Đa phần chúng ta sống một cuộc đời hết sức hời hợt và hài lòng với một cuộc sống như vậy, đối mặt với tất cả các vấn đề của ta một cách hời hợt, và do đó làm cho chúng tăng thêm, bởi vì các vấn đề của ta phức tạp một cách lạ thường, rất tinh vi và đòi hỏi một sự thâm nhập và thấu hiểu sâu sắc. Phần lớn những truyền thống xưa cũ, hoặc ta cố gắng tự điều chỉnh bản thân theo một xu hướng hiện đại, thế nên ta không bao giờ giải quyết được hoàn toàn và toàn diện bất cứ vấn đề nào, như chiến tranh, xung đột, bạo lực, vân vân. Ta cũng có xu hướng chỉ nhìn trên bề mặt, vì ta không biết cách nào để thâm nhập sâu vào bản thân mình; hoặc ta quan sát chính mình với một thái độ chán ghét nào đó, với một kết luận đã định đoạt trước nào đó, hoặc ta nhìn vào mình với hy vọng thay đổi những gì ta thấy.
Ta phải thấu hiểu bản thân một cách toàn diện
Tôi nghĩ điều quan trọng là ta phải thấu hiểu bản thân một cách toàn diện, trọn vẹn, bởi vì ta là thế giới và thế giới là ta. Đây là một thực tế tuyệt đối chứ không chỉ là một phát biểu cho có hay một lý thuyết, mà là điều ta đã cảm nhận thật sâu, với tất cả nỗi thống khổ của nó, sự đau đớn, tàn ác, sự chia cắt, chia rẽ giữa các quốc gia và tôn giáo. Ta không bao giờ có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong số này nếu không thật sự hiểu được chính mình, bởi vì thế giới chính là ta; và nếu tôi hiểu bản thân thì sẽ có cuộc sống ở một chiều nhận thức hoàn toàn khác. Liệu mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu chính mình, không chỉ ở cấp độ nông cạn của trí não, mà còn phải thâm nhập vào các cấp độ sâu sắc của con người chúng ta?
Ta nhìn chính mình như thế nào?
Liệu có thể nào nhìn vào chính mình một cách trọn vẹn mà không có sự chia tách giữa cái phần tỉnh thức và các tầng lớp sâu hơn của thức mà có lẽ ta hoàn toàn không nhận thức được về chúng hay không? Có thể nào quan sát, thấy được toàn bộ chuyển động của cái “tôi”, cái ngã, “cái đang là”, với một trí não không phân tích, sao cho ngay trong chính bản thân sự quan sát đó lập tức có một sự thấu hiểu hoàn toàn hay không? Đó là điều ta sẽ khám phá; đó là vấn đề vô cùng hệ trọng: khám phá xem liệu ta có thể vượt qua chính mình và tìm thấy thực tại hay không, có thể tiếp cận điều gì đó không thể đo lường bằng trí não và sống mà không có bất kỳ ảo tưởng nào hay không.
Đây là mục tiêu chính của mọi tôn giáo trên khắp thế giới; và trong quá trình tìm cách vượt lên chính mình, các tôn giáo đã bị mắc kẹt trong những huyền thoại khác nhau, huyền thoại của Kitô giáo, huyền thoại Hindu giáo, toàn bộ văn hóa của những huyền thoại vốn không cần thiết và hoàn toàn không thích hợp.
Nhìn vào chính mình… như ta là
Vậy bây giờ, có thể nào nhìn vào chính mình mà không hề phân tích, và nhờ đó có thể quan sát mà không có cái “tôi” đang quan sát không? Tôi muốn thấu hiểu chính mình; và tôi biết cái “tôi” rất phức tạp; nó là một vật thể sống, chứ không phải một thứ bất động đã chết, nó là vật thể sống đầy sinh lực, luôn chuyển động, nó không chỉ là một sự tích lũy ký ức, kinh nghiệm và kiến thức. Nó là một vật thể sống như xã hội là một vật thể sống vậy, bởi vì ta đã tạo ra nó. Bây giờ, có thể nào nhìn mà không có người quan sát đang quan sát thứ được quan sát không? Nếu có người quan sát đang nhìn thì anh ta phải nhìn thông qua sự phân chia manh mún, thông qua sự chia tách, và ở đâu có chia tách, cả trong tôi và ngoài tôi, thì ở đó tất phải có xung đột. Bên ngoài là những xung đột quốc gia, xung đột kinh tế, tôn giáo, còn bên trong có cả một địa hạt bao la, không chỉ trên bề mặt mà cả một vùng mênh mông ta hầu như chưa biết gì về nó. Vậy, nếu khi nhìn mà có sự chia tách thành “tôi” và “không phải tôi”, thành người quan sát và vật được quan sát, thành người tư duy và tư duy, người trải nghiệm và trải nghiệm, thì lúc đó tất phải có xung đột.
Ta hỏi liệu có thể ta sẽ phải tự mình khám phá - quan sát chính mình mà không có sự chia tách này không? Và để khám phá, ta hy vọng đến được trạng thái tri giác không có sự chia tách, không thông qua phân tích – bởi vì khi đó sẽ có sự chia tách giữa người phân tích và thứ được phân tích. Khi tự quan sát chính mình, thực tế là có sự chia tách này. Khi tự quan sát, tôi nói: “Điều này tốt, điều kia xấu”, “Điều này đúng, điều kia sai”, “Điều này có giá trị, điều kia không có giá trị”, “Điều này xác đáng và điều kia không xác đáng”. Cho nên khi tôi nhìn vào chính tôi, người quan sát bị quy định bởi văn hóa mà tôi đã sống trong đó; vậy người quan sát là ký ức, người quan sát là thực thể bị quy định – là cái “tôi”. Theo bối cảnh bị quy định của cái “tôi” đó, tôi phán xét, tôi đánh giá; tôi quan sát chính mình theo nền văn hóa đó, và theo tình trạng quy định của mình, tôi hy vọng tạo ra một cuộc thay đổi trong những gì được quan sát. Đây là điều mà ta luôn luôn làm: hy vọng thay đổi điều được quan sát thông qua phân tích, thông qua kiểm soát, thông qua cải cách, vân vân. Đó là một thực tế.
Và tôi muốn khám phá tại sao sự chia tách này lại tồn tại, thế là tôi bắt đầu phân tích để khám phá nguyên nhân. Phân tích không chỉ để tìm ra nguyên nhân mà ta còn hy vọng vượt qua nó nữa. Tôi giận dữ, tham lam, ganh tỵ, tàn nhẫn, bạo lực, loạn thần kinh hay gì đó và tôi bắt đầu phân tích nguyên nhân của trạng thái thần kinh này.
Phân tích là một phần trong văn hóa của ta bởi vì ta đã được rèn luyện phân tích từ nhỏ, hy vọng rằng nhờ cách này ta sẽ giải quyết được các vấn đề của mình. Không biết bao nhiêu sách đã được viết về đề tài này; các nhà tâm lý học hy vọng tìm thấy nguyên nhân của các chứng rối loạn thần kinh, thấu hiểu nó và vượt qua nó.
Vậy phân tích bao hàm những gì? Nó có bao hàm thời gian không? Tôi cần nhiều thời gian để tự phân tích chính tôi. Tôi phải hết sức thận trọng xem xét từng phản ứng, từng sự kiện, từng tư tưởng và truy ra nguồn gốc của nó; tất cả những việc ấy đều cần thời gian. Trong khi đó, các sự kiện tiếp tục diễn ra, những sự cố, những phản ứng khác mà tôi không thể thấu hiểu tức khắc. Đó là một vấn đề: phân tích cần thời gian.
Và phân tích cũng hàm ý rằng bất cứ vật gì được phân tích tất phải có chỗ kết thúc và hoàn tất, nếu nó không như thể (mà thật ra nó không thể), thì kết luận sẽ không chính xác, và với phân tích sai lầm này tôi tiến hành xem xét kinh nghiệm tiếp theo, sự kiện tiếp theo, một chút tiếp theo của vấn đề nan giải. Vậy là tôi luôn luôn xuất phát từ một tiền đề sai lầm, do vậy những phán xét và đánh giá của tôi đều sai lầm và tôi không ngừng mở rộng phạm vi của cái sai.
Phân tích, về bản chất, bao hàm một người phân tích và người hay vật được phân tích, dù người phân tích đó là chuyên gia phân tâm học hay chính bạn; và người phân tích đó trong sự xem xét của mình đã nuôi dưỡng và duy trì sự chia tách, việc này làm tăng thêm xung đột. Phân tích bao hàm tất cả những điều sau: thời gian, đánh giá mọi kinh nghiệm và mọi tư tưởng một cách hoàn chỉnh (việc này vốn không thể) và sự chia tách giữa người quan sát với cái được quan sát vốn làm tăng thêm xung đột.
Bây giờ, tôi có thể nào phân tích trí não bề mặt của tôi, những hành vi nông cạn thường ngày của nó, nhưng làm thế nào tôi hiểu được khám phá được các tầng lớp sâu hơn, bởi vì tôi muốn thấu hiểu chính mình một cách trọn vẹn, xuyên suốt: Tôi không muốn bỏ sót bất kỳ góc khuất hay điểm tối nào; tôi muốn phân tích mọi thứ, để không còn lại gì trong trí não mà tôi chưa thấu hiểu hoàn toàn. Nếu có một góc khuất nào chưa được xem xét, thì nó sẽ bóp méo mọi tư tưởng, mọi hành động. Nhưng phân tích ngụ ý có sự trì hoãn hành động.
Khi tôi đang phân tích chính mình, lúc đó tôi không hành động tôi chờ đến lúc đã phân tích xong có lẽ lúc đó tôi sẽ hành động đúng đắn; cho nên phân tích là khước từ hành động. Hành động có nghĩa là ngay lúc này chứ không phải ngày mai. Khi thấy hết mọi điều này, làm thế nào trí não có thể thấu hiểu hoàn toàn chính các tầng lớp thâm sâu, ẩn khuất của nó? Tất cả mọi điều này hàm ý là hiểu chính tôi.
Có thể hiểu thông qua những giấc mơ không? Tức là, liệu trong lúc ngủ, các giấc mơ có thể nào thổ lộ các tầng lớp thâm sâu của vô thức, hay điều gì ẩn khuất không? Các chuyên gia tâm lý nói rằng bạn phải mơ và rằng nếu bạn không mơ, điều đó cho thấy có một loại rối loạn thần kinh nào đó nơi bạn. Họ cũng nói rằng các giấc mơ giúp bạn hiểu được tất cả những hành vi của phần trí não còn ẩn giấu. Vì thế ta phải khám phá ý nghĩa của những giấc mơ và việc có nên mộng mị hay không. Hay phải chăng các giấc mơ chỉ đơn thuần là một hình thức biểu tượng cho sự nối tiếp liên tục của cuộc sống hằng ngày?
Trong suốt thời gian thức trong ngày, trí não bị bận rộn bởi tất cả những thứ tầm thường vụn vặt của cuộc sống – công việc nơi văn phòng việc nhà, những cuộc cãi vã và tức giận trong các mối quan hệ, hình ảnh đánh nhau với hình ảnh vân vân. Ngay trước khi bạn ngủ, bạn sẽ kiểm xét lại mọi thứ xảy ra trong ngày. Chẳng phải đây là điều vẫn xảy đến với bạn ngay trước khi chìm vào giấc ngủ sao? Bạn làm sống lại mọi sự: “Mình lẽ ra nên làm điều này, mình lẽ ra nên nói điều nọ”, bạn rà lại hết thời gian trong ngày, tất cả tư tưởng của bạn, tất cả hành vi của bạn, bạn đã tức giận, ganh tỵ ra sao, vân vân. Vậy thì tại sao trí não làm thế? Tại sao trí não kiểm xét lại những việc xảy ra và những sự kiện trong ngày? Phải chăng bởi vì trí não muốn thiết lập trật tự? Trí não rà xét lại những hành vi trong ngày bởi vì nó muốn đưa mọi thứ vào trật tự; nếu không, khi bạn ngủ, não bộ sẽ tiếp tục làm việc và nỗ lực đem lại trật tự trong chính nó, bởi vì não chỉ có thể vận hành bình thường lành mạnh trong trạng thái trật tự hoàn toàn. Do đó, nếu không có trật tự trong suốt ngày sống não bộ sẽ cố gắng lập lại trật tự trong khi thân thể đang yên lặng, đang ngủ, và việc lập lại trật tự đó là một phần của những giấc mơ.