Chương 19: TÁM GIẢ THUYẾT VỀ Ý THỨC: MÁY TÍNH CÓ THỂ TRỞ NÊN CÓ Ý THỨC HAY KHÔNG?

Bây giờ, chúng ta đã sẵn sàng để trả lời câu hỏi quan trọng này. Những cách hỏi khác có thể là: Máy tính của tương lai là sự vật hay sinh vật? Nó đơn giản là tồn tại hay nó sẽ trải nghiệm thế giới này? Có hay không việc nó sẽ vừa có khả năng tự nhận thức vừa có thể suy ngẫm về khả năng đó? Năm 1997, khi bị máy tính Deep Blue của IBM đánh bại, nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov đã tự an ủi: “Dù sao nó cũng không biết tận hưởng niềm vui chiến thắng”. Vậy máy tính của tương lai có khả năng tận hưởng chiến thắng và thậm chí là có một chút cảm giác hả hê hay không?

Ở một cấp độ nào đó, chuyện máy tính có ý thức nghe có vẻ thật kỳ lạ. Bộ nhớ máy tính chỉ là một mớ bóng bán dẫn, với một số bóng được lắp theo chiều này và một số khác được lắp theo chiều ngược lại. Tất cả những gì bộ xử lý của máy tính làm là thực hiện một loạt các câu lệnh được mặc định sẵn. Làm thế nào nó có thể chuyển từ tính toán sang suy ngẫm được? Nhưng những ai tin máy móc có thể có ý thức sẽ chỉ ra rằng nếu bộ não được mô tả theo cách giản lược, nó cũng có vẻ như không hề có ý thức.

Chúng ta sẽ luôn gặp phải một thách thức cố hữu khi đưa ra dự đoán dựa vào một điểm dữ liệu duy nhất. Đến thời điểm này, thứ duy nhất mà chúng ta biết chắc chắn có ý thức chính là con người chúng ta. Thực tế này khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc xác định điều gì làm cho chúng ta có ý thức. Chúng ta cũng gặp phải vấn đề tương tự khi cố trả lời câu hỏi về sự sống trên các hành tinh khác. Có bao nhiêu hành tinh trong vũ trụ này không quan trọng, vì chúng ta không biết có bao nhiêu hành tinh có tồn tại sự sống. Chúng ta chỉ có một điểm dữ liệu duy nhất.

Có hai con đường hoàn toàn khác biệt dẫn đến sự ra đời của ý thức ở máy móc. Bạn có thể gọi con đường thứ nhất là đường thẳng, theo đó máy móc sẽ có một khoảnh khắc lóe sáng và tự có được ý thức. Đây cũng là tình huống chúng ta thường nghĩ đến khi đặt câu hỏi: “Máy móc có thể trở nên có ý thức không?”. Nhưng còn một con đường thứ hai, đó là lấy ý thức của chúng ta – cái tinh túy nhất trong mỗi con người – và tải lên máy tính.

Máy tính được truyền tải những tinh hoa cốt lõi của con người hiển nhiên sẽ có nhiều lợi thế hơn. Đó giống như là một sự kết hợp “trời sinh một cặp”. Chúng ta có ý thức, niềm đam mê và niềm vui sống. Máy móc có kết nối trực tiếp với Internet, chip xử lý cực nhanh và bộ nhớ hoàn hảo. Vậy phải chăng – xin thứ lỗi cho kiểu chơi chữ của tôi – con người với máy móc nên “kết đôi”?

Sam Altman cho rằng đó là con đường chúng ta sẽ đi:

Hợp nhất là kịch bản tốt nhất cho chúng ta. Bất kỳ kịch bản nào không có sự hợp nhất đều sẽ dẫn đến xung đột: hoặc chúng ta trở thành nô lệ của AI, hoặc AI thành nô lệ của chúng ta. Cách hợp nhất điên rồ nhất sẽ là con người tải bộ não của mình lên đám mây. Tôi thích cách này. Chúng ta cần nâng cấp khả năng của con người, vì hậu duệ của chúng ta hoặc sẽ chinh phục dải Ngân hà hoặc sẽ dập tắt ý thức trong vũ trụ này mãi mãi. Thật là một giai đoạn đáng sống!

James Lovelock, người đã đề ra Thuyết Gaia mà chúng ta đã tìm hiểu, cũng ủng hộ chiến lược kết hợp này.

