Plato bàn về Dân chủ, Chuyên chế, và Nhà nước Lý tưởng
Plato bàn về Dân chủ, Chuyên chế, và Nhà nước Lý tưởng
Plato sẽ nhận xét gì về dân chủ hiện đại ngày nay?

 

Ở bất kỳ thành phố nào tại Hy Lạp, có lẽ có không quá 50 người thuần phục được môn cờ đam, và chắc chắn cũng không có nổi từng đấy vị vua – Plato, Làm Chính trị (Statesman)

 

Trong một trong những cuốn sách của Plato, nhà triết học Protagoras kể một câu chuyện trong sáng thế ký. Ngày xửa ngày xưa, các vị thần đã nhào nặn các con vật bằng cách trộn đất với lửa và yêu cầu Prometheus và anh trai Epimetheus ban cho mỗi con vật một phẩm chất thích hợp. Để ngăn chặn sự tuyệt chủng của bất kỳ loài vật nào, Epimetheus cho một số loài cơ bắp cường tráng, một số loài khác sự nhanh nhẹn, cánh, móng vuốt, móng guốc, bộ lông dày, hay bộ da biết ngụy trang. Nhưng đến lượt con người, Epimetheus không còn gì để cho họ nữa. Thấy con người trần truồng và yếu ớt như vậy, Prometheus đã thương tình cho họ lửa và truyền cho họ nghề rèn cơ khí, thứ mà ngài đã lấy cắp từ Athena và Hephaestus. Nhưng không may là Prometheus đã không cho con người trí khôn chính trị, vì vậy họ sống rải rác và cô lập, trong sự chiếu cố của những loài động vật hoang dã khác. Mỗi lần họ cố gắng tập hợp lại cũng nhau lại để tăng sự an toàn, họ lại đối xử tệ với nhau đến mức lại một lần nữa giải tán và phải sống cô độc bơ vơ.

 

Con người vẫn qua năm tháng tồn tại với thiên nhiên, và họ rất thờ phụng các vị thần. Zeus, người đứng đầu các vị thần, đã thương hại họ và ra lệnh cho sứ giả Hermes đem đến cho họ lòng tôn kính và công lý. Hermes hỏi Zeus nên chia những đức tính này như thế nào: nên chia cho chỉ một số ít bọn họ, như tài năng nghệ thuật chỉ dành cho những người được chọn lựa, hay nên chia cho tất cả?

 

“Hãy chia cho tất cả bọn họ”, Zeus nói; Ta thích mỗi người đều có trong mình một phần là người tốt; vì các thành phố không thể tồn tại nếu chỉ một số ít người sẻ chia những điều tốt đẹp như trong nghệ thuật được. Hơn nữa, hãy ban lệnh rằng bất cư kẻ nào mất đi tôn nghiêm và công lý thì sẽ bị kết án tử hình, vì hắn ta là bệnh dịch của đất nước.

 

Trong trận Aegospotami năm 405 trước Công nguyên, trận chiến lớn cuối cùng của Chiến tranh Peloponnesian, quân Sparta đã chiếm được hạm đội của Athens. Con tàu chiến mang tin thất bại đã cập cảng Piraeus ở Athens vào ban đêm, và, theo lời của nhà sử học Xenophon,

 

... tin bại trận lan truyền rất nhanh, và một âm thanh rền rĩ kéo dài phát ra đầu tiên từ Piraeus, đi dọc theo những bức tường dài cho đến tận bên trong thành Athens. Đêm đó không ai ngủ. Họ khóc than cho những gì đã mất, nhưng còn tiếc thương hơn cho số phận của chính mình.

 

Tuy nhiên, quân đội Sparta đã không tiến hành xử tử tất cả đàn ông Athen, bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ, và san bằng thành phố - như những gì đã từng xảy ra với thành Plataea. Đổi lại, Athens đã phải đồng ý với các điều khoản đầu hàng của Sparta, và trở thành lãnh thổ của người Sparta, chịu sự kiểm soát của người Sparta. Sparta đã đặt dấu chấm dứt cho thể chế chính trị từng là niềm tự hào và là biểu tượng của chủ quyền Athens, áp đặt lên Athens chế độ quyền lực tập trung (hay chế độ đầu sỏ), và bổ nhiệm ra Ba mươi Bạo chúa đứng đầu.

