những cái ao nhỏ bé” mà ta đang sống
Theo Krishnamurti, khi giáp mặt với mọi vấn đề lớn nhỏ, con người luôn bị ảnh hưởng bởi những kết luận, giải thích có sẵn; thói quen; cái biết của quá khứ; triết lý suông của ai đó; ý kiến của “người lớn”; khuôn mẫu hành xử của xã hội...
“Cha mẹ, thầy cô, xã hội, tôn giáo, giáo sĩ - tất cả đều nói ‘hãy làm’ và ‘đừng làm’”, bậc tư tưởng nói, “Ta đào một cái lỗ nhỏ và ta tự giam hãm mình trong đó, để mặc cho cuộc sống trôi đi”.
Như một vấn đề kinh điển của người trẻ là lựa chọn nghề nghiệp, tại sao khi chọn nghề, nhiều người lại không ngừng sợ hãi: Sợ không làm cha mẹ hài lòng, sợ thất bại, sợ định kiến, sợ không phù hợp với xã hội?
Nỗi sợ chệch ra khuôn mẫu chung khiến ta sống và “chơi một cuộc chơi an toàn”. Nhưng điều đó dẫn đến tham vọng không ngừng, ta luôn trong tình trạng đấu tranh, cố gắng để “có nhiều hơn” về vật chất và tinh thần - bởi vì dường như cả xã hội đều đang di chuyển theo chiều hướng đó. Và sau cùng, dục vọng đó đẩy ta tới đau khổ, sa đoạ.
“Nền giáo dục của ta, môi trường sống của ta, toàn bộ nền văn hóa của ta khăng khăng nhấn mạnh rằng ta phải trở thành điều gì đó. Và ta không bao giờ chịu dừng lại để hỏi xem liệu điều ta đang theo đuổi có đáng để đấu tranh hay không”, Krishnamurti nói.
Làm mới mọi định nghĩa
Xuyên suốt 27 chương sách với hơn 100 câu trả lời, nhà tư tưởng người Ấn Độ liên tục thúc giục bạn đọc vượt thoát khỏi mọi ảnh hưởng, thói quen mà xã hội đã tạo nên trong trí não con người. “Hãy ném chúng hết xuống sông, bỏ chúng vào sọt rác”, ông nói.
Để làm được điều đó, bạn cần không ngừng quan sát trí não của mình để nhận biết mọi chuyển động, mọi ảo tưởng của nó lẫn thực tại mênh mông trước mắt, thấy “cái đang là”. Nói cách khác, đó chính là tỉnh thức, là “biết mình”, là thiền định.
Một khi có được sự tỉnh thức đó, bạn sẽ nhìn nhận mọi trúc trắc của bản thân dưới một lăng kính mới toanh. Thất bại và thành công; sự cố gắng và lười biếng; ngỗ nghịch và đạo đức; cái xấu và cái đẹp… Chúng sẽ không còn ở hình tướng cũ và không còn làm ta sợ hãi, không ngăn cản ta sống chân thực nữa.
Trong “Đôi điều cần suy ngẫm”, nhà tư tưởng cũng “bật lại” rất nhiều những khái niệm của hệ thống xã hội, điều ta cứ tưởng mình hiểu rõ: như giáo dục, tôn giáo, cải cách xã hội…
Chẳng hạn, với Krishnamurti, giáo dục đích thực là học từ cuộc sống rộng lớn và học cách thấu hiểu bản thân, chứ không phải từ kiến thức, kinh nghiệm, thầy cô. Tôn giáo chân chính nghĩa là cảm nhận từng phút giây cuộc sống và sống trong đó, chứ phải đi theo một vị đạo sư nào đó. Còn cải cách xã hội nghĩa là gì? Chính là thoát khỏi ảnh hưởng của xã hội và sống chân thực theo nội tâm mình. Khi đó, chính cuộc đời bạn “đã là một công tác xã hội rồi”...
Khi sống trong tỉnh thức và tự do, một người sẽ không còn muốn lẩn trốn vào công việc, giải trí, hay hy vọng tương lai; cũng không thắc mắc hạnh phúc là gì, hay điều gì sẽ xảy ra sau cái chết. Không cần phải hỏi những câu hỏi khuôn sáo vô nghĩa đó nữa, bởi hạnh phúc, tình yêu và niềm vui sống đã tràn ngập trong hiện tại.
Trong “Đôi điều cần suy ngẫm”, những chất vấn chẳng dễ chịu của Krishnamurti bắt người đối diện phải tự đào sâu chính mình, nhìn thấu mọi lừa dối, ảo tưởng, những điều họ chưa dám thừa nhận về bản thân. Ông khiến họ phải nghiêm túc ngừng lại để xem xét tất cả những điều đang theo đuổi, để từ đó “đối mặt với bản thân và thế giới với một sự tươi mới kinh ngạc của ánh bình minh” (lời nhà văn Mỹ Anne Morrow Lindbergh).
Xuất bản lần đầu năm 1964, với ngôn từ đơn giản, trực diện và những chất vấn giàu tính khai sáng, “Đôi điều cần suy ngẫm” là một trong những tác phẩm quen mặt bạn đọc nhất của Krishnamurti. Sách đã được dịch ra 22 thứ tiếng và lọt danh sách 100 tựa sách tinh thần hay nhất của thế kỷ 20.
Đức Đạt Lai Lạt Ma coi Krishnamurti là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại, cả Phương Đông lẫn Phương Tây đều kính trọng ông như một bậc đạo sư kính trọng nhất. GS. John Vu cũng cho biết đây là một người mà GS đã rất quan tâm, quí trọng từ lâu. Chính Krishnamurti tuyên bố mình là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái, đồng thời đặt mình nằm ngoài mọi tư tưởng, mọi ý thức hệ.
Trong gần 60 năm, Krishnamurti đã có vô vàn buổi nói chuyện về mọi chủ đề, với thính giả từ một vài cá nhân cho đến hàng ngàn người, ở bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe. Ông thường bàn về các chủ đề mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.
Các tựa sách của Krishnamurti đã được xuất bản tại Việt Nam: “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Tự do vượt trên sự hiểu biết”, “Thế giới trong bạn”, “Cuộc đời phía trước”...
First News - Trí Việt