Tôi nghĩ là giống như tất cả các sinh vật trên hành tinh này, loài người chúng ta cũng có tuổi thọ giới hạn. Nếu chúng ta có thể bằng cách nào đó hợp nhất với những sản phẩm điện tử do mình tạo ra trên một quy mô rộng lớn hơn, đó sẽ là bước tiến lớn tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người và Gaia.

Hợp nhất với máy móc có thể được xem như cuộc hôn nhân giữa con cháu của các vương quốc để duy trì hòa bình. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, động lực để duy trì hòa bình và sự ổn định đôi khi chính là quan hệ huyết thống và lợi ích chung giữa con cháu của các dòng tộc. Tôi nói “đôi khi” vì lịch sử chúng ta đầy rẫy những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, khi Thế chiến I nổ ra, trong hoàng gia của các nước như Hy Lạp, Romania, Đan Mạch, Na Uy, Đức, Nga, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh… đều có những người cháu của nữ hoàng Victoria, nhưng những quốc gia này đã tham chiến ở cả hai chiến tuyến.

Nếu việc hợp nhất ý thức con người với máy móc trở nên khả thi, nhiều người sẽ háo hức xếp hàng chờ đến lượt, giống như khi người ta xếp hàng đợi mua một chiếc iPhone mới được ra mắt. Triển vọng của sự bất tử trong bất kỳ thế giới tưởng tượng nào cũng đều hấp dẫn khủng khiếp. Nhưng đi kèm với đó là những kịch bản chẳng mấy tươi sáng. Trên lý thuyết, một người hoặc AGI tàn bạo sẽ có thể giành quyền kiểm soát vũ trụ ảo của chúng ta, sau đó hành hạ chúng ta theo những cách khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng suốt 1 triệu năm. Đây chắc hẳn là tình huống tệ nhất có thể xảy ra.

Những người ủng hộ giả thuyết này cho rằng đây chính là tương lai (có lẽ là không xa lắm) của chúng ta, đồng thời cũng là câu trả lời cho mọi vấn đề, từ môi trường bị hủy hoại đến bất bình đẳng thu nhập hay chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng. Chúng ta sẽ cùng từ bỏ mọi hình thức vật chất. Chỉ cần bước vào một cái buồng nhỏ, toàn bộ cơ thể bạn sẽ được quét để đưa vào máy, phần còn lại sẽ tiêu hủy. Tuy nhiên, trải nghiệm bạn cảm nhận được sẽ là bước vào và bước ra khỏi đó. Những người ủng hộ khả năng này sẽ cho rằng bạn thậm chí còn không nhận thấy sự khác biệt, trừ khi bạn bỗng dưng sở hữu sức mạnh siêu phàm hoặc có sức hấp dẫn lạ thường đối với người khác phái.

Xét trên một phương diện nào đó, những người ủng hộ giả thuyết này đã đúng. Một ngàn tỷ người có thể tồn tại cho đến khi cả vũ trụ này chết đi, trong một chiếc máy tính chỉ cần một ít năng lượng để duy trì. Các bản sao của chiếc máy tính đó cùng với ý thức của mọi người bên trong nó có thể được bắn vào không gian, đến khoảng không vô tận giữa các dải thiên hà và hoạt động vĩnh viễn mà không bị bất kỳ điều gì cản trở. Đây sẽ là một phương pháp hiệu quả, chắc chắn là vậy.

Mặc dù vậy, toàn bộ quá trình đó vẫn còn nhiều ẩn số chưa có lời giải đáp. Không ai biết cần thu thập bao nhiêu dữ liệu để sao chép một con người vào máy tính. Có phải chúng ta chỉ cần một lượng dữ liệu rất ít về mỗi nơ-ron thần kinh và đặc tính của các khớp thần kinh? Hay chúng ta sẽ phải nghiên cứu sâu hơn hàng tỷ lần trên mỗi nơ-ron và thu thập dữ liệu về vô số nguyên tử tạo nên các nơ-ron đó? Tôi nói “vô số” vì các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết có bao nhiêu phân tử tạo nên bộ não, nói chi là số lượng nguyên tử. Ngoài ra, chúng ta có thể còn cần một lượng dữ liệu đáng kể liên quan đến trạng thái của bộ não hoặc đến lượng phản ứng hóa học khổng lồ xảy ra trong bộ não. Vì lý do này, các mô hình nhằm ước tính những yêu cầu tính toán cần thiết để mô phỏng bộ não đã đạt đến con số cả ngàn tỷ. Bởi vậy, người ta chỉ có thể ước chừng là con người sẽ phát triển được AGI đích thực trong từ 5 đến 500 năm nữa.