 

Người dân Athens với nền dân chủ trước khi bị Sparta chiếm đóng

 

Vì người dân đổ lỗi cho chế độ dân chủ về sự thất bại của Athens, nên ban đầu họ rất ủng hộ chế độ Ba mươi này. Nhưng chế độ đầu sỏ lại tàn bạo và áp bức đến mức làm khiếp sợ tất cả trừ những kẻ ủng hộ cuồng tín nhất. Sau khi các lực lượng dân chủ lưu vong đánh bại lực lượng của quân đầu sỏ và các đồng minh người Sparta, Sparta đã miễn cưỡng khôi phục một hình thức dân chủ trong khuôn khổ cho Athens.

Sau cái chết của người chú Critias - kẻ đầu tiên và tồi tệ nhất trong số Ba mươi Bạo Chúa,  Plato một lần nữa suy ngẫm về xây dựng sự nghiệp trong chính trị. Lúc đầu, sự kìm nén và rụt rè của nền dân chủ vừa được khôi phục khiến ông tin mình có thể tìm một vị trí trong giáo hội (hội đồng Athens), nhưng phiên tòa và cái chết của Socrates, một người bạn và cũng là người thầy của ông , đã xóa tan bất kỳ ảo tưởng mong manh nào mà ông đã từng lạc quan về chính trị Athens. Sau khi chế độ Ba mươi sụp đổ, tên tuổi của Plato đã từ tài sản biến thành món nợ: ông đánh mất tất cả bạn bè chính trị và đồng minh, và chính lý lịch, tư tưởng chính trị và mối quan hệ với Socrates khiến ông không được người đương thời đón nhận.

 

 

Người Lãnh đạo Ưu tú cho Nhà nước Lý tưởng

 

 

Giống như Plato, Socrates cũng từng cân nhắc việc trở thành một chính trị gia, nhưng nỗi sợ sẽ sớm bị giết và sẽ không mang lại được ích lợi gì cho nhân loại đã ngăn cản ông làm điều đó. Tại phiên tòa của mình, ông cố gắng giải thích cho sự thờ ơ lãnh đạm với các vấn đề của công chúng với năm trăm bồi thẩm rằng:

 

 

Ôi, hỡi người dân Athens, tôi tin chắc rằng nếu tôi tham gia vào chính trị, đáng lẽ tôi đã chết từ lâu rồi và không làm được gì có ích cho mọi người cũng như cho chính bản thân tôi. Và xin đừng cảm thấy bị xúc phạm khi tôi nói ra sự thật: vì sự thật là sẽ không có người nào gây chiến với chúng ta hay bất kỳ người nào khác, và làm như vậy giữa những bất chính và sai trái trong xã hội, mà có khả năng sống sót. Một người thực sự đấu tranh cho lẽ phải, kể cả nếu anh ta chỉ được sống trong một thời gian ngắn, cần phải làm điều đó trong sự riêng tư chứ không phải công khai mọi thứ cho thiên hạ.

 

Do đã được biết những mặt hạn chế của cả chế độ chuyên chế và dân chủ, Plato đã nghĩ ra một hệ thống chính quyền khác tốt hơn. Trong Cộng hòa, mà theo quan điểm của tôi tác phẩm này không gì khác là một thử nghiệm trong tư tưởng, ông đã hình dung ra một nhà nước lý tưởng được cai trị bởi một số ít người ưu tú, được lựa chọn với quan sát chặt chẽ và sự kiểm tra nghiêm ngặt, và xuất thân từ một tầng lớp có học thức cao.

Những “người giám hộ” này sẽ không nắm giữ bất kỳ tài sản riêng nào. Thay vào đó, họ sẽ sống và sinh hoạt trong một ngôi nhà chung do nhà nước cung cấp, và được nhận từ người dân không nhiều hơn nhu cầu tối thiểu hàng ngày của họ. Bất kể, hoặc chính bởi vì, những thiếu thốn này, những người giám hộ sẽ là người hạnh phúc nhất trong nhân loại. Nếu anh ta có trở nên ‘say mê và có chút tự phụ nông cạn về hạnh phúc’ và muốn điều chỉnh lại trạng thái phù hợp cho bản thân, anh ta sẽ phải 'học cách nói khôn ngoan của Hesiod, tức là khi nói, anh ta chỉ nên nói ra một nửa những gì đang thực sự diễn ra’.

Aristotle và Plato chia sẻ nhiều tư tưởng tương đồng về chính trị

Đối với Plato, để một người có thể đưa ra lời khuyên tốt về các vấn đề tối cao của nhà nước, thì người đó phải là người rất công bằng, và đó cũng chính là một phần của đức hạnh và sự hiểu thấu bản thân. Người lao vào chính trị mà không hiểu nổi bản thân mình sẽ rơi vào sai lầm và gây đau khổ cho bản thân và người khác. Người không khôn ngoan thì không thể hạnh phúc, và một người như vậy tốt hơn là nên có một người lãnh đạo thông thái.

