Nhưng còn những độc giả thực sự thì sao? Liệu một năm không có giải Nobel có tước đi khỏi chúng ta cơ hội làm quen với một nhà văn mà chúng ta sẽ yêu mến và ngưỡng mộ? Ở đây câu trả lời rõ ràng là không. Trong hàng thập niên, lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã không khơi gợi được nhiều sự quan tâm từ các nhà xuất bản và độc giả Mỹ. (Điều này cũng đúng thôi, bởi trong thời gian ấy Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nhất quyết làm ngơ văn học Mỹ: Nhà văn người Mỹ gần đây nhất đoạt giải là Toni Morrison, năm 1993. Không, Bob Dylan không tính.) Lần cuối cùng bạn nghe người ta nói họ đang đọc J. M. G. Le Clézio hay Herta Müller là khi nào?
Điều này không chỉ là bởi độc giả Mỹ kháng cự văn học dịch, như các nhà xuất bản thường phàn nàn. Trái lại, trong hai thập niên qua, nhiều nhà văn nước ngoài đã để lại một tác động lớn lên nền văn học Mỹ. W. G. Sebald, Roberto Bolaño, Elena Ferrante, Karl Ove Knausgaard, và Haruki Murakami đều được ca ngợi ở đây và trên khắp thế giới; chưa ai trong số họ đoạt giải Nobel. Tuy thế, việc Viện Hàn lâm Thụy Điển không phản ánh được đánh giá thực sự của lịch sử văn học không phải là điều gì mới. Nếu bạn vẽ một biểu đồ Venn với những người đoạt giải Nobel ở một bên và các nhà văn có ảnh hưởng nhất và được đọc nhiều nhất của thế kỷ 20 ở bên kia thì vùng chồng lấn của họ sẽ nhỏ một cách bất ngờ. Giải Nobel đã bỏ qua hầu hết các nhà văn hiện đại quan trọng, bắt đầu từ Henrik Ibsen ở đầu thế kỷ 20, tiếp đến là Marcel Proust, James Joyce, Virginia Woolf, Anna Akhmatova, Jorge Luis Borges, Aimé Césaire, và nhiều người khác.
Điều này có có nghĩa là Viện Hàn lâm Thụy Điển đặc biệt thiếu năng lực trong việc điều hành giải không? Liệu một nhóm các nhà phê bình và các giáo sư khác ở một đất nước rộng lớn hơn, quốc tế hơn, có làm tốt hơn việc chọn người đoạt giải không? Rất có thể; và một tác dụng phụ có lợi của việc hoãn giải là kéo sự chú ý đến bản thân Viện Hàn lâm. Như mọi giải thưởng văn chương khác, nhưng còn hơn thế nữa, uy tín của giải Nobel không đòi hỏi chúng ta phải chú ý quá nhiều đến các giám khảo. Các viện sĩ của Viện Hàn lâm Thụy Điển không che giấu danh tính, nhưng ngoài Thụy Điển không ai biết đến họ, và báo chí tường thuật về giải cũng hiếm khi nêu tên họ; trong tâm trí của công chúng, giải Nobel về cơ bản là rơi từ trên trời xuống đầu người đoạt giải.
Nhưng nó đơn thuần là quyết định của một nhóm các độc giả nhất định với những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Như vụ bê bối gần đây đã cho thấy, họ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của động lực quyền lực và tranh giành chính trị như thành viên của bất cứ thể chế nào khác.
Nhưng vấn đề của giải Nobel văn chương còn đi sâu hơn thế. Không quan trọng những ai ở trong căn phòng nơi nó diễn ra, giải Nobel được thành lập trên ý tưởng là phẩm chất có thể được xác định tốt nhất bởi một nhóm nhỏ bao gồm các chuyên gia. Điều này có vẻ là có lý đối với giải thưởng trong các ngành khoa học và khoa học xã hội, bởi không ai ngoài các nhà chuyên môn có thể thâm nhập được vào các lĩnh vực này. Nhưng ngay cả trong các ngành khoa học cũng có một cảm giác ngày càng phổ biến rằng truyền thống chỉ trao giải cho một hoặc hai người đang làm méo mó cách khoa học hiện đại được tiến hành hiện nay: Hầu hết các khám phá quan trọng là công trình của tập thể, chứ không phải là của các thiên tài cá nhân ấp ủ trong cô lập.
Ít nhất thì văn chương cũng được sáng tác bởi các tác giả cá nhân; nhưng trong trường hợp này, sự phụ thuộc của giải Nobel vào đánh giá có vẻ chuyên môn dẫn đến một vấn đề khác. Bởi lẽ văn chương không hướng đến một nhóm đối tượng gồm các chuyên gia; nó chịu sự đánh giá của mọi độc giả. Văn chương cũng không phải là tiến bộ, với những khám phá mới thay thế cho những khám phá cũ: ngày nay Homer cũng mang tính đột phá như 2.500 năm trước. Điều này khiến việc xếp hạng các tác phẩm văn chương theo một tiêu chuẩn khách quan về sự cao thấp là bất khả. Những người khác nhau sẽ tìm được cảm hứng và sự bổ ích trong những cuốn sách khác nhau, bởi văn chương cũng đa dạng một cách không thể thu gọn được như chính con người.
Tất nhiên, giải Nobel văn chương sẽ trở lại vào năm 2019—nó đáp ứng sự quan tâm của quá nhiều người để có thể bị hủy bỏ vĩnh viễn. Nhưng tháng Mười tới sẽ là một thời điểm tốt để chúc mừng sự vắng mặt của nó bằng cách nhớ rằng, như nhà phê bình văn học vĩ đại của thế kỷ 18 Samuel Johnson đã nói, “bằng lương tri của những độc giả không bị suy đồi bởi định kiến văn chương… mọi kẻ mong có danh tiếng thi ca rốt cuộc đều phải được đánh giá.”
Adam Kirsch là nhà thơ và nhà phê bình văn học người Mỹ.
Nguồn: Adam Kirsch, “Readers Don’t Need the Nobel Prize in Literature,” The Atlantic, May 7, 2018.
Biên dịch: Tram Nguyen | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng