Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp déjà vu không nhất thiết cần lý giải theo hướng luân hồi như vậy mà có nhiều cách lý giải khác hợp lý hơn. Ví dụ, một số trường hợp có thể đến từ kiến thức không-suy-luận về tương lai mà chúng ta gọi là tiên tri. Tiên tri đôi khi xảy ra trong giấc mơ. Giả sử ai đó mơ về một nơi anh ta chưa từng thấy nhưng sau này sẽ đến thăm, mặc dù anh ta không biết điều này tại thời điểm mơ. Sau đó, có thể giấc mơ sẽ chìm vào quên lãng nhưng tàn dư của nó vẫn đọng lại ngay dưới ngưỡng ý thức của anh ta. Các cuộc thử nghiệm với ký ức đã cho thấy “nhận biết quan trọng hơn nhớ lại”. Điều này có nghĩa là dù không thể nhớ lại một cái tên nào đó chẳng hạn, chúng ta vẫn có thể nhận ra khi thấy nó bên cạnh những cái tên khác trong một danh sách dài. Trong ví dụ trên, khi thật sự đến thăm nơi mình đã mơ thấy, có thể chủ thể của giấc mơ sẽ thấy nơi đó trông quen thuộc và thậm chí nghĩ rằng mình đã nhìn thấy nó trước đây, mặc dù anh ta không thể giải thích được tại sao mình lại nghĩ như vậy. Một vài ví dụ về trải nghiệm déjà vu có vẻ củng cố cho cách lý giải này. Trong những ví dụ này, người có trải nghiệm déjà vu về sau đã nhớ lại giấc mơ mà trước đó anh ta có về nơi có vẻ quen thuộc kia.
Một số trải nghiệm déjà vu thậm chí còn có thể được giải thích theo cách đơn giản hơn. Có thể khung cảnh có vẻ quen thuộc đó tương tự với cảnh tượng mà chủ thể của trải nghiệm này từng nhìn thấy, nhưng anh ta không nhận ra sự tương đồng giữa chúng. Tình trạng tương tự xảy ra khi chúng ta tiếp cận và thậm chí gọi tên một người hoàn toàn xa lạ mà ta nhận nhầm thành người quen. Trong tình huống này, người lạ kia sẽ nhanh chóng nói cho chúng ta biết chúng ta đã sai, nếu chúng ta không tự nhận ra chuyện đó trước. Tuy nhiên, một khung cảnh hoặc một sự kiện đang diễn ra không thể lên tiếng sửa chữa sai lầm của chúng ta; vì vậy, khi khung cảnh có vẻ quen thuộc, một số người sẽ tin chắc rằng họ “đã từng ở đó”.
Cách lý giải theo hướng thần kinh học cũng được đề xuất cho một số trải nghiệm déjà vu. Nếu hai bán cầu não của chúng ta hoạt động hơi lệch pha với nhau, thông tin được tiếp nhận vào ý thức thông qua một bán cầu não sẽ được bán cầu não đó ghi nhận như thông tin mới, trong khi ở bán cầu còn lại vào khoảng một phần ngàn giây sau, thông tin đó sẽ được ghi nhận như thông tin cũ. Tôi không biết bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy hiện tượng này có thể xảy ra; và cho dù có thể xảy ra thì nó cũng không thể lý giải được cho một vài trường hợp déjà vu mà trong đó chủ thể cho thấy sự hiểu biết về một địa điểm mà anh ta không thể biết được theo cách thông thường.