Các Bạo chúa, những kẻ bất công nhất trong xã hội, cũng là những kẻ bất hạnh nhất. Bạo chúa liên tục bị cám dỗ lôi kéo bởi những ham muốn vô luật pháp dẫn đến thực hiện mọi hành vi ghê tởm. Tâm hồn hắn ta đầy rối loạn và hối tiếc, và không thể làm được những gì mà một tâm hồn con người thường mong mỏi (điều này tương đồng với quan niệm của Socrates rằng trên thực tế, một người xấu không phải là chính anh ta). Chuyên quyền của thể chế thậm chí còn tồi tệ hơn chuyên quyền ở quy mô cá nhân hay hộ gia đình, bởi vì bạo chúa chính trị ở vị trí thuận lợi hơn để nuôi dưỡng ham muốn xấu xa, và hơn nữa, bởi vì hắn ta có nhiều kẻ thù vây quanh theo dõi khắp nơi nên cuối cùng sẽ trở thành, trước nhất là tù nhân và sau rốt là nạn nhân của những mối thâm thù đó.

Những người cầm quyền tốt nhất và công bằng nhất là những người miễn cưỡng phải cai trị nhất, trong khi những kẻ tồi tệ nhất và bất công nhất thì lại vô cùng háo hức leo lên nắm quyền. Do đó, nếu nhà nước được sắp xếp tốt, nó phải mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống của người cai trị, vì chỉ khi đó những người đứng đầu mới được cai trị những thần dân thực sự giàu có, không đo bằng bạc và vàng, mà đo bằng đức hạnh và trí tuệ - những điều phước lành thật sự trong cuộc sống. Và cuộc sống duy nhất xem thường cuộc sống của tham vọng chính trị là cuộc sống của một triết gia.

Người cai trị tốt nhất là người miễn cưỡng phải lên ngôi nhất 

Nhà nước lý tưởng là nhà nước của chế độ quý tộc (aristocracy), trong đó quy tắc được thực thi bởi một hoặc nhiều người có vai vế và thành tựu nổi trội trong xã hội. Thật không may, do bản chất của con người, nhà nước lý tưởng không ổn định và có khả năng thoái hóa thành chế độ timocracy (chính quyền thuộc về tay chủ sở hữu đất đai), chế độ đầu sỏ, dân chủ, và cuối cùng là chuyên chế. Nhà nước không phải được cấu thành từ gỗ sồi hay sỏi đá, mà từ con người, và do đó giống và phản ánh những người tạo ra nó. Chế độ quý tộc được tạo nên từ những người công bằng và tốt bụng; timocracy là chế độ những người tự hào và trọng danh dự; chế độ đầu sỏ là của những kẻ khốn khổ và những kẻ làm ra tiền; chế độ dân chủ là của những người bị cám dỗ bởi những ham muốn và nhu cầu không cần thiết; và chế độ chuyên chế là của những người bị dẫn dụ bởi những ham muốn xấu xa có hại cho xã hội.

Plato chỉ ra một quá trình chi tiết về sự suy thoái của nhà nước từ chế độ quý tộc sang chuyên chế thông qua chế độ dân chủ, đầu sỏ và dân chủ. Dân chủ nói riêng là phát sinh từ cuộc nổi dậy của tầng lớp bị chà đạp trong xã hội của chế độ đầu sỏ. Nhà nước dân chủ ‘đầy tự do và thẳng thắn’, và mọi người dân đều có thể sống theo ý mình.

 

Những đặc điểm này và các đặc điểm khác nữa của chế độ dân chủ mang một hình thái chính phủ quyến rũ và mời gọi, với đầy đủ sự đa dạng và cả rối loạn, và trải đều trong xã hội những sự bình đẳng và và bất bình đẳng như nhau.

 

Tuy nhiên, dân chúng sẽ phát triển thêm rất nhiều mong muốn không cần thiết khiến họ chi tiêu không ngừng nghỉ nhưng lại không bao giờ bắt tay vào lao động, và ‘ngày càng rời xa những thành tựu tốt đẹp, những khát vọng hợp lý và cả những lời nói thật'. Kết quả là, nhà nước bị cai trị bởi những người không có đủ tư cách nắm quyền.

