Đặng Quốc Bảo là tác giả của hai cuốn sách dành cho tuổi trẻ: “Không giới hạn”, viết về cách nhận diện và chinh phục, ước mơ của bản thân, cùng với “Thức dậy và Mơ đi”, cuốn cẩm nang về hành trình tìm kiếm cuộc sống mơ ước, một cuộc sống ý nghĩa, đa dạng và đầy màu sắc đối với bản thân và xã hội. Ngoài ra, còn là tác giả của Bộ sách "Kỹ năng trình bày không chỉ của thiên tài" gồm hai tập "Chuyện con quạ muốn bay đến Sao Hỏa" và "Tay tác giả muốn làm điều thật lạ”, do NXB Trẻ phát hành.
Trước đây, anh Bảo từng giữ vị trí Chuyên Viên Phát Triển Năng Lực Tổ Chức của Dale Carnegie Việt Nam, Thành viên sáng lập của Miha Bakery và hệ thống cung cấp thức uống bổ dưỡng cho văn phòng Vitaminvanphong.com. Anh cũng từng là Chủ tịch CLB Diễn thuyết Sài Gòn, một sân chơi dành cho các thành viên yêu thích lĩnh vực diễn thuyết và mong muốn phát triển kỹ năng nói trước công chúng.
Đôi dòng suy nghĩ của anh về việc đọc sách:
Đối với tôi, sách như thức ăn cho tâm hồn. Và sự so sánh đó đã nói lên rất nhiều điều.
Thứ nhất, nếu không có thức ăn, cơ thể sẽ suy kiệt. Nếu không có sách, tâm hồn cũng sẽ héo mòn. Dù hiện tại, khoa học phát triển, mọi người có thể kết nối với nhau, kết nối với thế giới đơn giản chỉ qua vài cái nhấp chuột. Tuy nhiên, sách vẫn giữ một vai trò không thể nào thay thế trong cuộc sống con người. Bằng chứng là nó vẫn tồn tại và ngày một phát triển. Bởi mỗi người đọc sách theo một nhịp điệu rất khác nhau, và theo mức độ hiểu biết của mình. Có người đọc nhanh, có người đọc chậm. Có người thích thể loại này, có người thích thể loại khác. Nó là một sự tiếp nhận chủ động. Khác với việc học trong trường lớp, là một sự tiếp nhận bị động. Và chủ động thì luôn tốt hơn rất nhiều.
Thứ hai, không phải loại thức ăn nào cũng giống nhau, và cũng không phải thể loại sách nào cũng giống nhau.
Chúng ta thường dễ bị thu hút bởi những loại thức ăn không tốt cho sức khỏe, ví dụ như bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh hoặc chiên xào dầu mỡ. Chúng thật lôi cuốn và đầy hấp dẫn. Chúng ta đều biết nó sẽ tác động như thế nào đối với cơ thể. Nếu như lâu lâu thưởng thức thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu tất cả thức ăn mà bạn hấp thụ đều đến từ nguồn này thì quả thật không tốt chút nào.
Sách cũng vậy. Có những thể loại sách dễ đọc, dễ tiêu hóa, nhưng nó không hề tốt cho tâm hồn và cảm xúc, chứ chưa nói đến giá trị kiến thức. Việc đọc quá nhiều loại sách này, đôi khi phản tác dụng, khiến chúng ta có cái nhìn đầy sai lệch về thực tế, thờ ơ với mọi việc.
Thứ ba, ăn nhiều quá thì không tốt. Cơ thể cũng cần thời gian để tiêu hóa những gì vừa hấp thụ. Và nếu như không hấp thụ được, thì sẽ sinh ra rất nhiều bệnh khác. Sách cũng vậy. Đọc quá nhiều đôi khi phản tác dụng, vì chúng ta chưa kịp hiểu được những gì được đề cập trong sách. Nguy hại hơn, chúng ta nghĩ rằng mình đã hiểu. Nguy hại hơn nữa, đọc quá nhiều có thể đẩy một người rơi vào bẫy kiến thức, tưởng rằng mình biết rất nhiều, nhưng thực tế đó chỉ là thông tin, không phải kiến thức. Thông tin là những gì ta biết. Kiến thức là những gì ta đã lao động với thông tin vừa có, và hiểu riêng cho mình. Hãy ăn uống điều độ. Và đọc sách cũng vậy.
Thứ tư, mỗi người có một khẩu vị khác nhau về thức ăn. Có người thích món Hoa, có người thích món Thái, có người thích món Nhật. Điều đó là bình thường. Hãy tôn trọng sự khác biệt về khẩu vị. Sách cũng vậy. Mỗi người đều có sở thích riêng. Không thể nói rằng người này kém hơn người kia vì thể loại sách họ chọn. Đơn giản, hãy cứ đọc những gì mình thích, và đôi khi có thể thử thêm một vài món mới. Điều quan trọng là hãy giữ một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng.
Sách là thức ăn cho tâm hồn. Vì vậy, hãy chọn lựa thật cẩn thận. Bạn sẽ không thể nào biết được những ý tưởng trong một cuốn sách có thể làm gì đâu.