Ngay cả khi đã biết được cách mô phỏng bộ não, bạn vẫn còn bài toán về cách truyền tải toàn bộ dữ liệu từ bộ não của bạn vào CPU của máy tính. Đây là bài toán có liên quan đến công nghệ quét dữ liệu. Trên lý thuyết, có ba cách để thực hiện điều này.

Cách thứ nhất là dựa trên ảnh quét từ bên ngoài. Nói theo hình ảnh so sánh cho dễ hiểu, cách tiếp cận này giống như là chúng ta tạo ra một bản sao của tòa nhà chọc trời Empire State Building ở Thành phố New York và toàn bộ nội thất của nó, chi tiết đến từng chiếc kẹp giấy ở bên trong, nhưng không cần bước vào tòa nhà. Nếu chúng ta cần mô phỏng bộ não chính xác đến từng phân tử thì xét về mặt toán học, điều này sẽ tương đương với việc tạo ra bản sao chính xác đến từng hạt bụi của tòa nhà. Hơn nữa, chính các hoạt động của bộ não mới là quan trọng, chứ không phải phần vật chất bên trong. Hãy tưởng tượng có một cơn gió lốc khổng lồ bên trong tòa nhà Empire State đang thổi tung mọi thứ với tốc độ gấp 200 lần một cơn gió lốc thông thường, đó chính là tốc độ mà các hoạt động trong bộ não diễn ra.

Cách thứ hai là đóng băng bộ não, phân tách nó theo từng tế bào thần kinh và ghi lại từng dữ liệu. Hoặc khó hơn nữa là bạn phải tách theo từng phân tử – một nhiệm vụ phức tạp đến mức không thể tưởng tượng được. Nhưng nếu điều đó hoàn toàn khả thi thì sao? Bạn có sẵn sàng trải qua quy trình đó không? Bạn đi ngủ, cơ thể của bạn sẽ được đóng băng,
bộ não của bạn được tách ra theo từng nơ-ron một và các dữ liệu được ghi nhận vào một mô hình máy tính. Khi mô hình đó được kích hoạt, chiếc máy tính sẽ nói: “Tất nhiên là tôi hy vọng chuyện này sẽ thành công. Ủa khoan đã! Trời đất ơi! Tôi đã được đưa vào máy tính rồi sao? Trời ơi, thật không thể tin nổi là cách này thật sự hiệu quả”.

Cách cuối cùng là tạo ra những con rô-bốt ở mức độ nguyên tử – hay còn gọi là rô-bốt nano – có thể len lỏi trong bộ não để thu thập thông tin và ghi lại toàn bộ nhiệm vụ đó. Một lần nữa, câu hỏi về cấp độ lại xuất hiện. Chúng ta sẽ thu thập dữ liệu ở cấp độ nơ-ron, phân tử hay nguyên tử? Có hàng trăm tỷ nơ-ron trong bộ não của chúng ta, và chuyện đếm các nơ-ron đã là cả một vấn đề. Đã vậy, mỗi nơ-ron lại được tạo thành từ 300.000 tỷ nguyên tử, và đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Nếu bất kỳ kỹ thuật nào kể trên có thể thành công và bạn lấy được các dữ liệu cần thiết để tải lên máy tính, thì chính xác là bạn được gì? Thứ nằm trên máy tính có phải là bạn không? Hay đó là bản sao của bạn? Hay đó là một bản mô phỏng về bạn? Cả ba thứ này đều khá khác nhau đấy.

Tóm lại, có hai con đường để máy móc trở nên có ý thức. Con đường thứ nhất là máy móc tự phát triển được ý thức, con đường thứ hai là máy móc đóng vai trò là những cái vỏ rỗng để con người tải ý thức vào đó. Hai trường hợp này có khả năng xảy ra hay không? Trong cả hai trường hợp, câu trả lời đều phụ thuộc vào việc ý thức hình thành như thế nào.

Chuyện này có thể nghe có vẻ bế tắc, vì tôi đã lặp lại nhiều lần rằng chúng ta không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Tuy nhiên, dù chúng ta không biết ý thức hình thành như thế nào, nhưng vẫn có nhiều giả thuyết đáng xem xét. Chúng ta có thể phân loại các giả thuyết này thành tám nhóm, và mỗi nhóm như vậy chính là một giả thuyết lớn. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét từng giả thuyết để xem máy móc có thể trở nên có ý thức hoặc con người có thể truyền ý thức của mình vào máy móc hay không.