 

 

Các hình thức chính phủ theo quan niệm của Plato

 

 

Trong cuốn Làm Chính trị (Statesman), Plato cho rằng có ba hình thức chính phủ khác ngoài chính phủ chân chính: quân chủ, đầu sỏ và dân chủ. Mỗi hình thức trong số này lại được chia làm hai theo các tiêu chí: tự nguyện và không tự nguyện, nghèo đói và giàu có, luật pháp và vô luật pháp. Chế độ quân chủ chia thành hoàng gia và chuyên chế, đầu sỏ chia thành quý tộc và tài phiệt, và dân chủ có thể có hoặc không có luật pháp.

 

Trong điều kiện xã hội lý tưởng, vua quan cai trị không cần luật pháp và ở trên một bậc cao hơn hẳn so với luật pháp, bởi luật pháp chỉ là một tay bạo chúa ngu dốt mà ‘không hoàn toàn hiểu được những gì cao quý nhất và chỉ dành cho đại trà, và do đó không thể thực thi những gì tốt nhất’. Sự khác biệt của từng người và hành động của họ, cũng như vô vàn những tình huống khó lường trong cuộc sống không tuân theo bất kỳ quy tắc phổ quát và đơn giản nào, và không có bàn tay thần diệu nào có thể đặt ra một quy tắc chung tồn tại mãi mãi.

 

Luật pháp chỉ là một tay bạo chúa ngu dốt không hoàn toàn hiểu được những gì cao quý nhất, và chỉ dành cho đại trà, do vậy không thể thực thi những gì tốt nhất.

 

Vậy thì còn làm ra luật pháp để làm gì? Như cách các huấn luyện viên thể hình có một quy tắc chung về chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp với thể trạng của số đông, nhà lập pháp cũng tương tự vậy. Họ phải tạo ra một khuôn khổ cho xã hội vì việc ngồi bên cạnh bảo ban dẫn dắt từng người một là không thể. Vì chỉ có rất ít người có thể thấu suốt được căn cơ luận lý của chính phủ, vậy nên nguyên tắc chung của chính trị là khẳng định quyền bất khả xâm phạm của luật pháp, và mặc dù không lý tưởng, những đây là điều tốt nhất có thể cho xã hội vốn không hoàn hảo của con người.

Nếu số đông muốn cai quản cả nghệ thuật và khoa học và muốn buộc tội bất cứ ai muốn làm xáo trộn hiện trạng, ‘nền nghệ thuật sẽ đi đến diệt vong và cuộc sống của con người, đã đủ tồi tệ rồi, sẽ trở nên hoàn toàn không thể chịu đựng được'. Tuy nhiên, mọi thứ thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nếu số đông chọn ra một kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại hăm hở muốn lợi dụng luật pháp lên nắm chính quyền. Nếu một hoặc một số người khác trong chính phủ muốn cố gắng cải thiện luật pháp, hắn ta sẽ hành động với tinh thần của nhà lập pháp, mà số các nhà lập pháp còn lại thì rất ít ỏi, và thiếu vắng số đông ủng hộ thay đổi như vậy thì điều lạc quan có thể xảy ra tiếp theo là luật pháp và các phong tục và truyền thống tiếp tục được duy trì như cũ.

Dân chủ là loại thể chế tốt nhất trong các chính phủ hợp pháp nhưng lại luôn luôn yếu đuối

Vậy thì, hình thức nào trong sáu hình thức của chính phủ ngoài chính phủ chân chính là đỡ tồi tệ nhất? Chính phủ chỉ một nguời cai trị là tốt nhất và cũng là tồi tệ nhất, chính phủ nằm trong tay một vài người thì bớt tốt hơn và bớt xấu hơn, và chính phủ do nhiều người nắm thì không tốt chút nào nhưng cũng ít tồi tệ nhất. Nói cách khác, dân chủ là thể chế tồi tệ nhất trong tất cả các chính phủ hợp pháp và tốt nhất trong tất cả các chính phủ vô pháp, là loại chính phủ ‘luôn luôn yếu đuối và không thể làm bất kỳ điều vĩ đại nào, cả tốt lẫn xấu’. Những người cai trị ở cả sáu loại nhà nước, trừ khi họ khôn ngoan, chỉ là những người duy trì hình ảnh, và không hơn là mấy so với những tên bắt chước và ngụy biện.

Thế thì Plato sẽ nói gì khi thấy nền dân chủ hiện nay? Có lẽ luật pháp của các nền dân chủ hiện nay nên đảm bảo các biện pháp bảo vệ, hoặc đưa nhà nước trở lại chế độ quý tộc thực thụ để ngăn chặn sự trỗi dậy tiềm tàng của một kẻ bạo chúa vào lúc bất kỳ nào đó trong tương lai.

Chúng ta cần phải có thêm những nhà lập pháp ngay lập tức!

Theo Psychology Today

Thảo Tâm (biên dịch)

Tags: